NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN THỌ NÓI GÌ VỀ TẾT TÂY - TẾT TA?!
Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017
TẾT TA LÀ MỘT NGHI LỄ RẤT TRỌNG
|
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ |
Lại thêm một lần nữa thiên hạ đang nôn nao bàn về Tây và ta, theo ai ăn Tết.
Nếu coi Tết chỉ là thời gian nghỉ ngơi, xả tress thì việc bỏ cái Tết ta hòa nhập theo Tây, thì xem như ý lý của mấy ông trẻ bà trẻ là đúng, vì nó tiết kiệm thời gian sản xuất, đỡ nhiêu khê phiền hà... Lại tuồng như văn minh hiện đại, ở cái gọi là hòa nhập thế giới văn minh.
Phương Tây nó có cái lý của phương Tây, còn phương Đông có cái lý của phương Đông.
Phong tục ăn tết âm lịch, còn gọi là ăn Tết Nguyên đán của người phương Đông và người Việt không chỉ coi Tết là thời gian nghỉ ngơi, không chỉ là nghênh tân tống cựu, mà nó còn mang cả theo trong nó một ý nghĩa rất lớn, sâu sắc về tâm linh và triết lý phương Đông.
Cái sự duy lý thực dụng của người Tây xem ra không có điều đó, họ không có cái truyền thống ân nghĩa chọn Thời khắc Trọng của con người lao động với thiên nhiên hay đấng tối cao và tổ tiên sau 1 năm làm việc. Mọi nghi lễ ấy dồn vào ngày Giáng Sinh.
Người phương Đông sau 1 năm, thất bát hay thắng lợi đều nhớ tới thiên nhiên, thượng đế hay tổ tiên. Mà theo triết lý phương Đông, thời gian Tết diễn ra ở Âm lịch là linh thiêng quan trọng nhất.
Cha tôi một trí thức am tường nhiều vấn đề cả Tây và ta, thường dạy dỗ chúng tôi, ông nói, theo triết học phương Đông, đêm Ba mươi trừ tịch là khi trời và đất giao hòa để sinh ra vạn vật. Lúc giao thừa là điểm thời gian rất Trọng.
Theo quan niệm phương Đông giờ Tí của mỗi ngày là rất quan trọng. Con người có thể giao lưu với vũ trụ. Nên các thầy tu, đạo sỹ cao tăng trên dãy Hymalaia thường nhập thiền vào thời khắc này để chủ động nhận năng lượng vũ trụ. Một số tu sỹ đạo Hồi cũng có nghi thức tương tự. Người trần, ai không ngủ yên ở thời gian này, thức làm việc qua khắc Tí thì cơ thể yếu kém. (các cô gái lầu xanh thường thức trắng đêm mỏi mòn có tô son trát phấn, ngủ cả ngày bù, da dẻ cũng vẫn bạc phếch) Nếu ai ngủ sâu ở thời gian giờ Tí con người ta bị động (thụ động) nhận năng lượng từ vũ trụ, sẽ rất nhanh hồi phục sức khỏe. Nhiều trí thức và thầy tu làm việc cả 18 giờ/ngày, song rất trọng giờ Tí ngủ sâu đều khỏe mạnh.
Giờ Tí ngày thường quan trọng thế, nhưng giờ Tí ở Giao thừa quan trọng cả ngàn lần.
Do nhận thức như thế, người Việt nói riêng và phương Đông coi đây là khi thiêng liêng có thể giao hòa, nói chuyện với thiên nhiên (đấng tối cao-Trời Đất, ma quỷ, thần thánh) và, việc cúng bái trở nên thần diệu. Đó là sự tin của người có Đức tin.
Cũng ý thức như vậy, trong thời gian giao năm, có nhiều tục như cúng ông Công ông Táo và nhiều lễ lạt khác như cúng mồng Một, như cúng rằm tháng Giêng, cũng là sự “thức“ để báo cáo, hàm ơn trời đất ông bà ông vải cầu mong mọi sự tốt lành sao cho linh diệu nhất. Và, tất cả những điều ấy đều hàm chứa một ý lý nhân văn, tâm linh trong truyền thống văn hóa lâu đời của Người Việt. Đó là sự hàm ơn trọng nghĩa với thiên nhiên, tổ tiên và bè bạn (thăm hỏi mừng tuổi v.v...) trong Thời Khắc trọng. Cứ quan sát mâm cỗ ngày Tết, mâm ngũ quả ngày Tết suy ngẫm cho kỹ thì thấy sự này biểu hiện ở một đất nước nông nghiệp rất rõ.
Nhưng ý lý như thế, người ta còn nhiều phong tục rất đẹp ví như tắm gội sạch sẽ với hương liệu thiên nhiên (gội đầu hương nhu lá xả hạt mùi) cho cả thể xác và tâm hồn sạch sẽ, thanh tịnh trước những nghi lễ ở Tết. Ấy là chưa kể ở tục Tết có tính nghi lễ này cha mẹ hay nhủ con cái không được ăn nói lỗ mãng, tục tĩu, gia đình không được giận dữ, mọi quan hệ với xóm giềng phải giữ êm ấm, tha thứ, không gây sự, cho mọi sự hanh thông trong Nghi lễ cả Thời Gian Tết.
Và, như thế Tết của phương Đông với cả người Việt vốn thực sự không chỉ là có ý nghĩa là sự nghỉ ngơi, mà được coi như Một Nghi Lễ trân trọng và thiêng liêng. Những điều như thế vừa đầy Tính người, vừa có bản sắc nhân văn trân trọng của Người Việt.
Do thế nếu nhận thức đầy đủ và sâu sắc thì cái Tết ta thực cần và đủ để giữ lại một Nghi thức trong sự nghỉ ngơi giao năm của người ta.
Lại nói thêm về ý nghĩa kinh tế và thực dụng. Khoa học lí thuyết kinh tế chỉ rõ ra rằng, kinh tế muốn phát triển phải thúc đẩy tiêu dùng. Tết Nguyên Đán thúc đẩy hơn bất cứ thời gian nào trong năm về việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất cả công và nông nghiệp. Đặc biệt là ở VN, một nước vẫn nông nghiệp là chính thì thời gian Tết thúc đẩy lớn lao cho kinh tế quốc gia. Vậy có nên không, nếu lí luận, vì sản xuất mà bỏ cái tết Ta với bao chi phí cần và đủ cho 7 ngày Lễ Trọng tính từ ngày ông Công ông Táo.
Những vấn đề thuộc về phong hóa dân tộc, với ý lý sâu sắc và nhân văn, nên hiểu biết thấu đáo và sâu sắc, thì mới làm cho xã hội tốt đẹp được, còn hời hợt theo Tây vô ý thức thì chỉ làm mất dần đi cái bản sắc đặc sắc Thuần Việt mà du khách thế giới tò mò quan tâm cần gìn giữ mà thôi. Tất nhiên nhiều hủ tục phải loại bỏ, còn đức tin mà cũng không gìn giữ, phong hóa lâu bền mà không trân quý nâng niu, thì xã hội chỉ tha hóa để mông muội mà thôi.
Nguồn: fb nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Tags:
Thời sự Văn nghệ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét