TẤT NIÊN XÓM - Tạp bút Phạm Thị Mỹ Liên
Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017
Mấy năm về làm dâu nhưng chưa năm nào tôi dự được tất niên của xóm cả. Lúc bận công việc của cơ quan, lúc chăm con dại. Năm nay “Tất niên xóm” được tổ chức vào chủ nhật nên tôi được tham gia từ lúc bắt đầu đến lúc tàn cuộc.
Mới bốn giờ sáng thôi đã thấy chồng lục đục dậy rồi. Mắt nhắm mắt mở “Còn sớm mà anh đâu rứa?”. “Anh đi chở thịt, người ta làm sớm nên mình tranh thủ, mọi người điện thoại bây giờ.” Anh vừa dứt lời thì chuông điện thoại reo. Anh tất bật dắt xe ra khỏi nhà cũng không quên dặn “Lát nữa cho con ăn uống xong, em qua làm với ban bếp cho vui nghe.”
Tất niên thì dòng tộc, gia đình nào cuối năm cũng làm mâm cơm thịnh soạn với ý niệm tống tiễn năm cũ, cung nghinh năm mới. Mâm cơm trước bố cáo với tổ tiên, sau đó con cháu quây quần lại để đón chào những may mắn trong năm mới. Thế nhưng “Tất niên xóm” lại được đón nhận như một nét đẹp văn hóa trong những năm gần đây mỗi dịp tết đến xuân về.
Chỉ còn vài ngày nữa thôi xuân Đinh Dậu đã về. Mọi người ai cũng tất bật tranh thủ thời gian dọn dẹp nhà cửa, quét dọn đường phố ngõ làng thật sạch sẽ, tinh tươm. Nhưng chỉ trong chốc lát đã tập trung đông đủ, phân công mỗi người một việc. Các chị đi chợ theo thực đơn đã lên sẵn. Các anh thanh niên đếm bàn ghế, chén bát người ta mới vừa chở tới. Các cụ thì đi qua đi lại nhắc nhở đầy đủ lễ để cúng ở ngã ba xóm. Không khí tết như tràn về ở muôn nơi.
Thời gian bước qua buổi chiều làm không khí náo nức hẳn ra. Các em nhỏ chạy ra chạy vào, chúng khuấy động cả một góc xóm nhỏ. Các chị bắt đầu chế biến món ăn, nhặt nhạnh rau để rửa cho sạch, để ráo. Các anh chặt gà, chặt thịt quay. Các chàng trai thì sắp ra dĩa. Các cụ ngồi uống trà, trò chuyện vui vẻ, âu yếm nhìn đàn cháu đang vui đùa trước sân. Loáng cái mâm cỗ đã đầy đủ. Ba bàn được đặt ở ngã ba xóm. Chiêng trống đã nổi lên. Các cụ, các bác, các anh tề tựu quanh đấy để chuẩn bị cho cúng xóm. Tiếng khấn vái rì rầm cầu mong đất nước yên vui, xóm làng đoàn kết, nhà nhà hạnh phúc, phát tài phát lộc.
Vui nhất là khi hai mươi ba mâm cỗ được dọn ra. Ưu tiên các vị tiền bối trước, rồi đến lượt bọn trẻ, không biết chuyện gì mà chúng tíu tít đến khi ngồi vào bàn vẫn rôm rả không thôi. Các anh, các chị ngồi sau vừa quan sát để phục vụ kịp thời. Không chỉ vậy mà còn có cả dàn nhạc để những ca sĩ “cây nhà lá vườn” phô diễn tài năng. Không ngờ xóm mình toàn ca sĩ không, hát hay ra phét. Tiếng cười nói, tiếng nhạc hòa cùng làm lòng người ngây ngất. Ông xã hôm nay còn làm MC nữa chứ! Một sự ngạc nhiên không hề nhỏ! Các con tròn mắt nhìn ba như không thể tin nổi.
Vài người con đi làm ăn xa, dịp này như để trải lòng mình cho những cái tết xa nhà. Nghe lời tâm sự ấy lòng người lại như dấy lên một nỗi niềm. Hạnh phúc nào bằng khi đón tết cùng gia đình. Nhìn không gian, không khí lòng lâng lâng dạt dào cảm xúc. Lắng đọng vài phút không khí lại sôi động trở lại. Có nhiều chàng thường ngày nhút nhát, thế mà vài ly “nghĩa, tình” lại mạnh dạn lên góp vui chương trình. Có hơi cay vào chuyện bày tỏ nỗi lòng của mình, câu chuyện tình cảm láng giềng cũng dễ giãi bày hơn. Bọn nhóc ăn no rồi tiếp tục cuộc vui lúc chiều dang dở. Các cụ đã về nghỉ ngơi nhưng không quên dặn “Uống ít nhá, mai còn công chuyện khác nữa.” Các chị cũng đã dọn dẹp bàn đã dùng xong, vừa rửa vừa trò chuyện vui vẻ. Các anh thì cứ “nâng lên, hạ xuống” đều đều.
Mọi khoảng cách dường như bị xóa nhòa. Chứng kiến cảnh này tôi mới thấy con người thật gần gũi biết bao, tình làng nghĩa xóm càng đáng trân trọng hơn. Những tưởng đầu tắt mặt tối với công việc, bon chen mưu sinh, đôi khi còn hiềm khích nhau con người thờ ơ, quay lưng với nhau, lạnh lùng với nhau. Nhưng không, tôi vừa làm vừa quan sát mới thấm thía câu ông bà mình để lại ngày xưa: tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau hay bán anh em xa mua láng giềng gần. Đạo lí này muôn đời không thay đổi và chiêm nghiệm ra một điều lời dạy xưa không bao giờ cũ. Một nét đẹp văn hóa cần phát huy và gìn giữ để tình làng nghĩa xóm thêm đẹp, bền chặt hơn. Tết đến xuân về, tôi cũng cầu chúc mọi điều tốt đẹp đến với mọi người.
P.T.M.L
Tags:
Phạm Thị Mỹ Liên,
TẠP BÚT,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét