ÁNG MÂY XANH BAY QUA THÀNH PHỐ - Truyện ngắn Sơn Trần
Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017
Sơn Trần
Thành về. Hơn 12 giờ. Tôi biết chính xác điều này khi kín đáo liếc nhìn màn hình điện thoại ném ở góc giường. Đêm nào cũng vậy, rất nhẹ nhàng, nó tụt giày xách tay, lách cửa vào phòng. Lúc này, Duy và Ninh đã buông mùng, chỉ còn tôi cố ngồi trông viết cho xong đoạn cuối cái truyện ngắn để kịp mai gởi báo. Thức khuya thế? Có gì mới đọc nghe đi! Thành giả lả khi biết tôi còn thức. Tôi ló đầu ra, thoái thác: Đâu có, viết thư xin tiền thôi! Nhắc đến tiền, hình như đối với sinh viên bọn tôi bao giờ cũng có hiệu ứng tức thời. Thành cười như mếu. Ừ, tao cũng sắp hết tiền rồi. Nói xong, Thành leo lên giường. Trông mặt nó buồn buồn làm sao ấy…
Phòng có bốn thằng con trai năm thứ hai, tuổi sàn sàn nhau. Đều dân tỉnh lẻ vô thành phố học đại học. Bốn đứa không cùng quê. Chúng tôi gặp nhau ở bến xe, lúc xe vừa đỗ bến. Ở chốn lạ người đông trời lại sắp tối, đứa nào cũng lo lắng đành líu ríu theo chân gã xe ôm về căn nhà trọ tồi tàn nằm trong con hẻm sâu ngoằn ngoèo này. Thoắt cái gần hết hai năm, chúng tôi dần thích nghi với cuộc sống xa nhà nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn, cuối tháng thường trực nỗi lo ngay ngáy, hết tiền. Tôi biết nhà đứa nào cũng nghèo, để con được bước chân vào giảng đường là cố gắng lớn của các bậc phụ huynh. Bố mẹ tôi cũng thế. Tôi là người duy nhất của dòng họ tính đến thời điểm này được vào đại học. Đi liền sau niềm vui, niềm tự hào là nỗi lo như màn sương phủ lên đôi mắt thâm quầng, trũng sâu của bố mẹ. Nhà nghèo, mẹ lại hay đau ốm. Miếng ăn cho cả gia đình đều trông vào vài sào ruộng và mảnh vườn chuyên trồng sắn. Mà thời tiết miền Trung quê tôi thất thường mưa nắng, có năm sắp vào vụ gặt, bão lũ tràn về, mất trắng. Chị tôi phải chạy chợ và đứa em gái mới lớn đành bỏ học theo bạn bè đi may. Tôi may mắn hơn vì là con trai, phải học hành đỗ đạt mở mặt mở mày cho gia đình, dòng họ. Cũng chính sứ mệnh thiêng liêng, nặng nề này, bố mẹ quyết định bán đi nửa mảnh vườn để tôi có tiền nhập học. Khi biết điều này, tôi đã khóc, định buông xuôi trở về. Bạn bè động viên, an ủi, tôi dần nguôi ngoai và lao đầu vào học.
Cũng như hầu hết sinh viên tỉnh lẻ xa nhà, chúng tôi đều đi làm thêm. Duy phục vụ bán thời gian cho một quán cà phê vườn. Ninh phụ bán hàng trái buổi học. Tôi thì khá hơn, dạy kèm Anh văn và tập tành sáng tác thơ truyện gởi báo. Còn Thành thì chịu. Nó làm gì không đứa nào biết. Chỉ thấy nó đi về thất thường, có hôm đang học bài nghe ai đó điện là đi. Có bữa nó ở đâu đó qua đêm, hôm sau mới mò về, ngủ mê mệt. Hỏi, nó chỉ ậm ừ, lảng tránh. Riết rồi cũng quen, không ai đá động gì nữa. Như tối nay về, nó lẳng lặng và tôi biết Duy và Ninh đều còn thức nhưng hai đứa không lên tiếng. Dẫu vậy, trong thâm tâm ai cũng mong Thành làm những việc đàng hoàng, lương thiện.
*
Quán nằm sâu trong con hẻm rộng, không gian đẹp, thoáng mát lại sát bờ sông nên rất đông khách, nhiều khách sang. Nhìn những hàng xe đời mới, đắt tiền, dựng san sát, có cả xe con, thằng Duy huých tay, ngần ngại: Thôi, đứng ngoài cũng được... Thằng Ninh trố nhìn. Chẳng lẽ đã đến đây mà đứng ngoài nhìn thì làm sao biết được. Tôi giục:Vô đi, coi chừng nó thấy bây giờ. Dứt lời, tôi mạnh dạn bước. Duy và Ninh khép nép theo sau. Chọn bàn tít trong cùng, dưới tán cây mận vào mùa đơm bông trắng xoá. Ngồi đấy có thể bao quát xung quanh. Tôi đang loay hoay với menu mà cô bé phục vụ mang tới thì Ninh ghé sát vào tai: Nhìn kìa! Cả ba đồng loạt nhìn theo hướng chỉ của Ninh. Ở bàn mé trái quán, cạnh lối xuống bến sông, Thành đang ngồi với một người đàn ông khoảng chừng bốn mươi. Trông ông ta có vẻ giàu có qua bộ trang phục cùng mái tóc chải chuốt. Thành ngồi quay lưng phía chúng tôi. Nhìn điệu bộ và nét mặt người đàn ông, chúng tôi nhận định họ đang trao đổi một công việc gì đó liên quan đến tiền. Người đàn ông rút một xấp tiền đẩy về phía Thành, nó lắc đầu, lúng túng bưng lấy ly nước cam uống dở. Người đàn ông nài nỉ, vẻ căng thẳng lộ rõ, đôi môi như mím lại. Thành bỗng đứng dậy hướng về phòng vệ sinh. Chúng tôi lập tức quay về chỗ cũ, yên vị ngay ngắn. Bất ngờ, ba cặp mắt chạm nhau, những ánh nhìn khó hiểu giao cùng một điểm. Tôi lắc đầu. Ninh lắc đầu. Và Duy cũng vậy. Lúc này, ở bàn kia, người đàn ông cúi mặt, tay bóp cằm ra điều suy nghĩ. Rồi ông lấy điện thoại gọi cho ai đó. Gịong buồn bã: Chưa xong, có thể là khó. Nó không như mấy đứa trước đâu. Ừ, để tính lại đã. Trưa nay, dẫn nó đi sắm vài bộ cho tươm tất. Mà mọi việc vẫn tốt chứ? Thôi, cúp máy đây! Thành đã đứng trước mặt khi người đàn ông vừa nhét điện thoại vào túi quần. Ông nhìn Thành cười thân thiện. Họ nói với nhau mấy câu rồi rời khỏi quán. Chiếc xe màu đen bóng lộn từ từ chuyển bánh kéo theo sự ngạc nhiên đến nghi ngờ của ba đứa tôi.
Tao đoán không sai mà. Cháy nhà ra mặt chuột. Nó đang làm một việc phi pháp hay ít ra cũng là... Duy tức giận chì chiết. Tôi thì không nghĩ vậy. Tính Thành trầm, ít nói nhưng sống rất chỉn chu, quan tâm đến mọi người. Là người nội tâm, Thành ít khi tâm sự với ai, cả chuyện bố nó ở quê bị tai nạn nó cũng giấu mọi người. Trong mấy đứa cùng phòng, Thành thân với tôi nhất. Nó hay kéo tôi ra quán nước đầu hẻm, chuyện của nó với tôi bao giờ cũng là cố gắng học tốt, ra trường có việc làm ổn định, mà phải ở lại thành phố, chứ về quê ngành học của nó không phù hợp lắm. Vò nát chiếc lá mận vừa rơi xuống chạm tay, mùi hăng nồng như thể đánh thức, khiến tôi cất lời: Mày đừng nói vậy. Nếu sự thật không phải thế thì có tội với nó. Tao… Không để tôi hết lời, Ninh bồi thêm, ôn tồn hơn: Nhưng dù sao sự giấu giếm của nó cũng khiến cho mình ngờ vực. Bạn bè cùng phòng nhưng nó đã làm mình mất lòng tin. Tôi lắc đầu, đuối lý. Hai đứa nói nhiều lắm, điều ấy khiến tôi phải lục tung trí nhớ để xâu chuỗi những điều mà Thành từng nói với tôi về những chật vật, mưu sinh ở chốn phố phường đông đúc, đầy cảm bẫy này. Tôi nhớ có lần Thành hỏi: Nếu có một công việc ít ngưòi làm, đặc biệt là con trai, thì mày chịu làm không? Lúc nghe nó nói, tôi đã lờ mờ nghĩ đến những người phụ nữ cô đơn ngay trong sự tiện nghi, thừa mứa bạc tiền mà báo chí nói đến gần đây, cả những thanh niên thích đua đòi chưng diện đã đánh mất mình trong những cuộc tình không trong sáng. Như đọc được suy nghĩ của tôi, Thành cười, mặt dần đỏ lên: Đừng đen tối thế! Tôi cảm thấy xấu hổ khi đã để suy nghĩ của mình đi quá xa nên ngồi im. Kể từ đó, Thành ít tâm sự với tôi.
*
Thành lại đi. Người đàn ông hôm nọ đợi nó đầu hẻm. Lúc này Duy chưa về, chỉ có tôi và Ninh. Thành khoác túi lên vai, quay lại: Có lẽ tối nay tao không về, đừng đợi cửa. Tôi ừ, theo nó ra ngõ với mục đích nhìn rõ mặt người đàn ông. Nhưng ông ta không ra khỏi xe, chỉ đẩy cửa đủ cho Thành bước vào.
Ninh lôi từ trong cặp tờ báo rồi ném về phía tôi. Cái gì thế? Tôi hỏi, nghĩ đến bài thơ của mình nằm trong đó. Không phải, đây là tờ báo của ngành công an. Thấy tôi còn chần chừ, Ninh giật phắt và mở ra, rất nhanh. Một câu chuyện về người đồng tính đập vào mắt tôi. Tôi à lên khi vỡ lẽ, thì ra cả Ninh và Duy đang nghĩ đến cái điều tệ hại nhưng rất tế nhị là Thành đang có quan hệ với người đàn ông nọ. Thực tình, có lúc tôi cũng nghĩ như hai đứa nhưng rồi chính những lần tâm sự trước đây của Thành khiến tôi gạt đi. Thành đã có người yêu, cô bạn học cùng lớp từ hồi còn ở quê. Hiện giờ đang học cao đẳng. Hai người thường gọi điện cho nhau, cuối tuần Thành hay lò dò ra quán nét, chát cùng người yêu. Với lại trong suốt thời gian ở chung, tôi chưa thấy ở Thành những biểu hiện bất thường liên quan đến giới tính. Nhưng tại sao Thành không thể nói với chúng tôi về công việc của mình nếu như công việc đấy là lương thiện? Cũng có thể Duy và Ninh nói đúng. Vì tiền con người ta có thể hành động thiếu suy nghĩ. Cũng có thể Thành đang đánh đổi, đang đánh mất mình cho mối quan hệ đầy mắc mứu này… Nếu thật như thế thì… Tôi không dám nghĩ nữa, ngước nhìn Ninh. Lúc này nó đang đứng bên cửa sổ nhìn vơ vẩn ra đường. Chắc nó cũng suy nghĩ nhiều lắm mới quyết định thông qua bài báo để ngầm nhắc tôi về Thành.
Uả, cơm nước gì chưa mà đứng thần mặt như đưa đám thế! Duy ào vô phòng, liếng thoắng, trông nó vui lắm, chắc hôm nay nhận lương đây. Tôi ơ hờ nhìn nó. Còn Ninh lúc này đã leo lên giường kéo chăn trùm kín đầu. Gì nữa đây? Duy ngạc nhiên. Tôi không nói gì chỉ đẩy tờ báo về phía nó. Duy cầm lấy chăm chú đọc, không nói gì, vẻ mặt bần thần trông tội nghiêp. Mày thấy sao, liệu thằng Thành có rơi vào trường hợp này không? Tôi hỏi nhằm phá vỡ sự im lặng đang bao trùm, ngột ngạt. Duy lắc đầu: Tao cũng không biết nữa? Nghĩ đến nó, thấy mỏi mệt quá! Duy vừa dứt lời thì Ninh cũng tung chăn ngồi dậy vẻ tức giận: Tao cũng không chịu được nữa, sẽ dọn đi chỗ khác thôi. Tôi trấn an Ninh, dù biết là mình cũng không thể làm hạ được cơn giận của nó: Đừng vội vã thế, chỉ là suy đoán thôi mà, để tao trực tiếp nói chuyện với nó. Ninh xẳng giọng: Ừ, mày muốn làm gì cứ việc, bọn tao không muốn dây vào. Ai có thân người ấy giữ. Ninh gay gắt, muốn kéo Duy cùng quan điểm với mình. Nó còn nói, hôm trước nó trông thấy hai người dắt vô cửa hàng xe máy nữa. Một kẻ vì tiền thực dụng như Thành không nên là bạn. Đến nước này tôi chỉ biết làm thinh và đi dọn chén. Hai đứa vẫn còn hậm hực, quạu quọ nhìn theo.
*
Đến ngày thứ hai Thành vẫn chưa về.Tôi đâm sốt ruột, gọi điện nhưng chỉ nhận tiếng tút dài đáp lại. Ninh thì vô kí túc xá chơi với bạn từ hôm qua. Mấy bữa nay thi học kì xong nên Duy làm thêm buổi sáng, có khi ở luôn tại quán. Mà nếu có hai đứa lúc này chắc cũng không giải quyết được gì. Mọi cố gắng để tìm hiểu Thành bị chính sự im lặng đến khó hiểu của nó phản lại. Buồn bã, mệt mỏi tôi định leo lên giường đánh một giấc thì điện thoại báo có cuộc gọi đến. Giọng đàn ông ấm, gọn vang lên: Em là bạn của Thành phải không? Hãy đến bệnh viện thành phố. Đêm qua Thành bị tai nạn, nặng lắm. Tôi chưa kip hỏi lại thì người đàn ông đã cúp máy. Tim tôi đập loạn xạ, cứ quanh quẩn mãi trong phòng như người mất phương hướng. Một lát sau, định thần lại, tôi gọi cho Ninh và Duy.
Thành nằm thiêm thiếp trên chiếc giường trải grap trắng xoá, mùi ete thoang thoảng. Cô y tá vừa thay băng xong, lui ra miệng càu nhàu điều gì đó. Chúng tôi đứng yên không cất nổi lời. Phía đuôi giường người đàn ông cũng đang khoanh tay, hình như ông đã khóc. Không khí trong phòng trở nên u uất, khó thở. Nhìn Ninh và Duy, tôi đoán biết hai đứa cũng đang muốn nói một điều gì đó nhưng mở lời sao khó khăn quá. Tôi vội vàng bước ra ngoài, hòng xua tan cơn xúc động đang dâng lên bóp nghẹt cổ họng. Người đàn ông bước theo. Duy và Ninh cũng quày quả theo ra, mắt đứa nào cũng đỏ.
Mấy em ngồi xuống đây, tôi có chuyện muốn nói. Người đàn ông cất lời. Cơn xúc động tựa hồ đang kéo đến làm giọng ông ướt sũng, run run. Và ông đã nói về Thành, về công việc Thành làm suốt mấy tháng nay. Ông là Việt kiều mới về nước vài năm nay vì mẹ ông đã già yếu lại hơi đãng trí. Ông cần người chăm sóc mẹ một cách chu đáo. Ông đã gặp nhiều người nhưng không ai trụ được đến tuần thứ hai. Bởi mẹ ông khó tính, già mà, hơn nữa việc chăm sóc người già cũng nhiêu khê, khó nói… Chỉ có Thành là mẹ ông ưa. Nó là đứa chịu khó và giàu lòng tự trọng. Tiền thì ông không thiếu, chỉ cần mẹ ông hưởng tuổi già yên ổn. Nhiều lúc, đi làm suốt ngày về nhà thấy cơm canh tươm tất, mẹ già vui vẻ, ông muốn thêm tiền cho Thành, nó đều thoái thác. Nó nói chỉ nhận số tiền đúng trong hợp đồng mà thôi… Ông còn nói nhiều nhưng lúc này cả Ninh và Duy không còn tâm trí để nghe nữa. Hai đứa quay mặt đi,vụng về lau nước mắt. Những giọt nước mắt thương cảm hay ân hận vì đã nghĩ sai bạn mình? Tôi không biết nhưng tôi thấy ý nghĩa vô cùng. Bởi nó được chắt ra từ trái tim bè bạn, biết sẻ chia, đồng cảm.
Đêm qua, người đàn ông tiếp tục nói, mẹ tôi thèm ăn cháo cá, nằng nặc đòi mua bằng được. Thành có điện cho tôi, lúc này tôi đang bận tiếp đối tác ở nhà hàng, khó về đươc. Tôi bảo Thành lấy xe máy mà đi cho nhanh, chiếc xe tôi mua cho Thành nhưng Thành từ chối, vẫn để góc nhà. Vì chưa quen lại lúc đường cái đông đúc nên… Người đàn ông đưa tay quệt mắt, lắc đầu vẻ ân hận. Tôi nắm chặt tay ông định an ủi một lời thì tiếng cô y tá gọi, Thành đã tỉnh, mở mắt. Chúng tôi ùa vào. Thành hấp háy mắt, lộ vẻ ngạc nhiên. Người đàn ông mừng quá, rút điện thoại gọi về nhà. Cả tôi, Duy, Ninh đồng loạt nắm lấy tay Thành. Một dòng nước mắt nóng hổi từ từ lăn trên má nó. Lần đầu tiên tôi thấy Thành khóc. Ngoài ô cửa kính, những đám mây màu ngọc bích lặng lẽ, bình thản lướt qua thành phố ồn ào, náo nhiệt.
S.T
Tags:
Sơn Trần,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét