CUỘC TÌNH NGHIỆT NGÃ (Chương 10) - Tiểu thuyết Nguyễn Khoa Đăng
Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Chủ nhật. Cơ quan báo Đồng quê đóng cửa vắng tanh vắng ngắt. Trên mảnh vườn bỏ hoang trước nhà, những vạt cỏ mọc xanh rì, tươi tốt. Lác đác, chen trong đám cỏ là những bông hoa mười giờ, nở đỏ rực, chúng như nụ cười của những cô gái hiền lành bị lạc vào đám đông con trai tinh nghịch. Bốn năm con dê ở ngoài nhảy vào ăn có chán chê rồi quay ra leo lên nằm nghỉ ở trên thềm cao của một ngôi nhà bừa bộn lá cây khô và những cục phân tròn tròn đen bóng như những viên thuốc hoàn tán.
Hào nhìn quang cảnh cơ quan mà chán ngán. Chả biết ở đâu người ta có những dự định lớn lao, những đổi mới mạnh mẽ chứ ở đây, ở cái mảnh sân nhỏ nhoi này thì đúng là nó vẫn còn y nguyên ở tình trạng "quan liêu bao cấp”.
Hào dựa xe đạp vào gốc cây phượng rồi đứng chống hai tay vào mạng sườn nhìn bao quát dãy nhà của tòa soạn. Như vậy là chỉ có một phòng lúc này còn có người ở nhà. Đó là phòng ở trên lầu của ông Văn Hữu.
- Anh Hào!
Một thanh niên từ sau nhà chạy ra. Cậu ta nắm lấy tay Hào:
- Anh Hào mới về tới đây hả? Anh có nhận ra em không? Nào, thử đoán xem?
Hào ngắm anh này từ đầu tới chân. Cậu này ở đâu ta? À, anh nhớ ra rồi. Nó là phóng viên của đài truyền thanh huyện Bình Đào mà anh đã gặp một vài lần vào những dịp có công việc xuống huyện. Nhưng mà sao da dẻ anh ta lại xanh bủng như tàu lá úa thế này? Hào nói luôn:
- Tôi còn lạ gì ông nữa. Ông là phóng viên của huyện Bình Đào. À, mà mới từ bệnh viện ra đó hả?
Anh phóng viên cười rũ ra:
- Thế mà bảo không còn lạ gì về em! Em vừa ở tù ra đó. Anh không biết sao? Hai năm bốn tháng mười ngày.
Đến đây thì Hào chẳng cần hỏi vì sao nữa vì cái chuyện “Kinh thiên động địa” của cậu này ở đây ai mà chẳng biết.
Cách đây hơn ba năm, huyện Bình Đào bỗng dấy lên một phong trào quyết tâm đuổi và vượt một điển hình tiên tiến trong nông nghiệp. Đó là tập đoàn sản xuất số 2 xã Bình Đông của huyện. Khắp nơi trong huyện người ta tổ chức học tập điển hình này. Ông tập đoàn trưởng được đi khắp nơi báo cáo. Người ta nhìn ông bằng con mắt kính phục, nể nang và dự đoán ông sẽ được phong chiến sĩ thi đua trong thời gian tới…
Tất cả những điều ấy đều sẽ trở thành hiện thực nếu không có xuất hiện trên đài truyền thanh huyện một bài báo của anh phóng viên bình thường: Mạc Vận, tức là anh nhà báo đang đứng trước mặt Hào lúc này. Bài báo nhỏ của Mạc Vận đã lật ngược lại hoàn toàn mọi vấn đề mà lâu nay người ta truyền tụng, ca ngợi. Cứ theo bài báo thì những số liệu mà tập đoàn sản xuất Bình Đông đưa ra chỉ là những con số ma. Đại để là lâu nay, ỷ vào các tài viết báo cáo, vào cái khả năng giỏi ngoai giao, vào cái hoàn cảnh ở một vùng xa xôi hẻo lánh ít người ngó ngàng tới, và ỷ vào một số cán bộ quan liêu, chuyên chỉ đạo công việc bằng điện thoại, ông tập đoàn trưởng đã đánh lừa được rất nhiều người. Nhưng họ không lừa nổi mấy anh em nhà báo, trong đó có ông Đài trưởng, người đã dám chịu trách nhiệm cho truyền thanh bài báo này.
Thế là, giống như người chọc vào tổ ong vò vẽ, Mạc Vận và Đài truyền thanh bị một trận đánh tơi tả. Người ta quy cho Mạc Vận là kẻ chọc gậy bánh xe, phá hoại phong trào hợp tác nông nghiệp, là “nhân văn giai phẩm” lọt vào hàng ngũ thông tin báo chí huyện nhà. (Khốn nỗi, trong số những người la lớn việc này nhiều người chưa một lần thấy mặt Nhân Văn. Vì lúc ấy họ chưa ra đời, hoặc chưa biết chữ hoặc ở vùng quá xa xôi nơi Nhân Văn tác oai tác quái). Người ta đòi phải thẩm tra lại lý lịch của Mạc Vận. Kết quả là một ngày sau đấy, ông Đài trưởng bị cách chức còn Mạc Vận thì đúng đến ngày… mạt vận! Một nhóm công an đến đài truyền thanh, đọc lệnh và chìa còng số 8 ra cho “Mạc Vận” xỏ tay vào.
Người ta không còn biết ông Mạc Vận này sẽ phải ngồi tù đến bao giờ nếu… không có cái việc ông tập đoàn trưởng kia sau đó đã và tù thay cho Mạc Vận. Ông ta vào tù vì toàn bộ sự man trá của ông đã bị phơi bày ra ánh sáng.
- Còn bây giờ thì lại được chuyển về đây công tác chứ?
Hào vỗ vai Vận. Vận gật đầu:
- Dạ. Mới về hơn một tháng nay, nhưng cũng chưa chắc đâu!
- Vì sao?
- Vì ông Năm Trắc muốn nhận em nhưng ông Tám Hữu lại ngại.
- Sao vậy?
- Em cũng chả biết nữa. một ông thì sợ đụng chạm với huyện Bình Đào… một ông thì do những thù oán riêng gì đó muốn làm cho bõ ghét… Thôi, đứng ngoài mãi làm chi cho mỏi chân, vào phòng em chơi đã!
Hai người vào nhà. Vận lấy thuốc lá mời Hào.
- Anh đi học về chắc có nhiều cái mới. Liệu có làm gì thay đổi được tờ báo của mình không?
Hào ngập ngừng:
- Nói chung báo chí bây giờ đang trên đường đổi mới đó, nhưng cũng không dễ đâu. Như chuyện của cậu vừa qua là một ví dụ. Tất nhiên ngày đó khác và bây giờ khác nhiều rồi.
Nhả khói thuốc, Vận trầm ngâm:
- Khác nhưng vẫn còn là khó, nhất là khi chưa có sự chuyển biến đồng bộ. Nghề làm nhà báo khó thiệt, cứ như là diễn viên đi trên dây thép ấy. Ngả bên này một chút cũng rớt mà nghiêng bên kia một tí teo cũng ngã kềnh! À, tôi lại vừa được nghe ở dưới huyện Châu Thành có một chuyện cũng khá chua xót. Chắc anh biết ông Bùi Lạc, cán bộ thông tin văn hóa huyện đó chứ. Ông ta vừa bị kỷ luật buộc về hưu non đấy.
Hào ngạc nhiên:
- Sao vậy?
- Cũng vì chuyện báo chí như tôi trước kia thôi. Nhưng có hơi ngược hơn tôi một chút. Tức là không phải ông ta phê phán như tôi mà trái lại còn nịnh nọt hết cỡ nữa kia.
- Nịnh mà cũng bị rầy?
- Thế mới khốn nạn chứ! Chả là cái tết vừa qua, cũng tại do cái ông Bùi Lạc ấy tham mưu để mà hứng chí thế nào huyện này lại bày đặt xuất bản tờ báo xuân. Trong tờ báo đó, ông chủ tịch thì làm thơ còn ông phó chủ tịch viết một bài theo kiểu xã luận. Khi làm ma-ket, sắp xếp bài vở trên dưới, trước sau, Bùi Lạc ta mới nghĩ ra thế này: Lý ra theo lẽ thường thì bài thơ phải đặt dưới bài xã luận mà không ai ngu gì lại đi để chức vụ của tác giả bên dưới bài thơ. Nhưng thôi, để vui vẻ cả, ta cứ đưa bài thơ của ông chủ tịch lên trên, rồi in luôn cả ảnh, cả chức danh của ông ta vào đó nữa. Còn bài thơ thì biết là nó dở ẹc đấy, thơ chẳng ra thơ, vè chẳng ra vè, kể ra thì phải sửa lại cho ông ta mới được, nhưng thôi, vạ gì, sửa chữa, ông ta lại bảo mình làm hỏng thơ của ông ta thì thật làm ơn nên oán, không khéo lại mang vạ vào thân, cho nên tốt nhất là cứ cho đăng nguyên văn là hơn cả.
Lạc ta nghĩ thế và cũng làm như thế. Ai ngờ khi báo ra Bùi Lạc liền bị mọi người lên án gay gắt. Người ta chê về ma-ket (thì đúng như ông Bùi Lạc nghĩ lúc đầu). Sau nữa người ta chê bài thơ của ông chủ tịch. “Thẩn chứ có phải thơ đâu” (thì cũng đúng như ý nghĩ thứ hai của ông Bùi Lạc).
Kết quả là Bùi Lạc bị gọi lên văn phòng để nghe ông chủ tịch phán:
- Với tờ bào này, đồng chí đã phạm hai khuyết điểm một lúc:
Một là: Đưa thơ lên trên xã luận làm cho bà con cho là đồng chí nịnh tôi.
Hai là: Đăng thơ tôi mà không biên tập, sửa chữa để bà con chê là thơ dở. Thế là đồng chí hạ nhục tôi, làm hại tôi. Đồng chí về làm kiểm điểm ngay hai việc này.
Kết quả là Bùi Lạc bị kỷ luật như tôi vừa nói.
Nghe xong câu chuyện, thấy buồn, Hào trầm ngâm nhận xét:
- Kể cũng khó thật. Nhưng chả lẽ cứ để cho nước chảy bèo trôi?
Mạc Vận sôi nổi hẳn lên:
- Đấy là em nói thế thôi, chứ bây giờ không thể buông xuôi được rồi. Một là xu thế bắt ta không được như thế. Hai là ta cũng không nên như thế. Tội gì ta không nắm lấy cái vũ khí sắc bén mà Đảng đã tin cậy giao cho ta để đấu tranh với mặt trái của cuộc sống hiện nay. Đảng cho ta nói thẳng, nói thật, cớ sao lại thoái thác, trốn tránh? Chắc anh cũng biết đó, hiện nay báo chí các nơi làm mạnh hơn ta nhiều rồi. Chả lẽ ta cứ giậm chân tại chỗ mãi.
- Còn tờ báo của chúng ta cậu thấy thế nào?
Mạc Vân thở dài:
- Anh hỏi thì tôi cũng xin nói thật. Còn ông Văn Hữu thì chưa đổi khác được đâu. Cái gì ông ấy cũng sợ hãi ấy mà!
Hút xong điếu thuốc Vận lại tiếp:
- Tôi hỏi câu này ông thử trả lời xem sao nhé! Theo anh báo ta hiện nay có bao nhiêu người đọc?
Hào tủm tỉm cười:
- Mình in ngàn số thì ít ra cũng có một ngàn người đọc.
Vận cười phá lên:
- Anh lầm to rồi! Lầm to rồi! Theo tôi, anh giơ hai ngón tay lên trời, có hai và chỉ có hai người đọc thôi. Đó là ông Văn Hữu, tổng biên tập và cô Xuân sửa mo-rát bên nhà in!
Hào lắc đầu:
- Cậu ăn nói độc địa quá. Đến chịu cậu. Chả trách là…
Hào không nói hết câu và Vận cũng không để anh nói hết.
Cậu ta đấm nhẹ tay vào lưng Hào để chuyển hướng câu chuyện:
- Vừa qua anh không về mà dự cuộc họp tổng kết báo cáo nhà. Thật là vui. Nhiều người phát biểu hay lắm nghe. Một ông ở công ty ăn uống đứng lên nói công khai rằng: Mỗi khi chặt thịt gà luộc (chả ông này là người Bắc, thịt gà hay luộc lên rồi chặt từng miếng thật to chấm với muối tiêu chanh ớt và cả lá chanh nữa) tôi bảo vợ tôi kiếm cho tờ báo để lót lên mặt thớt thì y rằng lần nào vợ tôi cũng đem ra tờ báo của các đồng chí, trong khi ở nhà tôi có đến hàng chục loại báo”. Lại một ông khác ở hải sản phát biểu: “Tại sao tôi ra đặt báo ngoài bưu điện người ta cứ bắt tôi muốn mua một tờ báo khác thì phải kèm thêm một tờ báo của các đồng chí, giống hệt như đi mua bia hơi kèm theo dĩa bò xào lúc lắc ấy”.
Hào quơ chân tìm dép định ra khỏi phòng để còn lên gặp ông Văn Hữu kẻo ông lại ngủ mất thì lỡ việc. Thấy thế Vận đã vội vã chạy lại lật tấm chiếu trải giường lấy ra mấy cuốn đặc san của báo Đồng Quê.
- Đổi mới! Đổi mới! Nhưng phải thế nào chứ cứ như kiểu này tôi thấy cũng không được!
Hào chào Vận rồi theo chiếc cầu thang đầy rác rưởi, anh lên phòng ông Văn Hữu.
“Cộc, cộc… cộc cộc…” anh phải gõ cửa đến lần thứ hai mới thấy từ trong phòng có giọng đáp ồm ồm:
- Chờ cho một phút.
Chắc là nhà tiểu thuyết đang dở dang với những tình huống yêu đương của một chàng với một nàng nào đó. Hào tự cười một mình.
Sau tiếng mở khóa lách cách, ông Văn Hữu hiện ra bên cái cánh cửa mở nửa chừng.
- A, anh Hào, mời anh vào chơi…
Hào vào phòng. Việc đầu tiên anh nhận ra là ông Văn Hữu già đi mau quá. Tóc sắp bạc trắng cả rồi, nước da vàng bệch như người bị bệnh gan. Hào lại gặp cái điều mà mọi người thường giễu cợt ông, tức là cái việc, hễ tiếp ai ông phải mở toang tất cả các cánh cửa trong phòng ra. Hình như ông sợ người ngoài nghi ông đang làm chuyện bậy bạ gì đó.
- Chủ nhật mà bác vẫn không về nhà thăm bác gái à?
Hào giấu ém đi cái chuyện anh vừa ở nhà ông về. Ông Văn Hữu tưởng Hào không biết gì về cái chuyện ông giận vợ nên vẫn cứ nói cái câu thường ngày của ông:
- Phải ở lại mà viết thôi anh à! Thời gian của bọn tôi còn ít lắm. Phương ngôn Pháp có nói một câu rất hay; “Nghệ thuật thì dài, thời gian thì ngắn”. Tôi thấy thấm thía quá.
- Bác đang viết gì?
- Một cuốn tiểu thuyết về tình yêu. Thời buổi này tình yêu nam nữ có khác thời bọn tôi, nhưng chả sao, tình yêu là vĩnh cửu, là muôn thủa, cứ lấy lòng mình ra mà khảo sát, mà kiểm nghiệm là được tất. Anh nghe tôi đọc thử một chương xem sao nhé!
Hào thấy hoảng. Bây giờ mà ông tra tấn mình bằng cả một chương sách dài dằng dặc mà còn lủng cà lủng củng thế kia chắc mình lên cơn sốt mất. Phải tìm cách thoái thác thôi
- Bác ạ, thôi thế này, bác cứ viết đi, khi nào xong cả cuốn cháu sẽ mượn về. Phải đọc bằng mắt nó mới thấm chứ?
Ông Văn Hữu tỏ vẻ buồn.
- Thôi thế cũng được!
Ông gấp chồng bản thảo lại, rồi nhìn anh chằm chằm.
- À, vậy anh gặp tôi có chuyện gì vậy?
Hào cảm thấy mình bị xúc phạm. Sau mấy năm trời xa ông đến thăm ông mà ông laị hỏi thế? Nhưng chả lẽ vì tự ái cá nhân mà anh lại không nói thẳng những điều anh nghe được người ta nói về tờ báo Đồng Quê lâu nay:
- Dạ, cháu đến để nói với bác là phải cải tiến tờ báo thế nào chứ cứ như thế này thì nó buồn quá.
Ông Văn Hữu sửng sốt thật sự. Ông tròn xoe mắt nhìn anh, cứ như anh là người bệnh thần kinh. Ông bỏ kính xuống, hỏi lại, giọng bực tức:
- Anh nói buồn là làm sao? Muốn vui thì phải đi xem hài kịch, xem chuyện tiếu lâm, còn đây là báo, lại là báo cách mạng!
Hào cũng thấy bối rối trước sự tiếp thu bất bình thường của ông Văn Hữu. Anh thấy cần phải nói thêm:
- Cháu nói buồn là nó tẻ nhạt, không hấp dẫn và không cần thiết với mọi người.
- Xin anh rõ thêm.
Ông Văn Hữu lạnh lùng hỏi lại. Rõ ràng là ông đang giận. Hào đã thấy ngán nhưng chả lẽ lại rút lui. Anh đưa mắt nhìn chung quanh để tìm một sự cầu cứu. May sao ở bên dưới chiếc bàn uống nước lại có một tập báo Đồng Quê. Sung sướng như người đang bê một vật nặng bỗng có ai ghé tay khiêng cùng, anh nhặt mấy tờ báo đặt lên bàn.
- Đây bác xem! Này… Ngày 16 khai mạc Hội nghị hợp tác hóa nông nghiệp toàn tỉnh… mà báo ra ngày 28, chậm 12 ngày. Trong khi đó thì Đài phát thanh truyền hình ngay ngày hôm đó người ta đã đưa tin và cả tỉnh ai cũng đã biết. Rồi thì này trang 1, trang 2, trang 3, trang 4 đăng nguyên văn các bài phát biểu. Vậy ai có thì giờ đâu mà đọc hết được. Người cần đọc thì đã đi dự Hội nghị hoặc đã có các văn bản quay rô-nê-ô của Hội nghị gửi cho. Cho nên theo ý cháu thì ta nên viết một bài tường thuật Hội nghị, qua bài đó rút ra cho bạn đọc những điều gì thu hoạch được ở hội nghị này, nó tác động đến đời sống nay mai ra sao…
Đấy là một ví dụ. Còn những ví dụ khác, cháu có thể dẫn ra ở bất cứ một số báo nào.
Hào rót nước uống một lúc hai ly liền. Anh ngồi thừ người ra vì mệt, vì xúc động. Xưa nay anh chưa nói năng thế bao giờ.
Ông Văn Hữu nghe xong mặt lại tỉnh khô. Chắc ông đã quá quen với những lời góp ý như thế này rồi.
- Cảm ơn anh, ông nói nhỏ nhẹ, nhưng cái gì cũng có quy trình của nó, anh bạn ạ.
- Thì dịp này là đúng thời cơ rồi chứ bác?
Hào hung hăng. Anh không ngờ ông Văn Hữu đã phản công lại hóc hiểm hơn…
- Xin chàng Đông- Ki- Sốt của tôi bình tĩnh lại cho. Tôi chỉ kể một ví dụ nhỏ thế này cũng đủ đau đầu chàng rồi. Có phải vừa qua, anh có gửi về đây đăng trên trang Văn nghệ một bài cho trẻ con không?
Câu hỏi giống như mũi kim chọc vào quả bóng đang căng hơi của Hào. Anh thấy nhói ở tim một cái nhưng vẫn giả bộ thản nhiên:
- Dạ, có… một mẩu đồng thoại.
Ông Văn Hữu rút từ trên nóc tủ xuống một tờ báo có trang Văn nghệ của tình:
- Đây, cái bài báo “Cô giáo mèo dạy heo bắt chuột”.
Hào đỏ bừng mặt. Thật ra anh giận hơn là anh sợ. Anh nhìn thẳng vào mặt ông Văn Hữu, cứ như ông ấy là người gây ra cái chuyện bắt bẻ xoi mói này.
- Bác bảo bài này có lỗi?
Ông Văn Hữu nhìn ông cười tuế tóa:
- Ơ hay, sao anh lại hỏi tôi? Tôi thì cũng như anh thôi, thấy bài này chả có cái gì là khó hiểu cả. Chẳng qua chỉ là nói với trẻ con: ở đời có khả năng gì nên làm các đó, đừng có làm tréo ngoe mà uổng một đời. Có phải anh định nói thế không?
Thấy nói trúng ý mình, Hào phấn khởi:
- Thì đó! Chữ nghĩa hãy còn sờ sờ ra đấy.
- Ấy thế mà họ bảo anh đả kích Tỉnh ủy, Ủy ban đấy!
Hào vụt đứng dậy, chân dậm xuống nền gạch một cái thật mạnh.
- Họ vu khống! Họ xuyên tạc!
Văn Hữu vẫn thản nhiên:
- Họ cũng có lý của họ chứ. Nếu họ nói rằng anh viết bài này để chê chính quyền không biết dùng người thì anh nghĩ sao? Nào, anh cãi với tôi đi!
Hào vỗ hai tay vào đùi đánh đét một cái:
- Trời ơi, suy luận như thế thì giết nhau rồi. Ai nói thế hả bác? Bác cho cháu biết đi.
- Mới có thế mà đã hốt hoảng, rối tinh rối mù lên, ông bạn trẻ ơi! Thế mà trong khi đó ông lại chê tôi là không dám mạnh dạn. Ông thấy chưa? Ông Văn Hữu cười, giàn hòa:
- Thôi, cần chi biết người đó. Có thế, chú mới thông cảm với tôi…
(Hết chương 10)
Tags:
Nguyễn Khoa Đăng,
Tiểu thuyết,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét