CUỘC TÌNH NGHIỆT NGÃ (Chương 13) - Tiểu thuyết Nguyễn Khoa Đăng
Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Đứng lên, ngồi xuống, rồi rót nước uống, rồi bóp trán chau mày mà ông Văn Hữu vẫn không sao đẩy bút viết cho xuôi cái đoạn văn tả cảnh này. Đó là đoạn tả cảnh bà con ngư dân thẻ mực bằng đèn ban đêm ở ngoài biển mà ông thấy cần đưa vào cuốn tiểu thuyết của ông cho nó sinh động. Nhưng chết nỗi thẻ mực là cái gì và trình tự công việc của nó ra sao ông cũng không biết nữa. Ông tự trách ông. Cả chục năm trời ở cái miệt này sao ông không chịu quan tâm đến chuyện đó. Thế nên bây giờ nó mới làm khổ ông.
Cộc… cộc… cộc…
Lại có tiếng gõ cửa làm ông giật mình. Ai vậy nhỉ? Ai lại đến quấy ông vào giữa giờ làm việc thế này? Ông ra mở cửa và thay cho vẻ mặt cau có lại là một nụ cười, vì người đến gặp ông là Nguyễn Trắc.
Ông Văn Hữu lại làm cái công việc đã thành phản xạ là mở toang các cánh cửa sổ và rót ra hai ly nước màu nhờ nhờ, nâu nâu như nước mưa hứng từ mái lá. Vốn là người mau mắn, Nguyễn Trắc vào đề ngay.
- Tôi đến bàn với anh về việc bổ sung thêm một số chuyên mục cho những số báo tới.
Văn Hữu ngỡ ngàng:
- Bổ sung. Tức là lại thay đổi phương hướng báo chí mà chúng mình đã thống nhất và đã thông qua Ban Tuyên huấn.
Sẵn bực bội với ông Văn Hữu từ trước nên Nguyễn Trắc phản ứng liền:
- Ông cứng nhắc lắm! Từ đầu năm đến giờ mấy tháng rồi, đến giá cả còn thay đổi liên tục là tình hình báo chí.
Ông Văn Hữu bỏ kính xuống, nheo mắt nhìn ông Nguyễn Trắc như muốn hỏi: “Ông bị bệnh thần kinh rồi hay sao mà câu trước câu sau đã nổi quạu?".
- Vậy ông định bổ sung thêm thứ gì?
Nguyễn Trắc rút trong cặp ra hàng chục số báo đủ loại từ Trung ương đến Thành phố Hồ Chí Minh rồi bày lên mặt bàn như làm cuộc triển lãm nhỏ:
- Đây, anh xem… các nơi người ta làm ăn. Sôi nổi chưa, phong phú chưa, mạnh dạn chưa? (Sau một tiếng “chưa” ông lại chỉ vào một bài báo mà ông cho là hay)… Còn của ta, thì chẳng nói, anh cũng rõ, nó cứ bằng phẳng, tẻ nhạt thế nào ấy… Cho nên tôi đề nghị với anh, gì thì gì trước mắt chúng ta phải mở bằng được hai mục: “NÓI THẲNG, NÓI THẬT” và “PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA”.
Ông Văn Hữu không giấu được sự lưỡng lự khi ông để mắt nhìn ra xa một lúc lâu rồi mới quay lại:
- Nói thẳng nói thật ! Cái tên nghe cũng hay đấy nhưng chỉ e bọn xấu sẽ lợi dụng để chọc vào những chỗ yếu của chúng ta. Chả lẽ báo ta lại để quật lại chúng ta.
Nguyễn Trắc phì lên cười:
- Ông thật là một con người tròn trĩnh, nếu chưa muốn nói là cầu an. Ông nên nhớ cho, đã qua lâu rồi cái thời kỳ mà báo chí chỉ chuyên có một việc tô hồng!
Ông Văn Hữu cảm thấy đuối lý nên muốn tìm một cái lý khác.
- Ở nơi khác có thể là thế nhưng ở ta chưa chắc gì các anh ấy đã chịu.
Cái ông này lại cầu viện đến ba chữ “các anh ấy" rồi. Nguyễn Trắc thấy thương cho ông quá, bèn nói nhũn nhặn lại:
- Sao lại không chịu ? Hôm qua gặp anh Tám Đậu, Tuyên huấn, tôi có trình bày chuyện này, nghe, anh ấy mừng lắm, bảo với tôi “Thường vụ cũng đã có chủ trương rồi, các cậu cứ làm đi bọn mình sẽ ủng hộ tối đa”.
Văn Hữu hình như vẫn chưa tin vào những lời nói đó, ông thở dài:
- Ấy nói thì thế, nhưng đến khi lâm sự lại không dễ đâu. Tôi nói là có cơ sở đó, ông à. Vừa qua ông mắc đi họp nên không biết được chuyện này. Do ở dưới huyện Long Định có một vụ tham ô lương thực quá lớn, Tòa án tỉnh sắp đem ra xử, cậu Mạc Vận mới xin phép tôi thử đi viết một bài điều tra xem sao. Cậu ta viết xong đưa cho tôi, tôi thấy đăng được, nhưng để chắc ăn hơn, đỡ bị rầy rà hơn, tôi mới đưa bài đó cho anh Bảy Đây, thường trực Ban đọc. Rồi không hiểu sao, anh Bảy Đây lại đưa xuống huyện ủy Long Định để coi xem có vấn đề gì không. Thế là lập tức huyện ủy ở đó la ầm lên:
- Chuyện riêng của chúng tôi để chúng tôi tính. Các ông việc gì phải nhúng tay vào.
Nguyễn Trắc chưa nghe hết đã vui vẻ lên tiếng:
- Anh nói thế , tôi hiểu rồi. Tại bữa đó anh Tám Đậu đi họp ở ngoài Hà Nội, anh Bảy Đây, trực thay ở nhà, 28 , 29 tuổi đầu, bề dầy là mấy mà dám quyết một chuyện tày đình như thế! Mà anh có biết không, cũng vì không làm nổi tuyên huấn nên sắp tới cậu Bảy phải xin chuyển qua bên xuất khẩu rồi. Cái dở của anh là vác bài đi xin ý kiến. Quyền của báo chí đâu mà phải làm như thế. Còn bây giờ, nếu anh chưa tin ở sự ủng hộ của anh Tám, của cấp ủy, thì sẵn có điện thoại đây, mời anh thẩm định lại ý kiến của tôi.
Nói xong Nguyễn Trắc đến bên máy điện thoại. Mắt ông ta sáng hẳn lên khi biết đầu dây bên kia là anh Tám Đậu, trưởng ban tuyên huấn tỉnh:
- Dạ… tôi Nguyễn Trắc đây… Dạ, cái chuyện đổi mới báo chí mà hôm qua tôi báo cáo với anh được anh hoàn toàn ủng hộ ấy… Xin anh hôm nay nhắc qua lại với anh Tám Hữu một chút… Dạ…
Nguyễn Trắc đưa điện thoại cho Văn Hữu. Văn Hữu miễn cưỡng cầm lấy nó. Nét mặt ông ta lúc này chẳng vui mà cũng chẳng buồn, còn giọng nói thì rõ ràng là rời rạc và uể oải nhưng qua nét mặt của Văn Hữu, ông biết chắc rằng cái việc đó đã được nhất trí trót lọt:
- Dạ… nếu Ban đã nhất trí thì chúng tôi sẽ cho triển khai công việc ngay.
Ông Văn Hữu bỏ máy xuống, ngồi vào ghế, đổ ly nước cũ rồi rót ra một ly khác mời Trắc:
- Thôi được rồi, tôi nhất trí mở thêm hai chuyện mục ấy. Có điều bây giờ ta phải thông báo ngay để quần chúng, cán bộ gửi bài cho chúng ta. Lâu nay ta không làm việc này nên chắc cũng ít bài vở như thế gửi đến…
Nguyễn Trắc cười đắc thắng:
- Cái ấy thì anh yên tâm! Ta chỉ cần đăng một bài là hôm sau người ta gửi đến tới tấp ngay.
(Hết chương 13)
Tags:
Nguyễn Khoa Đăng,
Tiểu thuyết,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét