NGHIỆT NGÃ - Truyện ngắn Minh Nguyệt
Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017
Minh Nguyệt
Tôi, cái Tuyết và thằng Hà thân nhau từ ngày còn là những đứa trẻ chăn trâu làng Đông. Tới tuổi cắp sách tới trường, ba đứa chúng tôi lại ngồi chung một lớp ở bậc tiểu học trường làng, rồi sau đó là những năm ròng ở bậc phổ thông cơ sở của xã. Học xong cấp II, chúng tôi cùng thi đỗ vào cấp III trường huyện. Vì cùng một làng nên thầy chủ nhiệm đã biên chế 3 đứa chúng tôi vào một tổ tam giao để tiện giúp nhau học tập và sinh hoạt. Cái Tuyết càng lớn càng xinh, hàng mi cong, đôi mắt huyền đen láy và cái sống mũi dọc dừa của nó đã hút hồn nhiều đứa con trai cùng lớp. Thằng Hà cũng khá điển trai lại có tài kể chuyện. Nó thuộc lòng những truyện ngắn trữ tình của Pháp, Nga. Những đêm thôn trang trăng sao vằng vặc, ba đứa chúng tôi lại rủ nhau ra bờ đê sông Đuống hóng mát, hướng về Hà Nội điện sáng lung linh, ngắm dòng sông trôi và nghe thằng Hà kể chuyện “Đám cưới sao” của A.Đô Đê. Khi kể đến đoạn “Gió núi, sương ngàn của miền Prô-văng-xơ thật dịu mát cộng với giọng ấm của chàng chăn cừu đã đưa con gái phú ông Suy-Dan vào giấc ngủ. Nàng nhẹ nhàng ngả đầu vào vai chàng chăn cừu mà say nồng giấc điệp. Còn chàng chăn cừu thì ngồi bất động như sợ ngôi sáo sáng nhất ở trên dải thiên hà đã sa xuống đậu vào vai chàng mà ngủ sẽ bay mất… ”. Thằng Hà ngừng lại bảo cái Tuyết: “Tuyết thử đóng vai nàng Suy-Dan xem sao”. Cái Tuyết giãy nảy rồi dơ tay cốc nhẹ vào đầu thằng Hà và bảo, giọng chanh chua: “Đùa vừa vừa chứ nỡm ạ!”. Năm học lớp 12 cuối cấp, gần mười hai năm đèn sách ở các bậc phổ thông, ba chúng tôi lại càng gắn bó với nhau hơn. Nhiều đứa bạn ở lớp 12A thường trêu đùa chúng tôi: “Liệu chúng mày có thành ba góc của cái tam giác tình yêu không đấy?”.
Thời gian trôi nhanh như “vó câu qua cửa sổ”. Loáng một cái đã hết chương trình phổ thông trung học. Vốn có tính “tang bồng hồ thỉ” nên tôi đã đầu đơn thi vào Đại học Thuỷ lợi và tôi được toại nguyện. Còn thằng Hà, cái Tuyết vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không thi vào đại học. Thằng Hà nói với tôi: “Tao và cái Tuyết sẽ thôi học để trở về làm ruộng”. Và hai đứa bạn thân của tôi đã thôi học thật. Chả là thằng Hà vẫn triết lý: “Một mái lều tranh hai tráí tim vàng”. Riêng tôi, cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trên tay, được điều vào công tác xây dựng công trình điện Ya Ly. Nhóm ba người tan đàn, xẻ nghé từ đó. Sau gần một thập niên xa quê, tôi mới lại có dịp trở về cố hương. Vừa bay ra Hà Nội tôi đã vội vàng về thăm nhà. Tới bến sông cạnh làng, tôi vội xuống đò để qua sông. Mấy chị phụ nữ đang ngồi trò chuyện dưới đò. Một chị nói: “Cái cô Tuyết đẹp người mà bạc mệnh. Cô ấy chết đi còn để lại cho chồng căn bệnh thế kỷ tội nghiệp”. Tôi giật mình hỏi người phụ nữ: “Tuyết nào hả chị?”. Chị phụ nữ đáp: “Thế chú không biết gì à? Tuyết- Hà chứ còn Tuyết nào”. Tôi hỏi, giọng lạc đi: “Tuyết nó bị làm sao hả chị?”. Rồi chị kể: Vợ chồng chú Hà lấy nhau một thời gian, làm nghề nông vất vả, kiếm đồng tiền khó khăn khi vợ sinh con đầu lòng. Cô Tuyết thấy cuộc sống gia đình quá khổ liền để chồng ở nhà nuôi con, còn mình theo chúng bạn lên biên giới buôn bán. Ban đầu, cô ấy cũng kiếm được số tiền kha khá. Hai vợ chồng xây được một căn nhà mái bằng rộng rãi, thoáng mát nhất nhì làng. Ai cũng mừng cho họ mở mày mở mặt với làng xóm. Nào ngờ, một lần bị công an bắt mất hết cả chuyến hàng lậu lớn và thế là tay trắng hoàn tay trắng. Ngồi trên lưng hổ không xuống được nữa, cô ta lao vào buôn bán kể cả ma tuý để gỡ nhanh. Nhưng chỉ sau ba lần chót lọt, lần thứ tư thì lại bị công an bắt và nhận án 15 năm tù giam, thế là vợ chồng ly tán, nhà cửa cùng hết. Vào tù, mấy người cùng nghiện ngập ma tuý, lén lút “chích” để “cắt” cơn nghiện. Chẳng may dùng chung kim tiêm nên cô ấy mắc luôn bệnh HIV. Trước khi mắc HIV cô ấy có biết đâu, nên một lần chồng vào thăm nom, một đêm ân ái chú ấy bị vợ chuyền luôn cho căn bệnh thế kỷ. Khi cô ấy bị phát hiện nhiễm HIV thì chú Hà mới đi thử máu và… căn bệnh thế kỷ nó chẳng buông tha. Hai năm sau đó cô Tuyết chết để lại cho chú Hà một đứa con gái, may mà xét nghiệm cháu không bị nhiễm HIV. Chú Hà bây giờ sống cũng như chết, buồn bã, rũ rượi, thân gầy xác ve…
Về nhà, tôi chào cha mẹ, quẳng vội ba lô vào giường, chạy sang nhà Hà. Khi bước vào nhà Hà, tôi không thể tin vào mắt mình nữa. Hà ngồi một mình trước cái giường ọp ẹp, đôi môi thâm sì, chỉ còn đôi mắt sáng. Trông Hà thật tiều tuỵ và già đến chục tuổi. Tôi ôm chầm lấy Hà, cả hai đứa cùng khóc oà. Mãi sau tôi mới hỏi được Hà, giọng như nghẹn lại: “Sao chúng mày đến nông nỗi này?”. Không trả lời tôi, Hà gọi đứa con gái đến: “Cái Hoa của bác đây, con đi lấy cho bố hai cái chén để mời bác uống rượu”. Hà rót rượu đầy hai cái chén rồi nói với tôi bằng hai câu thơ của Na Dim Hít Mét: “Khi ta vui, ta uống rượu mừng, ta không vui ta uống rượu buồn”. Mày cạn với tao một chén, mất cái Tuyết đối với tao là nỗi đau lớn nhất trong đời”. Không thể thoái thác, tôi đành nâng chén rượu sầu lên môi. Tôi ngồi uống chén rượu với bạn mà thấy vị đắng ngấm đến tận đáy lòng. Tôi lựa lời an ủi thằng bạn đồng môn: “Thôi đừng đau khổ nữa, thời gian đối với mày bây giờ quý lắm, hãy sống vì tương lai của con hai đứa chúng mày đi”.
Lát sau, đứa con gái của Hà bưng nồi cơm lên. Tôi bây giờ mới nhìn kỹ và giật mình, cứ tưởng cái Tuyết năm nào. Đứa con của Tuyết đúng là phiên bản của mẹ nó trước kia. Bất giác tôi nhớ đến cái tam giác của tình yêu năm nào… thật nghiệt ngã.
M.N
Tags:
Minh Nguyệt,
TRUYỆN NGẮN,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét