ỐC BIỂN - Tạp bút Trần Tâm
Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017
- Ông ăn chán ốc bao giờ chưa? Rỗi rãi chiều nay đi với tôi!
Danh chỉ vào mủng. Khoái quá, tôi gật đầu, cùng Danh lênh đênh trên vịnh Bái Tử Long.
- Trong các loài ốc biển, ông thích loại nào?
- Tôi có biết đâu. Tùy Danh thôi.
- Kém nhất là ốc mút, ở sát bờ. Có nhiều loại: ốc rơm, ốc cỏ, ốc đá, ốc gai... Ốc mút tôi ăn từ bé, bẻ đít bằng đồng xu, bằng dao ghè, mút rát cả lưỡi. Giờ cao cấp rồi, thứ ấy dành nuôi vịt, chả ai ăn nữa. Ốc vôi xoàng, cay nồng, cũng ít người bắt. Các loại khác mỗi loại một cách làm, một cách ăn. Khi đã nhiều, đã no, người ta thích sang. Đều luộc cả nhưng luộc thế nào, với lá gì cho thơm, cho giòn là cả một công trình truyền đời. Tôi sẽ cho ông ăn để nhớ. Trước đây bạt ngàn san dã, vơ một lúc có hàng gánh. Giờ bắt phải tùy lúc, tùy nơi. Có nói, ông cũng quên. Phải đi, phải thấy, phải làm mới biết. Ốc thường ở nơi cát lẫn bùn. Nước lên to, ốc mới đi ăn và ẩn nấp khi nước xuống. Chậm như ốc nên bắt tốt nhất vào lúc ấy, chúng chưa kịp ẩn. Bắt ốc đêm nhiều hơn nhưng cũng mệt hơn bắt ban ngày. Ốc trên bãi đấy nhưng phải hiểu biết mới bắt được. Hàng trăm loài ốc. Sẵn như ốc điếu, ốc dỗ, ốc đỏ mồm... quý như ốc đĩa, ốc hương, ốc nhảy... to như ốc loa, ốc tù và... và nhỏ như ốc kim, ốc lộn hồn... Không phải loại ốc nào cũng ăn được. Ốc kim nhỏ như đầu đanh. Miệng vỏ lật ra hai mảnh màu vàng còn lớn hơn thân, vô tích sự. Ốc tôm do con tôm rụi kiếm vỏ ốc làm nhà, trốn tránh kẻ thù. Loại ấy chỉ dành cho các nhà khoa học nghiên cứu quy luật sinh thái. Chúng thường chạy bằng chân, kéo lê vỏ, thấy động thì rụt lại, cho vui bãi.
Vừa khua mái chèo be bé như chiếc đũa cả đảo cơm trên bếp ăn khu tập thể, Danh thủng thẳng đưa tôi ra hang ông Thao. Gọi thế vì trước đây, hồi chiến tranh chống Giôn - xơn, gia đình ông sơ tán ở hang này. Tên ông thành tên hang từ đấy...
Danh quăng neo, kéo tôi lên bãi:
- Bắt ngay!
Danh thoăn thắt nhặt ốc sát mé nước. Tôi lập bập nhìn mãi, chú ý lắm mới thấy. Nước biển rút. Thoáng chốc, chiếc mủng đã nằm trơ trên doi cát lẫn bùn. Lúc đầu còn hăng hái, mê mải nhặt nhưng rồi mỏi lưng, tôi cùng Danh khiêng vào chân núi lưng rổ xề ốc. Ốc nhảy vỏ dày, to như quả cau, cái chén. Ốc hương nhỏ như ngón tay, ngón chân cái, có chấm hoa đẹp. Ốc đĩa có vằn vân xanh trong. Ốc dé tương tự như ốc đĩa nhưng màu nhạt, hình dáng xấu xí, không hấp dẫn bằng. Ốc dỗ sù sì những u lồi. Ốc vôi u gai còn gầy guộc, rõ rệt hơn. Danh xách can, tìm vào khe lấy nước:
- Hết rồi! Giờ có cố bắt cũng vô ích.
Danh xóc xóc, chọn ốc hương, ốc nhảy ra. Còn lại, Danh đổ một phần vào nồi gang cỡ bốn người ăn đã lót lớp lá bòng, đổ lưng bát con nước, bắc lên bếp vừa xếp bằng ba hòn đá làm đầu rau.
Tôi ngạc nhiên lắm. Danh bảo:
- Ốc luộc không cần hoặc cần rất ít nước. Ông vơ vài cây củi, để mặc tôi.
Danh gom tất cả số ốc nhảy, ốc hương cho vào bao tải. Được non nửa bao. Chỗ còn lại khoảng một rá đầy. Danh vo gạo, gạn nước vào:
- Có giỏi, tối nay hai đứa cũng chỉ chén hết chỗ này thôi!
Nồi ốc bắt đầu sôi. Hơi nước phả ra mùi lá bòng thơm quyến rũ. Danh bắc nồi ra, xóc xóc rồi lại đặt lên bếp:
- Cho nó thơm đều. Ông ăn nhớ lấy!
Lát sau, Danh đổ ra rá. Chúng tôi khều, chấm tương ớt trộn gừng, ăn trong ngùn ngụt hơi lá bòng.
- Ốc đĩa là loại sang. Giờ hiếm rồi. Ngoài chợ cũng bán, toàn ốc dé. Hai loài ấy chắc có cùng cố nội. Ăn chấm nước mắm gừng, lá chanh thái chỉ, thịt giòn ngọt và thơm lắm. Ốc dỗ trước đây người ta không khêu, cứ dỗ dỗ vẩy vẩy cho ruột ốc ra, đưa vào miệng, nhằn nhằn bỏ vảy rồi mới nhai. Thịt nó đậm, dai, giòn, chấm tương ớt là đúng vị. Mải ăn thế nào cũng phải dành bụng mỗi đứa bát cơm. Bà tôi bảo cơm tẻ là mẹ ruột. Đừng quên nó vì không gì thay thế được.
Ăn xong, chúng tôi lên mủng nằm dài, ngủ tới chạng vạng.
- Tối nay khuya nước mới lên. Nếu một mình, tôi ở mủng, chuẩn bị đèn vợt để vớt mực hoặc soi cù kỳ nhưng có ông. Ông chưa quen thức đêm, vất vả lắm.
Tối hôm ấy, Danh đổ nốt chỗ ốc đĩa, ốc dé, ốc dỗ, ốc vôi... đã ngâm nước vo gạo vào nồi luộc. Chúng tôi ăn trong củi lửa bập bùng.
- Ốc vôi bắt con to thôi. Nó có mẩu đầu, ăn ngon, dai sần sật nhưng ruột cay. Bắt con nhỏ về, người ta cười cho. Nó hay bám đá, ăn rều rác, bùn bọt ở đấy. Người sành ăn còn chê nó nồng nồng mùi vôi.
Nước ào ào lên to. Đêm đã khuya. Sóng oàm oạp nâng mủng dập dềnh. Danh kéo neo, dong ra khỏi núi.
- Ngủ ở đây, gió lớn. Muỗi dĩn không dám đến. Chẳng cần màn.
- Còn đồ?
- Không ai lấy mất đâu. Ở biển còn lo không giúp được nhau nhiều ấy chứ. Ngao ốc... con nào bò được thì bò. Chim trời cá biển không tham được. Tham thì thâm. Ông nghe chuyện lưới Thang chưa? Bà tôi ngày trước hay kể lắm.
Ngày xưa, vua Thang đi vi hành. Qua một cánh rừng bắt gặp một kẻ giăng lưới bắt chim. Gã ta hát rằng: - Đông tây nam bắc - con dưới con trên - ba bề bốn bên - vào lưới tao cả. Vua nghe thấy thế, gọi anh ta lại: - Anh còn muốn làm nghề này nữa không? -“Cái nghề đã nuôi mấy đời chúng tôi rồi. Sao ông lại hỏi vậy?”. Nhà vua tươi cười nói với anh rằng: - Anh hát thế thì anh giết hết nòi giống còn đâu để chúng sinh sôi cho anh đánh lưới nữa”. “Tôi hát thế chỉ để đỡ vất vả chứ có mong ước gì chúng vào hết lưới mình?”. - Vậy tôi bày cho. Anh hát thế này: - Đông tây nam bắc - con thấp con cao - con nào muốn chết - hãy vào lưới tao. Hát thế chỉ mong con nào dại dột hãy bay vào lưới của mình thôi. Về sau, người ta dùng lưới Thang để nói lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng.
Danh cứ thủ thỉ kể. Tôi nằm nghe trên sóng dập dềnh không cần hỏi lại rồi ngủ mê mệt. Tỉnh dậy thấy mình nằm trong cái mủng trơ trên cát ướt. Danh đã đi từ bao giờ, khuân về lưng một rổ ghẹ, cù kì, cà khé.
Hôm ấy, chúng tôi quanh quẩn quanh mủng bắt sá sùng, bàn mai, móng tay và ăn ốc. Danh chặt đít những con ốc dài như ngón tay vừa bắt, trộn gừng, tương ớt, bột canh, lá sả thái, xóc đều để quãng nửa giờ, đặt lên bếp, đốt lửa lom dom:
- Đây là loài ốc kém. Làm thế này lâu công và ngon nhất. Tiếc rằng thiếu khế. Nếu ở nhà, khều ruột nấu với nụ hoa bí đỏ còn thơm và dậy mùi hơn. Các loài ốc biển thường rất bổ, ăn lâu tiêu nên gia vị phải nóng cay. Dân đảo thường truyền nhau cho đàn ông âm hư huyết tổn ở đất liền ra biển sống vài tháng. Gặp lại, cụ người ta gọi là ông, ông thành chú bác, chú bác thành anh không mất tiền thuốc.
Tôi mút dễ dàng những con ốc điếu om không cần chấm. Ruột nhiều, dày ngon, không thể tả.
- Cũng may, sáng dậy gặp ốc điếu chứ chả lẽ để ông ăn vọp xào. Ngon lắm nhưng không thích vì đã hứa cho ông ăn chán ốc. Chiều nay, ăn ốc nhảy, ốc hương mới ngon. Chú ý một chút thì ông biết. Ốc nhảy thường ở chỗ bùn pha cát. Ốc hương ở phần cát nhiều hơn. Có điều, cả hai đều ở nơi sạch sẽ, không nhiễm bẩn. Ốc hương thường bò ngang dọc bãi, gặp mỏ quạ, đồng đáo là nó cuộn mỏ quạ, đồng đáo vào vào lòng mình mút đến hết nước. Ngâm trong nước vo gạo một hai ngày, nó mới nhả hết bùn cát. Chỉ tiếc ta không tìm được ốc loa, ốc cu lơn, ốc tù và. Những loại ốc phải kéo chã đôi hoặc lặn bắt trong các giản. Giản là những doi cát ngập chìm trong nước. Trước đây sẵn. Những con to như cái chậu, cái nồi, cái bát, cái mũ ấy chứ. Ốc loa màu thiếc thẫm, miệng loe như cái loa. Ốc cu lơn màu hồng vàng có đầu lưỡi to, ăn giòn ngọt. Xưa ai bắt được nó phải chọn con to nhất, cắt phần đầu lưỡi mang biếu cụ lớn và các vị quan tước, chức sắc ở đảo. Sau này, người ta bỏ dấu, gọi là ốc cu lơn. Ốc tù và màu trắng xám, lấy ruột ăn. Vỏ làm tù và, thổi báo hiệu với tàu thuyền trên biển. Các loại ấy giờ đã hiếm, may mới gặp. Mấy hôm trước, tôi đã lặn, bắt một con, luộc hơn hai cân ruột. Loại ốc to ấy, thịt mịn như mỡ đông. Giòn thơm ngọt. Cứ thái mỏng ra, dầm khế gừng, xào giá đỗ, hành tây, khoai tây. Vỏ làm tù và, làm chậu cảnh. Bé hơn thì để bàn, chứa nước thải, làm cái gạt tàn...
Nồi ốc nhảy, ốc hương ấy, tôi khiều chấm nước mắm gừng với vài lát chanh thái mỏng ăn đến no. Hương vị của nó thật khó quên. Ốc nhảy phần đầu giòn ngọt. Ốc hương trái lại, phần ruột ngon nhất trong các loài ốc biển. Theo lời Danh, tôi còn nướng ốc hương, ăn dẻo ngọt, thơm béo, ngậy bùi không thể lẫn.
Tối hôm ấy nước lên. Biển nhấp nhóa đèn và ánh lửa chài. Danh dong mủng đưa tôi vào bến, bắt tôi vác lưng bao ốc hương, ốc nhảy về làm quà. Danh dặn tôi nói gì thì nói, kể với ai thì kể nhưng phải chân thành, không được bịa, kể cả với ý đồ tốt đẹp.
Tôi chỉ còn biết khâm phục Danh.
T.T
Tags:
TẠP BÚT,
Trần Tâm,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét