TÂY SƠN BI HÙNG TRUYỆN (Chương 4) - Tiểu thuyết lịch sử của Lê Đình Danh
Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017
Thiếu quân lương, Huệ bày anh làm quan
Thuận ý trời, Hiến khuyên trò đổi họ.
* * *
Một hôm Hiến cùng Nhạc ngồi đàm đạo có Huệ và Lữ đứng hầu bên cạnh. Bỗng nghe tiếng đàn bà hát ru con rằng:
- Chiều chiều én luyện Truông Mây
Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành.
Huệ nghe vòng tay hỏi:
- Bẩm thầy, tên Lía trong chữ Hán viết như thế nào? Xin thầy chỉ dạy.
Hiến đáp:
- Tiếng Nam ta có nhiều từ mà chữ Hán không viết được. Ví như chữ Lía con vừa hỏi đó.
Huệ hỏi:
- Thế lúc Lía tập hợp dân khởi nghĩa ở Truông Mây, quan trấn thủ dâng sớ báo về triều thì viết chữ “Lía” như thế nào?
Hiến đáp:
- Điều này ta cũng không rõ, có lẽ viết tên Lía bằng chữ Nôm của nước Nam ta vậy.
Huệ lại hỏi:
- Thế tại sao triều đình không dùng chữ Nôm của nước ta, viết chiếu chỉ văn thư thay cho chữ Hán. Để khi truyền đạt cho dân chúng không cần đến người dịch nghĩa. Theo con nghĩ như thế chẳng tiện hơn sao?
Hiến đáp:
- Từ xưa đến nay đã thành lệ như thế. Vả lại chưa thấy có ông vua nào có ý thay đổi quốc tự cả.
Huệ quay sang Nhạc thưa:
- Đại huynh, ngày sau đại huynh có làm vua nhất định phải đem chữ Nôm thay cho chữ Hán. Chứ dùng văn tự của người Tàu thì làm sao gọi là quốc tự được.
Nhạc chỉ mặt Huệ mắng rằng:
- Ngươi là đứa con nít mới mười tám tuổi dám ngỗ nghịch nói càn. Quốc tự là việc lớn trong thiên hạ há để cho đứa con nít như ngươi bàn đến hay sao? Vả lại vua và chúa còn sờ sờ ra đó, muốn ta mất đầu hay sao mà buông lời sằng bậy. Mau ra ngoài cho tay hầu chuyện với thầy.
Huệ sợ hãi lui ra. Hiến nói:
- Ta thấy ý của Huệ là ý hay, nhưng không biết sau này có ai làm được hay không? Còn Huệ là em chắc hiểu được chí của anh nên mới nói thế chăng?
Nhạc vội vã thưa:
- Xin thầy chớ nghe lời trẻ con rồ dại. Tôi giữ phận con dân chỉ biết đem trầu của miền ngược bán về miền xuôi, đem muối ở miền xuôi bán lên cho người Thượng, tần tảo thay cha nuôi em. Nếu nó có nói như thế, ấy là ý của nó mà thôi. Xin thầy chớ để tâm làm gì.
Hiến trầm ngâm nói:
- Chẳng giấu gì anh, ta vốn là tùy tướng của quan Thái úy Trương Văn Hạnh. Quan Thái úy bị loạn thần Trương Phúc Loan làm hại phải chết. Ta đành bỏ kinh thành trốn vào đây để giữ lấy thân. Nay ta thấy ở Đàng Ngoài vua Lê bị chúa Trịnh lấn áp. Trịnh Nguyễn phân tranh lấy sông Linh Giang làm ranh giới nội chiến hơn trăm năm, dân tình thống khổ. Trong thì chúa Nguyễn chỉ lo hưởng lạc để trăm quan bóc lột lương dân. Gần đây Phúc Loan tham lam bạo ngược, bá tánh lại càng thêm điêu đứng. Ta với anh có duyên hội ngộ, thân thế của ta từ lâu có dám thố lộ với ai đâu. Người xưa có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, giấu nhau làm chi nữa. Vả chăng đem muối bán cho người Thượng chỉ là cái cớ. Chẳng phải anh dự trữ một thứ lương thực không có gì thay thế được, mưu lấy vùng núi rừng Tây Sơn Thượng làm nơi dụng võ hay sao? Việc ấy chỉ che mắt kẻ khác chứ lừa được ta ư. Nếu anh đã có chí thay đổi cơ trời ta xin giúp một tay, trước cứu muôn dân sau báo thù cho chủ tướng.
Nhạc thất kinh sụp lạy:
- Nhạc tôi có mắt không tròng toan lấy vải thưa mà che mắt thánh. Thấy dân trong phủ lầm than, tiếng kêu oan đã thấu đến trời. Tôi muốn làm như Lương Sơn Bạc quy tụ anh hùng định đánh đuổi quan trấn thủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên cho thỏa lòng nghĩa hiệp mà thôi. Chứ thân chưa ra khỏi núi rừng, chưa biết được địa lợi nhân hòa thì dám đâu thay đổi cơ trời. Nay việc đã lỡ cúi xin thầy anh minh dạy bảo.
Hiến đỡ Nhạc dậy hỏi:
- Hiện nay việc ấy anh đã làm đến đâu rồi?
Nhạc thưa:
- Tôi quy tụ được năm trăm quân nghĩa dõng ở Tây Sơn Thượng. Hiện đang giao cho Nguyễn Văn Tuyết trông coi việc phá rừng khai khẩn đất hoang tự lo lấy việc binh lương. Trong lúc ban đầu khai khẩn, thiếu lương thực nuôi quân, bạc tiền hết sạch. Nếu để quân đói cướp bóc của dân thì còn gì là chính nghĩa. Thầy có cao kiến gì xin mách bảo cho.
Hiến còn đang suy nghĩ, bỗng Huệ bước vào chấp tay thưa:
- Bẩm thầy và đại huynh, con có một kế.
Nhạc tức giận toan quát, Hiến ngăn lại:
- Cứ để Huệ nói xem, anh đừng xem thường kẻ hậu sanh khả úy.
Nể lời thầy, Nhạc lặng im dù chẳng mấy hài lòng. Huệ dè dặt thưa:
- Hiện nay mỗi tháng Biện lại Vân Đồn thu thuế của dân lên đến trăm lạng vàng. Đại huynh lúc buôn trầu có quen biết Đốc Trưng Đằng trông coi thuế khóa trong phủ Quy Nhơn. Nay đại huynh lo lót cho hắn xin làm Biện lại Vân Đồn ta thu thuế ba tháng, sau đó bỏ chức đem bạc vào nuôi quân. Lúc ấy ta khai khẩn rừng hoang ở Tây Sơn Thượng đất đai hàng trăm dặm thì vạn quân còn nuôi nổi cứ gì năm trăm quân. Xin đại huynh xét lại.
Hiến khen:
- Diệu kế! Nhưng ta không đành làm cướp đêm, lại đi làm cướp ngày sao được?
Huệ đáp:
- Dù đại huynh không nhận chức cũng có người khác làm thay e rằng càng khổ cho dân hơn nữa. Vả lại nhân dân vốn khiếp sợ quân quan triều đình. Quan sai người đến lấy thuế dân lập tức nộp ngay để tránh đòn roi. Người nào không đủ tiền nộp thuế phải bỏ quê lẩn trốn lên rừng. Năm trăm quân của đại huynh ở Tây Sơn Thượng đều là người nghèo trốn thuế cả. Ta lấy tiền thuế nuôi dân quân sao gọi là cướp ngày được. Dám xin thầy xét lại.
Nhạc khen:
- Em thật là sáng dạ hơn người. Nhưng việc này ta thấy có một điều khó. Đó là: Biện lại Vân Đồn có người đang tại chức thì làm sao xin thế chân cho được?
Huệ đáp:
- Việc tên Biện lại Vân Đồn háo sắc không còn tại chức đại huynh cứ để em lo.
Nhạc lại hỏi:
- Lo bằng cách nào?
Huệ đáp:
- Xin đại huynh chớ hỏi, hẹn trong năm ngày đại huynh đến xin Đốc Trưng Đằng nhận chức.
Hiến xen vào nói:
- Thôi được anh Nhạc cứ an tâm. Ta làm thầy ắt rõ tính trò. Huệ đã nói chắc vậy thì ắt việc phải thành, ta đừng bàn đến nữa. Nay ta có điều này định nói anh xem ý thế nào?
Nhạc hỏi:
- Có việc gì xin thầy cứ vui lòng dạy bảo:
Hiến nói:
- Muốn dân ở Đàng Trong mang nặng ơn chúa Nguyễn Hoàng khai phá đất đai mở mang bờ cõi. Vả lại xét trong lịch sử nước ta Hồ Quý Ly làm vua do soán ngôi nhà Trần không được lòng dân. Gần đây ta lại nghe thiên hạ truyền miệng nhau hai câu sấm: Một là: "Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”. Nay Nhạc dấy binh ở đất Tây Sơn là đã hợp với câu sấm này rồi vậy. Câu thứ hai là: “Phụ Nguyễn phục thống”, nghĩa là một họ Nguyễn khác sẽ thống nhất giang sơn. Vậy sau này Nhạc ra nhận chứa Biên lại ở Vân Đồn thì nên đổi họ Hồ ra họ Nguyễn cho thuận ý trời. Ý Nhạc thế nào?
Nhạc bái lạy:
- Lời thầy thật chí lý, tôi đâu dám không nghe.
Từ ấy anh em Nhạc, Huệ, Lữ đổi họ Hồ thành họ Nguyễn.
* * *
Canh ba đêm ấy Huệ dắt kiếm vào lưng lẻn đến nhà toan giết chết Biện lại Vân Đồn. Đến cổng thấy vài chục tên lính nằm chết ngổn ngang. Một người thanh niên cầm gươm cắt vạt áo của xác tên Biện lại Vân Đồn rồi gói đầu hắn vào vạt áo ấy. Người này vừa đi vừa nói:
- Nay giết tên tham quan này giờ có ra đầu thú cũng đã làm xong một việc có ích.
Huệ chận người ấy lại nói:
- Hôm qua tên tham quan này hãm hiếp con gái nhà lành. Tôi định cầm gươm đến lấy đầu hắn, không ngờ tráng sĩ đã lấy mất rồi. Tôi xem tài tráng sĩ có thể tung hoành trong thiên hạ, khí khái hơn người, sao vì một tên dâm tặc mà tự hủy thân mình, chẳng phải là việc làm nông nổi lắm ư?
Người ấy đáp:
- Tôi tên Vũ Văn Nhậm quê quán ở phủ Quảng Nam, mồ côi cha mẹ. Đầu quân triều đình làm đội trưởng, bị quan trên chèn ép mới bỏ đến đây. Nghe tên quan này ban ngày ban mặt hãm hiếp con gái nhà lành mới giết đi định ra đầu thú. Bởi trong trời đất này không có chỗ dung thân ta nữa rồi. Còn cao nhân là ai? Có thể cứu được kẻ cùng đường này sao mà hỏi những lời ấy?
Huệ nói:
- Tôi tên Nguyễn Huệ, anh tôi là Nguyễn Nhạc dấy binh ở Tây Sơn, chiêu hiền đãi sĩ mong làm việc đại nghĩa cứu rỗi muôn dân. Nếu tráng sĩ không chê là phường đạo tặc thì có thể cùng nhau một phen lấp biển vá trời được chăng?
Vũ Văn Nhậm bái tạ xin theo. Huệ bèn dẫn Nhậm về nhà ra mắt Nguyễn Nhạc kể lại sự tình rồi nói:
- Nay tôi xin đến chiêu tập Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Bùi Thị Xuân đều là trang thiếu niên anh kiệt, vốn cùng tôi kết nghĩa đệ huynh tình như thủ túc. Sau đó đại huynh đưa chúng tôi lên Tây Sơn Thượng xây dựng doanh trại, huấn luyện binh sĩ. Rồi đại huynh về xin nhận chức Biện lại Vân Đồn. Hẹn ba tháng sau đón đại huynh lên đường cùng khởi sự.
Đêm hôm sau, Nhạc dẫn Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Vũ Văn Nhậm, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Bùi Thị Xuân, trong tiết cuối đông trời se se lạnh dưới ánh trăng mờ mờ, nhắm hướng núi rừng Tây Sơn Thượng, sương trắng giăng giăng cùng nhau thẳng tiến.
(Hết chương 4)
Tags:
Lê Đình Danh,
Tiểu thuyết,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét