Cây bút trẻ Diệp Linh
Ông Tư Măng hì hụt húp xong tô mì gói, ăn theo kiểu lót lòng cho qua ngày qua bữa. Rồi ông Tư khệ nệ chất lại mấy thùng mì cho ngay ngắn, mấy bữa rày trời mưa như trút nước ông sợ ướt mấy thùng mì người ta gửi đặng đem ra miền Trung giúp bà con ngoài đó.
Còn bà Tư thì ngồi trong xó nhà nhẩm nhẩm tính tính xem người ta gửi cái gì đặng ghi lại vô sổ, bà cúi đầu ghi rất tỉ mỉ. Chợt quay sang hỏi ông Tư Măng:
“Hồi nãy bà Tám xóm trên gửi gì vậy ông?”
Ông Tư phủi tay, ngó sang vợ mình:
“ Uhm, bả gửi một thùng mì, 5 lốc sữa, bịch quần áo cũ”
Bà Tư cặm cụi ghi vô sổ, ngoài đường mưa lớn văng cả bùn đất vô mái nhà liêu xiêu của hai vợ chồng già miền quê.
Ở cái tuổi cổ lai hy đáng lẽ hai ông bà đã an hưởng tuổi già cùng con cháu, nhưng ông bà Tư không may mắn như bao người khác. Ông bà sống với nhau mấy chục năm trời chỉ mỗi thằng con, vì nhà nghèo, với ở quê nghèo suốt ngày chỉ quanh quẩn vài ba công ruộng, thử hỏi làm sao có dư nhiều cho được. Anh hai Hải phải bỏ xứ đi làm ăn nơi khác may ra có dư, rồi khoảng thời gian kiếm tiền kha khá thì anh về phụng dưỡng cha má anh.
Ở xóm nghèo ấy người ta thiếu tiền, nghèo bạc chứ cái tình cái nghĩa thì không thiếu.
Ông bà Tư Măng kiếm cơm qua ngày bằng nghề bán chè ngoài chợ huyện. Gánh chè bà Tư gắn bó hơn chục năm nay, có đủ các loại chè, nào chè bà ba, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chè đậu trắng nước cốt dừa… Giá rẻ mà ngon nên dân chợ huyện ai cũng ghé ăn. Có người ăn rồi tắm tắt khen không ngớt miệng.
Từ chập tối trời đỏ đèn gánh chè bà đã thơm nức cả con đường, bán không ngơi tay.
Ông Tư lăn xăn rối cả tay chân, tầm 2 giờ đồng hồ gánh chè hết sạch, người đến trễ lại ra về vời vẻ mặt thất vọng.
Chỉ thế thôi mà gánh chè nuôi sống ông bà Tư, còn lo trọn bữa cơm chiều rẻ tiền cho cả chợ. Thỉnh thoảng bà Tư bán thiếu cho mấy đứa học trò vùng quê nghèo.
Mùa mưa năm nay thất thường quá xá, khắc nghiệt như chính cái xóm nghèo ấy. Không biết vì cơn mưa hay những điều gì khác hễ trời mưa là cả cái chợ vắng tanh, không bóng người.
“Mưa gì mà lớn quá chừng, như lũ miền Trung vậy”, giọng ông Tư Măng nói.
Ông Tư ngồi thom lom lấy tấm ni lông cũ vội quay qua che cho bà Tư, kế bên gánh chè lạnh ngắt, nhưng sao ấm lòng đến lạ. Tình vợ chồng nghĩa trăm năm, dù có nghèo, có khổ thì hai vợ chồng già vẫn nắm chặt tay nhau.
Rồi ông Tư bàn bạc cùng bà Tư vận động mọi người ở chợ huyện ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt. Ông chỉ nhận hàng hóa, không nhận tiền. Tối tối hai vợ chồng già ngồi xem ti vi thấy cảnh lũ lụt, người thì trốn lũ trên nóc nhà, con bò con chó chìm đắm trong dòng nước chảy xiết mà thấy thương hết sức. Nhìn mấy đứa trẻ quần áo tả tơi, bấu víu chạy trốn lũ mà ông bà Tư không kìm được nước mắt. Mặt cho bão táp mưa sa, ông bà Tư đội mưa đi vận động mọi người. Nhờ vậy mà trong vòng 2 ngày vợ chồng ông nhận được hàng quyên góp kha khá.
Chú Năm Cự cũng khệ nệ vác mấy thùng nước khoáng gửi ông bà đặng ủng hộ đồng bào. Anh Bảy Lé cũng hì hục đem mấy thùng mì tôm qua nhà ông Tư gửi ủng hộ.
Mới hừng đông tờ mờ sáng, mưa mù mịt ngoài đường, chú Năm Cự và anh Bảy Lé qua nhà ông Tư để giúp vận chuyển hàng cứu trợ. Mọi người ai cũng xắn tay làm, đến chiều tối mới xong. Ông bà Tư đầm đìa mồ hôi, quay sang nói khéo:
“Bác cảm ơn mấy đứa nghen, tụi bây về tắm rửa đi, tối qua làm vài xị lai rai chơi”.
Giọng ông Tư sang sảng vọng ra từ sau bếp.
Bà Tư mệt quá ngồi thừ ở bậu cửa nhìn màn mưa buông như dải lụa trắng trước nhà. Bụi lấm tấm thành màn sương mỏng kéo ngang qua, ánh mắt bà nhìn xa xăm về phương trời nào, có lẽ bà đang nhớ đến anh hai Hải.
“Không biết mưa gió vầy rồi nó sống sao?” Bà ngậm ngùi buông tiếng thở dài.
Ông Tư đứng đằng sau nghe hết nỗi lòng bà Tư, ông đưa tay choàng vai bà Tư với ánh mắt tràn đầy tự tin. Ông nói:
“Bà yên tâm, con mình sẽ sống tốt mà”.
Bà quay sang nhìn ông Tư, rồi tựa vai ông Tư như đôi vợ chồng son mới cưới.
Mưa bắt đầu tạnh dần.
Ông Tư nở nụ cười từ trong góc tối. Bóng bà Tư liêu xiêu bên bậu cửa, với vầng tráng pha sương cùng mái tóc bạc màu lấm tấm hạt sương.
Dù nghèo tiền nghèo bạc nhưng tình nghĩa vợ chồng, tình thương đồng bào, nghĩa khí anh em chung giàn bầu vẫn còn đó, còn thấm đẫm biết bao.
D.L (Long An)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét