CỐI ĐÁ NGÀY XƯA - Tạp bút Nguyễn Gia Long
Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017
Khoảng mươi, mười lăm năm trở về trước, ở làng quê tôi chiếc cối đá là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình bởi nó cực kỳ quan trọng khi gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày. Nhà nào cũng có trong nhà vài, ba chiếc cối đá và những chiếc cối đá với đủ kiểu kích cỡ to, nhỏ khác nhau lại gắn liền với một công dụng riêng biệt. Cối đá to, hay có tên gọi khác là cối đá đại, nặng tới cả vài tạ, được đục đẽo từ một tảng đá xanh nguyên khối lấy từ trên núi thường được dùng để làm cối giã gạo hay úp xuống để làm vật dụng dùng đập lúa ngày mùa. Những chiếc cối đá đại như vậy thì nhà nào cũng phải có, phải cần tới bởi chức năng dùng để giã gạo và đập lúa đối với nhà nông là cực kỳ thiết yếu. Đại đa số các hộ phải mua cối đá đại từ các thương lái, nhưng cũng có một số ít nhà thì tự chế tác lấy từ nguyên liệu là đá xanh khai thác ở trên núi. Nhà tôi cũng không phải mua cối đá, mà cha tôi cùng ông nội đã đục đẽo nên chúng từ khi tôi còn chưa ra đời. Tuy vậy tôi vẫn nghe ông kể về sự tích chiếc cối đá to tướng có miệng rộng bằng chiếc Thung, lòng sâu tới gần 50cm, và nặng tới hơn 2 tạ. Đó là cả một tuần ròng ông và bố tôi phải lên núi xẻ đá, rồi đục đẽo miệt mài rồi sau đó thuê xe vận chuyển về nhà. Không chỉ có chiếc cối đá to, ông và bố tôi còn làm nên cả vài chiếc cối nhỡ dùng để giã đậu đỗ, giã cua cùng các thứ gia vị.
Vâng, ngày trước khi mà điện đóm chưa có, các loại máy nghiền bột, máy xay xát gạo chưa phổ biến thì cung cách chế biến lương thực, thực phẩm của người dân quê tôi chủ yếu thông qua những chiếc cối đá. Muốn có gạo ăn thì sau khi xay lúa bằng cối tre nêm đất xong, nhà ai cũng phải bỏ vào cối đá ta để giã cho gạo trắng ra rồi sàng sảy, sau đó mới đem nấu cơm ăn. Những chiếc cối đá to có thể giã một mẻ được cả gần chục kg gạo. Chính vì lẽ đó mà suốt quãng đời ấu thơ sống ở làng quê, không chỉ được nghe tiếng chày thậm thịch giã gạo quen thuộc, vui tai, mà chính tôi cũng đã từng nhiều lần phụ mẹ cầm chày giã gạo. Vì cối đá được sử dụng thường xuyên hàng ngày như vậy nên lòng cối đá theo năm tháng cứ nhẵn thín ra. Tuy vậy, chiếc cối đá của nhà tôi cũng như các nhà hàng xóm vẫn không hề bị thủng mà vẫn trơ trơ cùng năm tháng. Không chỉ lòng cối đá mòn đến nhẵn thín, mà mặt đáy của cối đá cũng trở nên nhẵn nhụi bóng bẩy, mặc dù mỗi năm mặt đáy của cối đá chỉ được sử dụng trong hai mùa gặt mà thôi.
Năm tháng qua đi, khi mà công nghệ máy móc hiện đại hiện diện ở hầu hết các làng quê với máy gặt đập, máy xay, máy sát gạo thì vai trò thiết yếu của những chiếc cối đá không còn nữa. Chỉ những chiếc cối đá nhỏ, cối đá nhỡ dùng để giã cua, giã đậu đỗ, gia vị chế biến trong các bữa ăn hàng ngày là còn thi thoảng được trọng dụng, còn những chiếc cối đá to đại không còn được sử dụng nữa. Nhà nào cũng xếp xó chúng vào đâu đó trong khoảng đất nhà mình. Có nhà còn cảm thấy khó chịu vì cối đá to chiếm diện tích. Lâu dần, một số người hoài cổ thích sưu tầm một thú chơi tao nhã khác người đã đi gom hết cả những chiếc cối đá thừa thãi không còn tác dụng kia nữa. Chính vì lẽ đó mà theo năm tháng, hình ảnh của những chiếc cối đá cũng vắng bóng, thậm chí là mất hẳn. May mắn thay là nhà tôi vẫn còn giữ được chiếc cối đá đại, vì bố tôi cũng là một người hoài cổ, ông thích trân trọng chút kỷ niệm công sức mình làm ra nên quyết định không cho và cũng không bán nó với bất cứ giá nào. Và giờ đây nó vẫn được kê ngay ngắn bên bậc thềm phía trước sân nhà để ai đến chơi cũng thích thú và ngắm nghía mãi. Không ít người hàng xóm khi nhìn thấy chiếc cối đá nhà tôi ngậm ngùi tỏ ra tiếc rẻ vì đã vứt đi một kỷ vật đã theo họ suốt những năm tháng nghèo khó.
Vâng, chiếc cối đá ngày xưa nay vẫn còn đó và tôi tin rằng nó vẫn còn được gia đình tôi lưu giữ như một kỷ vật “gia bảo” bởi dẫu gì thì nó cũng gắn liền với ông nội, với bố mẹ, đời anh chị em chúng tôi, vì vậy sự hun đúc chất chồng biết bao những kỷ niệm là khó mờ phai…
N.G.L
Tags:
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét