Văn Hữu đành bỏ dở cuốn tiểu thuyết ông đang viết. Thực ra ông không muốn thua cuộc nhưng sự việc vừa xảy ra khiến ông không còn lòng dạ nào mà ngồi viết văn được nữa.
Ngay sau cuộc họp biên tập mặc dù còn đang tê tái, ông vẫn điện thoại cho công ty Du lịch để hỏi về chuyện của Diệp Mỹ nhưng các anh lãnh đạo bên ấy đi vắng nên ông lại thôi. Ông không muốn hỏi đám nhân viên, sợ nó bàn ra tán vào, thêu dệt thêm thì lại càng xấu xa hơn. Ông định cho người đi kiếm Hoàng Vũ nhưng sau khi nghĩ lại thấy đây là hành động vi phạm đến luật báo chí, ông lại từ bỏ ý định này ngay.
Cuối cùng chỉ còn cách là đi tìm gặp Diệp Mỹ. Nhưng khổ cho ông, khi ông tới văn phòng công ty thì các cô thường trực cơ quan môi đỏ như son, lấm la lấm lét nhìn trộm ông rồi trả lời một câu mới nghe ông cũng muốn nổi quạu:
- Bác muốn kiếm chị Diệp Mỹ hả bác? Cháu chỉ cho bác nghe. Bác cứ ra bãi biển hoặc các quán cà phê sang trọng nhất thị xã này.
Con nhỏ nói xong nó không đám cười với ông nhưng lại quay ra cười khúc khích với mấy đứa bạn cùng phòng, tỏ vẻ chọc tức ông. Trông cái mắt, cái miệng chúng nó ông muốn tát cho mấy cái. Cả một bọn hỗn láo.
Không còn biết trút giận vào đâu được nên ông chỉ còn biết chạy về nhà trút lên vợ con. Bà Tám Hữu bỏ dở đống củi đang xếp, chạy ra đon đả đón ông:
- Khổ, xe hơi đâu mà ông đi cái xe này?
Trước mắt ông, sao mà bà lại nhăn nhở và trơ trẽn đến mức khó chịu thế kia?
- Tôi là cán bộ cách mạng chứ có phải là quan huyện, quan tỉnh đâu mà đi về nhà ngủ với vợ cũng bắt Nhà nước phải bao xe, bao xăng?
Thấy ông mắng phủ đầu ngay, bà cứ ngớ người ra. Bà không giận ông mà chỉ mắc cỡ với bác xe lôi. Khổ, bác ấy sẽ nghĩ gì về ông cán bộ có cỡ này.
Ông Văn Hữu lạch bạch đi như dậm chân xuống đất vào nhà. Ông bắt bà rửa tay sạch sẽ rồi lên nhà trên để ông “thảo luận về một vấn đề quan trọng”. Cụ thể là ông nói hết nội dung bài báo của Hoàng Vũ cho bà nghe. Bà nghe xong, lòng nhức như có kiến cắn bên trong, nhưng vẫn phải bấm bụng nghe cho hết và nghe xong, mặc dù lúc trước ông có răn đe “phải bình tĩnh, đừng có mà rối beng cái chuyện đàn bà” thì bà vẫn cứ la lên, khiến ông sợ hãi năn nỉ: “Khẽ thôi, kẻo trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông”.
Bà la lên:
- Không, tôi nhứt định không tin được chuyện ấy. Tôi đẻ ra nó tôi biết. Nó có phải loại gái đó đâu! Nhất định là có đứa nào xấu bụng ghen ghét muốn làm hại nó. Khổ, con ơi là con… Làm thân con gái nó khổ lắm con ơi…
- Thế này thì thôi, tôi cũng đến chịu bà.
Ông lại hùng hục bước thấp bước cao trên con ngõ quanh co, lồi lõm lội bộ ra ngoài đường lớn. Ông vẫy chiếc xe lam rồi nhảy lên chạy về thị xã…
Suốt quãng thời gian ngồi trên xe lam, mặt ông vẫn cứ nóng phừng phừng…
Ông về tới cơ quan vừa lúc nào vào giờ làm việc buổi chiều. Lúc ấy Nguyễn Trắc đang đứng ở phòng thường trực. Thấy ông lọ mọ tới, Nguyễn Trắc đã không vui nhưng vẫn ra vẻ cười cợt nói với anh chị em văn phòng:
- Chú Tám đã về. Tội nghiệp ông già!
Rồi ông hướng ra ngoài nói lớn:
- Anh Tám, sao không kêu điện thoại để văn phòng cho xe đi đón.
Văn Hữu gật đầu chào lại mọi người. Ông không rẽ vào văn phòng như mọi khi mà bước lên lầu, về thẳng phòng mình.
- Thế là chú Trắc bể hết mánh rồi!
Thủy nói vui nhưng chính câu nói đó lại để trong lòng Nguyễn Trắc một nỗi tưng tức. Chiều nay ông ta định họp cơ quan vắng mặt Văn Hữu để lấy ý kiến tập thể quyết định một vài việc mà khi trước, bàn trong ban lãnh đạo, Văn Hữu không chịu. Hôm qua nghe Văn Hữu bảo rằng sẽ về nhà nghỉ vài ba hôm “cho nó dịu bớt cơn đau đầu” thì Nguyễn Trắc đã mừng, vậy mà nay chưa hết một ngày, ông ta đã trở về.
Mặc dù vậy, Trắc cứ quyết định cho họp. Mục đích cuộc họp này là ông muốn dùng ý kiến tập thể để ép Văn Hữu phải chấp nhận cho tòa soạn in thêm một số xuất bản phẩm phụ không chỉ dành cho tuổi trẻ. Như những tập tình yêu ở các lứa tuổi già hơn. Tuổi ba mươi, bốn mươi, năm mươi, vân… vân. Tức là ở tuổi của ông giờ đó. Ở lứa tuổi này, lửa lòng còn ngùn ngụt cháy lên đấy, nào đã leo lét, tàn tạ gì đâu mà nỡ bỏ qua, không đề cập tới. “Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ. Nhưng bên ngoài vẫn cứ trắng như không…”. Nguyễn Trắc nhớ có một câu thơ như thế. Nhưng đó là tình yêu của các văn nhân, thi sĩ, còn của ông, của những cuộc đời thực này, cái lửa đó không thể nào giấu được, nó vẫn cứ hừng hực bốc ra ngoài. Đó, cứ mổ xẻ, cứ phân tích các thứ tình yêu này đâu có ít chuyện và không phải không bán được sách. Gì chứ các loại này mỗi thứ in vài ba chục ngàn bản, chỉ bán ở thành phố Hồ Chí Minh thì cũng chỉ một thời gian ngắn là hết sạch sành sanh. Rồi chẳng cứ gì phải chuyện tình yêu. Còn bao nhiêu đề tài khác nữa. Nào bóng đá, nào mốt quần áo… Trời, dễ làm lắm. Mà nào mình có phải tốn tiền bạc gì đâu. Tiền của họ, giấy của họ, rồi đến bài vở cũng của họ nốt… Họ thừa những cái đó, họ chỉ thiếu cái danh nghĩa thôi mà. Vậy thì tội gì không làm. Buôn thất nghiệp, lãi quan viên!
Tuy vậy cũng phải khéo khéo một chút. Trong khi in hàng chục cái cuốn kiếm tiền như rác này cũng nên thỉnh thoảng in kèm theo một vài cuốn chính trị kiểu như chuyện tranh về các anh hùng quân đội hoặc chuyện kể về cuộc đời của các anh lãnh đạo có vai vế ở đây, để, một là ai gõ đến ta rằng: “Các anh chỉ in nhảm nhí kiếm lời” thì ta chỉ ngay vào mấy cuốn kia: “Đó, chúng tôi chả in phục vụ chính trị là gì?”. Còn hai là, người đời ai mà chẳng muốn khen, ai mà chả thích nêu thành tích, công trạng. Một vị nào đó được in tên tuổi, công trạng thành truyện, thành sách thì rất có cảm tình với ta và rất dễ đem ô đem dù ra che chở cho ta khi có ai đụng đến ta…
Đó, tại cuộc họp hôm trước, Nguyễn Trắc đã trình bày cặn kẽ hơn thua như thế nhưng ông Văn Hữu vẫn không chịu chấp nhận. Cái thằng cha bảo thủ đến mọc rễ trong đầu. Phải dùng biện pháp tổ chức may ra mới xoay chuyển được ông ta.
- Thủy à, lên mời chú Tám Hữu xuống họp.
Thủy lên lầu một lúc thì trở lại. Cô xua tay từ xa:
- Chú Tám bảo ở nhà cứ họp đi, chú ấy xin vắng mặt vì còn mệt lắm.
Nguyễn Trắc không giấu nổi sự vui mừng, la lên:
- Nào mời toàn thể anh chị em ta vào họp.
Hôm đó cuộc họp vừa mới bắt đầu ở phần ổn định chỗ ngồi, ông Trắc còn đang tuyên bố lý do thì đã thấy cô chủ quán cà phê Mây Hồng ở trước cửa tòa soạn, mặc bộ quần áo cùng màu hồng rực như mây khói buổi chiều, lách cách bê một chiếc khay i-nốc to như chiếc bàn cờ tướng, bên trên xếp chồng hai tầng những phin cà phê, những ly đá cục, những muỗng… Thế là quên cả chủ tọa đang nói, cả chục người nhao nhao lên tiếng:
- Tôi không uống cà phê đen đâu. Cho tôi chai xá xị…
- Cho tôi ly sữa “sư phụ”
- Tôi, ly cam vắt hột gà…
Nguyễn Trắc phải dừng miệng lại, ngồi xuống ghế, than thở:
- Nào, ai uống gì thì kêu hết đi. Rồi còn vào họp. Họp sớm còn ra tiệm Tây Đô…
Nghe có cơm tiệm cả phòng họp vỗ tay rầm rầm:
- Hoan hô thủ trưởng!
- Thủ trưởng tâm lý thật!
Nguyễn Trắc thấy cũng nên nhân dịp này mà thả mồi cho cá cắn câu:
- Xin nói luôn với bà con: Toàn bộ chi phí ăn uống liên hoan này là trích ở khoản in ấn các phụ trương, đặc san của chúng ta, chứ tuyệt nhiên không đụng đến đồng xu cắc bạc tiền ngân sách cấp. Chúng tôi còn đang định, nay mai làm ăn khấm khá hơn thì sẽ mua cho mỗi người một chiếc cát-xét. Còn trước mắt thì tháng tới sẽ tổ chức cho toàn bộ cơ quan đi Đà Lạt, Vũng Tàu một chuyến.
Trắc vừa nói xong đã có hàng tràng tiếng vỗ tay phụ họa:
- Hoan hô… hoan hô!
- Có được đem theo bồ đi chơi không đấy?
Phải chờ nửa giờ sau, các ly nước mới được uống cạn và cuộc họp lại được tiếp nối.
Nguyễn Trắc lại lên diễn đàn. Lần này ông báo cáo lại tình hình xuất bản toàn bộ những cuốn phụ trương, đặc san từ trước tới nay, từ nội dung từng số cho đến những khoản tiền lời thu được về cơ quan (tất nhiên cái khoản mà đám Vũ Tùng dành riêng cho ông được gọi là “tiền trách nhiệm” thì không được nêu lên ở đây). Nói xong một hơi, Trắc đọc lên những dự án xuất bản trong những tháng tới. Đọc xong ông giành ra khoảng mười lăm phút cho mọi người bàn luận. Cuối cùng là việc lấy biểu quyết tập thể xem những ai tán thành, ai không tán thành phương án này. Với vẻ đầy tự tin, Trắc bảo với Thủy:
- Cô nhớ ghi đầy đủ vào biên bản nghe!
Sau đây là những ý kiến phát biểu:
Bà Chín lao công:
- Thưa hội nghị… Tôi được chú Năm cho nghỉ về thăm con ở Nghĩa Bình những hai tháng kia nhưng nhớ cơ quan quá tôi phải trở vào ngay. Còn việc in thêm báo ấy mà, tôi thấy có thêm tiền thì tội chi không làm. Nếu ít nữa có cho tôi cái cát-xét thì tôi xin được lãnh tiền, tôi cần tiền hơn.
Ông Mười tài xế:
- Một lần đi với chú Năm lên thành phố để lo chuyện in đặc san, tôi thấy sung sướng hết chỗ nói. Cứ đúng như vua đi du ngoạn ấy các ông bà ạ. Đám ông Tùng chiều chuộng tòa soạn báo chúng ta hết chỗ nói. Họ cung phụng không thiếu một thứ gì (có tiếng xì xào khiến ông Mười vội nói ngay) ấy… ấy… cái khoản mát-xa gì đó thì dứt khoát không có đâu ạ. Vậy tội gì mà ta không in.
Cô Hồng sửa bản in:
- Đi ra tỉnh ngoài thấy ai nói đến tờ báo của chúng ta chắc ai cũng mừng lắm nhưng khốn nỗi ít khi có được cái nỗi mừng ấy. Tôi thì mãi đến gần đây mới gặp được. Ấy là một hôm mua guốc ở chợ Bến Thành, thấy cô bán hàng nói với cô bạn về tên báo của mình, tôi vội lắng nghe. Hóa ra họ đọc tên một đặc san về tình yêu của chúng ta. Vậy thì tội gì mà ta không in nhiều phụ trương hả các đồng chí!
Thấy Thủy vừa tủm tỉm cười vừa ghi biên bản lia lịa, Nguyễn Trắc mừng lắm. Ông những tưởng phen này sẽ đè bẹp được ý kiến bảo thủ của ông Văn Hữu. Trong lúc ông đang mủm mỉm cười như thế thì Hào giơ tay xin được nói. Nguyễn Trắc vui vẻ gật đầu: “Nào đồng chí Hào, một nhà báo đang có nhiều dự kiến đổi mới lớn lao đối với tờ bào chúng ta”.
Hào nói:
- Thưa các đồng chú, tôi xin phản đối kịch liệt đề án in ấn vừa rồi (mọi người sửng sốt ra mặt). Trước hết, chúng ta không nên nhân danh sự đổi mới mà làm những việc hoàn toàn cũ kỹ và cũng không nên thấy người ta đổi mới thì mình cũng đổi mới theo. Về việc in thêm các phụ trương về tình yêu nam nữ, về đá banh, đá bóng, về màn ảnh xi-nê vân vân… tôi thấy đây không phải là việc của chúng ta, những tờ bào có nhiệm vụ phục vụ đường lối chính trị của một địa phương. Những thứ đó là việc của các báo chuyên ngành, chuyên nghề như phụ nữ, tuổi trẻ, thể dục thể thao, điện ảnh vân vân…
Mặt khác, những thứ đó, giá có được phép in thì cũng nên in hạn chế thôi. Bởi như các đồng chí biết, hiện nay con em chúng ta còn thiếu sách vở học tập ghê gớm lắm và tỉnh chúng ta còn không biết bao em đến tuổi mà không được tới trường chỉ vì không có sách vở để học. Đó là hai lý đo. Còn một lý do nữa mà tôi thấy có phần nghiêm trọng hơn là nội dung của cuốn đặc san đó. Do mới đi học về, chưa có điều kiện đọc nhiều nhưng qua một hai cuốn như “Những ngày ân ái” rồi “NGHỆ THUẬT YÊU ĐƯƠNG” tôi thấy nó có nhiều điều đáng chê trách lắm. Do lấy lợi nhuận làm chính nên chúng ta đã rất coi thường khâu biên soạn, biên tập và in ấn. Chúng ta đã cho ra đời những phế phẩm (tôi chưa muốn nói đến những sản phẩm độc hại) và như vậy là chúng ta đã rất coi thường bạn đọc, coi thường chúng ta. Đó, các đồng chí cứ mở ra xem. Các bài vở chỉ cóp nhặt ở báo này một ít, sách kia một ít… tranh ảnh thì chỉ nhằm kích thích những dục vọng tầm thường… còn những bài nào không sai phạm gì thì cũng vô thưởng vô phạt, đọc xong chẳng thấy đem lại một điều gì.
Còn về lời lãi nhân đây tôi cũng xin nói luôn. Mới nghe, thấy mỗi cuốn đem về nộp cơ quan mấy trăm ngàn đồng thì ai cũng tưởng có lời phải không? Vậy bây giờ các đồng chí thử đem tính toán cùng tôi xem có lời lãi thật không nhé. Theo như chỗ tôi được biết chưa đầy đủ lắm thì in những cuốn như cuốn “NGHỆ THUẬT YÊU ĐƯƠNG” vừa rồi chúng ta đã phải chi ra một khoản lớn sau đây:
Ba lần đem xe lên thành phố giao dịch, ký hợp đồng xét duyệt. Số xăng dầu, hao mòn xe cộ của ba lần này là bao nhiêu. Rồi số lương, số tiền công tác phí để làm việc này là bao nhiêu. Rổi chúng ta lại còn mướn một tòa nhà và thuê một người trực ở các trạm giao dịch đó là bao nhiêu tiền… Các đồng chí thử cộng lại chia xem lời hay lỗ. Có điều là lời chúng ta hưởng, chúng ta chia nhau, còn lỗ thì Nhà nước chịu… Vì thế mà chúng ta chỉ thấy có lời thôi, phải không ạ?
Đó là tôi chưa nói đến hai khoản lỗ nữa.
Một là lâu nay do chỉ làm phụ trương, đặc san nên chúng ta đã coi nhẹ tờ báo thực sự của mình khiến tờ bào gần đây nó quá lạc hậu so với tình hình, nó không đáp ứng được lòng mong mỏi của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.
Hai là, coi chừng, một khi có một ấn phẩm nào đó “có vấn đề” và chúng ta phải ra trước tòa… thì đúng là mua danh ba vạn, bán danh ba đồng… có phải là bị lỗ lớn không, các đồng chí?
Mọi người thấy nét mặt của Nguyễn Trắc từ đỏ bừng chuyển dần sang xám ngoét. Chắc là sẽ có một trận lôi đình nổ ra. Nhưng không, ông ta vẫn cứ bình tĩnh một cách lạ lùng, tuy hai vành môi có mím lại:
- Còn có đồng chí nào có ý kiến khác không?
Ông ta nói một cách rời rạc, khó nhọc. Rồi đứng lặng nhìn mọi người. Ai cũng nghĩ sau ý kiến gay gắt của Hào vừa rồi thì sẽ không có ý kiến nào nữa. Ngờ đâu từ phía sau:
- Tôi có ý kiến ạ!
Mọi người quay lại nhận ra là anh chàng Mạc Vận. “Muốn vào trại… lần nữa hay sao”. Ông Mười lái xe thủ thỉ với bà Chín lao công như thế.
Mạc Vận nói:
- Tôi cũng hoàn toàn nhất trí với anh Hài về việc xù đi, không in đặc san đặc siết gì nữa. Song tôi xin được nói thêm: Tờ báo của chúng ta ít bạn đọc lắm rồi, sao ta không nghĩ đến việc đổi mới, cải tiến nó mà cứ đi tìm sự đổi mới ở mãi đâu đâu…
Như con chim bói cá đậu cành cây để rình cá dưới ao, Nguyễn Trắc đã tìm thấy ở câu nói của Mạc Vận có một ý mà ông ta có thể dùng nó để phản công người khác:
- Đồng chí Mạc Vận nói, tôi thấy có cái ý sau là đúng, nhưng nhân đây cũng xin nói thật với các đồng chí: Đổi mới phong cách một tờ báo đâu phải là chuyện dễ. Chung quanh có biết bao sự cản trở, bao khó khăn. Mà cái cửa ải đầu tiên cần phải vượt qua, các đồng chí có biết đối với chúng ta là ở đâu không? (Nguyễn Trắc chỉ vào đầu mình) là cái đầu… tất nhiên không phải là đầu chúng ta mà là cái đầu… của cơ quan, tức là đồng chí Văn Hữu, Tổng biên tập của chúng ta đó, các đồng chí ạ.
Mạc Vận nghe xong liền nói tiếp:
- Ông Văn Hữu mà cản trở thì chúng ta cứ việc đẩy ông ra bên đường mà đi tới. Chúng ta sẽ phải đấu tranh với ông. Đấu tranh chứ! Sợ gì? Dù có phải vào trại giam lần nữa tôi cũng không sợ à, nhưng có điều này cũng không thể coi thường được. Đó là sự đấu tranh chống lại sự … “đấu tranh”. Tức là thế này các đồng chí ạ, hiện nay có một số người đang nhân danh sự “đổi mới”, sự “nói thẳng, nói thật” để mưu đồ những quyền lợi, những tiếng tăm cho cá nhân họ. Cụ thể là họ đang sử dụng cái chiêu bài “nói thẳng, nói thật” để công kích lãnh đạo, phá rối tổ chức, đề cao cá nhân và phe cánh họ… Tôi nghĩ những người làm báo chúng ta lúc này cần phải tỉnh táo để kiên quyết đấu tranh chống lại những thứ đó!
- Các anh ấy nói dài thế, cháu ghi biên bản làm sao được hả chú?
Thủy buông một câu hỏi mới nghe tưởng là vui đùa nhưng xem ra là một lời khẳng định sự đúng đắn trong hai lời phát biểu của Hào, của Vận vừa rồi…
- Thì cứ thế mà ghi!
Nguyễn Trắc buồn bực. Cuộc họp kết thúc, tuy kết luận không được rõ ràng nhưng những người tham dự đều nhận thấy cái dự án mà ông Nguyễn Trắc vừa đưa ra là không nên đem thực hiện nữa, dù ngay chiều hôm nay họ không được ra quán Tây Đô ăn nhậu một bữa lu bù.
Và chính Nguyễn Trắc, tuy bề ngoài có vẻ tức giận nhưng bên trong cũng phải thừa nhận rằng thằng cháu ông và thằng Mạc Vận nói đúng.
(Hết chương 17)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét