Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Trong khi chờ cho ấm nước sôi lên sùng sục, bà Chín lao công chạy tới phòng ông Mười lái xe để báo khẩn cấp một tin quan trọng nhưng gặp ông Nguyễn Trắc đang ngồi chơi ở đó, không tiện báo chung cho cả hai người, bà cứ thấy bừng bực trong người. Bà lại trở về với gian bếp quen thuộc của bà. Thấy nước sôi thật sự, bà vội nhắc nó ra khỏi bếp, rót vào cái bình thủy có đề bằng nước sơn đỏ to tướng bên ngoài chữ V.H, rồi lặng lẽ lên cầu thang mang vào phòng ông Văn Hữu.
Lúc nãy khi lên đây lấy bình thủy bà cũng đã thấy hiện tượng này, bây giờ càng thấy rõ hơn. Bà chỉ muốn mở tung tấm màn gió ra, để nhảy bổ vào xem ông làm sao nhưng nghĩ mình là đàn bà không tiện nên lại thôi. Thật may cho bà lần này, ông Trắc không còn ngồi với ông Mười lái xe nữa, thế mà bà ghé ngay miệng vào tai ông Mười nói nhỏ:
- Ông lên mà xe... Hình như ông Văn Hữu đang khóc đó.
Ông Mười vội vàng lên ngay. Việc đầu tiên ông Mười lấy làm lạ là hôm nay ông Văn Hữu không đóng cửa như mọi khi nên từ xa ông đã đánh tiếng bằng cách hắng giọng. Ông Văn Hữu từ bên trong tấm màn gió vội kêu lên:
- Ông Mười đấy hả? Đóng giùm tôi cái cửa! Bà Chín vào ra chả chịu khép lại cho tôi gì cả!
Quả đúng đây là giọng người bị sổ mũi. Mà cũng là giọng đang khóc . Thử mạnh dạn ghé vào coi xem thực hư ra sao. Quả là ông Văn Hữu đang úp mặt vào gối mà khóc thật...
Ông Mười vội vã chạy vào, sờ tay lên người ông Văn Hữu.
- Chú Tám! Trời, chú cảm mạo, chú đau thế nào mà không báo cho tôi biết để tôi chở chú đi nhà thương.
Ông Văn Hữu lấy tay lau nhanh những giọt nước mắt trên mặt rồi cười gượng nói với ông Mười:
- Không, tôi có yếu đau gì đâu!
- Sao lại không? Trông con mắt chú đỏ hoe lên thì biết mà.
Ông Văn Hữu ngượng nghịu:
- Tôi đã bảo tôi không đau yếu gì mà!
Ông Mười càng tiếp tục trêu chọc thêm:
- Vậy thì rõ ràng chú đang có chuyện gì với thím Tám ở nhà rồi. Đừng có giấu tôi, chú đang khóc...
Ông Văn Hữu lấy tay quệt nước mắt. Ông Mười ngậm ngùi ngồi nán thêm chút nữa nhưng không biết khuyên can thế nào nên đành lặng lẽ rút lui.
Còn lại một mình, ông Văn Hữu lại bị giày vò về câu chuyện hôm qua.
Từ sau cuộc họp biên tập đến giờ ông hết sức trông mong vào sự đi xác minh của Hào. Ông hy vọng cuối cùng Hào sẽ báo đến ông những tin vui. Ai ngờ vừa mới bước vào phòng, chưa kịp cho ông rót ly nước ra mời, cậu ta đã độp luôn vào mặt ông:
- Sự việc còn tồi tệ hơn nhiều chú à?
Ông không tin vào lỗ tai mình nữa. Bởi xưa nay ông rất tin vào con gái ông. Hẳn là có chuyện gì khúc mắc đây. Hay là cái thằng Hào muốn ruồng rẫy con ông để chạy theo con Lệ Thủy.
- Vô lý! Tôi nghĩ rằng anh đã...
Ông chưa nói hết một câu thì Hào đã đứng lên cắt ngang ông và ném ra giữa bàn một bức ảnh kèm theo một câu nói cộc lốc:
- Đây, cháu gửi chú cái này. Tin hay không tùy chú.
Khi Hào đi rồi, ông mới buồn bã nhặt tấm ảnh lên. Tấm ảnh đã làm mặt ông tái đi, chân tay run run như người bị sốt rét. Ông nằm vật ra giường, sau cố gắng lắm mới chạy đến được chỗ đặt máy điện thoại để gọi về công ty Du lịch báo cho Diệp Mỹ tối nay đến gặp ông.
Và ngay tối hôm đó Diệp Mỹ đã phải bỏ buổi học tiếng Anh để đến với ông. Chưa bao giờ cô bước vào phòng ông với một tâm trạng hồi hộp như thế. Thấy ông nằm bất động với vẻ mặt bơ phờ, cô lo quá nhưng khi vừa định sờ tay lên trán ông thì bị ông hất mạnh ra khiến cô hoảng hốt kêu lên:
- Ba! Ba! Làm sao vậy ba?
Cô không được ông trả lời mà còn bị ông hỏi ngược lại, giọng nghiêm khắc:
- Mấy hôm rày mày đi đâu?
Diệp Mỹ ngơ ngác, định ôm choàng lấy ba cố làm dịu đi cơn nóng của ông mà đến giờ cô vẫn chưa rõ nguyên nhân thì bị ông đẩy ra từ chối:
- Kệ mẹ tôi, cô cút đi, cút ngay!
- Con vẫn đi làm đều, ba ơi! Con có đi đâu đâu mà sao ba lại hỏi thế!
- Mày nói láo!
"Bốp bốp", bất ngờ ông tát cô hai cái như trời giáng.
Diệp Mỹ ôm chặt lấy mặt. Cô không khóc mà chỉ ngước mắt nhìn ông. Trời ơi, sao ông thấy mắt con gái ông đẹp và đáng thương đến thế. Cứ ngơ ngác như mắt con nai. Con mắt giận hờn mà phải làm ra vẻ yêu thương. Con mắt trách móc mà phải làm ra vẻ ơn huệ. Hình như quá ngỡ ngàng với cử chỉ thô bạo đột ngột của người cha nên khoảng một lúc sau Diệp Mỹ mới thốt được nên lời:
- Ơ... ơ... sao ba đánh con?
Ông đứng lên rút trong tập bài vở xếp trên bàn ra cái bài báo đã được đánh máy tươm tất của Hoàng Vũ, ném xuống giường:
- Đây, người ta tố giác mày đây. Tao không ngờ...
Diệp Mỹ mở tờ giấy ra xem. Ông nhìn con vừa thương vừa giận. Đôi môi cô cứ ngày càng cắn chặt lại. Rõ ràng là cô đang cố kềm cho tiếng nấc khỏi bật ra. Nhưng sau đó, lạ thay cô lại càng thản nhiên như không.
- Họ tố giác oan con đấy. Ba đừng có tin!
Diệp Mỹ chỉ nói có thế. Không thanh minh lấy nửa lời. Thế mới càng làm ông giận hung nữa! Đã vậy thì ông đưa thêm bằng chứng này ra. Ông ném ra giữa bàn tấm ảnh mà Hào bỏ lại rồi quay mặt đi, coi đó là một thứ bẩn thỉu không đáng nhìn.
- Đó, còn oan nữa không?
Ông cười mỉa mai. Rồi không biết vì cái cười của ông hay vì bức ảnh Mỹ cũng muốn bật cười nhưng cô không dám cười vì sợ làm ông tức giận hơn.
- Mày đú đởn với thằng nào đây?
- Chú lái xe đó ba à!
Câu nói thản nhiên của ông làm ông tức điên lên.
- A, con này hỗn thiệt!
"Chát, chát"... Ông quật vào lưng cô hai nhát của cây thước ông vẫn dùng để đuổi chuột ban đêm.
Diệp Mỹ vẫn không khóc, run run nói với ông:
- Ba cứ đánh con nữa đi! Đánh cho hả giận rồi con sẽ nói.
Ông vứt cây thước đánh bạch xuống góc nhà rồi ôm lấy lồng ngực đang đau nhói lên từng cơn. Chứng bệnh đau tim lại trở lại với ông sau bốn năm năm tưởng như đã khỏi hẳn.
- Nào, thì con nói đi... Sao con để ba đánh con nhiều rồi con mới nói?
Ông gục đầu xuống bàn khóc nức nở như một đứa con nít. Trong cơn chập chờn ông nghe Diệp Mỹ nghẹn ngào nói qua tiếng nấc:
- Chuyện người ta nghi ngờ con làm ăn bất chính con sẽ thanh minh với ba sau vì phải chờ khi nào ba thật sự bình tĩnh đã. Con mong ba hãy tin ở con gái ba. Còn về tấm hình này... thì con xin được thanh minh ngay. Bữa đó ở bãi biển Vũng Tàu, anh chị em chúng con đang chuẩn bị chụp ảnh kỷ niệm thì bỗng dưng có ai ném vào người con một con cóc. Vốn là đứa sợ cóc từ nhỏ mà ba biết đấy, con không còn tự chủ được đã ôm chầm lấy chú Ba Sang lái xe cho chúng con. Thế là bị anh Hoàng Vũ "chộp" luôn. Con tưởng chỉ là chuyện đùa. Ai ngờ đã bị lợi dụng. Con xin ba hãy hiểu và tin cho con gái của ba.
Diệp Mỹ òa lên khóc. Tất cả sự giận hờn đến giờ mới có dịp cho nó xổ ra.
Ông cho Diệp Mỹ về. Và bây giờ đến lượt chính ông lại khóc. Khóc hơn cả con gái ông. Từ đấy cứ mỗi lần nhớ đến tấm lưng con gái ông bị chính tay ông quật vào những ngọn roi thì ông lại thấy như có gì tức nghẹn trong tim. Từ khi đẻ con ra rồi nuôi con khôn lớn đến giờ ông chưa một lần đánh con. Ngay Diệp Mỹ còn nhỏ có lần đã không hiểu lý do gì mà vợ ông giận dữ đã nẹt vào mông Mỹ một roi. Hôm ấy, thấy thế, thương con quá ông đã thử cầm chiếc voi ấy vụt lên người mình, thấy nó đau nhói. Thương con, ông đã mắng bà một chập.
Đó, ông Văn Hữu yêu con bằng tình yêu như thế. Vậy mà giờ đây chính tay ông lại tàn nhẫn đánh đập con ông!
Nước mắt của ông lại chảy ra giàn giụa. Ông lại thấy đau ngực. Ông lấy tay đánh thình thịch lên ngực nhưng vẫn không làm dịu được cơn đau.
- Ối, ối... đau quá...
Do không kìm được nên ông đã trót buông ra mấy tiếng kêu. Không ngờ mấy tiếng ấy đã lọt đến tai ông Mười.
- Chú Tám làm sao vậy?
Ông Mười đẩy cửa nhảy vào đã thấy ông Văn Hữu nằm sóng soài ra giường, mặt mày xám ngoét... Ông Mười bế thốc ông Văn Hữu xuống dưới nhà rồi tự tay lái xe chở vào bệnh viện, phòng cấp cứu khoa tim mạch.
(Hết chương 18)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét