Chiếc xe tải chở đồ đạc cồng kềnh chật vật, khó khăn lắm mới vào được con hẻm. Người đi đường dạt sang hai bên hoặc tránh vào hiên nhà còn chiếc xe thì nhích dần từng chút. Người dân nơi con hẻm cụt với vài chục nóc nhà, hôm nay có hàng xóm mới. Đó là cặp vợ chồng trạc ngoài ba mươi về tiếp quản căn nhà hai tầng bỏ không hơn nửa năm nay. Mọi người biết vậy cũng nhờ bác tài vui tính thông tin khi ghé vô quán cô Tư Mận xin nước uống. Hỏi tên hai vợ chồng, nghề nghiệp của họ là gì bác tài đều lắc đầu, không biết.
Sự kiện này lại là dịp để người trong hẻm xôn xao, bàn tán. Buổi tối, sau chương trình thời sự, họ thường tụ tập ở hiên nhà bác Hai Ngộ. Nơi cái bàn nhỏ, với mấy chiếc ghế con thường trực đón tiếp. Họ nói đủ thứ chuyện mà hàng ngày nghe được. Họ đều là dân lao động chân tay. Ban ngày tản đi khắp nơi, làm đủ mọi nghề. Tối về uống trà, chuyện phiếm với nhau. Ở con hẻm này hiếm khi xảy ra xích mích, va chạm. Mà cũng không có thời gian để gây chuyện là đằng khác. Nhưng phải công nhận một điều là họ rất yêu thương nhau, hễ nhà ai có việc gì là cả xóm xúm lại quan tâm, lo lắng. Nên sự khép kín, tự cô lập của ai đó là sự bất thường của dân trong xóm. Họ theo dõi để biết ngọn ngành từ nhân thân đến nghề nghiệp, quan hệ. Cũng nhờ vậy mà họ đã phát hiện chủ nhân căn nhà hai tầng bỏ không kia từng là tay anh chị lại buôn bán cái chết trắng. Trong lúc bàn bạc tìm cách báo công an thì gã đàn ông có gương mặt chim ưng cùng bà vợ già, mặt lúc nào cũng phấn son lòe loẹt đã bỏ trốn, nghe đâu qua nước ngoài. Thành thử khi có người lạ về ở ngôi nhà ấy thì người ta lại xì xầm nhỏ to. Mà hai vợ chồng này kín tiếng thiệt, chẳng hé răng với ai bao giờ. Gặp nhau ngoài đường chỉ gật đầu chào đầy lễ phép kèm theo nụ cười xã giao một điệu.
“Hai đứa này có họ hàng thân thích với chủ trước không nhỉ?”. Đặt ly nước đánh cạch lên cái bàn ghép từ bốn viên gạch hoa, anh Tiến xe ôm hỏi trống không. Ông Hài vé số nhấn nha: “Ai mà biết được, vợ chồng nó có nói chuyện với ai đâu!”. Mà thiệt tình, vợ chồng họ đã về ở hơn tuần rồi mà chưa sang mấy nhà bên cạnh thăm hỏi, làm quen gì cả. Cứ mỗi sáng, người ta thấy thằng chồng mở cửa, dắt xe. Con vợ xách túi theo sau. Đóng sầm cửa lại. Ra khỏi cổng là rồ ga. Người ta nhìn theo rồi nhìn nhau. Có tiếng thở dài và cả cái lắc đầu ngán ngẩm.
Rồi cũng quen dần. Nếp sinh hoạt của người dân hẻm cụt lại trở về bình lặng như cũ. Họ vẫn sáng đi làm, chiều về cơm nước, giặt giũ, tối lại tụm năm tụ bảy nói chuyện, uống trà ở hiên nhà bác Hai Ngộ. Bữa nay cúp điện. Cũng may trời sáng trăng, lại có gió. Gió hình như trở thành đặc sản mà ông trời ban cho con hẻm nằm khuất sau mấy dãy nhà cao tầng, hầu hết là công ty nước ngoài án ngữ trước mặt. Trẻ con, lấy cớ cúp điện không chịu học bài, được thỏa mãn với những trò chơi dọc đường. Dưới trăng những dáng người nhỏ nhắn, khi dài ngoằn, khi củn cỡn trông thật ngộ. Chúng chơi chán thì ngồi xếp hàng huyên thuyên. Trời có gió nhưng chặp lát thôi. Cái oi nồng ban đêm sao khó chịu thật. Mấy người đàn ông cũng thôi chuyện mà chuyển sang phàn nàn về thời tiết. Họ bảo ông trời trêu ngươi. Đã cúp điện rồi lại sinh gió thổi quần, không mát mà thêm oi. Hết mấy tuần trà, đã có người kêu con về ngủ. Lũ trẻ bắt đầu lục đục phủi đít đứng dậy. Con hẻm dần yên tĩnh. Nghe rõ tiếng lá rơi xào xạc và mùi hăng hắc bốc lên từ rãnh nước thải phía cuối hẻm. Trăng cũng không còn tỏ. Tiếng chó chợt sủa lên một tràng như nhắc nhở cho người ta biết đã đến giờ chị Thảo cave về. Gọi là vậy cho dễ phân biệt với con bé Thảo sinh viên, cháu họ chú Hài dưới quê lên trọ học được một năm rồi. Con bé ngoan, chăm học. Hễ tới trường thì thôi, về nhà là quét dọn, lau chùi nhà cửa và rất ít khi ra đường. Con bé chỉ thoáng chốc ghé quán cô Tư Mận mua vài thứ lặt vặt hay mua rượu cho chú Hài. Bao giờ cũng thế cô Tư hay nhìn gương mặt đẹp, ngây thơ và vuốt đuôi tóc mượt của con bé khen lấy khen để, làm nó ngượng ngùng ù chạy về. Còn chị Thảo cave thì trái ngược hoàn toàn. Chị đẹp và sắc sảo hơn. Dáng lại cao, vẻ quý phái. Chị từ đâu đến, miền Tây sông nước hay miền Trung cát trắng gió Lào không ai rõ nhưng nghe giọng nói dễ thương và trông dạn dĩ lắm. Chị sẵn sàng quần áo là lượt, mặt mày bự phấn ngồi chồm hổm ăn xoài, ăn cóc với mấy cô, mấy chị và tha hồ buôn chuyện. Lúc đầu mọi người cũng dè chừng, xa lánh nghĩ rằng cái nghề được mặc định cho chị không tốt đẹp gì. Dường như chị cũng biết điều đó nhưng không mấy bận tâm. Chị vẫn chiều tối rời khỏi căn phòng trọ chật hẹp cuối hẻm và trở về lúc đêm khuya. Gặp ai chị cũng chào, thăm hỏi nên dần dần ai cũng mến chị. Con hẻm có việc gì chị là người xăng xái luôn tay luôn chân và luôn miệng nữa. Bữa nay chị có vẻ say, chân nọ bước díu vào chân kia, đôi lúc ngã chúi vào hàng rào dâm bụt đầu hẻm làm mấy con chó hốt hoảng, chạy loạn, sủa váng lên. Vừa lúc đó anh Tiến xe ôm cũng về tới. Chị Thảo cave hất ngược mái tóc, nhìn lom lom vào mặt anh Tiến như nhận dạng. Anh Tiến cười cười. Dưới bóng trăng nhạt nhòa, hàm răng ánh lên lấp loáng. Họ không nói gì sau đó. Chỉ lặng lẽ sóng đôi. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu ai đó nhìn thấy, sẽ nghĩ họ một đôi, đang đưa nhau về. Mà như vậy cũng tốt chứ sao, cả hai chưa có sự ràng buộc. Anh Tiến thì đang ở cùng người mẹ già nay ốm mai đau. Được cuốc xe nào anh đều dành dụm mua thuốc, mua thức ăn bồi dưỡng cho mẹ. Anh đã hơn ba mươi rồi, chưa ai ngó ngàng và cũng chưa dám ngó ngàng đến ai.
Chuyện anh Tiến và chị Thảo cave vô tình về cùng rộ lên ngay buổi sáng sau đó. Chẳng là tuổi già, khó ngủ bác Hai Ngộ hay trằn trọc thức giấc, lại mắc tiểu nên lò dò mở cửa, định bụng ra xả vào đống rác chụ ụ mé hiên chờ mai xe tới hốt. Cho tiện và cho mát. Bác mắt nhắm mắt mở nhìn ra và thấy hai người thủ thỉ điều gì đó. Bác e hèm và nháy mắt, dù trong đêm thì làm sao biết tín hiệu phát ra là gì. Anh Tiến và chị Thảo đều gật đầu chào. Bác Hai Ngộ đứng nhìn theo, ngẫm nghĩ một hồi rồi mới làm nốt nhiệm vụ phải làm. Vậy nên khi vừa ghé quán cô Tư Mận mua gói thuốc hút, anh Tiến đụng ngay mặt chú Hài. Chú cười hề hề, nhe hàm răng vẩu trông nham nhở, đáng ghét. Anh Tiến biết thế nào cũng bị trêu nên cười đáp lại và chìa gói thuốc vừa bóc trước mặt chú Hài. Chú Hài lắc đầu, xua tay: “Tao đợi uống rượu mừng nhà mày thôi”. Anh Tiến ngớ người trong giây lát rồi ỡm ờ: “Được thôi, chú cứ đợi đi!”. Nói xong, anh Tiến leo lên xe, tiếng máy nổ giòn đưa anh cùng niềm vui bất chợt dâng lên trong lòng. Suốt dọc đường ra chỗ đợi khách núp dưới tán bằng lăng cách nhà ba con phố, anh Tiến huýt sáo liên tục.
Thành viên mới của hẻm cụt thì cách ly hoàn toàn với người dân xung quanh. Nhiều hôm thấy dân phòng đi ngang, ngó nghiêng rồi bỏ đi. Thỉnh thoảng lại có mấy tên lạ mặt rồ ga, lấn đường dừng trước cổng im ỉm đóng, lấy điện thoại gọi mấy lần rồi cũng quay xe. Hai vợ chồng dạo này về khuya. Có hôm về lúc gần sáng, khi chị Hảo đã dậy nhóm lò đúc bánh. Họ về là nhanh chóng kéo cổng lại, rồi quày quả mở cửa, bật đèn, rồi quay ra khóa cổng, khóa cửa. Như một lập trình sẵn có. Và cứ thế họ sống trong không gian riêng đầy bí mật, không ai xâm phạm, không ai tỏ tường. Mãi đến một ngày, khi đã quá nửa buổi sáng mà hai vợ chồng chưa thức dậy. Người ta đã nhốn nháo hỏi nhau, sợ xảy ra án mạng. Có người còn ý định trèo cổng vào xem sự thể như thế nào. Nhưng rồi không ai dám. Tầm trưa chiếc xe taxi trờ tới và vội vã đưa hai vợ chồng đi. Theo nguồn tin của cô Thủy bán thuốc tây đầu hẻm thì con vợ cấn thai, ói mửa, làm tình làm tội thằng chồng. Thì ra bệnh làm nũng của nhà giàu. Mấy cô mấy bà chưa vội về lo cơm trưa lại sà xuống rổ xoài xanh ở quán cô Tư. Chị Thảo cave đon đả: “Em xin mời mọi người hết chỗ này ạ. Đêm qua em vô mánh, hì”. Chị vừa nói vừa gọt vỏ, chẻ ra từng lát đưa cho mọi người. Chị Hảo đang lui cui dọn dẹp cũng tới góp vui . Cầm miếng xoài đã chấm muối trên tay chị ngâm nga: “Xoài chua thì cóc cũng chua, anh nợ em rồi anh biết hay chưa”. Dứt lời, chị Hảo không quên liếc xéo chị Thảo cave, khiến mấy chị mấy cô cười rúc rich. Chị Thảo mặt đỏ ửng, phân bua: “Chưa mà, anh ấy có hứa hẹn gì đâu”. Nói rồi, chị Thảo đứng dậy gửi tiền rồi đi về. Tay chị xách túi thức ăn nặng trĩu. Không ai bảo ai nhưng họ đều biết, chị Thảo vẫn hay mang thức ăn đã nấu chin cho mẹ anh Tiến và họ còn thấy anh Tiến nán lại đưa chị Thảo đi làm khuya về. Ấn tượng không tốt về cái nghề chị Thảo đang làm cũng sớm triệt tiêu trong suy nghĩ của người dân hẻm cụt. Chị chỉ là nhân viên tiếp thị rượu cho nhà hàng gần chỗ anh Tiến đợi khách thôi. Nhưng quy định của chủ nhà hàng quá nghiêm ngặt buộc nhân viên nữ phải tô son đánh phấn, ăn mặc hở hang tí chút. Ban đầu chị không chịu nhưng nghĩ lại hư nên cũng bởi tại mình. Đâu phải đua đòi, ăn diện rồi bị sai khiến này nọ đâu. Mình làm công ăn lương, có chăng đời đã vận vào mình cái nghề gần như mạt hạng này. Trong mắt người khác sẽ không có một tia nhìn thiện cảm, huống chi là được sẻ chia. Chị Thảo cave nhiều lần muốn buông bỏ nhưng lại sợ mình không thể tìm được việc nào khác khi đã lỡ mang tiếng này nọ rồi. Nhan sắc chị có thừa để an nhàn bên một gã đàn ông lắm tiền, hám gái. Chị biết điều đó sau những lần vãn khách, khi đã bị khách chuốc vài ly, đầu lâng lâng, giọng đã nhịu. Một xấp tiền boa gần bằng tháng lương để đổi lấy một cái cầm tay hay một đoạn đường đưa về. Chị khước từ thẳng thừng để nhận lấy sự ganh ghét cùng cái bĩu môi của bọn bạn cùng làm. Mặc kệ, chị giữ gìn và đi về trên con hẻm cụt nhưng giàu yêu thương này. Và ở đó chị đã gặp được người đàn ông của đời mình. Ân cần và tận tụy. Tuy kiệm lời nhưng sâu sắc của con người từng trải, nhiều va vấp trên đường đời như anh sẽ là bờ vai vững chắc để chị tựa vào.
Rồi một chuyện bất ngờ ập tới khiến người dân hẻm cụt sững sờ, buồn như đưa đám. Con bẻ Thảo sinh viên có thai, bỏ học, trốn về quê, cũng may anh Tiến gặp nó lủi thủi, nước mắt giàn giụa đã đưa về. Chị Thảo cave có mặt ở nhà chú Hài sớm nhất. Chị ôm con bé vào lòng an ủi, động viên. Chị còn tự tay nấu cháo ép con bé ăn nữa. Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập ngay tối hôm đó tại nhà chú Hài. Ai cũng buồn bã, xót xa cho con bé trẻ người non dạ. Hình như ai cũng cảm thấy mình có trách nhiệm với nỗi đau mà con bé chưa tròn hai mươi tuổi phải chịu này. Người ta đưa ra nhiều phương án để giải quyết, hoặc phá cái thai hoặc giữ lại là cái điều mà mọi người bàn luận gay gắt nhất. Tuyệt nhiên không người nào đá động đến người đàn ông, cha đứa bé trong bụng con bé Thảo sinh viên là ai. Có lẽ họ sợ lại sinh thêm nhiều hệ lụy khi đã khui ra sự thật? Con bé ngoan hiền là vậy, lâu nay có thấy nó giao du với bạn bè gì nhiều đâu. Thỉnh thoảng cũng có vài đứa bạn học tới nhà thăm chơi rồi rủ đi ăn kem, ăn chè chặp lát rồi về. Nhưng rồi, gần cuối cuộc họp cũng có người hỏi nhưng nó không trả lời, chỉ khóc. Chú Hài giận quá mắng té tát vào mặt nó: “Mày không khai đứa nào hại mày thì mày ra khỏi nhà tao. Nhục quá đi. Mày về quê bám mấy công ruộng cho cha mẹ mày nhờ!”. Nói rồi, chú thở hồng hộc như gần trút hết hơi. Mọi người xôn xao, an ủi chú và động viên con bé Thảo. Nó vẫn không nói gì. Hỏi nó còn muốn đi học không thì nó gật đầu. Lúc này, bác Hai Ngộ mới nhỏ nhẹ: “Chắc có nguồn cơn chi đây, tui nói mọi người như thế này, cứ để con bé sinh con, việc học thì lên trường báo cho người ta thu xếp”. Chị Thảo cave nhanh nhảu tiếp lời: “Cháu xin hứa sẽ nuôi con cho em nó, ngần tuổi này rồi cũng muốn có tí bồng cho vui cửa vui nhà”. Nói lời này, chị Thảo có ý nhắc chừng anh Tiến đây. Ai cũng biết cả nên anh Tiến ngượng ngùng, vò đầu rồi ra đứng dưới tán cây bàng nhìn mông lung. Cuộc họp thế là xong. Mai ba mẹ con bé Thảo dưới quê lên rồi tính tiếp. Nhưng chắc ổn thôi vì sự góp lời của người dân hẻm nhỏ này bao giờ cũng mang lại cho người gặp nạn những điều chia sẻ chân thành, tốt đẹp nhất.
Mẹ con bé thương con nhưng cũng giận con lắm, ghì đầu con bé xuống, cứ thế mà khóc. Con bé đã cạn hết nước mắt nên chỉ đưa cặp mắt ráo hoảnh nhìn mẹ nó. Van xin, nhận lỗi. Ba nó thì đốt thuốc liên tục. Nỗi đau vón cục trong tim nên không cất nên lời. Nhà có chút con gái, gởi lên thành phố học đại học những mong có công việc đàng hoàng, thoát khỏi cảnh chạy chợ hay tảo tần bên góc vườn, ruộng lúa. Có việc làm ổn định cũng dễ có tấm chồng xứng đáng. Đời cha mẹ khổ rồi, con cái lại khổ theo sao. Người cha thương con theo cách khác, bởi nhiều lẽ, nên khi thấy con đau khổ ông cũng chỉ ngậm ngùi, nhưng ai chú ý sẽ thấy cặp mắt đỏ hoe. Những giọt nước mắt đắng chát nuốt ngược vào trong, còn lại là vết hằn của niềm đau không giấu đi đâu được. Mọi người góp lời nên chuyện cũng êm xuôi. Tạm thời con bé Thảo vẫn ở lại nhà chú Hài, triệu chứng nghén làm nó xanh xao, cần tịnh dưỡng. Chị Thảo cave sẽ chăm sóc nó. Ở vài hôm, ba mẹ con bé Thảo cũng về quê lo con lợn, đàn gà và mấy sào ruộng đến mùa thu hoạch. Họ chào mọi người rồi tất tả rời khỏi con hẻm, trông thật tội nghiệp. Cô Tư Mận nhìn theo, chảy nước mắt rồi ném cái quạt nan xuống mẹt hàng, tay bốc hộp sữa bò, chạy sang nhà chú Hài…
Tôi, người chứng kiến những câu chuyện ở con hẻm, sau mấy năm quay lại, mọi thứ đã khác trước nhiều. Người dân nơi đây sống yên bình và thêm tiếng cười của con trẻ. Chị Thảo cave đã về ở cùng mẹ con anh Tiến xe ôm sau cái lễ cưới giản đơn chỉ vài mâm đãi khách. Cha mẹ chị ngoài quê, tít miền Trung vào dự, mừng con gái đôi khuyên tai. Anh Tiến cơi nới căn nhà, trông khang trang và ấm cúng. Con bé Thảo thì tiếp tục học. Thằng bé sắp ba tuổi rất láu lỉnh, hay cười và người dân cũng biết ai là cha nó rồi. Nhưng họ không buồn giận, khi người đó biết nhận ra sai lầm, và sẽ về ra mắt khi con bé Thảo xong việc học hành. Như thế là trọn vẹn. Còn vợ chồng lập dị kia thì không ai muốn nhắc tới. Sau cái lần con vợ làm nũng chồng, một hình thức che mắt, đã bị công an triệu tập lấy lời khai vì chúng chính là móc xích quan trọng trong đường dây tuồn ma túy vào thành phố.
Hẻm bây giờ không còn cụt nữa. Một con đường chạy dài thông thoáng và tráng bê tông nối với con đường lớn để vào trung tâm thành phố. Mấy cây bàng lá đỏ đợi mùa sang, trút xuống từng đợt lá, xào xạc dưới chân nghe âm vang như tiếng gọi thầm gợi khơi bao kỉ niệm. Tôi đứng lặng như thế kiếm tìm dấu vết cũ còn lưu và chợt thấy lòng hân hoan khi gặp lại những con người mà ánh mắt, nụ cười của họ sao mà ấm áp, yêu thương, còn những mảnh vỡ của niềm đau, nỗi buồn thì chỉ sót lại, mơ hồ và đã tan loãng bay theo từng đợt gió thổi qua con hẻm này.
S.T
Bài viết hay lắm anh. Đọc mà nhập tâm như thấy bản thân được đặt vào bối cảnh của truyện. Viết them nhiều bài nữa nghen anh
Trả lờiXóa