LAN MAN CHUYỆN SÁCH - Tạp bút Phạm Thị Hải Dương
Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017
Tôi thường ưu tiên chọn sách của những nhà văn gần mình. Gần về tư tưởng, lối hành văn lẫn cách sử dụng ngôn ngữ. Những quyển hàn lâm quá (với tôi), có muốn tôi cũng không nuốt nổi. Hoặc nếu bắt buộc phải đọc, tôi phải mất rất nhiều thời gian. Mà quan trọng hơn, cái thú của việc đọc sách vì thế mà giảm hẳn.
Tôi sinh ra ở vùng đất không có nhiều trầm tích văn hóa. Những gia đình rời rạc, ăn nằm quanh năm với rơm rạ. Hết đồng lúa tới rừng, rẫy. Ra đồng, lên núi rồi về nhà. Cho tôi vào đại học, ba mẹ đã cố gắng rất nhiều. Ngày nhỏ, tôi chỉ biết có sách giáo khoa. Mà không chỉ mình tôi, rất nhiều đứa trẻ trong vùng cũng không có tuổi thơ bên trang sách. Tụi nhỏ chúng tôi một buổi học, một buổi vừa chăn bò, vừa à ơi:
“Ai làm bò Cộ ấm mình
Cho con bò Bĩnh thất tình không ăn”
Vừa tí tởn trên lưng bò, chúng tôi vừa thi thả diều. Những con diều lem nhem chữ học trò, dán vụng về bằng hột cơm còn nhão nhoẹt bay vù vè khi ngược chiều gió. Chán chê, mấy đứa tôi cột bò vào thân bạch đàn, nhảy ùm xuống sông ngâm nước. Ngâm đến lúc quần áo nổi lều bều, nửa người dưới nước bắt đầu phát lạnh, nửa người phía trên bị nắng táp rát da vẫn chưa chịu thôi.
Sách không ở cạnh chúng tôi những ngày thơ ấu. Vào đại học, có lần nghe bạn nói: “Ước gì có cái bánh mì chuyển ngữ của Doraemon để khỏi học tiếng Anh.”, tôi lẳng lặng bật điện thoại tra google với từ khóa “Bánh mì chuyển ngữ.” Thiếu gì thì muốn bù nấy, từ dạo đi học xa nhà, tôi hay đọc sách. Vì không có được nền móng từ bé, nên tôi đọc sách rất vụng. Ai giới thiệu quyển nào đọc quyển nấy, thường hỏi google, kiểu hỏi của người không biết cách hỏi: “Những cuốn sách hay nên đọc”, hoặc “Các tác phẩm kinh điển của nước ngoài”, rồi men theo đó mà đọc. Nhủ với mình, đọc được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chỗ nào không tường, lại nhờ anh google. Anh ấy lúng túng, trả lời lập dập nữa thì đi hỏi mọi người. Trong mười người, ắt có một người có thể giải thích hộ mình, dẫu nhiều hoặc ít.
Tôi không phải người mê sách. Phải tự thú như vậy. Bởi từ lúc mon men học viết, tôi quen nhiều tay yêu sách đến cùng cực. Anh bạn của tôi, làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng chuyên sưu tầm sách. Anh mê nhất sách của các tác giả đoạt giải Nobel, nhiều nhất là Nobel Văn học. Lần đến nhà trao đổi với anh, tôi tưởng mình bị sách đè đến ngộp thở. Hỏi quyển gì, có quyển ấy. Anh cười cười, mình đọc chưa hết đâu, nhưng cứ thấy là mua, sau này nghỉ hưu rồi, có cái đọc. Mà đọc không hết nữa, thì ba đứa con chia nhau đọc. Tôi nhìn ba đứa nhỏ con anh, hạnh phúc thay phần các bé. Chúng may mắn hơn tôi, khi ngay từ bé đã có sách kề cận. Lúc ra về, anh tặng tôi một quyển sách nhỏ. Tôi ngỏ ý mượn anh một quyển sách khá hiếm có liên quan đến chuyên ngành tôi đang học, anh vui vẻ rút quyển sách ra khỏi tủ, niềm nở: “Anh tặng em!”
Sau này, tôi biết nhiều tay điên đảo vì sách. Mua một quyển sách tốn chục triệu, có khi cả trăm triệu. Nhưng vì độc bản, bản đặc biệt, sách có thủ bút của tác giả hoặc niên đại thuộc loại hiếm nên được săn lùng gắt gao. Tôi tin còn nhiều người yêu sách và bằng cách nào đó, giá trị của sách vẫn không thể lẫn với những món ăn tinh thần khác được. Năm nào, thành phố nơi tôi học cũng tổ chức Hội sách. Mấy ngày diễn ra chương trình, nhiều bạn bè facebook của tôi thường chụp ảnh bìa sách họ mua được, giới thiệu với mọi người. Tôi tin đó là điều tốt. Còn chuyện họ có đọc hay không, chừng nào đọc, có khi tới già mới đọc như anh bạn mê sách Nobel của tôi, thì lại là chuyện khác.
Nhờ chữ “viết” nối duyên, tôi biết thêm nhiều bạn trẻ rất hay. Như nhiều thành phố lớn khác, nơi tôi ở có một bệnh viện lớn chuyên điều trị ung thư. Số bạn trẻ này nảy ra ý tưởng vận động mọi người quyên góp sách, để bệnh nhân mượn đọc trong thời gian điều trị. Lần tìm hiểu về dự án này, tôi theo đuôi xe đẩy sách của các bạn tới từng phòng bệnh. Nhìn bệnh nhân vui vẻ kí mượn sách mà ấm lòng. Ít thời gian bám sát dự án, tôi vận động một số bạn bè gửi những quyển nhẹ nhàng, dễ đọc để tôi quyên góp cho dự án. Có anh bạn làm báo ở Sài Gòn, chưa một lần gặp mặt tôi, lặng lẽ chuyển sách với lời nhắn rất dễ thương: “Cho anh cùng em giúp cuộc đời thêm đẹp.” Một người khác gọi điện cho tôi, giúp anh mua ít sách, em chịu khó viết ở trang đầu tiên mỗi quyển: “Giữ gìn để mọi người cùng đọc” hộ anh nhé! Ngày giao sách, tôi mang hết tình cảm của anh em bạn bè xa gần trao gửi lại bệnh nhân. Cầu mong những trang sách ấy có thể giúp họ vơi đi đau đớn và vực dậy niềm tin để chiến đấu với bệnh hiểm nghèo.
Giờ này mua sách, nếu là những quyển thông dụng thì không khó để tìm. Khoan nói đến cơ man các nhà sách, việc mua sách qua mạng cũng đơn giản vô cùng. Tỷ phú người ba mươi hai tuổi, người Hoa Kỳ, Mark Elliot Zuckerberg, người điều hành và đồng sáng lập mạng xã hội Facebook chắc cũng không ngờ rằng, nhờ sáng tạo của ông và đồng sự, mà những người yêu sách, bán sách tại Việt Nam có được một công cụ trao đổi, kinh doanh tiện lợi đến như vậy. Nói gần hơn, tôi phục ông Trần Ngọc Thái Sơn có gan đầu tư website bán hàng điện tử mang tên Tiki.vn chỉ với hơn trăm đầu sách. Hiện tại, Tiki.vn hay Vinabook.com là hai lựa chọn được ưu tiên của người cần những quyển sách thường thức.
Xoay quanh chuyện mua sách trực tuyến, cũng có vài chuyện khiến tôi… đổ buồn. Có lần đang cần quyển Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do cố giáo sư Hoàng Phê chủ biên, tìm không thấy ở các nhà sách, tôi hỏi khắp bạn bè từ Nam chí Bắc rồi cũng tìm được một quyển ưng ý với giá khá mềm, mua qua lời giới thiệu trên facebook. Nhưng nhận sách rồi mới hay bìa trong và bìa ngoài không khớp nhau về năm xuất bản. Xem như dùng tiền mua lấy bài học cho mình. Biết hiện đại cũng nhiều lúc… hại điện lắm!
P.T.H.D
Tags:
Phạm Thị Hải Dương,
TẠP BÚT,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét