Cãi số trời Hoàng Ngũ Phúc mạng vong
Khuyên xuất quân Nguyễn Huệ giả bệnh.
* * *
Ngày ấy Nguyễn nhạc ở thành Quy Nhơn nghe quân về báo:
Nguyễn Nhạc thở dài buột miệng nói:
Nguyễn Thung ngạc nhiên hỏi:
- Nay ta đã phá được thế lưỡng đầu thọ địch của hai nhà Trịnh, Nguyễn ấy là nhờ tài thao lược của Nguyễn Huệ. Chúa công nên vui mới phải sao lại thở dài?
Nguyễn Nhạc giật mình cười đáp:
- Ta thở dài bởi thương Huệ phải vì ta mà xông pha nơi hòn tên mũi đạn. Vả lại, Huệ đem quân đánh Phú Yên, ngộ nhỡ quân Trịnh thừa cơ đánh Quảng Ngãi, e rằng Võ Văn Dũng và Võ Đình Tú ít quân không địch nổi thì sao!
Vừa nói xong có quân vào báo:
- Tâu chúa công, có tin đồn rằng quân Trịnh nay mai sẽ tiến vào đánh Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Dân chúng trong thành ngoài phủ bàn tán xôn xao.
Nguyễn Thung nghe xong nói:
- Tống Phước Hiệp mới bại binh, hai vạn quân tan vỡ. Quân Nguyễn sợ ta thừa thắng đánh thẳng vào Nam, nên mới bày kế này để ta triệu hồi Nguyễn Huệ đem quân về phòng thủ mặt bắc để giải nguy cho chúng mà thôi. Xin chúa công chớ vội tin.
Nhạc nghiêm mặt hỏi:
- Nếu ngộ nhỡ quân Trịnh thất tín đem quân đánh thật thì ông liệu thế nào?
Thung không biết nói sao đành nín thinh. Nhạc liền sai người vào Phú Yên gọi Nguyễn Huệ đem quân về Quy Nhơn. Huệ để Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân lãnh hai ngàn quân ở lại giữ Phú yên. Lúc sắp kéo quân về Văn Sở hỏi:
- Tướng quân cấp hai ngàn quân giao trọng trách cho chúng tôi giữ Phú Yên. Nếu quân Nguyễn từ Gia Định kéo đại binh ra đánh thì làm thế nào?
Huệ đáp:
- Quân Nguyễn sợ ta tiến đánh nên mới lập kế phao tin rằng quân Trịnh sắp sửa tiến đánh Quảng Ngãi. Đại huynh ta lầm kế của giặc nên mới triệu ta về. Năm ngàn quân của Tống Phước Khuông ở ải Vân Phong còn chưa hoàn hồn. Tướng chúng dù muốn đánh quân chỉ hòng chực chạy. Binh như thế thì còn đánh được ai? Còn quân của chúng ở Gia Định, ta sẽ đánh chúng trước khi chúng kịp chỉnh đốn binh mã. Các em không phải lo.
Ngô Văn Sở nghi ngờ hỏi:
- Tướng quân đánh địch ở Gia định bằng cách nào?
Huệ cười đáp:
- Việc quân cơ không thể lộ. Nếu các em còn lo lắng, thì khi nào quân Nguyễn kéo đến các em hãy bỏ Phú Yên về Quy Nhơn, ta xin chịu tội trước đại huynh.
Ngô Văn Sở nói:
- Nếu vậy chúng tôi an lòng trấn thủ Phú Yên.
Phan Văn Lân xen vào hỏi:
- Sao tướng quân không sai người về Quy Nhơn nói rõ kế của quân Nguyễn rồi thừa thắng đánh thẳng vào Nam Hà, việc gì phải kéo đại quân về?
Huệ lắc đầu bảo:
- Chỉ có một người có thể nói được với đại huynh ta. Nay người ấy không còn, dù có nói cách nào đại huynh cũng chẳng nghe, lại còn cho ta là kháng lệnh thì nguy.
Lân hỏi:
- Dám hỏi tướng quân người nói cho chúa công nghe được là ai?
- Người ấy là thầy ta, Quân sư Trương Văn Hiến!
Nói rồi Nguyễn Huệ đem ba ngàn quân rút về Quy Nhơn. Đến Quy Nhơn, Huệ ra mắt Nguyễn Nhạc, hỏi:
- Quân ta đang thắng sao đại huynh lại triệu hồi em về?
Nhạc vỗ vai Huệ thân mật nói:
- Ta nghe dân chúng đồn rằng quân Trịnh sắp đem quân vào đánh Quảng Ngãi, Quy Nhơn, nên mới gọi em về phòng khi hữu sự.
Huệ cũng nắm tay anh thân mật bàn rằng:
- Lúc trước Trịnh Sâm phong đại huynh làm Tây Sơn hiệu trưởng bảo ta đánh quân Nguyễn. Nay đại huynh nên sai người sang Trịnh báo tin thắng trận rồi dò la động tĩnh thế nào?
Nhạc khen phải, viết thư sai Nguyễn Thung đi sứ sang Trịnh.
* * *
Nguyễn Thung sang đất Quảng Nam yết kiến Hoàng Ngũ Phúc nói:
- Thưa đại tướng quân, Nguyễn hiệu trưởng đánh tan hai vạn quân chúa Nguyễn ở Phú Yên, sai tôi dâng thư báo tiệp cùng đại tướng quân.
Phúc tiếp thư xem xong vui vẻ nói:
- Hay lắm! Ta vâng lệnh Tĩnh Đô Vương kéo quân vào đây cốt là đánh Nguyễn. Nay hiệu trưởng đã đánh được chúng, ta kéo quân về trấn thủ Thuận Hóa, phong Nguyễn hiệu trưởng làm đại trấn thủ dinh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn.
Nguyễn Thung mừng rỡ tạ ơn. Nguyễn Hữu Chỉnh nói đùa rằng:
- Hôm ấy Nguyễn Huệ hẹn trong mười hôm sẽ phá được Tống Phước Hiệp ở Phú Yên. Nay đã trễ hẹn một ngày lại không có lời xin lỗi với tôi sao?
Nguyễn Thung nửa đùa nửa thật đáp lại:
- Tướng quân Nguyễn Huệ đánh tan hai vạn quân Tống Phước Hiệp chiếm đất Phú Yên chỉ trong bảy ngày, một ngày từ Phú Yên về Quy Nhơn báo tiệp, ba ngày tôi từ Quy Nhơn đến Quảng Nam tướng quân tính xem có đúng không nào?
Nói rồi cáo biệt ra về. Nguyễn Thung đi xong, Chỉnh hỏi Phúc:
- Nguyễn Nhạc có người em tên Nguyễn Huệ thật là tài giỏi. Ngày sau quân ta có đối địch với Tây Sơn nên khá đề phòng. Nay Nhạc ngoài mặt hòa ta đánh Nguyễn, nhưng trong lòng vẫn muốn làm vua một cõi, sao thượng tướng quân bỏ đất Quảng Nam cho hắn?
Phúc vuốt râu cười bảo:
- Quân ta hiện đang bị bệnh dịch tả lỵ chết mất mấy ngàn người, số còn lại đều gầy còm suy nhược. Vả lại ta vừa nhận được thư của quan đại học sĩ Lê Quí Đôn, cho toa thuốc của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ông ấy khuyên ta nên rút quân khỏi vùng đất bị dịch tả lỵ. Nhất cử lưỡng tiện ta mới giao đất Quảng Nam cho Tây Sơn để ban ân cho Nguyễn Nhạc.
Nói rồi liền sai quân tìm ba vị thuốc là Thủy Tinh Thảo, Lệ Trường Thảo và Mã Xỉ Thảo cho quân sĩ uống. Quân uống vào nội nhật hôm ấy liền cầm chứng tả lỵ ngay. Quân sĩ trầm trồ khen:
- Hay quá thuốc tiên! Hải Thượng Lãn Ông thật là thần y xưa nay hiếm có.
(Từ ấy về sau thiên hạ truyền nhau bài thuốc này để chữa bệnh tả lỵ, đi ngoài ra máu mủ rất là thần hiệu, bằng ba loại cỏ mọc khắp nước Nam: Thủy Tinh Thảo là cỏ sữa, Lệ Trường Thảo là cỏ mực, Mã Xỉ Thảo là rau sam).
Hoàng Ngũ Phúc thấy quân mình bớt bịnh liền hội các tướng đến thương nghị. Phúc nói:
- Nay quân ta nhờ bài thuốc tiên của thần y Hải Thượng Lãn Ông mà bớt bịnh. Ta định thôi không rút binh khỏi Quảng Nam nữa. Đợi quân ta dưỡng sức nhuệ khỏe mạnh như xưa, rồi nhân lúc Nguyễn Nhạc dồn toàn lực đánh nhau với quân Nguyễn ở phương nam ta xuất kỳ bất ý tiến đánh Quảng Ngãi ắt là toàn thắng. Các ngươi thấy thế nào?
Phúc vừa dứt lời bỗng nghe trong bụng đau quặn thắt, Phúc ôm bụng rên la ngã vật ra đất. Các tướng hoảng hốt vội dìu Phúc ra hậu dinh tĩnh dưỡng. Ngày hôm ấy Hoàng Ngũ Phúc đi tả lỵ triền miên. Quân hầu lấy ba vị thuốc Thủy Tinh Thảo, Lệ Trường Thảo, Mả Xỉ Thảo cho Phúc uống. Suốt ba ngày không khỏi. Các tướng xúm lại hỏi han. Hoàng Đình Thể buột miệng nói:
- Bài thuốc này hàng vạn quân bị bệnh uống vào tức khắc khỏi ngay. Sao đại tướng quân uống đã ba ngày mà không khỏi bệnh?
Phúc mở mắt hỏi:
- Các ngươi thấy màu nắng ngoài trời thế nào?
Nguyễn Hữu Chỉnh đáp:
- Mấy ngày trước thời tiết trong sáng. Ngày nay khí trời bỗng trở nên nóng bức. Màu nắng vàng vọt như có sương mù che phủ.
Phúc bảo:
- Các tướng hãy lệnh cho quân sĩ chuẩn bị quân trang. Rạng sáng ngày mai lập tức rút binh về Phú Xuân!
Các tướng vâng lệnh ra đi. Hoàng Ngũ Phúc than:
- Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Thật là trời đã giúp cho quân Tây Sơn rồi vậy!
Ngày hôm sau Hoàng Ngũ Phúc nằm trên xe, Hoàng Đình Bảo theo sau hộ tống. Quân Trịnh người mạnh cáng người bệnh lục đục bỏ Quảng Nam rút về Phú Xuân. Về đến Phú Xuân, Hoàng Ngũ Phúc mất, thọ bảy mươi tuổi. Hoàng Đình Bảo, Hoàng Đình Thể, Hoàng Phùng Cơ, Nguyễn Hữu Chỉnh, sai quân đưa linh cửu về Thăng Long. Trịnh Sâm Tĩnh Đô Vương thương tiếc vô cùng, mai táng rất là trọng thể, rồi sai Bùi Thế Đạt vào thay Hoàng Ngũ Phúc làm trấn thủ giữ đất Thuận Hóa.
* * *
Lại nói đến Nguyễn Thung về tới Quy Nhơn nói với Nguyễn Nhạc:
- Hoàng Ngũ Phúc bỏ đất Quảng Nam cho ta, lui về trấn thủ từ ải Hải Vân trở ra Thuận Hóa. Thần nghĩ hắn chẳng có bụng tốt gì, chẳng qua vì quân Trịnh bị dịch tả lỵ mà chết rất nhiều nên mới bỏ đất ấy mà thôi.
Nghe Thung nói xong, Nhạc vùng ôm mặt khóc lớn. Nguyễn Thung ngạc nhiên hỏi:
- Quân Trịnh bị dịch tả lỵ mà chết, Ngũ Phúc rút khỏi Quảng Nam ấy là trời giúp ta. Chúa công nên mừng mới phải, sao lại khóc?
Nhạc nghẹn ngào không nói được. Các tướng đều ngơ ngác nhìn nhau. Nguyễn Huệ ứa nước mắt nói:
Các vị chưa rõ đó thôi. Nguyên trước lúc chết thầy tôi có khuyên đại huynh nên rút khỏi Quảng Nam bỏ đất ấy cho quân Trịnh. Thầy xem khí tượng đoán biết rằng, sang mùa hè nhất định quân Trịnh bị bệnh dịch tả lỵ mà chết rất nhiều tự khắc sẽ lui binh. Nay quả đúng như vậy, nên đại huynh tôi thương thầy mà khóc đấy thôi.
Nghe Huệ nói Nhạc càng khóc lớn, kêu lên:
- Quân sư ơi! Quân sư!
Mọi người trông thấy đều bùi ngùi rơi lệ!
Nguyễn Huệ bước ra nói:
- Xin đại huynh hãy vì việc nước mà nén lại tình riêng. Nay quân Trịnh đã rút khỏi Quảng Nam. Tướng Trịnh chỉ có Hoàng Ngũ Phúc có tài, nay Phúc đã chết thì mặt bắc ta không phải lo gì nữa. Xin đại huynh hãy kíp cho quân vào Gia Định đánh chúa Nguyễn Định Vương chiếm lấy toàn cõi Nam Hà, xây dựng lực lượng để chờ ngày đem quân bắc tiến.
Nhạc lau nước mắt đáp:
- Việc ấy thì không phải vội gì. Quân ta từ ngày khởi binh đến nay chinh chiến triền miên, nên cho tướng sĩ nghĩ ngơi dưỡng sức. Đợi đến mùa đông gió bấc thổi mạnh, ta sẽ đem quân theo hai đường thủy bộ vào bắt chúng nào có muộn gì!
Nói xong Nhạc truyền bãi triều.
Nói về Lý Tài sau ngày Tập Đình chết, biết mình không còn được Nguyễn Nhạc tin dùng, Lý Tài trong lòng buồn bực. Hôm ấy trên đường về tư dinh Lý Tài bỗng gặp Đông Cung Nguyễn Phúc Dương xăm xăm đi đến, Tài chặn lại hỏi:
- Thế tử đi đâu mà gấp thế?
Phúc Dương hầm hầm nói:
- Ta đến hỏi Nguyễn Nhạc xem, Tống Phước Hiệp đã thuận ý đem quân về Gia Định truất phế Nguyễn Phúc Thuần để Nguyễn Nhạc rảnh tay đem quân ra đánh Trịnh, cớ sao lại thừa cơ Tống Phước Hiệp không phòng bị mà đem quân đánh lấy Phú Yên?
Lý Tài cười hỏi:
- Thế tử lấy quyền gì mà bắt bẻ chúa công tôi?
Dương gằn giọng đáp:
- Ta là Đông Cung thế tử, thiên hạ theo Nguyễn Nhạc vì Nguyễn Nhạc phò ta. Theo lẽ ấy là nghĩa chúa tôi. Ta lại không bắt lỗi Nguyễn Nhạc được sao?
Lý Tài ôm bụng cười ngặt nghẽo. Dương giận lắm hỏi:
- Ngươi cười gì mãi thế?
Lý Tài vụt nín cười đáp:
- Tôi cười thế tử tuổi nhỏ ngây thơ, lần trước chúa công tôi nhận sắc phong của họ Trịnh bị thế tử quở, chúa công tôi không dám nói gì vì còn nhờ thế tử lừa Tống Phước Hiệp để sai tướng quân Nguyễn Huệ đánh lấy Phú Yên. Nay Tống Phước Hiệp đã thua binh mà chết, hai vạn quân còn lại mấy ngàn người về giữ ải Vân Phong. Bây giờ thì chúa công tôi đâu cần đến thế tử nữa. Nếu thế tử không biết phận mình nói chẳng giữ lời, lỡ chúa công tôi nổi giận thì nguy đó.
Nguyễn Phúc Dương giật mình nói:
- Nghe ông nói ta mới vỡ lẽ. Ta đã bị anh em Nhạc Huệ lợi dụng, ví như bù nhìn bị giam lỏng mà thôi! Xin cảm ơn ông!
Nói rồi Nguyễn Phúc Dương quay lưng toan ra về. Lý Tài gọi lại hỏi:
- Thế tử bị người ta giam lỏng để lợi dụng cũng đành chịu thế ư?
Dương dò xét đáp:
- Ta như cá chậu chim lồng biết phải làm sao? Còn ông là tay chân của Nguyễn Nhạc sao hỏi ta những lời ấy?
Lý Tài kéo Phúc Dương đến chỗ kín đáo sụp lạy nói:
- Chẳng giấu gì thế tử, tôi vốn chiêu mộ được hơn ngàn nghĩa sĩ. Nghe Nguyễn Nhạc tôn phò Đông Cung nên mới đem quân theo giúp. Nào ngờ Nguyễn Nhạc mưu định bá đồ vương, giam lỏng thế tử để lợi dụng. Lâu nay tôi đã biết bụng Nguyễn Nhạc, nhưng hắn chưa để lộ hành tung, nên tôi dùng thương kính thế tử cũng khó mở lời. Nay Nguyễn Nhạc đã lộ mặt giả nghĩa tôn phò, sớm muộn cũng hại đến thế tử. Xin thế tử hãy khá giữ mình, chờ khi nào có dịp tôi sẽ đưa thế tử vào Gia Định cùng nhau khôi phục cơ đồ. Tôi có một kế khiến Nguyễn Nhạc không thể hại đến thế tử được. Chẳng hay thế tử muốn nghe chăng?
Phúc Dương vội hỏi:
- Kế thế nào xin ông chỉ bảo!
Lý Tài mỉm cười đáp:
- Nguyễn Nhạc có một người con gái tên là Thọ Hương, nhan sắc hơn người nhưng bản chất thật thà, thế tử cứ làm như vầy… như vầy… Nguyễn Nhạc tất không nghi ngờ gì mà hại đến thế tử.
Phúc Dương mừng rỡ nói:
- Thật là diệu kế! Nếu không gặp ông chỉ vẽ thì tôi nguy mất. Gặp được ông là trời giúp ta vậy!
Nói rồi hai người chia tay nhau.
* * *
Hôm sau Nguyễn Phúc Dương đến tư dinh Nguyễn Nhạc. Dương lựa lúc thuận tiện nói:
- Nghe nói tướng quân có một người con gái tên là Thọ Hương tuổi vừa đôi tám nhan sắc hơn người. Xin tướng quân hãy nhận tôi làm nghĩa tế.
Nhạc dò hỏi:
- Quân ta vừa đánh tan hai vạn quân của Tống Phước Hiệp chiếm đất Phú Yên, thế tử đã biết chưa?
Phúc Dương vui vẻ đáp:
- Việc này tôi có biết. Nhưng ấy là do Tống Phước Hiệp giả vờ nghe lời tôi về Gia Định phế Nguyễn Phúc Thuần, rồi lại cho quân mai phục. Tướng quân dò biết việc ấy nên mới đánh đuổi Tống Phước Hiệp đi. Những việc ấy tướng quân đều vì tôi mà làm cả, tôi sao trách được tướng quân.
Nguyễn Nhạc nghe xong mừng rỡ nói:
- Cảm ơn thế tử hiểu được lòng tôi. Mai sau định yên xã tắc, cả giang sơn này đều là của thế tử thì có xá gì một đứa con gái mà tôi dám không vâng lời.
Dương cũng mừng rỡ không kém:
- Vậy khi nào tướng quân cho phép thành thân?
Nhạc đáp:
- Xin thế tử hãy thư thả đợi khi nào thu phục được kinh đô thế tử lên ngôi chúa, thì thế tử và Thọ Hương làm lễ thành thân cũng chẳng muộn gì. Nếu bây giờ hai người tác hợp tôi e thiên hạ dị nghị rằng tôi dùng mỹ nhân kế để mê hoặc thế tử chăng?
Phúc Dương suy nghĩ giây lâu rồi đáp:
- Tướng quân nói rất phải, nhưng mai sau xin chớ quên lời.
Nói rồi bái biệt ra về. Từ ấy về sau Nguyễn Phúc Dương thường say mê tửu sắc, lấy việc săn bắn ngoạn cảnh làm vui, không bàn đến việc đại sự. Nguyễn Nhac thấy thế nghĩ rằng Phúc Dương đã tin tưởng mình, không nghi ngờ gì cả.
* * *
Đến mùa đông năm ấy, Nguyễn Huệ không nghe Nguyễn Nhạc nói gì đến việc vào Gia Định đánh Nguyễn, nhân lúc thiết triều Huệ hỏi Nhạc:
- Lần trước đại huynh bảo đợi đến mùa đông gió bắc thổi mạnh sẽ đem quân theo hai đường thủy bộ vào Gia Định đánh Nguyễn. Nay đã gần hết mùa đông sao không nghe đại huynh nói gì đến việc xuất binh?
Nhạc đáp rằng:
- Ước nguyện của ta lúc khởi binh ở Tây Sơn Thượng là làm vua một cõi của ba phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên. Nay đã được như thế là thỏa mãn lắm rồi. Việc gì phải chém giết chinh chiến làm chi cho nhọc sức!
Huệ thất kinh sụp lạy tâu:
- Thưa đại huynh, chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định xuống hịch cần vương, chiêu binh mãi mã thu nạp nhân tài, ngày đêm rèn luyện sĩ tốt mưu toan khôi phục cơ đồ. Nếu ta không đánh họ, ắt họ đến đánh ta. Thì sự thanh bình của nhân dân ba phủ liệu có còn chăng? Vả lại đất Gia Định phì nhiêu màu mỡ lương thảo dồi dào, nếu họ Nguyễn xây dựng lực lượng đối địch cùng ta, em e rằng ba phủ nhỏ bé này không thể sánh kịp. Xin đại huynh suy xét lại.
Nhạc lại nói:
- Nhưng ải Vân Phong (Đèo Cả) dễ giữ khó đánh. Ai giữ ải này một có thể chống lại trăm. Nay ải Vân Phong về tay quân Nguyễn, ta làm sao tiến binh được.
Huệ liền thưa:
- Thưa đại huynh, việc này em đã tính từ trước nên mới sai Nguyễn Văn Tuyết và Nguyễn Văn Lộc ngày đêm luyện tập thủy binh. Nay quân ta đầy đủ cả thuyền to, súng lớn. Em xin đem thủy binh theo đường bể vào cửa Cần Giờ đánh thành Sài Côn rồi tiến quân ra đánh Trấn Biên, Bình Thuận, Diên Khánh. Ấy là ta không cần phải vượt ải Vân Phong mà vẫn bình định được một dải đất Nam Hà. Xin đại huynh chớ nên chậm trễ.
Nguyễn Nhạc lưỡng lự hỏi:
- Nhưng ngộ nhỡ ta kéo đại binh vào Nam quân Trịnh thừa cơ xâm phạm mặt bắc thì làm sao trở tay kịp?
Huệ luận rằng:
- Chính vì lẽ ấy, nên em mới xin đại huynh đừng nên chậm trễ mà lỡ mất thời cơ. Nay quân Trịnh vừa bị dịch tả lỵ chết mấy ngàn người, họ xem Quảng Nam là vùng đất chết, không dám xâm phạm, lại thêm Hoàng Ngũ Phúc vừa mới mất, Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm say mê Đặng Thị Huệ không màng đến việc binh nhung. Ấy là trời giúp ta rảnh tay đập đổ nhà Nguyễn làm bàn đạp cho việc thống nhất sơn hà về sau. Xin đại huynh đừng bỏ lỡ thời cơ.
Các tướng cùng đứng lên nói:
- Lời Nguyễn Huệ tướng quân rất phải. Xin chúa công xuống lệnh xuất quân, chúng thần hết lòng đánh giặc.
Nguyễn Nhạc thấy các tướng đồng lòng thế mà vẫn tìm cớ thoái thác:
- Nay đã gần đến tết nguyên đán cũng chưa vội gì. Đợi ăn tết xong ta sẽ hạ lệnh xuất quân.
Nói rồi truyền bãi triều. Ra ngoài các tướng lấy làm lạ hỏi nhau:
- Vì cớ gì chúa công lại không muốn xuất binh?
Có người bàn rằng:
- Hay vì chúa công đã nhận Đông Cung làm con rể nên ngại đánh Nguyễn sẽ mất lòng Đông Cung?
Kẻ khác lại bảo:
- Vô lý! Đánh Phúc Thuần trả ngôi chúa cho Đông Cung thì sao lại mất lòng Đông Cung được? Có lẽ chúa công ngại Trịnh đánh thình lình nên không dám đem quân vào Nam đánh Nguyễn chăng?
Bỗng Đặng Văn Long tủm tỉm cười nói:
- Việc này chỉ có đại sư huynh tôi mới xin được chúa công xuống lệnh xuất quân.
Mọi người đều bảo:
- Văn Long nói lạ! Tướng quân Nguyễn Huệ đã mấy lượt khẩn cầu mà chúa công vẫn không chấp thuận kia mà!
Long cười đáp:
- Bởi đại sư huynh tôi không biết cách nói mà thôi.
Nói xong liền tìm gặp riêng Nguyễn Huệ, Long nói:
- Tôi có một kế khiến chúa công lập tức xuất quân.
Huệ buồn bã nói:
- Kế của tứ đệ ta đã biết. Có phải Long bảo ta giả bệnh thì đại huynh lập tức sai người khác vào đánh Gia Định chăng? Nhưng không có ta đi thì làm sao bắt được Nguyễn Phúc Thuần? Vả lại đại sư huynh vừa nói là sau tết nguyên đán sẽ hạ lệnh xuất quân. Nên kế này phải sau tết mới thực hiện được để tránh tiếng cho đại sư huynh ta.
Văn Long vòng tay bái Nguyễn Huệ rồi nói:
- Tài trí và lòng trung nghĩa của đại sư huynh thật đáng để Văn Long tôi kính phục lắm thay.
* * *
Mồng năm tết nguyên đán năm sau, Nguyễn Lữ đến báo cùng Nguyễn Nhạc:
- Thưa đại sư huynh, anh Huệ đi du xuân ngã ngựa, hai chân bị trặc đi lại không được.
Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Lữ đến thăm Nguyễn Huệ. Nhạc ân cần hỏi:
- Em đi chơi thế nào để đến nỗi này? Có đau lắm không em?
Huệ cầm tay Nhạc ứa nước mắt đáp rằng:
- Chỉ có một chấn thương nhỏ mà anh đã lo lắng cho em như vậy, lòng em cảm động vô cùng.
Nói rồi ba anh em chuyện trò rất là thân mật. Bỗng Nhạc hỏi:
- Nay ta định cho quân vào Gia Định đánh Nguyễn, em bị thương thế này làm sao xuất binh cho được?
Nguyễn Lữ xen vào nói:
- Anh Huệ bị thương không đi được đại huynh khinh em Lữ này bất tài sao?
Nhạc đáp:
- Ta không phải bảo rằng em bất tài. Nhưng em hằng ngày làm việc thường không cẩn thận. Nay em lãnh mạng mang quân đi đánh đất đất người ta lấy làm lo lắm.
Huệ cười thưa:
- Đại huynh cứ để cho Nguyễn Lữ cầm quân đánh giặc. Em xin tiến cử một người theo giúp thì không phải lo gặp điều gì sơ sót.
Nhạc hỏi:
- Người ấy là ai?
Huệ đáp:
- Người này cũng là học trò của thầy, cùng với em và Nguyễn Lữ là huynh đệ đồng môn. Ấy là tứ sư đệ Đặng Văn Long.
Nguyễn Lữ mừng rỡ nói:
Vừa nói xong bỗng nghe ngoài ngõ xôn xao tiếng người. Thì ra các tướng Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc, Trương Văn Đa, Đặng Văn Long, Đặng Xuân Bảo, Đặng Xuân Phong và mưu sĩ Nguyễn Thung nghe tin Huệ bịnh kéo nhau đến thăm. Huệ nói:
- Vừa nhắc Văn Long, Văn Long đã đến. Việc đánh Nguyễn xin đại huynh thiết triều hãy nói, chớ bàn ở nơi này.
Các tướng vào đến, anh em chúa tôi nói vui vẻ chuyện đời thường. Đợi mọi người về hết cả Đặng Văn Long nói với Nguyễn Huệ:
- Tôi xem cách cư xử thấy chúa công tỏ ra rất thương yêu đại sư huynh. Chúa công là người khoan dung độ lượng với kẻ dưới, nhưng lại đố kỵ với kẻ tài đức hơn mình, thật đáng tiếc thay!
Huệ làm thinh không nói gì!
(Hết chương 19)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét