Đào phai, mai vàng là sự kì diệu của tháng giêng. Chúa của các loài hoa tháng ba chính là hoa gạo. Xuân sắp sửa đi qua, hạ lấp ló ở đầu ngõ. Hoa gạo đẹp theo nét riêng và tùy vào thời tiết. Hôm nào trời quang hoa đỏ thắm, ngời sắc trong khoảng không. Ríu rít đàn chim, lao xao ong bướm. Hoa như đốm lửa thắp sáng cả bình minh. Hôm nào sương dày đặc, nhìn hoa như ánh lửa đêm đông, lập lòe mang đến sự ấm áp lạ thường. Có khi ông trời nũng nịu chẳng cho nắng lên, cây gạo đứng trong mây trời bàng bạc, bơ vơ thấy thương vô cùng. Hoa là tín hiệu của sự chuyển mình, báo hiệu trời đất đang giao mùa.
Bà tôi thường nói, ở quê mình ít cây gạo, nhưng năm nào cây ra hoa nhiều, ngời sắc thắm là năm đó thời tiết thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Năm trước về quê nhìn hoa gạo như chồi non tơ vươn mình đón nắng, hoa lún phún mọc thành chùm, tôi chỉ mong sao thời tiết ủng hộ bà con quê mình. Người dân quê đã trồng nó ở đình làng. Dáng hiên ngang, vươn lên mạnh mẽ vì sức sống của nó mãnh liệt. Giống như người dân quê: trải qua bao thăng trầm, bao biến động trong đời sống vẫn âm thầm vực dậy niềm tin.
Gạo thuộc thân gỗ, cao, to. Thân gạo thẳng và có nhiều mấu. Lúc còn trai tráng cây gạo có nhiều vú gai. Lúc về già thì trơ trụi, mốc thếch, thỉnh thoảng có nhiều cục u, bướu mọc ra làm cho cây sần sùi hơn. Rễ cây như những con trăn khổng lồ trườn bò trên mặt đất. Gốc cây tạo nên các ụ, hang. Có lúc đi qua tụi nhỏ lại giật mình vì không biết con gì chạy ngang qua rất nhanh rồi mất dạng trong đám cỏ.
Tháng ba hoa gạo thắp lên một trời đỏ rực. Lũ trẻ xóm tôi chiều chiều lại vây quanh cây gạo, mấy thằng nam thì đá banh, mấy cô gái thì nhảy dây. Có đứa mơ mộng ngước nhìn trời mây, ngắm hoa gạo đỏ. Nhưng chẳng có đứa nào dám trèo lên cây mà hái hoa cả. Cũng có đứa nghịch dại lia khăn lên, hoa rụng đâu không thấy, chỉ thấy trán bạn nó u một cục. Lời xin lỗi chưa kịp thốt nên lời, gió thổi qua vài cánh hoa xoay xoay trên không trung như chiếc chong chóng rồi hạ cánh an toàn xuống mặt đất. Lũ trẻ ùa lại quên các trò chơi đang tham gia tranh nhau hoa. Mấy thằng con trai nhường nhịn các cô gái như một lời xin lỗi dịu dàng. Trong các loài hoa mà tôi từng thấy, từng biết thì hoa gạo là loài hoa to nhất. Cánh dày đỏ tươi, nhị vàng xếp khum khum lại như bàn tay. Hoa không đài cát kiêu sa, không nuột nà, không thẹn thùng e ấp. Nó còn có tên gọi rất dễ thương là hoa mộc miên nhưng chúng tôi vẫn thích gọi tên hoa gạo. Thích nhất là được ngắm những cánh hoa xoay tròn trước khi đáp mình xuống đất.
Tuổi thơ đi qua trong bình yên của quê nhà. Cây gạo đã trở thành hình ảnh không bao giờ quên trong lòng của bao đứa trẻ chân quê. Kí ức của tuổi thơ như được lưu giữ tại đấy. Khi trở về đi vòng quanh cảm nhận giọt thời gian như lắng đọng. Sự sần sùi, xù xì, mốc thếch đó giữ những bí mật của thời thơ dại ngày nào.
Khi hoa rụng hết là lúc những chồi non bé tí mọc ra, vẫy bàn tay tí hon đón chào bình minh cùng chị gió. Lấm tấm xanh cùng với màu xanh thiên thanh của bầu trời. Quả gạo nở bung ruột trắng, theo làn gió bay xa. Ai cũng ngỡ mình đang được du lịch ở châu Âu, đang được ngắm những bông tuyết trắng ớ xứ sở hàn đới.
Giờ đây, đình làng mở rộng nên cây gạo được đốn hạ đi trong sự luyến tiếc của bao người. Nhưng nhu cầu của việc xây dựng cảnh quang làng quê thoáng mát, đáp ứng cho tiêu chuẩn nông thôn mới. Cây gạo ấy vẫn còn sống với tuổi thơ của chúng tôi, vẫn còn trong tâm tưởng của bao người. Tháng ba lại chạm ngõ rồi. Hoa gạo thấp lên những đốm lửa chập chờn trong giấc ngủ. Hoa gạo vẫy gọi về khoảng trời và miền kí ức của làng quê. Thương lắm tháng ba – thương lắm hoa gạo ơi!
P.T.M.L (Quảng Nam)
hay quá cô ơi
Trả lờiXóa