Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Tên em là Sa. Ngày sinh ra em, gia đình sống ở ngoài bãi sông Luộc. Con nước lên, phù sa tràn ngập nền nhà. Một lần sơ ý mẹ đánh rơi em xuống đất. Em không chết nhưng mình mẩy nhuộm đầy phù sa. Bố em lấy luôn cái sự tích ấy đặt tên cho em. Nhưng đến lượt chúng tôi, chúng tôi lại thêm vào cho em mấy chữ nữa, chữ Tây lạ hoắc, là Natasa, Bùi Thị Natasa. Đây lại là một sự tích khác. Gắn liền với tên tuổi đại văn hào Nga Leptonxtoi.
Năm 16 tuổi em là học sinh lớp 7 do tôi làm chủ nhiệm. Tôi năm ấy mới ra trường. Hai mươi hai tuổi. Tháng giêng tháng hai, cán mai nảy lộc. Cả em với tôi đều trổ mã với mùa xuân cuộc đời. Em như búp non đâm chồi, còn tôi tuy lớn hơn em nhưng vẫn là cành bánh tẻ.
Thời chúng tôi, trí thức trong làng còn đếm được trên đầu ngón tay nên đám giáo viên thường được cả xã nể trọng, đặc biệt là các cô thôn nữ. Nữ sinh, thì càng quý chúng tôi hơn.
Đó là lý do vì sao tôi sớm lọt được vào mắt xanh của Sa. Có những tiết học, tôi đứng trên bục giảng, vừa giảng bài vừa nhìn xuống dưới lớp, thấy Sa cứ lấy hai bàn tay che mặt nhưng che mà như không che. Vì em để lộ giữa kẽ hở các ngón tay một đôi mắt đen láy đang loang loáng đung đưa. Em đang ngắm nhìn tôi, tôi biết thế. Vào trường hợp khác, tôi sẽ ném cục phấn vào người em hoặc bắt em nhắc lại câu tôi vừa giảng, nhưng trường hợp này tôi đâu dám làm thế.
Thời gian càng trôi, em càng lớn càng xinh đẹp. 16 tuổi, ai ở tuổi này mà chả xinh đẹp. Những cử chỉ em đối với tôi cũng theo thời gian mà đẹp hẳn lên. Hôm trước còn bình thường, kiểu như trong bữa liên hoan em tranh được ngồi gần tôi hoặc gắp cho tôi miếng giò nạc của hiếm lúc bấy giờ. Sau thì tiến xa hơn.
Xa hơn là thế này. Ngày ấy, khu tập thể giáo viên, nhà tranh vách đất sơ sài lắm nhưng chúng tôi vẫn có phòng riêng để vừa ở vừa làm việc. Phòng của tôi nằm sát lối đi, nhìn ra ngoài bằng cái cửa sổ, chấn song bằng tre sơ sài, người bên ngoài muốn mở muốn đóng lúc nào cũng được. Một đêm tôi đi họp Hội đồng nhà trường về, lật tấm chăn lên thì lạ thay cứ như có cô Tấm trong quả thị bước ra làm chuyện ấy. Mấy củ khoai luộc gói lá chuối đang còn nóng hổi ai bí mật giấu dưới gối. Và chuyện này không phải chỉ diễn ra một lần mà tiếp tục dài dài về phía sau. Có khác chăng chỉ là những hiện vật, khi bắp ngô luộc, khi quả dưa gang… Tôi biết tỏng là ai rồi nên chẳng cần nấp rình để bắt quả tang như bà hàng nước trong truyện. Tôi chẳng cần tìm nhưng rồi một lần lại chính em cho tôi đáp số. Lần ấy, tôi phải xa trường mấy ngày để đi dự một đợt chỉnh huấn chính trị ở huyện bên. Tối hôm ấy em đến phòng tôi sụt sùi khóc. Tôi hỏi lý do em không nói. Và cái quà em gửi lại tôi đã nói thay em. Một bọc giấy học sinh. Tôi mở ra. Thật không ngờ lại là tờ nhạc bướm, thứ văn hóa phẩm ướp nước hoa thơm phức thường được bày bán ở các hiệu sách thời kỳ này. Tôi nhớ mãi, đó là bài nhạc có tên là “Nhớ”, một sáng tác của Hoàng Vân phổ thơ Nguyễn Đình Thi, với những câu như hơi thở của em phả sang tôi: “Ngôi sao nhớ ai mà sao không tắt- Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh”.
Đúng dịp này, ông Hoàng Thiếu Sơn, dịch giả cuốn “Chiến tranh và hòa bình” của Leptonxtoi được mời về huyện tôi nói chuyện về cuốn sách do ông dịch. Ông hiệu phó trường tôi phải đạp xe 30 cây số lên tận thị xã mới mua về được. Thời kỳ này giáo viên trường tôi yêu văn học đến mức kỳ lạ. Hễ nghe nói có nhà văn nhà báo về tỉnh là phân công nhau tìm cách mời bằng được về trường để nói chuyện với giáo viên và học sinh.
Hôm ông Hoàng Thiếu Sơn nói chuyện ở trường tôi, do là học sinh giỏi văn nên Sa cũng được gọi đến dự. Buổi nói chuyện thật thích thú. Mọi người như muốn bay lên khi diễn giả nói về tâm lý và cử chỉ của nổi loạn của một nhân vật mới lớn có tên là Natasa.
Có người nói vào tai tôi rằng em Sa của tôi chính là Natasa của Lepxtontoi đấy. Tôi gật gù chấp nhận. Tôi nói với em. Em cũng rất vui với cái tên ấy.
Đó là về phía em. Tôi biết là em rất yêu tôi. Còn về phía tôi, dù là gỗ đá, tôi cũng không thể không rung động trước nhiều cử chỉ đậm chất yêu thương của em. Thế là bất chấp lệnh của hiệu trưởng “cấm ngặt giáo viên được yêu học sinh”, hôm sau tôi phê vào mặt sau tờ đơn xin phép nghỉ học một buổi của Sa, mấy cấu thơ:
Lớp vắng em một hôm
Mà buồn đi trông thấy
Những dòng chữ mất hồn
Nặng đè lên trang giấy
Đâu rồi đôi mắt ấy
Nhìn thầy qua kẽ tay
Đâu rồi tiếng thở dài
Mỗi lần em hờn dỗi…
Lần này, do vô ý tôi đã kẹp tờ giấy có bài thơ ấy vào quyển sổ ghi đầu bài thường vẫn đặt trên bàn giáo viên. Thật vô phúc cho tôi, ông hiệu trưởng Lê Mộng Thành lại vớ được tờ giấy ấy. Và thế là một buổi họp kiểm điểm phê bình tôi đã diễn ra. Ông hiệu trưởng Thành đánh phủ đầu ngay:
- Đồng chí có hiểu không, đồng chí được cử về trường này là để lấp vào chỗ trống của đồng chí Quyền, người vừa bị chuyển đi trường khác vì cái tội thô bạo ôm hôn em My, học sinh của trường. Chúng tôi tưởng đồng chí sẽ không ngu gì mà bước lên gót chân của đồng chí Quyền, nào ngờ…
Ông Thành nhìn tôi không nói tiếp nữa. Tức quá, tôi cãi lại:
- Ngờ sao? Xin đồng chí nói rõ hơn…
- Còn phải giải thích nữa à. Nào ngờ đồng chí còn tệ hại hơn. Đồng chí đã gọi em Sa là Natasa, là đồng chí đã phạm tội quyến rũ gái vị thành niên. Rồi đồng chí còn làm thơ để tán tỉnh em nữa… Thôi, không nói dài dòng nữa, hôm nay, tôi quyết định đình chỉ chức chủ nhiệm lớp 7b của đồng chí, đồng thời chuyển đồng chí về làm chủ nhiệm lớp 5 B. Lớp này toàn các em nhi đồng… tôi dám chắc đồng chí có yêu cũng không làm gì nổi.
Sau buổi kiểm thảo ấy, tinh thần tôi sa sút nghiêm trọng. Tôi chán nản, không muốn gặp Natasa của tôi nữa. Tôi thể hiện sự quyết tâm của mình bằng cách dùng dây thép cột chắt cái cửa sổ song bằng tre lại, để bên ngoài không thể nào mở được.
Rồi đến một hôm bỗng dưng bà mẹ của Natasa tìm đến gặp tôi. Tim tôi suýt bắn ra ngoài. Kéo tôi ra gốc phi lao trong sân trường, bà nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói:
- Nguy rồi thầy ạ! Thầy giúp tôi với. Con Sa mấy hôm nay không ăn không ngủ. Trước sau nó chỉ đòi nhảy xuống ao tự tử thôi. ..
Tôi lo quá. Tôi đâu có ngờ sự việc lại ra nông nỗi này. May sao bà lại nở nụ cười đen nhánh nói với tôi. Tôi biết với nó chỉ có thầy là bảo được. Tôi nói với bà, hiện nay tôi rất bận nên không vào nhà gặp em được. Bà bảo tôi vậy thì viết vào giấy cho nó mấy chữ.
Nghe bà nói thế tôi vui ngay. Và do biết bà không biết chữ, không thể hiểu được những góc khuất trong câu chữ nên tôi không ngần ngại bộc lộ những uẩn khúc của lòng mình. Tôi viết: “Natasa, thầy vẫn rất yêu em. Điều này không ai làm gì thay đổi được. Thầy chỉ mong em, thương thầy, thì đừng làm điều dại dột”.
Thật không ngờ, nhờ mấy dòng chữ ấy mà mọi việc sau đấy êm xuôi.
*
Hè năm ấy, sau gần 3 tháng vừa nghỉ hè vừa tham dự các lớp bồi dưỡng chính trị ở trên tỉnh, về trường, tôi không khỏi sửng sốt khi thấy các phòng ở của giáo viên bị xáo trộn một cách khó hiểu. Hiện tại không còn phòng riêng dành cho một ai nữa. Tất cả các bức vách ngăn cách giữa phòng đã bị phá bỏ. Thay vào đây là thông thoáng một phòng chung cho hai ba người.
Một giáo viên nói với tôi:
- Cậu làm khổ chúng tớ. Đang yên lành mỗi người một phòng, độc lập, tự do, hạnh phúc… thì cậu dở chứng, hết Natasa lại Leptonxtoi. Rõ khổ!
23.3.2016
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét