Trời rét thậm rét tệ. Nghe Đài dự báo thời tiết, đâu chỉ còn mười độ. Gió bấc hun hút, lại thêm mưa phùn lê thê, bước chân ra đến sân là thâm tím cả mặt mũi.
Chị Trưởng cởi bớt áo khoác ngoài nặng trịch, móc lên cột. Hít một hơi thở sâu, kéo tay áo len lên, chị mím môi nhấn hai bàn tay xuống chậu quần áo lạnh buốt. Mùi xà phòng bột không át được mùi hôi hám từ đống đồ bẩn bốc lên. Đêm qua, bà cụ hai lần đại tiện ra chăn nệm. Chắc do trời lạnh quá, dù đã có chậu than hoa đỏ rực cả đêm.
Gần trưa cô Út chạy xe máy về, ồn ào từ ngoài cửa. “Bà thế nào hả chị?”. “Trời lạnh quá! Bà hơi mệt! Cô trông bà giúp chị một lúc, tao tìm chỗ phơi quần áo. Ông trời mưa cả tháng nay, quần áo giặt xong cứ giăng khắp nhà”.
Trên giường, bà cụ nằm đắp chăn tới cổ, đầu quấn kín khăn len. “Bà có khỏe không?”. “Khỏe!”. “Đã ăn uống gì chưa?”. “Đã được ăn gì đâu!”. Cô Út to tiếng hỏi vọng ra. “Chị Trưởng! Sao giờ này chưa cho bà ăn?”. “Hả? Tôi ăn rồi!”. “Sao chưa cho bà ăn? Hôm nay ăn gì? Đầu tuần em đưa tiền mua thêm sữa cho bà, đã mua chưa?”. Chị Trưởng xuất hiện trước cửa buồng bà cụ. “Cái gì mà ầm ĩ lên thế! Để cho bà nghỉ! Tôi vừa bón cho bà hai bát cháo thịt xay đấy”. “Sao bà bảo chưa ăn gì!”. Giọng cô Út đã hạ xuống. “Thế cô không biết cả tháng nay bà lẫn à! Cô thử hỏi xem bà nhận ra ai không?”. Cô Út ngạc nhiên. Sao lại lẫn được? “Bà ơi! Có biết con là ai không?”. Bà cụ cười ngơ ngơ. “Biết! Bà Học!”. Chị Trưởng bực bội bước ra, lẩm nhẩm. “Đấy! Bà còn tưởng cô là bà Học hàng xóm”. Ánh mắt cô Út lại quét kiểm tra lần nữa, rồi bỗng hét lên. “Cái nệm chị Ba mới mua cho bà đâu? Sao để cụ nằm chiếc nệm cũ này?”. Tiếng chị Trưởng ngoài sân. “Cô ra đây mà nhìn rồi hẵng hỏi. Nệm mới cụ đái ướt hết, phải lấy cái nệm cũ của tôi thay vào đấy!”.
Chiều thứ bảy, cô Tư được nghỉ dạy, ghé nhà anh trai chăm mẹ. “Chị Trưởng phải bảo các cháu, đứa nào rỗi thì ngồi chơi với bà. Người già cần trò chuyện, đỡ buồn”. “Các cháu đứa đi cắt rau lợn, đứa đi chợ bán chanh! Tới buổi lại đi học. Cô ngồi với bà vậy. Cho tôi chạy ra bờ ao tí!”. Rảnh tay chân, chị Trưởng tranh thủ trồng được một bãi su hào, cải bắp, dồn hai mái gà mới nở làm một. Rét quá, gà con chết gần hết, gom cả lại cho theo con mái già vì nó khéo nuôi con. Nhà quê, mỗi thứ một tí, sẵn rau sẵn thịt mà ăn, chứ ngày nào cũng ra chợ, tiền đâu? Cô Tư ngồi được một lúc, trò chuyện, hỏi han đủ thứ, nhưng bà cụ chỉ u ơ chẳng biết có nghe hay không. Hình như có mùi khăn khẳn khó ngửi. Cô Tư vạch chăn, vén áo kiểm tra. Bà chị dâu có tiếng là cẩn thận, sao không rửa ráy cho bà sạch sẽ nhỉ? Ối trời ơi! Cô đã phát hiện mùi hôi bốc ra từ dưới đũng quần mẹ. “Chị Trưởng ơi! Chị đâu rồi!”. Nghe cô em chồng gọi hốt hoảng, chị Trưởng vội chạy vào. “Bà sao thế cô?”. “Chị gỡ hộ em cái bỉm của bà… Em không quen!”. Tưởng gì! Thôi cô ngồi xích ra. Để tôi!”. Mấy lần bà cụ cứ “đi” không tự chủ, phải giặt quần áo, chăn nệm cực quá, chị Trưởng nghĩ ra cách mua bỉm về. Tốn kém tí nhưng mà tiện, cứ lột ra, đem vứt đi là xong.
Cô Ba bận buôn bán mãi trên thị trấn, lâu lâu mới chạy về thăm mẹ. Hôm nay, cô xách một túi tim cật lợn để chị dâu nấu cháo dần cho bà. “Chị cứ rim nước mắm để đấy, mỗi bữa nấu một ít cho bà. Hai lạng thịt này cô mua riêng cho anh em con Bống, đừng ăn chực của bà đấy nhé!”. Nhắc tới chuyện “ăn chực” chị Trưởng lại buồn nhói trong lòng. Mới một năm trước chứ lâu lắc gì, bà cụ bỗng dưng dở chứng đòi nấu ăn riêng. Vợ chồng chị Trưởng biết thừa là ý của cô Ba và cô Út. Nhà anh chị kinh tế thiếu thốn, lo đủ cơm ăn là khá rồi, mấy khi được ăn ngon. Các cô xót mẹ, có mua thêm thức ăn về, các cháu ăn bám theo, bao nhiêu cho đủ. Bởi thế, cứ bàn với bà ăn riêng ra, còn có tí thức ăn mà tẩm bổ. Nỗi buồn cứ bám nhằng nhẵng theo mỗi bữa ăn, khi hai cái mâm cùng xếp ra, hai đứa con thằng Bờm, con Bống cứ mè nheo đòi ăn cơm với bà nội. Bởi vì mâm bà nội có đĩa thịt kho hay bát canh cá, mâm cơm nhà chỉ rau muống luộc với dưa cà muối, cái trứng vịt tráng mỏng tang. Nhiều bữa tức quá, chị muốn quất cho hai đứa con mấy roi, lại sợ mẹ chồng buồn.
Năm quyết định lấy chồng, chị xác định làm dâu trưởng thì khổ lắm, không chừng “nhục” với mấy bà “giặc bên Ngô”, nhưng anh Trưởng lại là người hiền lành, chăm chỉ. Ngữ chồng như anh cần có người vợ đảm đang, cứng rắn như chị. Vượt qua những thử thách nhà chồng không khó khăn lắm, bởi chị vốn chịu khổ và tự lập từ nhỏ. Y như rằng, về nhà chồng là trăm sự khó chịu đổ lên đầu, may mà chị khéo chèo chống. Anh chồng suốt ngày “thần đồng, ma bãi”, về tới nhà ăn no ngủ kỹ, việc nhà đổ lên đầu vợ. Được tự quyền quyết định công việc, tưởng sướng mà hóa ra ngậm đắng nuốt cay không biết chia sẻ với ai. Như đận bà mẹ chồng nấu cơm riêng, tới lúc bà nằng nặc đi ở với cô Ba, anh chồng không ngăn cản còn thêm dầu vào lửa, huỵch toẹt. “Bà chê nhà con nghèo, sợ đói sợ khổ, vậy muốn đi đâu thì đi!”. Nói thế bằng đuổi mẹ già ra khỏi cửa. Chị Trưởng phải cố nuốt cục tức vào bụng. “Bà thích đi chơi với các cô bao lâu cũng được, nhưng nhà có công có việc thì về. Có mỗi ông con trai, cụ không ở với cô nào được đâu!”. Cũng là cách gỡ rối chho bà cụ. “Ừ! Tao đi một vòng đủ nhà ba đứa con gái, rồi lại quay về nhà bố trưởng”.
Cô Ba bố trí cho mẹ một phòng riêng sạch sẽ có cả máy lạnh. Nhưng hình như suốt ngày nằm trong phòng lạnh đối với bà già nông thôn “lợi bất cập hại”, mới ba tháng bà cụ đã đổ bệnh. Buổi sáng đó, bà cụ mới bước ra khỏi phòng, cầm cây chổi định quét phòng khách thì ngã quỵ. Các con vội đưa đi cấp cứu, không chết nhưng bị biến chứng não, méo mồm, liệt một bên chân tay. Lạ cho bà cụ, khi bệnh đỡ thì nằng nặc đòi về với dâu trưởng. Đón được mẹ chồng về, chị Trưởng nhẹ lòng nhưng thêm một gánh nặng oằn lưng. Vừa việc nhà, việc vườn ruộng, vừa chăm mẹ chồng. Chị ước có ba đầu sáu tay. Anh chồng mỗi khi đi làm về, hỏi mỗi câu nghe đến nhàm tai. “Bà thế nào?”. Bà cụ còn chẳng thèm trả lời. Chống gậy nhúc nhắc đi từ giường ra hiên nhà, ngồi trên ghế tựa ngó ra hàng bưởi trước sân, bà cụ cười nhệu nhạo chào cháu đi học, chào con đi làm, buồn thì lẩm nhẩm đếm từng con gà chạy qua.
Bị ngã lần hai thì mẹ chồng chị quỵ hẳn, nằm liệt giường hai tháng trời cho tới bây giờ. Với hiện trạng bà cụ nằm một chỗ, không còn ý thức được bản thân, bà dâu trưởng chịu trách nhiệm đầu tiên. Ba cô em chồng có lý do “còn lo việc nhà”, chỉ thấp thoáng cho có lệ, còn đâu trăm sự nhờ chị dâu. Quả đáng tội, họ cũng hỗ trợ anh chị một số tiền, nói thẳng ra là trả công chăm sóc mẹ, nhưng kiểm tra, giám sát từng đồng. Chị Trưởng chẳng phải loại đàn bà “thiếu muối I ốt”, cũng không là người quá coi trọng đồng tiền. Mới đây bà cụ mệt nặng, ỉa đái dầm dề, các cô em về thăm lại còn hạch sách đủ thứ. Chị tự ái, tuyên bố không nhận tiền bạc của ai nữa, yêu cầu mỗi cô thu xếp công việc về chăm sóc mẹ một tuần. “Bà yếu lắm rồi, chẳng biết đi lúc nào. Các cô còn công tác, buôn bán cả đời, liệu xin nghỉ về mà trông nom mẹ. Tôi khổ quen rồi, không ngại việc gì cả, chỉ sợ các cô không có dịp báo hiếu thôi”. Nghe chị dâu nói thế, mấy cô em chồng cắn răng nghe theo. Họ chợt cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc mẹ. Chỉ tội cô Út không quen dơ dáy, có khi vừa lau rửa cho mẹ xong là nôn thốc, nôn tháo.
Bà cụ lặng lẽ ra đi khi chị Trưởng đang dọn giường chiếu, chăn màn cho mẹ chồng ngủ. Ba cô em chồng với hai bà dì ruột còn ngồi chuyện trò râm ran dưới bếp, quanh đống than củi rừng rực. Nghe chị dâu kêu thất thanh. “Bà mất rồi!”. Tất cả nháo nhào lên, chạy vào buồng bà cụ, kêu khóc thảm thiết. “Ối mẹ ơi là mẹ ơi! Sao mẹ đi mà không nói gì với chị em con?”. Thằng Bờm, con Bống bám chặt tay lên bậu cửa, lo lắng hỏi nhau. “Bà nội còn đây! Sao lại bảo mất?”. Anh Trưởng kéo tai thằng con, sai: “Chạy ngay sang ông trẻ Lộc, bảo bà cháu mất rồi!”.
Đám tang diễn ra hai đêm, một ngày. Bố con anh Trưởng đứng tiếp lễ phù cả chân. Chị Trưởng áo xô khăn trắng ngồi ê a khóc cùng mấy cô “giặc bên Ngô”, kẻo chúng nó lại bảo con dâu không thương mẹ chồng. Thực trong lòng thì chị thương bà cụ quá. Có mỗi đụn con trai thì vừa lành vừa vụng, toàn bị các em gái bắt nạt, chẳng có chính kiến gì, cũng chẳng có kế hoạch gì cho mẹ, cho vợ con. Con dâu dù có hiếu bao nhiêu mà nhà nghèo thì mẹ chồng vẫn khổ. Muốn ở nhà con gái thì cũng ngại con rể với ông bà thông gia. Giờ hai tay buông xuôi, chẳng còn thương con nào, ghét con nào.
Khách viếng từ cơ quan của ba cô em, bạn hữu, đoàn thể địa phương, bà con hàng xóm… đông nghịt. Mấy ông thợ kèn bảo chưa thấy đám tang ở nông thôn nào mà nhiều khách thế. Buổi đưa bà cụ “ra đồng”, đoàn người đi tiễn dài nửa cây số. Đúng là “phúc đức tại mẫu”, đến lúc bà cụ mất các con vẫn được nhờ. Bao tải tiền phúng viếng áng chừng cả trăm triệu. Sau đám tang, chị Trưởng mệt phờ phạc, giao tất việc bếp núc cho mấy chị em hàng xóm thu quén giúp. Đang định lăn ra nghỉ một tí thì ba cô em chồng lôi cổ dậy, đề nghị kiểm tra bao tiền phúng viếng. Anh Trưởng làm một hơi thuốc lào, ngả lưng trên chiếc tràng kỷ, tranh thủ nhắm mắt, mặc kệ bốn người đàn bà chúi đầu quanh đống phong bì giữa nhà. Chị Trưởng có nhiệm vụ xé phong bì, kiểm tra số tiền bên trong rồi đưa cho cô Ba, cô Tư ngồi giám sát, cô Út ghi tên người viếng và số tiền vào một cuốn vở học sinh. “Hồng Minh thị trấn là khách của ai nhỉ?”. Cô Út dừng bút, hỏi. “Ở thị trấn chắc khách nhà tao chứ gì!”. Cô Ba khẳng định. Anh Trưởng ngóc đầu dậy. “Tiệm may Hồng Minh là nơi tôi vừa lát nền nhà cho nó đấy! Vợ chồng ấy tử tế thật!”. Cô Út lật đật xóa, viết lại. “Thế là khách của anh Trưởng!”.
Cô Ba, cô Tư cộng đi, cộng lại, kiểm tiền mặt xong. “Một trăm hai mươi triệu, ba trăm năm chục nghìn chị trưởng ạ!”. Trong đầu chị Trưởng lóe lên niềm vui. Số tiền ấy, sẽ để làm lễ tứ cửu, bách nhật cho bà xong, mượn tạm sửa lại nhà bếp, bao giờ giỗ đầu, giỗ hết thì bù vào. “Bác Trưởng ngồi dậy chúng em bàn tí!”. Cô Ba giục anh trai. Không chờ anh Trưởng ngồi hẳn dậy, cô nói luôn: “Chị em xin có ý kiến với anh chị thế này. Công việc của bà thế là xong. Tiền thuốc men điều trị hồi bà nằm bệnh, nhà em xin chịu trách nhiệm”. Cô Út láu táu. “Chị đem bà đi, bà ốm ở nhà chị. Giờ tính thế cũng phải”. Cô Ba khoát tay. “Chuyện vặt! Còn số tiền phúng viếng này, theo tôi thì tiền viếng của bạn bè, cơ quan nhà ai, nhà ấy nhận về. Không phải mẹ mất xong ngồi chia nhau tiền, mà để sau này đến việc nhà người ta, mình còn biết mà chủ động phúng viếng lại. Chị Trưởng thấy thế nào?”. Máu nóng bốc rần rật trên mặt, chị Trưởng khẳng khái. “Các cô thấy làm thế nào tiện thì cứ bàn!”. Cô Ba quay sang hai em gái, riết róng. “Ý hai dì nó thế nào?”. Im lặng. “Vậy thống nhất thế nhé!”.
Khách viếng nhà cô Ba không đông, nhưng toàn dân buôn bán nên tiền phúng khá nhiều, hơn bốn chục triệu. Khách giáo viên, nhà trường của cô Tư đông nhất, ba mươi tám triệu. Xí nghiệp, công đoàn và anh chị em công nhân nới cô Út làm việc it tiền nhưng đông người, cũng ngót nghét hai chục triệu. Hàng xóm láng giềng, hai họ nội ngoại được coi là khách của vợ chồng chị Trưởng, tiền còn lại chính xác là mười chín triệu năm trăm nghìn đồng. Chị Trưởng thở dài, số tiền này trang trải tiền chợ búa vừa đủ. Anh Trưởng ngẩn mặt hỏi. “Thế các cô chia nhau hết à? Còn công việc của bà từ nay tới giỗ hết, sang cát thì thế nào?”. “Anh trưởng nói lạ thật! Chẳng qua là nợ đồng lần, chúng em ai có thì giữ để tiện mai này trả cho người ta thôi. Sao gọi là chia!”. Cô Tư trầm ngâm: “Công việc đến đâu, ta bàn sau, lại đóng góp vào có gì đâu! Số tiền năm triệu đồng của Ban giám hiệu nhà trường và công đoàn, em gửi lại chị trưởng thêm vào mà lo trang trải nhé!”. Chị Trưởng kiên quyết không nhận. “Thôi! Của ai người nấy giữ đi! Các cô cầm lấy, mai kia có công việc ở đâu thì đi giúp chúng tôi. Còn công việc của bà sau này, anh chị sẽ có trách nhiệm”.
Mấy hôm sau, người làng thấy chị Trưởng tất bật quang gánh, cuốc cào ra đồng, đầu vẫn đội khăn trắng. Gặp ai hỏi thăm, chị cũng cười. “Việc của bà cháu nhờ làng xóm, thế là ổn cả ạ!”.
Hơn tháng sau, thấy ba cặp vợ chồng các em chở nhau về nhà. Cô Tư hỏi: “Anh chị có cúng cơm cho bà hàng ngày không đấy?”. Cô Ba hỏi: “Bốn chín ngày cho bà, anh chị định làm thế nào để chúng em đóng góp?”. Cô Út bàn: “Nên làm đơn giản thôi chị ạ! Bày vẽ ra tốn kém lắm!”.
Chị Trưởng chỉ cười.
Buôn Mê Thuột ngày 29/3/2016
P.H.C
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét