Người ta bảo lấy chồng thì phải theo chồng, ở đâu quen đó, rồi sẽ nhớ những cái gì cần nhớ, dẫu là điều dung dị nhất ở nhà mẹ mình, nhưng tôi thì khác, dẫu lấy chồng nhưng hết lễ “hồi dâu” là về ở nhà mẹ ruột, ấy vậy nên, tôi cũng nhớ những điều dung dị ấy nhưng là nhớ ở nhà chồng. Hai vợ chồng cưới nhau về nhưng công việc lại ở phố, để thuận tiện làm ăn, vợ chồng tôi không ở với gia đình chồng, thi thoảng cuối tuần rảnh hay ở quê có việc vợ chồng lại đèo nhau hơn tiếng rưỡi đồng hồ đi xe máy để về.
Ở quê thì khỏi phải nói, dẫu chẳng điện đường lấp lánh, chẳng có những quán cà phê sắc màu, chẳng có biển, thiếu nhiều thứ lắm, nhưng cũng bù lại có nhiều thứ khác. Về quê vào dịp cuối tuần là điều khiến tôi thấy thoải mái nhất, không khí trong lành, người ở quê dẫu chẳng “ngọt trước mặt” như dân phố, có vẻ cục mịch, khô như cục đất nhưng tôi mến cái tính thẳng lòng, có sao nói vậy, nói chẳng để bụng, nói rồi là rồi, lại con lại cháu thương yêu, đùm bọc, sai đúng rõ ràng, bà ngoại chồng tôi vẫn bảo: “nói để mà sửa”, cho nên cái gì xuất phát ở quê cứ thần thật đến ấm lòng.
Nhà chồng tôi chẳng khá giả gì, trồng vài sào ruộng để có gạo ăn, đôi mùa đậu, mùa dưa, mùa ớt, chi cho mắm muối hàng ngày, ơn nghĩa xóm làng, nhà chẳng có nhiều cây ăn trái, ngoài dăm cây đào, cây dừa, cây ổi, nhưng cái thứ mà xem ra phố thị đang dần biến mất thì nhà tôi may mắn được sở hữu, đó là một bụi tre nhỏ. Tôi đã ấn tượng khi lần đầu tiên ghé nhà anh, bụi tre có lá to, dày, xanh thẫm, mùa tôi về chỉ có những nhánh con chi chít lá, tôi hỏi để làm gì, anh cười bảo: để làm cảnh, để cho mát. Ai đời trồng làm cảnh mà trồng sau nhà?
Sau này vào mùa măng, búp đầy những gốc bụi tôi mới có dịp thưởng thức những món “nhà quê” của mẹ. Khi ở nhà tôi, mẹ tôi cũng chỉ cho tôi vài món nấu với măng, măng xào, măng trộn, hay nấu canh chua bỏ ít măng vào sẽ ngon hơn, măng um nữa. Mẹ tôi cũng dặn chọn măng tre của mình, vị nó sẽ ngon, giòn và ngọt hơn, nhưng măng tre ở phố ngày càng ít, thi thoảng chỉ có vài búp bán ở chợ, thường thì chỉ có măng le, một loại măng của trúc trên núi, hay muốn thì có măng khô, ngâm nước mềm rồi mới chế biến món ăn được.
Mẹ chồng tôi đưa hai búp măng to, mướt, tôi còn chưa biết nấu món gì, “xào hay um cá mẹ nhỉ?” mẹ bảo, nấu canh măng với xương, tôi tròn xoe mắt, vì chưa bao giờ mẹ tôi chỉ tôi nấu món canh chỉ lọt thỏm hai thứ: măng và thịt xương. Ấy vậy mà, nồi canh măng ấy đã đi vào lòng tôi một cách ngọt ngào như hương vị của nó, đi đâu tôi cũng kể về món canh măng “gọn gàng” ấy của mẹ.
Măng vừa chặt ngoài bụi vào còn nặng nước, lấy sạch vỏ, chọn phần mềm, trắng xanh cắt thành từng khoanh cục như những mẩu pho mai vừa ăn, ngâm trong thau nước bỏ ít muối, để cho mặn bớt đắng và thấm vào trong măng, ăn măng sẽ giòn và ngọt hơn. Mẹ bảo nấu canh măng thì đừng mua thịt nạc mà phải thịt xương mới ngon, mẹ chọn thịt xương sườn non, chặt từng miếng nhỏ vuông vắn, ướp gia vị trước cho ngấm. Khâu sơ chế như vậy là xong, cho xíu dầu vào nồi, cho thịt xương đã ướp đảo sơ cho thịt săn lại, thêm ít nước, nấu trước. Xương phải hầm trước để mềm và ra nước thịt, nếu bỏ cùng lúc măng vào thì khi măng chín thì xương chưa nhừ, canh sẽ mất vị ngọt của xương. Khi xương hầm sôi một lúc mẹ mới cho măng vào, đợi khi măng chín nữa thì nêm gia vị vừa ăn nhắc xuống.
Tôi ngắm bát canh măng trong veo với màu thịt và măng, có lẽ chỉ riêng tôi thấy lạ nhưng sau này tôi mới biết, canh măng không chỉ để ăn cơm mà dường như các ngày giỗ, canh măng còn nấu để ăn kèm với bún, một thứ nước bún có vị lạ, có vị ngọt của xương thịt, có vị giòn và ngọt hơi đăng đắng của măng, ăn vừa ngon vừa mát, chẳng biết từ khi nào tôi lại ghiền món ấy.
Khi mùa măng lên kha khá, ăn không kịp mẹ lấy phơi khô, mẹ bảo để sau này ngâm dùng dần, dầu măng khô mình làm sẽ chẳng có bản to nhìn hấp dẫn như người ta bán nhưng măng ở nhà sạch và chẳng chất bảo quản, chẳng còn vị đắng, khi ngâm dùng để xào chung với bún, măng giòn ăn cũng tuyệt ngon. Cứ độ mùa măng tôi hay “nhắc” chồng về quê để thưởng thức món canh măng của mẹ. Rồi công việc nhiều hơn, dường như số lần về quê của tôi ngày càng giảm. Riêng mẹ chồng tôi vẫn nhớ món ăn mà con dâu yêu thích, cứ khi măng lên ụ mẹ lại gọi điện nhắc chừng, có khi mẹ gửi vài búp măng vào, tôi cũng nấu như mẹ nhưng chẳng hiểu sao nêm chẳng vừa ăn được như mẹ, có lẽ nó đã trở thành món riêng của mẹ rồi.
Thì ai chẳng có cái để nhớ, điều dung dị nhất đôi khi nó lại là điều không thể quên. Thầy tôi bảo, thầy ăn món bún mắm tôm ở quê, rồi đi du học vài ba nước ngoài, đôi khi thèm món bún ấy đến rơi nước mắt, ấy vậy mà thôi thúc thầy về, về thăm quê hương như cái cớ để ăn bún mắm tôm. Kể ra cũng hơi buồn cười, nhưng đó chính là “lời hứa hẹn” của quê nhà mà bất cứ người con xa xứ nào cũng có một điều để khắc khoải, dẫu đi đâu về đâu “quê hương vẫn là chùm khế ngọt”.
Mỗi khi tôi hỏi chồng về quê thì anh hay trêu chọc mùa này hết măng rồi hay đại loại là nhớ nhà về hay nhớ món canh măng của mẹ. Nhớ gì thì nhớ, may mà cũng còn cái nhớ để quay về, chứ cứ quay đi mà không vướng đọng thì liệu còn có bao nhiêu người con “bỏ quên” mảnh đất quê hương để đi lập nghiệp chẳng quay về. Món canh măng của mẹ chẳng cầu kỳ trong cách nấu, cách bài trí, có thể cũng chẳng xa xỉ, chẳng sắc màu, nhưng ngọt ngào, hương vị quê nhà và đâu đó có vị ngọt từ tình thương của mẹ biết để ý với con.
Đ.T.M.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét