Những giọt mưa cuối cùng của trận dông đầu mùa lăn tròn, kêu long tong trên mái tôn rồi rơi xuống vũng nước trước hiên nhà tách tách. Trên gác trọ nghèo nơi phố hội, nó ngồi đó, dõi mắt nhìn xa xa. Khói chiều bảng lảng, mùi khói bay lên từ bếp nhà ai nghe cay xè… Tự nhiên một cảm giác gì đó da diết lắm chợt ùa về. Có lẽ nó nhớ nhà, mà cụ thể hơn là nhớ mẹ. Nhớ cái dáng lui cui trong bếp, nhớ bữa ăn quê nghèo mộc mạc, nhớ nhất là cái món mà mẹ hay nấu cho cả nhà ăn, quê mùa đạm bạc nhưng đậm đà – mì Quảng cá tràu. Với nó là cả một miền tuổi thơ hồ dễ gì quên.
Nó sinh ra và lớn lên ở vùng đất nổi tiếng với món mì Quảng Phú Chiêm. Nguyên liệu để làm nên món mì Quảng thì vô cùng phong phú và nổi tiếng trên mọi miền đất nước nhưng với nó có lẽ ghiền nhất vẫn là món mì cá tràu mẹ thường hay nấu.
Còn nhớ như in cứ độ đầu mùa hè, khi những trận mưa dông vừa dứt, bọn trẻ chúng tôi lại lon ton quần đùi áo cộc, tay cầm những chiếc lờ chạy khắp cánh đồng sau nhà. Chúng tôi tìm những đoạn mương, những đoạn thông nhau giữa hồ và ruộng, đặt những chiếc lờ vào đấy rồi ngụy trang bằng mấy bụi cỏ bứt ven mương. Lũ cá rô, cá tràu ức nước thi nhau bơi lên ruộng thế là chui hết vào trong bẫy. Canh độ chừng nửa giờ, chúng tôi lại háo hức ra gỡ lờ. Nhìn những con cá sống giãy đành đạch lũ trẻ chúng tôi reo hò thích thú vang cánh đồng làng.
Mang cá về, mẹ chỉ chọn những con cá tràu to để dành làm mì, còn những con cá rô, cá nhỏ mẹ đem chiên xù chấm mắm ớt tỏi cho bữa cơm chiều hay làm mồi nhậu lai rai cho ba và bác hàng xóm.
Những con cá tràu sau khi làm sạch sẽ, mẹ đem luộc và ráy thịt. Dạo ấy nhà tôi toàn con nít nên mẹ gỡ cẩn thận từng chiếc xương một nhưng sau này khi chúng tôi đã lớn mẹ để nguyên con cắt lát. Thịt cá sau khi ráy xong mẹ đem ướp với đầy đủ gia vị nào mắm, muối, bột ngọt đặc biệt phải có nén và nghệ tươi để cá thơm, bán vị tanh của cá và màu đẹp hơn…ướp khoảng chừng nửa tiếng cho cá thấm gia vị. Còn xương mẹ đem giã nát lọc lấy nước để dành làm nước nhưn cho ngọt.
Tiếng lanh canh vang lên, biết là mẹ đang chuẩn bị làm mì, chị em chúng tôi chạy vội xuống bếp, tranh nhau đứng gần để được nhìn mẹ làm và được hít mùi thơm (cái thời nó thế). Mùi dầu phụng thơm lừng bay lên, nhanh tay mẹ giã nhỏ nắm nén khô bỏ vào khi dầu đã đến độ chín – xèo – mùi thơm sực nức bay lên ngào ngạt, tiếp đến mẹ đổ luôn tô cá đã ướp vào. Mấy chị em tôi lại tranh nhau hít hà, bụng bắt đầu sôi ực ực như muốn nút trọn từng chút hương bay ra. Mẹ chụm lửa nhỏ riu riu để nồi cá thấm gia vị. Bên bếp kia, mẹ cũng phi dầu chuẩn bị nồi nước dùng để làm nhưn. Nước dùng là nước cá đã được lọc rồi mẹ thêm nếm gia vị cho thật đậm đà.
Bữa ăn được dọn ra, bên cạnh bát mì là một thứ không thể thiếu- dĩa rau sống. Chẳng cần đi mua đâu xa, mẹ ra vườn nhổ cải con trong luống cải mẹ trồng, rồi hái thêm rau dấp cá, rau húng, rau quế, ngò, hành… mỗi thứ một nhúm và đặc biệt làm nên dư vị của món mì phải kể đến cái bắp chuối ở đầu hè mẹ mới cắt để dành làm mì. Tô mì của mẹ không cầu kì như ngoài hàng quán nhưng nó có đầy đủ màu sắc và hương vị đậm đà không lẫn vào đâu được. Màu trắng tinh của những cọng mì mềm mại, màu vàng ươm của từng miếng cá, màu xanh non của dĩa rau sống điểm thêm màu vàng ruộm của mấy hạt đậu phụng rang rắc đều quanh tô. Tất cả màu sắc đó trộn đều vào nhau, hòa nguyện vào nhau tạo nên mùi thơm man mát của cánh đồng lúa quê hương, vị ngọt thơm của cá đồng, vị béo giòn của đậu phụng, vị thơm, chan chát của rau sống kèm với cái nước sền sệt mặn mà của nước nhưn. Chị em chúng tôi cứ ngắm mãi tô mì rồi mới dám ăn như sợ ăn mất đi một kiệt tác của mẹ. Thỉnh thoảng, chúng tôi nhìn thấy ba cắn sựt miếng ớt xanh rồi suýt xoa: “Ăn mì cá mà không có ớt xanh thì mất hết ngon”. Chị em tôi chưa ăn được ớt nhưng nhìn vẻ mặt của ba chúng tôi biết ba “đã” đến chừng nào.
Bao nhiêu năm rồi xa quê, bôn ba nơi xứ lạ, chiều nay… mưa… nhớ mẹ…nhớ món quà tuổi thơ… nhớ mì Quảng quê mình.
N.Đ.B.T (Quảng Nam)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét