Nhà thơ J. Leiba
Kỳ 30:
J . L E I B A
J. Leiba, viết tắt của chữ Jean Leiba, tên thật là Lê Văn Bái, tên Tây là Jean, ông chơi chữ, ghép thêm Lê Bái vào thành Jean Leiba. Ông sinh năm 1912 tại Yên Bái, quê quán người làng Nam Trực, tỉnh Nam Định.
J. Leiba được cha mẹ cho đi học ở trường Bưởi, ngôi trường trung học bảo hộ nổi tiếng ở Hà Nội, nhưng chỉ được ba năm ông bỏ học theo bè bạn đi giang hồ. Một năm sau ông trở về quê học chữ Hán, rồi ra Hà Nội tham gia viết báo, làm thơ. Ban đầu, ông ký bút danh Thanh Tùng Tử, sau đổi lại là J. Leiba.
Từ năm 1929, ông có thơ đăng trên Hà Thành ngọ báo. Đến năm 1934, Tiểu thuyết thứ bảy ra mắt bạn đọc, ông cọng tác và được Vũ Đình Long, chủ báo, tín nhiệm. Sau ông được cử làm chủ bút báo Ích hữu. Ông còn viết cho nhiều báo khác như: Việt báo, Tin văn, Tân báo, Nam Cường, L’ Annam nouveau… Ông có một số bài thơ đăng trên báo Loa, được người đọc và các nhà phê bình văn học như Hoài Thanh, Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan, Kiều Thanh Quế… chú ý. Ngoài ra, ông còn viết một số truyện ngắn nhưng không tạo được dấu ấn trên văn đàn.
Năm 1935, J. Leiba đậu bằng thành chung, được làm thư ký Tòa sứ Bắc kỳ, nhiệm sở tại tòa sứ tỉnh Sơn Tây. Trong giai đoạn nầy ông sống phong lưu, vô độ nên sức khỏe suy sụp. Khi đổi lên Tòa sứ Hà Giang thì ông bị tim và lao phổi. Ông phải nghỉ việc để về Hà Nội điều trị. Đến tháng 7 năm 1940 ông thấy bệnh tình ngày càng trầm trọng và khó trị khỏi nên xin về quê nhà an dưỡng. Về quê, tinh thần khá hơn, thỉnh thoảng ông viết được và gởi cọng tác với báo Tri Tân và Tiểu thuyết thứ bảy. Ngày 18 tháng 12 năm 1941, ông qua đời khi mới 29 tuổi.
J. Leiba là một nhà thơ tài hoa đoản mệnh như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Nhược Pháp, Quách Thoại, Vũ Anh Khanh… Ông cũng để lại những vần thơ tiên tri về số phận của mình như một vài nhà thơ khác: Người đẹp vẫn thường hay chết yểu. Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai. Ba xuân muôn thắm thêu cành biếc. Bạc mệnh hoa kia đã rụng rồi!... (Hoa bạc mệnh).
J. Leiba để lại khoảng mươi bài thơ chưa in thành tập, trong đó bạn đọc yêu thích những bài như Năm qua, Mai rụng, Lớp tang thương, Hoa bạc mệnh, Ngũ lăng niên thiếu… với lời thơ nhẹ nhàng, giản dị nhưng sâu lắng tận tâm hồn: Sầu đối gương loan, bóng lạ người. Chàng không lại nữa, đẹp cùng ai? (Mai rụng). Tâm trạng và hào khí trong thơ J. Leiba cũng tạo được sự đồng cảm với người đọc, và lối viết cổ phong rất hợp với thời bấy giờ: Ngày ấy cùng say trong quán rượu. Sầu tư đã cạn rượu hồ vơi. Hai chàng trai trẻ ca rồi hát. Bắt chước người xưa đề vách chơi: "Nhớ Hạnh Hoa thôn quán rượu này. Nhớ ngày nhớ tháng hẹn rồi đây. Mười năm sau sẽ cùng chung lại. Xem cuộc đời qua mấy đổi thay"… (Lớp tang thương).
Những năm cuối đời, sống trong bệnh hoạn, J. Leiba không còn lạc quan, hồn nhiên như trước, thơ ông nghiêng về Phật pháp, như một chỗ dựa tinh thần: Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá! Lệ lòng mong cạn chốn am không. Cửa thiền một đóng duyên trần đứt. Quên hết người quen chốn bụi hồng (Bến giác).
Tôi xin giới thiệu bài Nhớ, một trong những bài thơ hay của J. Leiba. Với giọng điệu trầm buồn, man mác, những dòng thơ lãng mạn như cuốn hút ta đi trong cái đẹp, cái tình mông lung mà bi cảm: Bờ thu đỏ nhuộm màu hoa rụng. Chẳng một con thuyền đậu bến sông. Thiếu phụ mong gì hoa đã rụng. Trời chiều lại lỡ một chờ mong!...
TRỊNH BỬU HOÀI
N H Ớ
Một chiều thu trước bên sông vắng
Mà cánh phù dung đỏ khắp bờ
Người đẹp chờ thuyền sang bến mộng
Màu da màu áo trắng như mơ
Môi hồng thiếu phụ buồn man mác
Hoa rụng trong thu gợn ngậm ngùi
Một cánh hoa rơi rồi một cánh
Lòng ta tàn một chút gì vui
Buồn vướng mắt nhung xinh đẹp quá
Ầm thầm ủ một mộng yêu đương
Thu xưa từ độ thu xa lắm...
Hẳn một tình duyên đã lỡ làng
Bờ thu đỏ nhuộm màu hoa rụng
Chẳng một con thuyền đậu bến sông
Thiếu phụ mong gì hoa đã rụng
Trời chiều lại lỡ một chờ mong!...
Lòng tôi buồn bã từ hôm ấy
Và mỗi chiều thu nắng đẹp tàn
Nhìn cánh phù dung nơi bến vắng
Nhớ người thiếu phụ, nhớ yêu đương…
J. LEIBA
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét