Cấp cứu xong, tôi ngủ thiếp.
Nắng tới đỉnh đầu thì được chuyển xuống trại. Tôi tạm gọi đấy là phòng VIP, vì trại nữ có tới bốn phòng, tiệt không phòng nào có số. Giường và người nhung nhúc, đồ ăn thức uống tòng teng lủng lẳng khắp phòng. Riêng phòng tôi chỉ có ba giường, với hai cụ bà. Thấy bệnh mới vào, người đàn ông như cây sào đang nằm trên chiếc giường thứ ba nhảy xuống nhanh như một con mèo.
Tôi vẫn nhắm mắt vì cơn buồn ngủ vạ vật, nhưng đèn chói mắt quá, tôi ngoắc chồng đang ngồi phía chân giường, chỉ cái bóng đèn. Anh bước về phía công tắc thì một tên đàn ông mập tròn đen như cục than cất giọng ồm ồm “Kệ bà nó chứ! Tắt thì cũng bấy nhiêu viện phí!”
Chồng tôi giả như không nghe. Bóng đèn tắt phụt thì trong một phút ba mươi giây, bầy muỗi không biết nãy giờ trốn ở đâu, đã bắt đầu “oanh tạc” khắp phòng. Những tiếng bộp, bộp, bốp… vang lên.
Tay “kệ bà nó chứ” tôi tạm đặt tên là Cục Than, nuôi bà cụ nằm giường bên tay trái tôi “xời…” một tiếng rõ to y như rằng “Bây giờ ông bà thấy cái dzụ tắt đèn lợi hại tới mức nào chưa”.
Bà cụ thều thào “Gì vậy bây, để cho tao ngủ. Mười mấy ngày nay không được ngủ mà”.
Tôi đặt hắn là Cục Than vì người mập chắc nịch nhưng đen như cục than nhãn vừa ra lò. Thêm bộ quần áo không lấy gì làm mới mẻ nên trông càng có bà con chú bác lật với lò than vậy. Cục Than vừa trút bịch bánh canh ra tô vẫn âm giọng ồm ồm “Một giờ rồi nội, dậy ăn trưa thôi”. “Ừm?”. Cục Than quay sang “cư dân” mới, nói như phân trần:
- Nội tôi tám ba rồi, bệnh nhiều nhiều nhưng vẫn còn ăn giỏi, hé nội?
- Ừm…
Rồi Cục Than ấn tô bánh canh vào tay bà lão. Phần mình, Cục Than vơ vội hộp cơm từ thiện rồi bước ra hành lang.
Cụ bà bên phải tôi đang nằm cũng lần vịn mép giường. Bà nhấc nhấc cái đầu, rồi lại nằm xuống. Nằm chưa xong, lại vịn vịn mép giường, co co cái chân. Bà nội của Cục Than kêu:
- Bả muốn đi đái đó, kêu con trai bả giùm!
Chồng tôi gọi vói ra cửa sổ:
- Ai là con bà cụ mặc đồ bông bông trắng đen?
Một người đàn ông cao như cây tre, tuổi tầm năm mươi lúc thúc chạy vô, lách qua cánh cửa phòng sứt một bản lề nằm uỵch chiếm một khoảng trống của khung cửa.
- Má muốn đái hả?
- Ò… ò…
- Để con lấy bô.
Cây Tre (tôi lại tự đặt tên anh ta) sỗ sàng cho bà cụ tiểu tại giường bằng chiếc bô nằm mà không nể nang chút người đang ăn và kẻ đang giấu mặt vì ngượng. Xong việc, Cây Tre không quên phàn nàn:
- Đái gì mà đái hoài. Nhưng bữa nay còn đỡ đó. Hôm kia, hôm qua còn không thèm kêu, mặc tã thì không chịu, báo hại tui giặt đồ muốn chết!
Bà cụ mặc đồ bông nay đã tám mươi tám tuổi. Bà bị viêm phổi, lại thêm mù lòa từ hơn mười năm nay. Tiểu xong, bà nằm xuống chìm vào giấc ngủ thật nhanh. Cây Tre cũng đã trở ra chiếc võng giăng ngoài hành lang. Bên này, bà nội của Cục Than cũng vói tay đặt tô lên đầu tủ. Cục Than từ cửa sổ nói vọng vào “Cứ để đó, chút con dẹp, ngủ đi”. Không biết bà cụ nghe rõ không, chỉ thấy bà run run tìm chai nước. Nhưng không lấy được, vì chiếc tủ đầu giường nhỏ, nhưng chất đầy những cháo, sữa, nước yến, thuốc uống, chuối nấu, ly, chén…
Chồng tôi rót giúp bà ly nước, bà hấp háy đôi mắt nhìn rồi uống hết chứ không nói gì.
Ba người đàn ông đã trả quyền tự do căn phòng VIP này lại cho ba người phụ nữ. Bà nội Cục Than không ngủ. Bà quay sang tôi bắt chuyện:
- Cháu bệnh gì?
- Dạ nhức đầu, chóng mặt…
- Ba cái thứ đó đi cạo gió, cắt giác là hết chứ vô đây chi cho cực? Qua cao máu, tiểu đường, mất ngủ… mới vô đây.
- Dà…
Tôi vẫn chưa hết mấy cơn chóng mặt nên không muốn trò chuyện nhiều. Nhưng bà cụ như có vẻ tỉnh táo sau khi ăn trưa và uống thuốc.
- Bệnh đau nằm nhà thương mà có đông con cháu đỡ lắm cháu. Mà qua chỉ có hai đứa con nên cực cháu nội.
- Dà… bà cháu nương nhau lúc đau bệnh thôi mà.
- Ừ, thằng này giỏi lắm. Mình nó mần nuôi hai ba người. Ba nó, con trai qua đó, chết rồi, đi làm bị té giàn nằm một chỗ riết rồi chết. Mẹ nó buồn quá, tai biến mấy năm nay. Vợ nó bán thịt ở chợ, bà già vợ cũng đau rề rề, con thì còn nhỏ, toàn đi học…
- Dà… anh làm nghề gì, chắc khá hả bà?
- Khá gì, làm đồng làm sắt gì đó ở ga ra xe thôi! Mà mấy ngày nay nghỉ nuôi qua. Con vợ nó không nuôi được, mắc cái thớt thịt, còn lo cho bà già hai bên, hai đứa con…
Tôi len lén thở dài, thấy mình còn sung sướng hơn người khác.
Cục Than nói vống từ cửa sổ “Ngủ đi nội ơi! Nhiều chuyện quá”.
Bà cụ che miệng bảo “Nói nhỏ nhỏ, nó nghe, nó không chịu”.
Tôi nằm im, chỉ dà… dà… theo câu chuyện bà cụ. Hình như hai bà cháu ngủ quên một lúc. Bỗng giật mình bởi tiếng la ngoài cửa sổ, cách phòng chỉ một vách tường:
- É… é… hổng trả đâu… Ngoại phải cho con tiền mua bánh à! Á… á…
- Mẹ tổ bà mầy, vô đây đi thăm bệnh hay đi ăn cướp mà la dữ vậy? Xin lỗi chị Ba nghen, để tôi xử thằng này!
Nhìn ra cửa sổ, tôi thấy một người phụ nữ đang chạy vòng vòng với thằng bé tầm bốn, năm tuổi. Trên tay nó là cái điện thoại vung lên vung xuống. Ba người đàn ông giăng võng gần đấy cũng ngồi dậy. Một người phụ nữ (chắc là người bệnh được thăm) thì ngoắc ngoắc người đàn bà đang “xử” thằng cháu “Thôi đi… thôi đi…”.
- Thôi cái gì mà thôi! Để tôi xử nó, mất dạy à, ở bệnh viện mà tưởng như ở nhà, muốn gì được nấy sao? Thằng mất dạy? Đố mày chạy khỏi tay tao!
Buổi xế “nhờ” người đàn bà này mà rất nhiều bệnh nhân, thân nhân bừng dậy sau giấc ngủ nhọc nhằn.
Năm giờ chiều. Căn nhòng nhỏ thơm nức bởi mùi canh bí đao hầm xương, cá kho tiêu của vợ Cục Than mang vào. Tôi tạm gọi là Cục Bột vì chị khá trắng trẻo, dáng cao cao, trang sức bằng cũng màu trắng. Trông thật giống cục bột.
- Nội, ăn nhiều nghen!
Vừa múc thức ăn ra chén, chị vừa hối bà cụ. Bà già nhận chén canh, húp khá nhanh, khen bí đau mềm và ngọt. Cục Bột bới cơm, cẩn thận rỉa từng miếng xương cá. Bà cụ ăn vèo hết chén mới hỏi:
- Ủa quên, mẹ bây ăn chưa mà đem cho nội nhiều vậy?
- Nội lo gì, mẹ con ăn bao nhiêu! Nội ăn cho khỏe, mau về nghen!
- Ừa. Xin rồi, mai bác sĩ cho về. Tội nghiệp chồng bây mấy ngày nay…
- Xời. Nuôi bệnh sướng thấy mồ chứ gì mà nội tội! Con mới tội nè!
- Ừ… cháu dâu ngoan, vợ chồng bây đứa nào nội cũng tội nghiệp hết!
Cục Bột dọn dẹp mớ chén bát, ly tách trên đầu chiếc tủ nhỏ, không quên cằn nhằn ông chồng Cục Than rằng nuôi có một người bệnh mà bầy hầy quá! Về mà coi bà già ở hai nhà, hai đứa nhỏ, rồi cái sạp thịt, coi tui bầy hầy bằng ông không? Cục Than gãi đầu cười “Đàn ông mà… em ngồi với nội chút, tui về tắm một cái cho đã nha! Ba ngày nay không tắm rồi". Cục Bột nguýt dài “Trâu bò hổng tắm bán cũng bạc chục triệu mà…”. Nhưng ông chồng đã vọt ra cửa mất rồi.
Giường bên phải, vợ của anh Cây Tre cũng mang thức ăn vô. Theo sau là hai đứa cháu. Tôi tạm gọi chị là Mụt Măng vì dáng chị rất mập, bước chân cố nhẹ nhàng nhưng cũng nghe huỳnh huỵch mà cái đầu thì bé xíu.
Mụt Măng hỏi trổng:
- Hồi trưa má ăn gì?
Cây Tre lẹ làng:
- Cơm sườn, súp. Ăn được nửa hộp.
- Tui đã dặn ông mua phở cho má ăn cho dễ nuốt, tại sao mua cơm?
- Má nói ớn phở!
- Ông nghe lời má hay nghe lời tui?
Mắt chị quắc lên. Nhưng chợt nhớ đây là chỗ đông người nên tiếp "Đáng lẽ anh nên nghe lời em, vì má già nuốt khó”.
- Không có đâu… má ăn ngon..ngon… mà…
Bà cụ gỡ bí cho con trai. Cây Tre như “quê độ” bỏ ra ngoài. Một thanh niên cổ áo không cài, khoe sợi dây chuyền “chọi chó cũng chết” kèm hình xăm đầu lâu xương chéo trên tay bước tới bên bà già Cây Tre “Ngoại biết con hông?”. ‘Thằng… Tửng”. “A… ngoại biết mà! Vậy mà ai nói viêm phổi sắp chết gì trời?”. Chị Mụt Măng giậm chân thanh niên Đầu Lâu này một nhát thật đau. “Xin lỗi mợ”. Đầu Lâu nói nhỏ.
- Sáng nay bác sĩ nói bệnh má sao rồi ông?
Giọng chị Mụt Măng lanh lảnh đến rền cả căn phòng. Cây Tre trực ngoài cửa ngó vô đáp:
- Bệnh già, từ từ hết. Thở được, ăn được là ô kê rồi!
- Ô kê thiệt hông? Không thì nói tui đưa đi 115 chứ nằm đây ba ngày mà chưa ngồi dậy được là sao?
- 115 cũng bác sĩ trị chứ uống thuốc tiên sao mà đi? Bà muốn đi thì tự lo nghen, ba ngày nay tui mệt lắm rồi!
- Trời ơi là trời! Ông nói vậy mà nghe được hả? Hỏi khắp thiên hạ coi có đứa con dâu nào tốt với bà già chồng như tui không?
Hai chân chị Mụt Măng giậm bình bịch xuống nền như sắp có động đất 7-8 độ rich- te.
- Thôi mợ Út, đừng giận mợ Út. Ai cũng biết mợ tốt với mẹ chồng hết đó! Ngoại mù mười mấy năm trời mà vẫn sạch sẽ, khỏe mạnh như vầy là nhứt mợ rồi!
Đầu Lâu và cô gái đi cùng “vuốt giận” chị Mụt Măng. Chị thút thít dọn dọn mấy thứ gối mền trên giường rồi đỡ bà già dậy. Cô gái đi cùng Đầu Lâu thì múc thức ăn vào chén.
- Bác sĩ nói má viêm phổi là do ẩm thấp, thiếu ánh mặt trời. Mai mốt xuất viện, bà coi dời má đi chỗ nào chứ đừng cho ở nhà bếp nữa nghen! Phân công mấy đứa cháu tới đưa má đi tắm nắng tuần ba lần nữa đó!
Anh Cây Tre ngó vô phòng bảo vợ. Chị Mụt Măng lại nhảy nhoi nhoi:
- Má không ở nhà bếp thì ở đâu? Ông làm như nhà mình bự bằng Dinh Độc Lập vậy hà! Trời ơi là trời! Còn tắm nắng nữa! Ai, ai rảnh? Tui thức khuya dậy sớm, ông theo công trình miết. Mấy đứa nhỏ ai cũng có công ăn việc làm…Hay là ông ở nhà đi!
- Bà nói chơi hả? Tui ở đây ba ngày, công thợ trông đứng trông ngồi kìa! Mai bà kêu ai coi má thì kêu, bốn giờ sáng xe đón tui đi công trình rồi!
- Trời ơi là trời! (Tôi tiếc, sao mình không đặt chị tên Trời Ơi Là Trời nhỉ?) Hai đứa bây coi cậu Út bây kìa! Ổng làm như má của tao vậy đó! Còn ba cái đám cưới chưa nấu, chắc tao ôm ăn hết quá!
- Thôi mợ Út, mai vợ chồng con sẽ coi ngoại. Mốt tính tiếp, mợ yên tâm nấu đám đi! Đầu Lâu đấu dịu.
Cuối cùng thì bà già của Cây Tre cũng ăn xong chén súp, uống mấy viên thuốc. Cơm thì bà nói tối tối ăn. Cô cháu dâu tỉ mỉ đút từng hớp nước. Xong rồi thì lấy miếng khăn giấy ướt lau cho bà. Mụt Măng loạch xoạch lục tủ, lục giỏ dọn dẹp những thứ dùng rồi hoặc chưa cần dùng mang về. Cuối cùng, cơn bão “Trời ơi là trời” cũng trôi đi sau câu phán “Năm giờ sáng thằng cu Tửng vô, ông muốn đi lúc nào kệ ông”.
Buổi tối.
Có lẽ thấy chúng tôi là “ma mới” nên Cây Tre bảo, trong phòng có nực, có hôi cũng ráng mà nằm, ra ngoài hóng gió ngủ quên trộm lấy mất đồ rồi tiếc. Như tối hôm qua, cô gái nọ đi chăm mẹ, ôm cái điện thoại ngủ quên, hai giờ khuya tỉnh dậy la làng rằng mất cái 6S bạc chục triệu mới mua góp được ba tháng. Cục Than còn thêm thắt tình tiết khác rằng “Mới tuần trước chứ đâu, cháu bà chủ tôi bệnh nằm viện, tối ngủ sao đó quên gài cửa trong, trộm vô rạch túi lấy mất tám triệu. Tiếc, khóc như cha chết. Úy mà đi bệnh viện đem theo nhiều tiền chi ta? Tui mà có tám triệu, ở nhà đếm qua đếm lại cho đã tay!”. Cả phòng cười xòa và các tấm chiếu nhỏ đã được trải ra dưới nền nhà. Người bệnh nằm giường, thân nhân nằm đất. Căn phòng mười sáu mét vuông với sáu con người kiêm nhà vệ sinh ắp lẵm mùi lưu cữu này, phải nói, con người ta có nội lực chịu đựng thật đáng nể.
Ban mai bừng dậy kể từ tiếng hô của hộ lý “Bà con dậy dẹp mùng mền nghe! Điều dưỡng tới đo huyết áp, đặt thủy bây giờ. Ai cao máu, tiểu đường đừng ăn sáng, để xét nghiệm luôn nghen!”.
Bóng đêm vẫn còn bao trùm khắp không gian, trừ mấy cái bóng đèn hầu như phát sáng hai bốn trên hai bốn trong các căn phòng. Tiếng xả nước trong nhà vệ sinh ràn rạt vang lên. Tôi vẫn còn nghe đầu chưa êm lắm, tiếng nước xả mà vẫn thấy khó chịu.
- Cậu Út, đi làm đi, con vô rồi!
Tiếng ồm ồm vừa gõ cửa vừa gọi. Cây Tre nói vọng ra từ nhà vệ sinh “Chờ tao chút, Tửng”.
Cửa mở, Cây Tre lách đi như một con mèo. Đầu Lâu nằm nướng xuống chiếu của cậu mình vừa bỏ lại.
Ngày mới đã bắt đầu. Bằng những câu đặc biệt “Lệ, mười sáu”; “Hồng, khuya ói, mười chín”; “Bính, ba tám, đi ba lần”.
Đó là những chỉ số huyết áp, nhiệt độ cơ thể, tình trạng bệnh… được xướng lên từ những chiếc miệng và đôi mắt còn ngái ngủ.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét