Lê Đình Danh
Bị vây ấp Hòa Hưng, Văn Lộc to gan nên toàn thắng
Làm chủ thành Sài Côn, Nguyễn Lữ nhụt chí phải lui binh.
* * *
Mùa xuân năm Bính Thân (1776) niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba mươi bảy, Nguyễn Nhạc thấy Nguyễn Huệ bệnh không ra trận được liền sai Nguyễn Lữ làm chánh tướng, Đặng Văn Long làm phó tướng cùng các đô đốc là Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc, Đặng Xuân Bảo, Đặng Xuân Phong lãnh một trăm chiếc đại thuyền, thủy binh một vạn theo đường bể rầm rộ kéo vào Gia Định.
Lúc chiến thuyền quân Tây Sơn chạy qua mũi Đại Lãnh, Tống Phước Khuông đứng trên ải Vân Phong nhìn ra bể thấy cờ bay đỏ nước, chiến thuyền lớp lớp ào ào rẽ sóng, Tống Phước Khuông thất kinh nói với Tống Phước Lương:
- Quân Tây Sơn lấy đâu ra chiến thuyền to lớn thế? Nay chúng định kéo vào Gia Định đánh thành Sài Côn chăng? Nếu vậy thì chúa ta nguy mất!
Nói xong liền gọi vài tên quân đến bảo:
- Các ngươi hãy lập tức phi ngựa ngày đêm về thành Bình Thuận báo cho tổng trấn Nguyễn Văn Hoằng gấp đem quân về Gia Định cứu chúa không được chậm trễ.
Quân lãnh lệnh đi ngay. Tống Phước Lương thở dài nói:
- Quân Tây Sơn thật là lợi hại. Chúng thấy ải Vân Phong đèo cao hiểm trở khó lòng đánh thắng, nên mới đem thủy binh vượt biển bất ngờ tiến đánh Gia Định. Chúa ta chắc không lường trước ắt chẳng đề phòng. Đúng như lời cha ta đã nói, anh em Nhạc, Huệ, Lữ không phải là kẻ tầm thường.
Nói xong Khuông truyền quân đêm ngày canh phòng cẩn mật ải Vân Phong.
* * *
Ngày ấy nơi nội điện trong thành Sài Côn, chúa Nguyễn Định Vương bảo các quan văn võ:
- Ta từ ngày bỏ kinh thành chạy vào đây đêm ngày lo việc khôi phục cơ đồ. Ta đã xuống hịch cần vương thu nạp hiền sĩ, chiêu binh mãi mã. Kế đến lại nghe lão tướng quân Tống Phước Hiệp bại binh ở Phú Yên mà chết. Hai con là Khuông và Lương đem tàn quân về giữ ải Vân Phong phủ Diên Khánh. Ta nghe lời Đăng Trường sai Nguyễn Văn Hoằng đem quân ra giữ thành Bình Thuận để làm thanh viện cho Khuông và Lương. Từ ấy đến nay không thấy quân Tây Sơn động binh là cớ làm sao?
Nguyễn Đăng Trường đáp lời Định Vương:
- Thần nghe nói trước lúc chết lão tướng quân Tống Phước Hiệp cho người ra Quy Nhơn phao lên rằng “Quân Trịnh sắp đem quân vào đánh Quảng Ngãi”. Nguyễn Nhạc liền triệu hồi Nguyễn Huệ đem đại binh về Quy Nhơn phòng quân Trịnh đánh tới. Vì lẽ ấy nên quân Tây Sơn không tiến đánh ải Vân Phong.
Định Vương bùi ngùi nói:
- Thương thay cho Tống lão tướng quân đến lúc chết còn bày ra diệu kế đuổi quân Tây Sơn phải rút binh về. Tống lão tướng quân tài giỏi thế, sao lại lầm mưu thua binh với Nguyễn Huệ? Tĩnh Điệp hầu được Nguyễn Huệ thả cho đi, ông thấy hắn là người thế nào?
Đăng Trường dè dặt đáp:
- Thần đã gặp người này nên có biết. Nguyễn Huệ vừa mới hai mươi mốt tuổi mà võ nghệ tuyệt luân, sức mạnh vô cùng, giỏi dùng binh, tinh thông thao lược lắm mưu nhiều kế lại có tài hùng biện. Về sau các tướng đối địch với Nguyễn Huệ nên thận trọng mới được.
Vừa nói xong nghe quân hớt hải chạy vào báo rằng:
- Thưa chúa thượng, thủy binh Tây Sơn vượt bể vào cửa Cần Giờ đang tiến đến gần đồn Thị Nghè. Quan đồn trấn sai về cấp báo cùng chúa thượng.
Định Vương rụng rời tay chân nói:
- Ta đã sai Nguyễn Văn Hoằng đem quân trấn thủ Bình Thuận để làm thanh viện cho Tống Phước Khuông đang giữ ải Vân Phong. Không ngờ chúng lại đem thủy binh vào đánh. Nay trong thành chỉ còn mấy ngàn quân, biết phải làm sao?
Nguyễn Đăng Trường nói:
- Đồn Thị Nghè án ngữ đường sông, là cửa ngõ của thành Sài Côn. Đồn Thị Nghè mất, Sài Côn không thể giữ nổi. Vậy chúa thượng hãy cho Nguyễn Nghi đem ba ngàn quân ra cố thủ đồn Thị Nghè, chặn đường tiến của quân Tây Sơn. Đồng thời sai người đem chiếu lệnh đến hai dinh Long Hồ và Trấn Biên mang quân về cứu giá.
Định Vương nghe lời Đăng Trường sai Nguyễn Nghi lập tức xuất quân. Nguyễn Nghi vâng lệnh dẫn quân đến đồn Thị Nghè thì đã thấy quân Tây Sơn đem thuyền chiến đến dàn kín sông phía trước mặt thành. Nguyễn Nghi lệnh cho quân bắn cung và súng trường xuống thuyền Tây Sơn.
Tên đạn quân Nguyễn bay ra như cát vãi. Tướng tiền quân Tây Sơn là Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Văn Tuyết liền cho lui thuyền ra khỏi tầm tên quân Nguyễn, rồi hạ lệnh tấn công. Súng đại bác ở trên thuyền quân Tây Sơn ầm ầm nhả đạn, tiếng nổ rền trời. Quân Nguyễn trên mặt đồn đang bắn tên xuống bỗng nghe súng Tây Sơn nổ vang như sấm sét. Các điếm canh trên mặt đồn trúng đạn đều đổ cả. Quân Nguyễn hồn phi phách tán quăng súng, cung mà chạy. Nguyễn Nghi thấy quân mình hoảng sợ rùng rùng tháo lui liền rút gươm ra hét:
- Ba quân quay lại liều chết mà đánh, kẻ nào sợ chạy chém!
Nói rồi vung gươm chém chết vài tên quân. Bỗng một viên đạn đại bác rơi nhằm lưng ngựa Nguyễn Nghi đang cưỡi. Ngựa ngã quỵ hất Nghi ngã nhào xuống đất. Ba quân thấy thế lại càng kinh hãi cùng nhau tháo chạy. Nguyễn Nghi không biết làm sao đành hòa trong đám loạn quân chạy về thành Sài Côn. Quân Tây Sơn đổ bộ xông lên chiếm đồn Thị Nghè.
Chạy về ra mắt chúa Định Vương, Nguyễn Nghi hớt hải tâu:
- Quân Tây Sơn thuyền to súng lớn, bắn vỡ đồn Thị Nghè quân ta không chống nổi. Xin chúa thượng trị tội.
Đăng Trường nói:
- Đồn Thị Nghè mất, thành này không thể nào giữ nỗi. Chúa thượng hãy mau bỏ Sài Côn lui về Trấn Biên cùng quan trấn thủ Hồ Văn Lân, rồi gọi Nguyễn Văn Hoằng từ Bình Thuận đem quân về hợp sức. Sau đó ta mật chiếu sai trấn thủ Long Hồ là Lê Văn Quân đem quân đánh ra, ta từ Trấn Biên đánh vào, quân Tây Sơn ắt phải lui binh khỏi thành Sài Côn.
Trường vừa nói xong đã nghe súng đại bác Tây Sơn nổ ầm ầm ở mặt đông thành. Chúa tôi vội dẫn quân ra cửa bắc thành chạy về Trấn Biên. Quân Tây Sơn toàn thắng. Nguyễn Lữ vào thành Sài Côn ra lệnh chiêu án bá tánh, cấm quân lính không được xâm phạm của dân. Đặng Văn Long bàn:
- Nhị sư huynh hãy ở lại giữ thành Sài Côn, sai Tuyết và Lộc chia thủy binh giữ các ngã sông. Tôn xin đem năm ngàn quân đuổi theo Nguyễn Phúc Thuần đánh thành Trấn Biên (Biên Hòa). Rồi kéo rốc ra đánh lấy Bình Thuận, Diên Khánh ắt là bắt được chúa tôi Nguyễn Phúc Thuần, khi ấy một dải đất từ Quảng Nam đến Phiên Trấn đều thuộc về ta cả. Xin nhị sư huynh thuận cho.
Nguyễn Lữ lắc đầu nói:
- Việc ấy có hai điều chưa thể làm được!
Long lấy làm lạ hỏi:
- Hai điều chưa được là hai điều gì?
Lữ đáp:
- Điều thứ nhất là nếu tứ sư đệ kéo quân ra Trấn Biên thì quân Nguyễn từ Long Hồ đánh ra Sài Côn, Tuyết và Lộc dù giỏi thủy chiến nhưng không rành địa hình sông ngòi chằng chịt ở đất Gia Định e rằng bất lợi. Điều thứ hai là quân ta chiếm được đồn Thị Nghè và Sài Côn dễ dàng vì Phúc Thuần điều binh ra giữ Bình Thuận, Diên Khánh đề phòng ta ở Quy Nhơn đánh chúng bằng đường bộ, nên quân trong thành Sài Côn không còn được bao nhiêu. Nay chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy ra Trấn Biên ắt gọi Nguyễn Văn Hoằng từ Bình Thuận đem quân vào cứu viện. Chúng tất phòng bị sẵn sàng không dễ gì đánh được.
Đặng Văn Long nói:
- Việc tranh thắng bại ở trận tiền cốt ở lòng can đảm. Nay quân ta khí thế đang hăng muôn lòng như một, chỉ một hồi trống là hạ được thành Sài Côn. Xét việc tam sư huynh Vũ Văn Dũng và Võ Đình Tú chỉ có hai ngàn quân mà đánh lui một vạn quân Trịnh của Hoàng Đình Thể hồi năm trước, xem thế đủ biết tinh thần chiến đấu quan trọng như thế nào. Vả lại quân Nguyễn ở thành Sài Côn yếu, thì quân ở Long Hồ, thì không thể nào mạnh được. Bởi thành Sài Côn là cửa ngõ của Long Hồ, thì không có lý gì Văn Tuyết và Văn Lộc lại ngại thế giặc ở Long Hồ. Binh chúng có mạnh chăng là từ Trấn Biên trở ra đến Bình Thuận, Diên Khánh. Về mặt này Văn Long tôi xin đảm nhiệm trọng trách xin nhị huynh chớ ngại.
Nguyễn Văn Tuyết và Nguyễn Văn Lộc cùng nói:
- Lời Văn Long rất phải xin tướng quân cho chúng tôi ra trận lập công.
Nguyễn Lữ do dự hồi lâu nói:
- Các ông đã quyết thế thì hãy về kiểm điểm binh mã, rạng sáng ngày mai xuất trận. Còn phần ta sẽ mở kho lương phát chuẩn cho dân nghèo. Ấy là đúng với câu binh pháp, chiếm thành không bằng chiếm lòng dân vậy.
Đặng Văn Long can:
- Việc ấy không nên!
Lữ ngạc nhiên hỏi:
- Quân Tây Sơn ta từ lúc khởi binh đến nay đi đến đâu đều phát chẩn cho dân nghèo nên thiên hạ đều theo phục. Nay ta cũng làm theo cách ấy để thu phục lòng dân, sao Văn Long lại bảo không nên?
Long đáp :
- Nhân dân ở các phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, bị quan lại cướp bóc thậm khổ nên khi ta phát chẩn người người đều hưởng ứng. Còn ở đất Gia Định này, đồng ruộng phì nhiêu, lúa thóc làm một mùa ăn ba năm không hết. Xuống sông thò vợt là bắt được cá, ra vườn với tay là bắt được chim. Nhà nhà đều lúa thóc đầy bồ thì làm gì có người nhận phát chẩn của ta.
Lữ cười bảo:
- Văn Long nói sai rồi! Lòng tham con người vốn sâu không đáy. Như vua quan nhà Nguyễn dinh thự đồ sộ vàng bạc gấm lụa đầy dẫy, cao lương mỹ vị, rượu ngon gái đẹp rất là dư dả sao còn thả sức vơ vét của nhân dân? Vậy cớ gì nhân dân trong thành Sài Côn đã được dư dật như thế chưa mà không nhận phát chẩn của ta?
Nói rồi liền sai quân thông báo cho dân trong thành được biết và mở kho lương lập tức phát chẩn. Quả như lời Văn Long nói, kho lương mở từ sáng đến tối chỉ có vài người đến nhận thóc .Nguyễn Lữ liền triệu các tướng đến nói:
- Nhân dân ở thành Sài Côn không nhận phát chẩn, chứng tỏ ta không được sự ủng hộ của bá tánh, lòng dân đã như vậy e rằng khó giữ được thành, còn nói gì đến việc đem quân đi đánh Trấn Biên, Bình Thuận. Theo ý tôi, ta nên lấy hết lương thực ở trong thành rút về Quy Nhơn bẩm báo cho đại huynh được biết rồi sẽ liệu sau.
Đặng Văn Long can:
- Tôi đã dự đoán trước nhân dân đất Gia Định không nhận phát chẩn của ta bởi nhà nhà đều cơm no áo ấm, chứ chưa hẳn là bá tánh ở đất Gia Định đã chống đối lại ta. Nay ta cho người truyền hịch đi các nơi rõ nghĩa tôn phò hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương đánh đổ định vương Nguyễn Phúc Thuần rồi sau đó sẽ tiến binh ra đánh thành Trấn Biên, Bình Thuận thì lo gì thiên hạ không phục. Nếu bây giờ ta lấy hết thóc gạo rút về Quy Nhơn e rằng thiên hạ bảo ta là quân cướp mà thôi. Xin nhị sư huynh xét lại.
Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc, Đặng Xuân Bảo, Đặng Xuân Phong đồng thanh nói :
- Lời Văn Long rất phải!
Nguyễn Lữ thấy các tướng đồng lòng lại gật đầu bảo:
- Vậy ta hãy sai quân mau mau truyền hịch nói rõ nghĩa tôn phò.
* * *
Bấy giờ ở đất Tam Phụ ngoài thành Sài Côn thuộc dinh Phiên Trấn, có một người tên là Đỗ Thành Nhân, giỏi võ nghệ có tài thao lược, lợi dụng vùng sông ngòi chằng chịt, cây cối um tùm ở đất Tam Phụ, Đỗ Thành Nhân ứng nghĩa cần vương chiêu binh mãi mã ước năm ngàn người để chống nhau với quân Tây Sơn. Thành Nhân lại dựng cờ thêu hai chữ Đông Sơn tỏ ý đối nghịch với Tây Sơn.
Ngày ấy nghe tin quân Tây Sơn đi truyền hịch các nơi nói nghĩa tôn phò Đông Cung Nguyễn Phúc Dương đánh đổ định vương Nguyễn Phúc Thuần. Nhân nổi giận nói:
- Quân Tây Sơn kia lợi dụng Đông Cung giả nghĩa tôn phò dối gạt thiên hạ. Từ khi chúa bỏ kinh thành chạy vào Gia Định truyền hịch cần vương, ta chiêu binh mãi mã đợi ngày phò vua tá quốc. Nay giặc Tây Sơn lại vào chiếm thành Sài Côn. Đây là lúc ta đánh giặc lập công với nước trả ơn vua.
Nói rồi liền sai anh em Võ Nhân, Võ Tánh đem một ngàn quân làm tiên phong, Đỗ Thành Nhân dẫn đại binh đi sau nhắm thành Sài Côn thẳng tiến. Đến cách thành Sài Côn chừng mười dặm, bỗng thấy mấy người dân gồng gánh từ phía thành đi tới. Thành Nhân gọi lại hỏi:
- Các ngươi là dân nơi nào, gồng gánh đi đâu thế?
Dân đáp:
- Chúng tôi là dân trong thành Sài Côn. Mấy hôm trước quân Tây Sơn chiếm được thành, tướng Tây Sơn là Nguyễn Lữ mở kho lương phát chẩn cho dân nghèo. Mấy người chúng tôi đến nhận thóc của quân Tây Sơn về nhà bị hàng xóm mắng nhiếc thậm tệ, lấy làm xấu hổ nên rủ nhau về quê sinh sống.
Dân nói xong bỏ đi. Võ Tánh hiến kế:
- Quân Tây Sơn phát chẩn là muốn chiếm lòng dân. Nay ta dùng kế điệu hổ ly sơn ắt là phá được chúng.
Võ Tánh kề tai Đỗ Thành Nhân nói nhỏ:
- Chủ tướng cứ làm như vầy… như vầy…
Thành Nhân khen:
- Thật là diệu kế. Võ Tánh còn nhỏ tuổi mà đa mưu túc trí, về sau ắt là nên danh tướng.
Nói rồi xuống lệnh:
- Võ Nhân đem một ngàn quân mai phục ở cánh rừng phía đông ấp Hòa Hưng, Đỗ Nhàn Trập một ngàn quân mai phục ở cánh rừng phía tây ấp Hòa Hưng. Ta cùng Võ Tánh đem ba ngàn quân vào trong ấp chờ giặc.
Hôm sau có mấy tên dân vào thành Sài Côn thưa cùng Nguyễn Lữ:
- Thưa thướng quân, gần đây có tên cướp tên là Đỗ Thành Nhân quy tụ lâu la hàng ngàn người, thường ngày vào thôn ấp cướp phá hãm hiếp dân lành. Chúng tôi không bao giờ sống được yên ổn. Quan quân nhà Nguyễn ươn hèn không dẹp được. Nay nghe tướng quân mới đến nhờ tướng quân cho người đánh cướp cứu dân.
Nguyễn Lữ liền hỏi :
- Hiện giờ bọn chúng đang ở đâu?
Dân đáp:
- Bọn chúng hiện đang cướp ở ấp Hòa Hưng huyện Bình Dương ở phía nam thành Sài Côn.
Nguyễn Lữ hỏi các tướng:
- Nay dân đang gặp cướp bóc vậy ai xung phong đánh cướp cứu dân.
Nguyễn Văn Tuyết bước ra nói:
- Tôi xin đi!
Nguyễn Văn Lộc cũng hăm hở đứng lên:
- Tôi xin cùng Tuyết tướng quân đánh cướp cứu dân.
Nguyễn Lữ liền cấp cho Tuyết và Lộc hai ngàn quân lập tức ra ngoài thành đến ấp Hoà Hưng đánh cướp. (Quận 10, Sài Gòn ngày nay). Tuyết và Lộc dẫn quân đến cánh đồng trống đầu làng, bỗng nghe một phát súng nổ vang, từ trong làng một đạo binh hùng hổ xông ra, đi đầu là hai viên đại tướng cờ đề hai chữ “Đông Sơn”. Nguyễn văn Tuyết gò ngựa vểnh râu quát hỏi:
- Các ngươi là giặc cướp phương nào dám vào làng nhiễu hại lương dân?
Viên tướng ấy cười to bảo:
- Ta là Đông Sơn Đỗ Thành Nhân dấy binh đánh giặc Tây Sơn giúp chúa. Các ngươi đã trúng kế điệu hổ ly sơn của ta, sao còn chưa xếp giáp quy hàng?
Đỗ Thành Nhân nói vừa dứt lời bỗng nghe ngoài rừng hai bên cánh đồng pháo lệnh nổ vang quân reo inh ỏi. Hai đạo quân từ trong rừng xông ra vây quân Tây Sơn vào giữa. Nguyễn Văn Tuyết nói với Nguyễn Văn Lộc:
- Giặc ba mặt vây ta vào giữa tình thế rất nguy, tôi và ông phải liều chết phá vây chạy về thành.
Lộc tức giận đấm ngực nói:
- Từ ngày tôi theo chúa công đến nay chỉ huấn luyện thủy binh ở Quy Nhơn chưa được đánh trận nào. Nay trận đầu ra quân mà bại trận thì còn mặt mũi nào nhìn ba quân tướng sĩ. Dù có rút binh về cũng phải hàng ngũ chỉnh tề, đánh chúng một trận cho đáng mặt anh hùng dù chết cũng cam.
Tuyết nói:
- Vậy tôi và ông chia làm hai mặt vừa đánh vừa lui.
Nói rồi Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy hậu quân làm tiền quân quay lại phá vây. Nguyễn Văn Lộc chỉ huy tiền quân làm hậu quân đi sau đọan hậu. Hai bên đánh nhau rất dữ dội tiếng hò reo vang dậy góc trời. Tiền quân Nguyễn Văn Tuyết vung song đao đánh cùng Võ Nhân, Đỗ Nhàn Trập không nề nao núng. Quân Tây Sơn cùng đường lồng lên như hổ dữ, đánh vẹt quân Đông Sơn phá vòng vây. Nguyễn Văn Tuyết dùng hết sức bình sinh vung song đao cùng một lúc chém Võ Nhân và Đỗ Nhàn Trập. Hai tướng Đông Sơn đưa đao lên đỡ, chẳng ngờ Nguyễn Văn Tuyết chém mạnh quá Võ Nhân và Đỗ Nhàn Trập bủn rủn tay chân, ngựa lui liền mấy bước. Nguyễn Văn Tuyết thừa cơ thoát được dẫn quân nhắm hướng thành Sài Côn mà chạy. Chạy được một đoạn quay lại không thấy Nguyễn Văn Lộc đâu. Tuyết bảo ba quân:
- Tướng quân Nguyễn Văn Lộc đi sau đoạn hậu cho chúng ta chạy thoát. Hiện ông ấy còn bị vây trong trận. Các ngươi hãy cùng ta chỉnh đốn hàng ngũ quay lại liều chết giải vây. Không cứu được Lộc tướng quân thề quyết không về.
Quân Tây Sơn dạ rân sắp xếp đội ngũ theo Nguyễn Văn Tuyết quay lại ấp Hòa Hưng. Khi ấy Nguyễn Văn Lộc đang dũng mãnh đánh cùng Đỗ Thành Nhân và Võ Tánh. Nguyễn Văn Lộc không chút sợ hãi đánh liền nữa canh giờ. Thành Nhân và Võ Tánh đổ mồ hôi hột lui ra. Lộc thấy tiền quân Nguyễn Văn Tuyết đã ra khỏi vòng vây vẫn thúc ngựa đuổi theo hai tướng Đông Sơn. Đỗ Thành Nhân thất kinh quát :
- Ba quân chặn giết tướng giặc cho ta!
Quân Đông Sơn vây Nguyễn Văn Lộc vào giữa. Lộc lồng lên như mãnh hổ vung trường thương tả xung hữu đột giết quân Đông Sơn thây nằm lớp lớp. Lộc tháo thắt lưng vung lên làm hiệu, tiền quân Tây Sơn trông thấy hiệu lệnh, liền chia nhau lập thành một vòng tròn khép kín, giữa vòng vây Đông Sơn như một bức thành đồng. Quân Đông Sơn thấy quân Tây Sơn can đảm phi thường, không dám giáp chiến. Đỗ Thành Nhân lệnh quân xạ tiễn. Quân Đông Sơn bốn mặt bắn tên như mưa. Quân Tây Sơn dùng khiên mà đỡ chẳng mảy may thương tích. Có tên quân hỏi Nguyễn Văn Lộc:
- Sao tướng quân không ra lệnh phá vây. Đến tối quân ta đói khát sao địch nổi giặc?
Lộc lăm lăm trường thương đáp:
- Các ngươi chớ lo, Nguyễn Văn Tuyết dẫn quân quay lại tức thì. Đánh lui giặc ta mới quay về.
Vừa dứt lời bỗng thấy vòng vây quân Đông Sơn phía bắc hỗn loạn. Nguyễn Văn Tuyết dẫn đoàn quân Tây Sơn xung trận. Võ Nhân và Đỗ Nhàn Trập ngăn không nỗi dẫn quân chạy vào hai cánh rừng. Nguyễn Văn Lộc trông thấy liền thúc ngựa hô quân tiến về phía Đỗ Thành Nhân mà đánh. Thành Nhân thấy trận mình đã vỡ bèn thúc trống thu quân vào trong ấp Hòa Hưng. Đỗ Thành Nhân nói với mọi người :
- Quân Tây Sơn thiện chiến, tướng Tây Sơn dũng mãnh lại giỏi dùng quân, thế mới biết hữu mưu vô dũng cũng không giành phần thắng được!
Võ Tánh bước ra nói:
- Quân Tây Sơn hữu dũng ta không thể diệt chúng được. Tôi xin hiến một kế có thể khiến Nguyễn Lữ rút quân khỏi thành Sài Côn.
Đỗ Thành Nhân hỏi:
- Kế thế nào, Tánh hãy nói ta nghe thử xem?
Võ Tánh kề vai Nhân nói nhỏ:
- Chủ tướng hãy làm như vầy… như vầy. Nguyễn Lữ ắt sợ mà bỏ Sài Côn rút về Quy Nhơn. Chủ tướng vào thành Sài Côn rồi cho người đi rước chúa về, thì công đầu không phải của chủ tướng thì còn ai vào đây nữa?
Nhân mừng rỡ khen:
- Thật là diệu kế!
Nói rồi liền viết một phong thư sai người tâm phúc mang đi ngay.
* * *
Phần Nguyễn Văn Tuyết và Nguyễn Văn Lộc thu quân về thành Sài Côn, dọc đường Tuyết hỏi Lộc:
- Tôi đã phá được vòng vây sao ông không chịu lui quân?
Lộc cười đáp:
- Có thế ông mới đem quân quay lại liều chết mà đánh lui được giặc. Dù không diệt được chúng, ta cũng thắng trận trở về.
Nói xong hai tướng Tây Sơn cùng cười vang. Vào thành Sài Côn nghe Tuyết kể xong Nguyễn Lữ khen:
- Lộc tướng quân trí dũng song toàn thật đáng khâm phục. Xin hỏi tướng quân, binh pháp nào dạy dàn quân thành vòng tròn giữa vòng vây giặc?
Lộc cười đáp:
- Tướng quân há chẳng biết rằng võ roi ở xứ Quy Nhơn ta có thế võ tên gọi “Trâu dằn” là bắt chước của loài trâu đó sao?
Lữ lấy làm hạ hỏi:
- Thế võ “Trâu dằn” người Quy Nhơn ai mà không biết. Nhưng có liên quan gì đến việc lập trận này?
Lộc lại cười đáp:
- Việc nhỏ này cần gì đến binh pháp, lúc nhỏ tôi nhà nghèo vào rừng chăn trâu cho nhà giàu trong núi Kỳ Sơn. Tôi quan sát thấy mỗi lần gặp cọp hay sói, trâu đều vây thành vòng tròn nghênh sừng ra trước, cọp và sói đều không dám vào. Tôi chỉ bắt chước trâu luyện quân lập trận ấy mà thôi.
Đặng Văn Long cười to nói:
- Đỗ Thành Nhân mà nghe ông nói chắc phải xấu hổ chết mất thôi!
Các tướng đều cười vang. Nguyễn Văn Lộc nói:
- Ngày mai tôi cùng Tuyết tướng quân xin đem quân đến ấp Hòa Hưng dẹp lũ giặc Đông Sơn mới hả dạ.
Lộc vừa dứt lời có quân thám mã về báo:
- Chúng tôi đi dọ thám ngoài thành gặp một tên gian tế, tên này thấy quân ta liền bỏ chạy, chúng tôi bắn tên giết chết, lục trong người thấy có mật thư, xin trình lên tướng quân.
Nguyễn Lữ tiếp thư xem xong băn khoăn nói:
- Thư này của quan trấn thủ Long Hồ là Lê Văn Quân gởi cho chúa Định Vương. Quân báo rằng đã cầu viện được vua Cao Miên đem binh sang giúp. Chúng hẹn ngày xuất binh. Lê Văn Quân từ Long Hồ đánh ra, Định Vương từ Trấn Biên đánh vào, Cao Miên từ hướng tây đánh xuống. Thành Sài Côn của ta ba mặt thọ địch, thật là nguy khốn. Theo tôi ta nên bỏ thành Sài Côn rút về Quy Nhơn để bảo toàn lực lượng bẩm báo cùng đại huynh rồi sẽ liệu sau.
Đặng Văn Long can:
- Theo tôi nước Cao Miên và nước Tiêm La xưa nay thường đánh lẫn nhau luôn. Quân Cao Miên yếu thế, nước mình còn lo không giữ được, lẽ đâu lại đem quân giúp cho nhà Nguyễn. Ấy chẳng qua là kế của giặc mà thôi. Xin nhị sư huynh xét lại chớ vội lui quân.
Nguyễn Văn Lộc hăng hái nói:
- Dù chúng có sang thật, ta lại sợ chúng sao. Tướng quân cứ cho Nguyễn Văn Tuyết trấn mặt nam thành. Đặng Văn Long tiến đánh Trấn Biên. Tôi xin đem quân án ngữ mặt tây, tướng quân và Đặng Văn Bảo, Đặng Xuân Phong giữ thành tùy tình hình mà đem quân tiếp viện, thì có sợ gì chúng.
Lữ nói:
- Chẳng phải là ta sợ giặc. Nhưng lẽ được thua là cốt ở lòng dân. Nay dân trong thành không nhận phát chẩn của Tây Sơn ta. Ngoài thành thì kẻ vô danh như Đỗ Thành Nhân cũng chiêu mộ được mấy ngàn binh mã đối địch cùng ta. Xem thế đủ biết lòng dân ở đất Gia Định này không phục Tây Sơn ta. Mai kia quân Nguyễn kéo đến nhân dân đều nhất tề theo giặc thì ta làm thế nào?
Văn Long bàn rằng:
- Đỗ Thành Nhân chiêu binh mãi mã lúc Định Vương mới vào Sài Côn xuống hịch vần vương. Nhân dân ở Gia Định chỉ nghe lời nhà chúa mà không biết chính nghĩa của ta, nên ta mới chiếm Sài Côn dân không nhận thóc phát chẩn. Nay ta đã truyền hịch tôn phò Đông Cung Nguyễn Phúc Dương. Binh ta quân kỷ nghiêm minh không mảy may xúc phạm của dân, đã phần nào chứng tỏ là đạo binh nhân nghĩa. Thiên hạ còn bán tín bán nghi ắt khoanh tay chờ xem hư thực thế nào mà thôi. Về mặt nhân hòa binh ta chưa hẳn là thất thế, ấy là một lẽ. Nói về thực lực, quân Nguyễn đánh đâu thua đó, tướng lãnh bất tài, lòng quân nao núng ắt không phải là đối thủ của ta, ấy là hai lẽ. Quân Cao Miên là người man rợ nếu đem binh sang giúp nhà Nguyễn tất sanh lòng đạo tặc mà cướp bóc của dân khiến lòng người sẽ ngã về ta, ấy là ba lẽ. Xét ba điều ấy, ta nên đánh chứ chẳng nên lùi.
Nguyễn Lữ lại bảo:
- Lúc xuất quân đại huynh có căn dặn ta rằng: - Đánh Sài Côn lần này là để phá rối hậu cứ của quân Nguyễn, không cho chúng đều binh ra đánh Phú Yên. Nay Nguyễn Văn Hoằng từ Bình Thuận đem quân về Trấn Biên viện binh cho chúa Định Vương là đã đúng với ý đồ chiến lược của ta. Vậy ta đã hoàn thành sứ mạng sao chẳng rút binh về? Đất Gia Định không có núi non hiểm trở, nếu ở lâu nơi thành Sài Côn trơ trọi này ngộ nhỡ có điều sơ sẩy e mắc tội với đại huynh. Ý ta đã quyết Văn Long đừng nói nữa!
Nói xong truyền quân lấy hết lương thực trong thành ước trăm vạn hộc, xuống thuyền rút binh về Quy Nhơn. Lúc quân kéo buồm nhổ neo Nguyễn Văn Tuyết nói:
- Tướng quân Nguyễn Lữ là người không quyết đoán, thật đáng tiếc thay!
Đặng Văn Long than:
- Nếu đại sư huynh Nguyễn Huệ đi chuyến này thì bình đất Gia Định như trở bàn tay. Thật là đáng tiếc!
Quân Tây Sơn rút đi rồi, Đỗ Thành Nhân đem quân vào thành Sài Côn không mất một mũi tên hòn đạn. Thành Nhân liền cho người đi mời chúa Định Vương.
Định Vương đem Hoàng thân Quốc thích về lại thành Sài Côn phong Đỗ Thành Nhân làm Tổng trấn Sài Côn kiêm phụ chánh. Chúa chia các tướng trấn giữ các nơi ở đất Gia Định. Mạc Thiên Tứ trấn thủ Hà Tiên, Lê Văn Quân trấn thủ thành Trường Đồn. Hồ Văn Lân trấn thủ thành Trấn Biên. Nguyễn Văn Hoằng trấn thủ thành Bình Thuận. Tống Phước Khuông trấn thủ thành Diên Khánh. Tống Phước Lương đồn trấn ải Vân Phong. Nguyễn Nghi trấn đồn Thị Nghè. Chúa Định Vương chiêu binh mãi mã trong lòng vẫn canh cánh tiêu diệt quân Tây Sơn, đêm ngày lo toan việc khôi phục cơ đồ.
(Hết chương 20)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét