Quấy Gia Định, Nguyễn Huệ dụng mưu sâu
Hiềm Lý Tài, Đỗ Thành Nhân làm phản.
* * *
Lại nói về Nguyễn Lữ không nghe lời can gián của Đặng Văn Long kéo quân về thành Quy Nhơn báo cáo tình hình Gia Định cho Nguyễn Nhạc. Nghe Lữ nói xong, mưu sĩ Nguyễn Thung bước ra thưa:
- Tâu chúa công! Nay chúa Nguyễn Định Vương ngày đêm xây dựng lực lượng mưu toan việc khôi phục cơ đồ. Nếu ta không dập đổ nhà Nguyễn ở phương nam, đợi khi binh của chúng mạnh lên ắt Tây Sơn ta lại lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch của hai nhà Trịnh Nguyễn như hồi năm trước thì nguy. Xin chúa công hãy gấp lệnh cho Nguyễn Huệ đem đại binh vào Gia Định lần nữa. Lần này phải chiếm hết toàn cõi đất Nam Hà bắt cho được Định Vương Nguyễn Phúc Thuần để trừ hậu họa. Ấy là việc nên làm.
Nguyễn Nhạc thấy các tướng sĩ đều mến phục Nguyễn Huệ trong lòng không muốn, còn đang lưỡng lự thì Nguyễn Huệ bước ra nói:
- Theo tôi việc ấy không nên làm!
Thung ngạc nhiên hỏi:
- Vì lý do gì tướng quân lại bảo việc đánh Nguyễn ở Nam Hà là chẳng nên làm?
Huệ đáp:
- Vừa rồi Hoàng Ngũ Phúc mất, chúa Trịnh sai Bùi Thế Đạt vào làm trấn thủ đất Thuận Hóa, lại sai quan văn là Lê Quí Đôn cùng vào lo việc trị dân. Bùi Thế Đạt là một lão tướng của Đàng Ngoài. Năm Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba mươi, chính Bùi Thế Đạt đã đem quân dập tắt cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật ở Trấn Ninh, Nghệ An. Còn Lê Quí Đôn đã từng khuyên Trịnh Sâm đem đại binh đánh ta, lúc ta xin hòa với Trịnh để đánh tướng Nguyễn là Tống Phước Hiệp ở Phú Yên. Nay họ Trịnh sai hai người này vào trấn thủ Thuận Hóa, Phú Xuân là có ý dòm ngó Tây Sơn ta. Vả lại, quân Trịnh ở Phú Xuân còn những mấy vạn ta không nên sơ suất mà đem đại binh vào đánh Nguyễn ở phương nam, để đề phòng quân Trịnh xâm phạm mặt bắc.
Thung lại hỏi:
- Thế tại sao tháng trước tướng quân lại xin cho Nguyễn Lữ đem đại quân vào Nam Hà đánh Nguyễn?
Huệ cười nói:
- Thế của Tây Sơn ta là lưỡng đầu thọ địch, cho nên việc hành binh của ta phải tốc chiến tốc thắng, mới có thời gian đối phó kịp thời với địch ở hai mặt bắc nam. Lúc Nguyễn Lữ kéo đại binh đi, quân Trịnh vừa rút khỏi Quảng Nam, binh lính bệnh hoạn mệt mỏi, chúng lo rằng ta thừa cơ tiến đánh còn nói gì đến việc đánh người khác. Nhưng lúc này tình hình quân Trịnh đã đổi khác ta không thể không đề phòng.
Thung lo âu hỏi:
- Nếu không đánh Nguyễn lúc này sớm muộn gì chúng chẳng đánh ta?
Huệ đáp:
- Tôi có một kế không cần phải động binh có thể làm hao mòn lực lượng của quân Nguyễn và làm rối loạn đất Gia Định, khiến chúng không thể nào dòm ngó đất Phú Yên của ta được.
Nguyễn Nhạc liền hỏi:
- Kế thế nào Huệ mau nói xem?
Huệ ung dung đáp:
- Kế của tôi là thả hổ về rừng!
Đặng Văn Long xen vào nói:
- Ngày xưa thời Tam Quốc, Lưu Bị mượn câu: “Thả hổ dễ, bắt hổ khó” để xui Tào Tháo giết Lã Bố. Trong binh pháp chỉ nghe kế “Điệu hổ ly sơn” là dụ hổ rời núi, chưa từng nghe nói kế thả hổ về rừng là gì. Đại sư huynh hãy nói rõ hơn xem.
Huệ giải rằng:
- Từ ngày Tập Đình thua quân Trịnh ở Hải Vân quan phạm vào cam đoan trạng bỏ trốn về Tàu, Lý Tài biết mình không được đại huynh tin dùng. Lý Tài ở với quân ta khác nào cọp ở trong lồng. Nay ta thả Lý Tài ra, ắt Lý Tài theo về cùng chúa Nguyễn Định Vương. Ấy chính là kế thả hổ về rừng đó.
Nguyễn Nhạc thắc mắc hỏi:
- Thả Lý Tài cho quân Nguyễn là thêm vây cánh cho địch, sao ta lại dùng kế ấy?
Huệ chậm rãi thưa:
- Hiện Lý Tài còn hai ngàn quân bản bộ toàn là người Tàu thiện chiến, lại thêm Lý Tài tánh kiêu ngạo tham quyền. Đỗ Thành Nhân vừa mới lập công được chúa Nguyễn phong làm Tổng trấn Sài Côn kiêm phụ chính, nay lại thấy kẻ khác tranh quyền với mình nhịn sao cho nổi. Nay ta thả Lý Tài vào Gia Định chắc chắn Lý Tài và Đỗ Thành Nhân sẽ sinh ra bất hòa mà chém giết lẫn nhau. Ấy là kế thả hổ về rừng cho hai hổ tranh nhau vậy.
Nguyễn Thung nói:
- Nếu đúng là như vậy thì thật là độc kế. Nhưng ngộ nhỡ Lý Tài hạ mình theo về với giặc hợp sức đánh ta thì sao?
Huệ lắc đầu đáp:
- Lý Tài bất đắc dĩ hết lương thực mới theo về cùng ta. Con người của Lý Tài luôn nuôi trong đầu mộng bá vương, nay trong tay có hai ngàn quân dưới trướng đời nào chịu ở dưới quyền kẻ khác. Nếu Lý Tài và Đỗ Thành Nhân không đánh giết lẫn nhau, tôi xin dâng đầu mình trước án. Xin đại huynh chớ ngại.
Nguyễn Nhạc gật đầu nói:
- Lâu nay ta nuôi Lý Tài khác nào nuôi ong tay áo, Lý Tài không có tội gì giết đi thì sợ mang tiếng với thiên hạ. Nhưng phải thả Lý Tài bằng cách nào?
Huệ lại hiến kế:
- Đại huynh cho gọi Lý Tài đến nói như vầy… ắt Lý Tài tin ngay. Thế là ta đã thả được Lý Tài rồi đó!
Nguyễn Nhạc liền cho quân mời Lý Tài đến, Nhạc nói:
- Ta vừa nghe tin quân Nguyễn sắp đem quân theo hai đường thủy bộ tiến đánh Phú Yên. Bộ binh của ta đã có Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân chỉ huy, nhưng ở Phú Yên chưa có thủy binh. Vậy phiền Lý tướng quân đem quân bản bộ đi đường thủy vào trấn giữ mặt bể. Chẳng hay tướng quân có vui lòng chăng?
Lý Tài nghe qua mừng thầm trong bụng nhưng không dám lộ ra mặt giả vờ nói:
- Nuôi quân ba năm dụng một giờ. Lâu nay tôi chịu ơn sâu của chúa công, có gì cần chúa công cứ sai bảo, tôi dù nhảy vào lửa chẳng dám từ nan.
Nói xong Lý Tài lãnh lệnh đi ngay. Giong buồm ra ngoài cửa bể, Lý Tài ngửa mặt lên trời cười lớn mấy hồi. Tả hữu hỏi:
- Tướng quân cười gì mãi thế?
Lý Tài phấn khích đáp:
- Ta nghe nói Nguyễn Huệ nhìn thấu được lòng người nay mới biết là hữu danh vô thực. Nếu Huệ hiểu lòng người ắt can Nguyễn Nhạc không cho ta vào trấn Phú Yên. Thật là Nhạc, Huệ phen này đã thả hổ về rừng.
Nói rồi Lý Tài truyền quân không cho thuyền ghé Phú Yên mà chạy thẳng vào Gia Định, Sài Côn. Lý Tài đóng thủy binh tại cửa Cần Giờ rồi sai người tâm phúc đến thành Sài Côn yết kiến Định Vương. Sứ giả vào thành gặp Định vương nói:
- Tôi là sứ giả của tướng quân Lý Tài. Chủ tướng tôi muốn theo phò chúa thượng đánh giặc Tây Sơn. Mong được chúa thượng dung nạp!
Định Vương dò hỏi:
- Lúc Tây Sơn làm loạn, Lý Tài ở dưới trướng Nguyễn Nhạc, nay vì sao lại phản Nguyễn Nhạc theo về với ta?
Sứ giả đáp:
- Lúc ấy do Trương Phúc Loan chuyên quyền làm lắm điều tàn bạo, Nguyễn Nhạc giả tiếng tôn phò Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương đánh đổ Quốc phó Trương Phúc Loan. Lý tướng quân tưởng thật mới đem quân theo giúp Nguyễn Nhạc. Nay Nguyễn Nhạc rước được Đông Cung Dương về lại giam lỏng ở thành Quy Nhơn, không nói gì đến việc tôn phò. Nên Lý tướng quân mới bỏ Nguyễn Nhạc đem hai ngàn quân bản bộ vào theo về cùng chúa thượng mong khôi phục lại cơ đồ nhà Nguyễn.
Đỗ Thành Nhân nạt:
- Nếu Lý Tài vâng mệnh Nguyễn Nhạc giả hàng rồi ở trong thành làm nội ứng thì sao?
Sứ giả ung dung đáp:
- Tướng quân nói thế chứng tỏ là không hiểu được thực lực của quân Tây Sơn. Tây Sơn hiện nay hùng binh ba vạn, hàng trăm viên đại tướng đều trí dũng song toàn. Chiến thuyền lớn hàng ngàn chiếc, súng đại bác ngàn khẩu, voi chiến trăm con. Nếu Nguyễn Nhạc đem quân vào Gia Định thì tôi e không có thành trì nào có thể đứng vững dưới làn mưa đạn đại bác của Tây Sơn. Quân của chúng thiện chiến, một có thể địch được hai, ba. Nếu đại bác chúng bắn vỡ thành rồi thì khi giáp chiến liệu binh ta có phải là địch thủ của quân Tây Sơn chăng? Thực lực đôi bên đã rõ ràng như thế thì cần gì phải sai người mạo hiểm làm nội ứng làm chi? Xin tướng quân xét lại kẻo oan cho tướng quân tôi.
Đỗ Thành Nhân ngạo mạn cười lớn bảo:
- Ngươi khéo già mồm! Quân Tây Sơn tài giỏi thế nào mà một người có thể địch được hai, ba?
Nguyễn Đăng Trường xen vào nói:
- Đỗ tướng quân chưa biết đấy thôi! Năm trước quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy có năm ngàn quân mà đánh tan ba vạn quân ta ở sông Lại Dương thuộc phủ Quy Nhơn, khiến ba cha con Tôn Thất Hương tử trận. Năm sau Nguyễn Huệ lại đem năm ngàn quân vào Phú Yên đánh tan hai vạn quân ta, khiến Tống lão tướng quân uất ức mà chết. Người này không có ý dối ta đâu!
Đỗ Thành Nhân lại gạt đi bảo:
- Nhưng việc hệ trọng không thể tin bừa. Xin hỏi sứ giả, ý tốt của Lý tướng quân có chi làm bằng?
Sứ giả lấy ở trong người ra một phong thư trao cho Định Vương nói:
- Trước khi bỏ Nguyễn Nhạc mà đi, Lý tướng quân vẫn thường trao đổi với Đông Cung. Đây là thư của Đông Cung dặn Lý tướng quân trao cho chúa thượng.
Định Vương đọc xong mừng rỡ bảo:
- Theo trong thư của Đông Cung thì việc Lý Tài theo về với ta là thực. Vậy phiền sứ giả về nói với Lý Tài rằng ta thuận ý bảo ông ấy mau dẫn quân về Sài Côn cùng hợp sức đánh giặc Tây Sơn.
Sứ giả vâng lệnh ra về thuật việc với Lý Tài. Lý Tài bèn đem chiến thuyền đến đậu ở sông Thị Nghè. Chúa Định Vương nghe quân báo Lý Tài có thuyền to súng lớn liền đích thân dẫn Nguyễn Đăng Trường, Nguyễn Nghi, Đỗ Thành Nhân đến xem. Lý Tài lên bờ lạy chào chúa Định Vương. Vương mừng rỡ nói:
- Tướng quân là người của Đông Cung tức là tôi của nhà Nguyễn ta rồi.
Đoạn Vương chỉ chiến thuyền của Lý Tài nói tiếp:
- Thật xưa nay chưa thấy chiến thuyền nào to, súng nào lớn như thế này cả. Tướng quân lấy ở đâu ra thế?
Lý Tài đáp:
- Nhờ hồng phúc của chúa thượng nên Lý Tài tôi cướp được của quân Tây Sơn vượt bể về theo chúa thượng.
Vương lại hỏi:
- Tướng quân có biết quân Tây Sơn học ở đâu cách đúc súng đóng thuyền lớn thế này không?
Lý Tài nhanh trí vờ than rằng:
- Thuyền to súng lớn này là ở bên Trung Quốc tôi lánh nạn giặc Thanh qua đất Quy Nhơn mới bày vẽ cho Nguyễn Nhạc làm ra. Giờ biết bụng Nguyễn Nhạc ăn năn thì đã muộn.
Định Vương xua tay bảo:
- Tướng quân chớ có phiền muộn. Giờ về với ta tướng quân hãy bày vẽ cho quân ta đóng thuyền, đúc súng lớn như thế là lập công chuộc tội rồi. Tướng quân cho quân lính bắn thử một phát súng đại bác xem sao!
Lý Tài vâng lệnh sai quân nhồi thuốc nạp đạn nhắm cây cổ thụ trên bờ mà bắn. Súng nổ một tiếng long trời, đạn bay trúng một cành cây cổ thụ, cây liền gãy lìa làm đôi. Định Vương cùng các quan đều giật mình kinh hãi. Vương nói:
- Súng đại bác này thật lợi hại. Thảo nào quân Tây Sơn đánh đâu thắng đó. Phiền tướng quân hãy đóng tạm ở sông Thị Nghè, ta về thành Sài Côn sẽ theo nghi lễ mà tiếp đón. Nhất định ta sẽ phong ông làm Đại tướng quân điều binh khiển tướng đánh giặc Tây Sơn.
Nói rồi liền về thành. Phần Đỗ Thành Nhân về đến tư dinh, Nhân tức giận nói với thủ hạ là Võ Nhân, Võ Tánh, Đỗ Nhàn Trập rằng:
- Công lao quân Đông Sơn ta vào sinh ra tử đuổi quân Tây Sơn đi lấy được Sài Côn rước chúa thượng về đây. Nay Lý Tài chân ướt chân ráo mới đến hàng, chúa thượng định phong cho hắn làm Đại tướng quân điều binh khiển tướng, không thèm đếm xỉa gì đến ta cả. Thật tức chết đi được.
Đỗ Nhàn Trập bàn:
- Nay trong thành Sài Côn do quân Đông Sơn ta kiểm soát. Chủ tướng truyền quân đóng cửa thành không cho Lý Tài vào thành xem hắn làm gì được ta.
Thành Nhân tán thành nói:
- Được! Các ngươi mau truyền lệnh cho ba quân, bao giờ có lệnh ta mới được mở cổng thành. Ngoài ra không nghe lệnh của bất cứ ai, kể cả chúa thượng.
Võ Tánh can:
- Nếu làm thế e rằng ta can tội khi quân. Xin chủ tướng xét lại.
Thành Nhân hậm hực bảo:
- Can tội khi quân thì chúa làm gì được ta nào?
Võ Tánh cúi đầu thận trọng thưa:
- Chúa không làm gì được ta. Nhưng ở Trường Đồn thì có Lê Văn Quân trấn thủ. Trấn Biên, Bình Thuận thì có Hồ Văn Lân, Nguyễn Văn Hoằng. Gần đây là đồn Thị Nghè thì có trấn đồn Nguyễn Nghi, lại thêm Lý Tài mới về hàng trợ giúp. Nếu ba bên đánh tới thì Đông Sơn ta ở thành Sài Côn nguy mất.
Thành Nhân cười rằng:
- Chúa thượng ở trong tay ta thì quân các trấn dám động binh sao? Các ngươi không phải nói nữa, cứ y lệnh mà làm.
Võ Tánh, Võ Nhân, Đỗ Nhàn Trập vâng lệnh lui ra. Sáng hôm sau chúa Định Vương cùng Nguyễn Đăng Trường ngồi cùng một cỗ xe, lại sắp sẵn một cỗ xe trống đi sau. Cổ xe này chúa Định Vương dùng để rước Lý Tài cho đúng lễ cầu hiền. Chúa tôi ra cổng thành đông, quân giữ cổng ngăn lại. Định Vương quát hỏi:
- Chúng bay chẳng thấy ta sao, còn chưa mở cổng thành?
Quân canh bình thản đáp:
- Xin chúa thượng bớt giận, chúng thần được lệnh của quan trấn thủ phụ chính không được mở cổng thành cho bất cứ ai.
Định Vương giận quát lớn:
- Chúng bay muốn làm phản hay sao?
Nói xong toan rút gươm, Nguyễn Đăng Trường ngăn lại can:
- Xin chúa thượng bớt giận. Bọn chúng là quân sĩ chỉ nghe lệnh chủ tướng, lỗi này là ở Đỗ Thành Nhân. Chi bằng ta hãy về cung gọi Đỗ Thành Nhân đến hỏi cho ra lẽ.
Định Vương nghe lời bấm bụng quay về cung gọi Đỗ Thành Nhân đến hỏi:
- Vì sao ngươi dám lệnh quân sĩ đóng cổng thành không cho ta đi?
Nhân đáp:
- Lý Tài giả hàng làm nội ứng cho giặc Tây Sơn, nên hạ thần đóng cổng không cho Lý Tài đem quân vào thành.
Vương nén giận hỏi:
- Nhưng Lý Tài đã có thư tiến cử của Đông Cung?
- Lòng người khó đoán, dù có moi tim cũng dễ hồ biết thật hay giả, sá gì một tờ giấy lộn mà chúa thượng cả tin. Thần làm thế là bảo toàn cơ nghiệp cho chúa thượng mà thôi!
Nói rồi quay ra truyền quân canh phòng cẩn mật không cho Định Vương cùng hoàng tộc ra khỏi cung cấm.
Định Vương hỏi Nguyễn Đăng Trường:
- Vì sao Thành Nhân lại phản ta?
Trường ngao ngán đáp:
- Chúa thượng định phong Lý Tài làm đại tướng quân, Đỗ Thành Nhân sợ Lý Tài tranh mất quyền mình nên làm phản.
Vương lại hỏi:
- Bây giờ phải làm thế nào?
Trường buồn rầu nói:
- Bây giờ ngoại bất nhập, nội bất xuất không thể liên lạc với quân các trấn bên ngoài đành khoanh tay ngồi chờ vậy!
(Hết chương 21)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét