Sài Gòn còn đang hưng phấn với những dư âm xuân về. Tôi đang thả hồn bay theo cảm hứng để vẽ nên bức thơ xuân mĩ miều thì tiếng "tít te” vang lên. Tôi lại bị cắt nguồn bởi gmail báo đang có thư. “Cốc, cốc, cốc” tiếng bàn phím lại vang lên, trước mắt tôi là một kí ức rộng dài của nữ tác giả Kim Quyên trong cuốn tiểu thuyết “Tình không biên giới".
Điều đầu tiên mà tôi cảm nhận được là cốt truyện được phân ra làm hai mươi mốt chương nên rất dễ đọc và không bị bội thực. Mỗi chương là một vùng kí ức oanh liệt, sôi nổi thời chiến tranh được tác giả dàn dựng lại trong thời bình qua ngòi bút tinh tế và ngôn ngữ miệt mài xúc tích nhất .
Chương mở đầu khắc họa hình ảnh cô gái Thơm xinh đẹp, anh hùng, gan dạ vượt qua đạn bom của Mỹ: “Thơm mở to mắt cố nhìn gương mặt hung tợn như ác quỉ của thằng Mỹ mỗi khi máy bay lượn qua chỗ cô, sát ngọn tràm”. Chiến tranh nguy hiểm thế đó , ai có thể hi vọng cho bản thân mình có thể còn sống qua những loạt đạn bom rơi. Tuy nhiên ngoài nguy hiểm đó ra, tác giả còn để lộ cho người đọc thấy được tính cách của người con gái thời chiến chỉ yếu mềm vì những con đỉa đang háu đói mà thôi: “Thơm không còn chú ý những làn đạn đang chiu chíu quanh mình, nỗi sợ hãi con đỉa khiến cô thấy mình sắp nghẹt thở’’.
Trong những đoạn văn chị viết, tôi lại thấy lấp lửng những ngôn từ trong thi ca sinh động như cảnh một bức tranh thiên nhiên nên thơ hiền hòa: “Con sông Cái Cỏ nằm mơ màng dưới ánh trăng. Dòng nước lững lờ trôi xuôi về nơi chân trời xa thẳm. Đây đó thốt nốt đứng xếp hàng, đưa những chiếc lá như chiếc quạt khổng lồ, phe phẩy, lắc lư theo từng cơn gió thoảng qua. Trên bầu trời, vành trăng non như chiếc lưỡi liềm càng về khuya càng tỏ rạng, chiếu ánh sáng bàng bạc trên những ngôi nhà sàn đã im lìm ngủ”…
Càng đi sâu vào truyện tôi lại càng bị tác giả thu hút bởi tình cảm thân thiện, gần gũi gắn bó giữa thầy giáo và các sinh viên trường Sư phạm. Đó là tình thầy trò, tình đoàn kết, tình đồng đội, len lỏi một tình yêu trong sáng: “Ngoài kia, nắng hanh vàng của buổi sáng mùa Đông chiếu rọi, trời se se lạnh nhưng tình bạn bè, tình đồng đội đã gắn kết họ với nhau thành một khối, họ không còn sợ điều gì, sống thì chiến đấu, học tập không ngừng, chết thì hi sinh cao cả cho đất nước…”. Tình cảm thầy Som Bách và cô giáo Thơm là đại diện cho hai dân tộc Việt Nam – Campuchia luôn sát cánh bên nhau. Tình yêu của họ cũng dần nở hoa: “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Nhưng với Thơm, nổi bật lên hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, nhân hậu, quyết tâm hi sinh, cống hiến cuộc đời sự nghiệp cho đất nước. Cô sẵn lòng hi sinh và vượt qua tình yêu cỏn con mà người đời luôn vấp phải. Đó là thái độ thẳng thắn, bộc trực và biết kìm chế dục vọng bản thân để rồi: “Cô né tránh nụ hôn của Som Bách vội trao, nhoài người ra khỏi vòng tay cứng rắn, cô thở dài, giọng lạc hẳn đi:
- Không nên… Không tốt đâu Som Bách… Hoàn cảnh chúng mình không được đâu…
- Chiến tranh còn kéo dài… Tổ chức không cho kết hôn với người nước ngoài đâu…” Đó là những câu nói mà Thơm đã kiên quyết từ chối tình yêu của thầy Som Bách khi trái tim đau nhói và nỗi buồn man mác… dâng lên trong lòng cô.
Truyện có tính nhân văn sâu sắc ca ngợi bản lĩnh người con gái, lòng yêu thương người, tình đồng chí, đồng đội cùng nhau vượt qua chông gai thử thách. Bên cạnh đó tố cáo tội ác man rợ kẻ thù, chiến tranh là chết chóc đau thương mà con người phải hứng chịu những mất mác to lớn nhất như đồng đội tử biệt, cha mẹ vợ chồng con cái chia lìa nhau như thầy Som Bách đã mất đi những người thân yêu. Để rồi từ đấy trong lòng lại luôn dấy lên ngọn lửa căm thù, thầy ở lại tham gia vào đoàn tình nguyện với Việt Nam để chống bọn diệt chủng Pôn Pốt…
Còn hình ảnh cô giáo Thơm vẫn luôn rạng ngời, cô luôn phấn đấu học hỏi để giúp ích cho đất nước, cho đời thêm nở hoa và cô chưa nghĩ đến việc gia đình khi ước nguyện của cô chưa thành.
Tôi thích truyện này bởi chị đã tô son điểm phấn lại vẻ đẹp và niềm tự hào bởi lòng nhân ái, bao dung, tinh thần đồng đội, đồng chí của dân tộc ta thời chiến và đặc biệt là tình tương thân tương ái, giúp đỡ Campuchia chống lại bọn diệt chủng Pôn Pốt. Trong chiến tranh ác liệt đẫm máu như thế vẫn len lỏi có một tình yêu trong sáng giữa thầy giáo Som Bách (người Campuchia) và cô giáo Thơm (Tiền Giang). Đây là bản sắc văn hóa của ba dân tộc anh em Việt Nam - Campuchia - Lào được chị thể hiện khá rõ trong truyện này.
Tôi từng đọc những tác phẩm chị viết, với lối viết văn không phô trương khuếch đại nhưng rất chân chất từ câu từ chị sử dung để mô tả nhân vật, sự việc rất gần gũi. Tôi đã đọc hết truyện này và cảm nhận những nhân vật trong truyện “Tình không biên Giới“ cũng thật thà và chất phát như con người của chị vậy.
Sài Gòn, ngày 22 tháng 2 năm 2017
B.Đ.A
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét