Cây bút trẻ Lê Thị Xuyên
Tôi được nhận về trường huyện dạy học trong niềm hạnh phúc vô bờ sau một thời gian dài dằng dặc chờ đợi. Chân ướt chân ráo, tôi bước vào cổng trường vừa rụt rè, sợ sệt, vừa hào hứng, phấn chấn. Những cảm xúc hỗn độn xen lẫn khiến bước chân tôi trở nên lóng ngóng. Bất chợt, tôi gặp thầy. Dáng thầy mảnh khảnh, khuôn mặt nghiêm nghị nhưng nụ cười lại hiền hậu, mái tóc rẽ sang bên thành nếp, chiếc áo sơ mi kẻ sọc đã ngả màu phối với cái quần kaki nâu cùng đôi dép có quai gài để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi. Thầy niềm nở: Thầy tên là Lộc, hiệu trưởng của trường. Thùy đến nhận việc phải không? Vào đây? Vào đây? Theo chân thầy, cái va li kéo đựng chật ních đồ đạc, sách vở, vốn nặng trịch giờ bỗng nhẹ tênh trong tay tôi.
Ngồi trò chuyện với thầy trong phòng làm việc, tôi cứ ngỡ như mình đang được chuyện trò với những người đồng nghiệp bình thường. Vẻ điềm đạm, chân tình trong từng lời nói của một thầy hiệu trưởng giúp tôi quên đi cảm giác mình là giáo viên mới về trường. Tôi cứ nghĩ, làm lãnh đạo, ai cũng tự cho mình cái quyền này, quyền khác để thử thách hay gây khó dễ cho nhân viên của mình. Và tôi đã nhầm cho đến khi được gặp thầy. Trong tôi vỡ ra bao điều.
Ngày lên lớp đầu tiên, tôi mang trong mình tâm thế của một giáo viên đầy nhiệt huyết và tình yêu nghề, yêu trò, yêu ngôi trường mình bắt đầu gắn bó. Sáng đầu thu, sân trường vàng hanh, ngọt mát giọt nắng đầu ngày, lác đác đám lá bàng, lá xà cừ vàng xuộm co rúm, quấn mình la đà theo gió. Học trò nối nhau thành hàng thướt tha trong tà áo dài trắng tinh đẹp đến nao lòng. Đôi bóng cô cậu học sinh nào đùa nghịch, đuổi nhau chạy vòng quanh một góc hành lang rồi cười ngặt nghẽo. Bước chân tôi nhanh hơn trên con đường mòn từ khu nhà tập thể giáo viên theo nhịp trống trường, lòng bâng khuâng bao xúc cảm khó diễn tả thành lời. Từ xa, tôi thấy thầy đứng trước cửa phòng hội đồng quan sát các em học sinh vào lớp, gương mặt thầy phảng phất niềm vui và cả những toan lo, trăn trở.
Ngày nối ngày trôi qua, những câu chuyện về thầy qua lời kể của đồng nghiệp, học trò, những điều được trực tiếp chứng kiến càng khiến tôi thêm vị nể và kính trọng thầy hơn. Gần hai nhiệm kì làm hiệu trưởng, thầy đã chung sức chung lòng cùng với anh em cán bộ giáo viên trong trường gặt hái được nhiều thành tích trên mọi mặt. Tôi vẫn nhớ như in câu nói của mấy anh chị đồng nghiệp mỗi khi nhắc đến thầy. Họ gọi thầy là “thầy của những người thầy, hiệu trưởng của các hiệu trưởng”. Biết tôi mới vào nghề, kinh nghiệm chưa nhiều, thầy luôn động viên tôi cố gắng. Gặp những cậu học trò cá biệt, tôi luôn tìm đến thầy và được thầy mách kế để cuối cùng “thu phục” được các em. Những giờ dạy trên lớp, mỗi khi thấy bóng thầy ngang qua các dãy hành lang, kiểm tra tình hình dạy và học của các khối lớp, tôi và những người đồng nghiệp trong trường càng như được tiếp thêm động lực để mỗi bài giảng càng trở nên có hồn, có cảm xúc trước học trò. Tôi thấy càng yêu hơn nghề dạy học của mình.
Tạm gác lại nhiệm vụ của một người hiệu trưởng, sau những giờ lên lớp, thầy lại trở về bên mái ấm gia đình. Nhà thầy ở ngay cạnh trường. Những ngày nghỉ, tôi và một số đồng nghiệp trẻ xa nhà vẫn thường hay lui tới nhà thầy. Nếu việc trường, việc lớp, thầy nghiêm khắc, chỉn chu bao nhiêu thì ở ngoài đời thường, thầy lại càng bình dị, vui vẻ bấy nhiêu. Từ khi vợ thầy nghỉ hưu sớm vì đau bệnh, nhà thầy mở thêm gian hàng tạp hóa. Tuần nào cũng vậy, cứ chủ nhật, thầy lại lọc cọc trên chiếc xe máy cà tàng rong ruổi trên đoạn đường gần hai mươi cây số từ nhà xuống thành phố lấy hàng về cho cô bán. Rồi những buổi chiều rảnh rỗi, thầy lại cuốc đất vườn trồng lên đám rau sạch, chăm sóc, tưới tiêu giàn bầu, giàn mướp... Người ở xa tới, chẳng ai nghĩ thầy là một hiệu trưởng của một trường cấp ba.
Đã mấy năm nay, thầy phải chung sống với căn bệnh tiểu đường. Căn bệnh ngày càng nặng khiến thầy gầy đi trông thấy. Thế nhưng, mỗi buổi gặp đồng nghiệp, nhân viên trên trường, thầy vẫn vui vẻ, vẫn thường động viên, khích lệ chúng tôi vươn lên, vượt qua khó khăn bằng những câu chuyện hài hước cùng nụ cười hiền hậu. Tôi càng thêm trân quý hình ảnh một người thầy đáng kính, người đã trở thành hình mẫu lí tưởng để tôi soi mình và dần trưởng thành.
L.T.X
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét