CUỘC TÌNH NGHIỆT NGÃ (Chương 25) - Tiểu thuyết Nguyễn Khoa Đăng
Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Chiếc xe con do ông Mười lái đưa Năm Trắc chạy được khoảng 15 phút thì dừng lại trước một biệt thự khá sang trọng ở một đường phố rộng rãi, yên tĩnh, dưới bóng mát của một hàng cây sao, cao to, loại cây có lẽ được trồng từ hồi cuối thế kỷ trước.
Đó là biệt thự của ông Ba Khắc.
- Bác chờ tôi ở ngoài này nghe!
Nói rồi tay cắp cặp, chân giơ lên đạp chiếc cửa xe đánh rầm một cái. Năm Trắc hùng hổ tiến vào chỗ có cái cửa sắt đóng im ỉm, kín mít, chỉ hở ra một cái lỗ nhỏ bằng đồng xu để người trong nhà nhìn ra quan sát trước khi mở cổng. Năm Trắc giơ tay bấm chuông. Một chuỗi dài tiếng reng reng vang lên ở nơi xa, kèm theo đó là hai ba con chó sủa uôm uôm dữ tợn. Có tiếng người mở then cửa rồi một khuôn mặt lộ ra:
- Chú hỏi ai?
Nhận ra cậu Vàng, lái xe cho ông Ba, Năm Trắc mừng rơn:
- Vàng hà? Chú Ba có ở nhà không?
Vàng lạnh lùng trả lời:
- Không!
- Chú đi đâu rồi?
- Họp!
- Họp ở đâu?
- Hà Nội.
- Vậy cháu không phải đưa chú Ba đi à?
Vàng vẫn lạnh lùng:
- Có đưa nhưng mà đưa lên sân bay.
- Mới quay về à?
- Mới.
- Bao giờ lại lên rước chú Ba?
- Cuối tuần…
- Cho chú vào gặp thím Ba cũng được.
Bấy giờ Vàng mới chịu mở hé cánh cổng cho Năm Trắc bước vào.
Năm Trắc nhìn thoáng qua toàn cảnh cơ ngơi nhà Ba Khắc lòng nổi lên một ước mơ và kèm theo sự ganh tị. Ông cũng mau chóng tìm ra những cái “hơn” của tòa dinh thự này so với cơ ngơi nhà ông.
Năm Trắc đang mải quan sát nên không nhận thấy từ trong nhà, bà Ba Khắc đã bước ra. Đó là người đàn bà ngoài bốn mươi nhưng không còn nét gì gọi là trẻ nữa.
Năm Trắc vồn vã:
- Chị Ba! Mạnh giỏi chứ chị ?
Bà Ba Khắc cười:
- Mạnh cũng chẳng mạnh mà giỏi lại càng không. Chú tới chơi hay có chuyện chi vậy? Anh Ba đi họp ngoài Hà Nội rồi.
Hai người vào phòng khách.
- Mười Khên bị bắt rồi, chú biết chưa?
Chẳng kịp chuyện trò rào đón, bà Ba Khắc nói luôn làm Năm Trắc giật thót người.
- Bị hồi nào?
- Mới hồi hôm.
- Anh Ba không có ý kiến sao?
- Anh ấy đi họp rồi họ mới bắt!
Năm Trắc thở dài, giả bộ thông cảm:
- Chị tính sao?
- Tôi đang lo chạy cho nó đây nhưng thấy khó quá, không khéo mình lại phạm tội. Mà anh Ba thì lại chúa ghét chuyện này, chú có thể giúp tôi được không?
Năm Trắc làm ra vẻ quan trọng:
- Chị Ba còn chẳng làm được gì nữa là tôi. Tôi nghĩ chị nên đi gõ tất cả các cửa mà anh Ba quen biết xem sao.
Bà Ba Khắc thở dài:
- Khó lắm. Hôm trước khi còn ở nhà, nghe phong thanh chuyện này, anh Ba đã giao hẹn với tôi là nếu tình hình xấu xảy ra, anh cấm tôi được nhúng tay vào.
Đến lượt Năm Trắc thở dài:
- Vậy thì cũng khó thật.
Bà Ba Khắc:
- Khó thì khó thật, nhưng không phải là không có cách giải quyết, có điều muốn giải quyết được thì phải thu xếp chuyện này trước đã. Mà chuyện ấy chắc chắn là phải nhờ đến chú đó.
Được lời như cởi tấm lòng, Năm Trắc mừng quá:
- Vậy hả? Thế thì chị Ba cứ yên tâm đi, thằng em này lúc nào cũng sằn sàng làm theo lệnh của chị.
Bà Ba Khắc hạ thấp giọng:
- Chuyện Mười Khên, để một mình tôi, tôi cũng thể lo được. Chỉ ngặt một điều là muốn được việc thì nó phải được giữ thật kín chứ nếu tùm lum ra cho nhiều người biết thì khó lắm. Vì thế tôi muốn nhờ chú tìm cách làm sao cho báo chí họ đừng làm rùm beng chuyện này lên.
Năm Trắc bàng hoàng, vậy thì Tám Hữu trúng vào bẫy của ta rồi. Nhưng Năm Trắc chưa nhận lời ngay, phải đánh đòn gió trước đã. Ông ta bèn làm bộ thở dài:
- Nhưng chuyện này thì tôi lại không giúp được chị rồi.
- Sao vậy?
Bà Ba Khắc sửng sốt nhưng Năm Trắc vẫn lạnh lùng:
- Chị nói với tôi trễ quá rồi.
- Sao? Chú nói trễ là làm sao?
Năm Trắc cười nham hiểm:
- Vì Tám Hữu vừa ký cho đăng một bài tố giác đích danh Mười Khên lên báo rồi.
Bà Ba Khắc xanh mặt, thở hổn hển:
- Thế nào? Đã có bài báo nói về em tôi rồi à?
- Có! Thế mới chết chứ, nghĩ tình anh chị ở đây, vừa qua tại cuộc họp thông qua bài, tôi đã đấu tranh kịch liệt để không cho đăng bài báo này nhưng Tám Hữu không chịu.
- Có thật thằng cha Tám Hữu, nó dám làm thế không?
- Đồ ăn cháo đá bát!
Bà Ba Khắc đỏ bừng mặt, tuôn ra câu nói giận dữ, Năm Trắc thấy cần phải làm dịu lòng người đàn bà xưa nay đầy quyền lực này lại.
- Chị cứ bình tĩnh. Đăng thì nó cho đăng thật rồi đó, vì thế nên bây giờ ta phải tính theo cách khác.
- Cách nào?
- Tất nhiên là có cách, nhưng giá mà có anh Ba ở nhà thì hay biết mấy.
Bà Ba giận dỗi:
- Cách gì? Chú thử nói xem tôi có lo được không?
Trước con mắt nhìn như tra hỏi, Năm Trắc đành phải nói thật:
- Chỉ còn cách cuối cùng: Thu toàn bộ số báo chưa phát hành, sau đó đề nghị anh Ba đứng ra vận động cách chức thằng cha Tám Hữu vô tích sự đó.
Bà Ba Khắc lắc đầu:
- Đâu phải dễ chú?
Năm Trắc vừa định buột miệng nói ra “Dễ ợt à! Chỉ cần moi móc tìm kiếm trong số báo đó có bài nào hoặc câu nào sơ hở một chút, cho thổi phồng lên, rồi nhờ anh Ba nói với cấp có thẩm quyền là ký lệnh thu hồi liền hà”. Nhưng chợt nhớ đến người nói chuyện với mình là chị Ba, chứ không phải anh Ba, ông lại thôi.
- Thôi được, chuyện ấy tính sau, Năm Trắc nói. Cái cốt yếu bây giờ là tôi thử vận động lần cuối nữa để Tám Hữu khỏi cho in bài báo đó xem sao. Được không?
Bà Ba Khắc gật đầu:
- Đúng, tôi nghĩ phải làm thế mới được. Thôi, chú cứ ráng giúp tôi. Có thế nào chị em tôi không quên ơn chú đâu… Khổ, nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại…Chúng ta thì ngồi một nơi có ghế, có bàn, có quạt máy đàng hoàng thế này, mà em tôi thì đang phải nằm ở trong nhà giam, chật chội, nóng bức…
Bà Ba dàn dụa nước mắt, bà vội quay đi lấy vạt áo chùi mặt.
- Vợ con chú Mười Khên bây giờ ở đâu vậy chị?
Năm Trắc vừa nẩy ra một ý nghĩ mới.
- Nó vẫn ở Sai Gòn. Khổ, hai vợ chồng nó lấy nhau đến giờ đã ba bốn năm rồi mà đã có con cái gì đâu, tại thằng chồng nó cứ đi suốt ấy mà. Chú Năm có quen biết con vợ nó không đó?
Câu hỏi của bà Ba làm cho Năm Trắc vụt nhớ lại: Cách đây, một hai năm gì đó, Năm Trắc lên họp ở Sài Gòn, trong một buổi chiều đi lang thang khu bến cảng Bạch Đằng thì gặp Mười Khên đang cưỡi hon đa một mình dạo mát. Thấy người cùng quê, lại là chỗ quen biết, Mười Khên mừng lắm, vội xuống xe và năn nỉ Năm Trắc lên xe để Mười Khên đưa về nhà. Nhà Mười Khên ở trong một con hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám. Vợ anh ta, cô Hường, là con gái thứ ba của một gia đình công chức cũ nhưng khá giàu có. Hai người lấy nhau do mai mối của bà con họ hàng. Theo như Mười Khên kể cho Năm Trắc nghe lúc đi trên đường về nhà thì sau khi cưới xong, Mười Khên có đưa vợ về quê, xin cho cô ta cùng làm một chỗ với anh và cùng ở trong một căn phòng dành riêng cho vợ chồng cán bộ. Nhưng chỉ được một ít lâu, do anh đi vắng nhà liên miên và do không muốn phải ở một nơi buồn tẻ, đầy muỗi mòng, nước phèn, da con gái nhăn nheo, đen xỉn như da bà già nên cô ấy đòi về thành phố sống với gia đình, Mười Khên đành chiều ý vợ. Ông bà già vợ thấy vậy đã nhường cho vợ chồng anh một căn phòng nhỏ có gác ở cùng một khu với gia đình nhưng lại có cổng riêng phía sau nên thuận tiện lắm. Từ đó, Mười Khên chỉ có một việc là hai ba tháng về thăm vợ một lần. Mỗi lần về anh lại chở theo xe cho vợ nào gạo, nào tôm khô và một số tiền. Rồi anh lại xa vợ, lênh đênh theo các chuyến tàu đi khắp nơi. Cô vợ anh ta thì cả ngày chỉ có việc hết đọc sách, đọc truyện, lại sang nhà chơi với mấy đứa em để rồi tối đến xem ti vi, xem phim…
Bữa Năm Trắc tới nhà, Hường rất niềm nở đón tiếp. Cô đã gọi ông bằng anh ngay từ đầu. Khác hẳn những cô gái ở đây, dù chồng gọi bằng anh nhưng vợ vẫn một mực gọi là chú. Nhìn Hường đi lại, cười nói tự nhiên, nhất là nhìn cơ thể nở nang của cô, Năm Trắc đã trộm nghĩ : Căn nhà vắng vẻ, tự do thế này, ông chồng cứ đi biền biệt thế kia dễ dẫn đến sự “mất trật tự” lắm. Tối hôm ấy, ngồi chơi uống vài ba ly rượu với Mười Khên được một lúc thì Năm Trắc ngỏ ý muốn trở lại khách sạn, nơi ban tổ chức hội nghị xếp cho anh ăn nghỉ. Hai vợ chồng Mười Khên giữ không được đành phải cho Năm Trắc về. Nhưng đêm đó do Mười Khên say quá, nên Hường đã thay chồng lấy xe honda chở Năm Trắc đi. Thấy cử chỉ tự nhiên ấy của vợ chồng Mười Khên, Năm Trắc đã giật mình. “Cô này dễ tính lắm đây”, Năm Trắc nghĩ thế nhưng rồi suốt quãng đường dài ngồi sát sau lưng Hường, ông vẫn không dám để một bàn tay lên cái eo thon thon rất hấp dẫn của Hường. Ông vẫn còn sợ để rồi sau này nghĩ lại cứ hối tiếc mãi, nay thì chắc cơ hội đã đến đây.
- Dạ, tôi có quen cô Hường, vợ chú Mười và cũng đã có lần vào nhà nhưng quên mất số.
Bà Ba Khắc vui vẻ hẳn lên:
- Thế hả? thế thì may quá, vậy tôi sẽ cho chú địa chỉ để nay mai nếu có việc lên thành phố chú tìm mà báo cho cô ấy biết cái tin này. Rồi có gì hai anh em bàn với nhau.
Bà Ba xé một tờ lịch tường, lấy bút ghi địa chỉ chi tiết cho Năm Trắc.
Năm Trắc cầm mảnh giấy mà thấy người phấn chấn hẳn lên cứ như ông đang sắp gần, sắp gần vào cái cơ thể cô Hường ngon lành và dễ tính ấy. Ông cẩn thận gấp tờ giấy đó vào cái bóp. Có thế mới khỏi quên! Ông phấn khởi chào bà Ba Khắc rồi bước ra cổng.
- Chú Năm không đi xe à?
Đi được một quãng khá xa, nghe tiếng ông Mười kêu lên, Năm Trắc mới nhớ ra có xe hơi đang đợi mình.
(Hết chương 25)
Tags:
Nguyễn Khoa Đăng,
Tiểu thuyết,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét