Chị Tươi ngồi trên chiếc giường tre chỏng chơ, trên mặt thể hiện nét căng thẳng lắm hình như chị đang tính toán gì đó. Rồi chị suy đi tính lại, miệng lẩm bẩm, tay mò xem tờ lịch trên vách nhà. Thì ra chị đang tính đến ngày sinh con Chi, nó là đứa con gái lớn của chị. Chị nói thành tiếng:
- Trời ơi! Còn một tuần nữa tới sinh nhật con Chi rồi, mà sinh nhật là của nhà giàu, người ta có của ăn của để còn nhà mình thì nghèo quá tiền đâu mà làm sinh nhật cho nó đây?
Chị thấy tội cho đứa con chị. Mười tám tuổi chưa một lần biết tiệc sinh nhật ra sao, một lứa tuổi mà bạn bè bắt đầu mộng mơ này nọ, biết được những cảm xúc rung động đầu đời, thì nó, ngoài giờ đi học rồi về nhà tranh thủ làm bài xong thật nhanh. Nó lại mày mò, chụm nồi chè, gánh khoai dưới chái bếp sau hè. Chị thương cho đứa con tội nghiệp của mình mà nhiều đêm chị nằm gác tay lên trán, thỉnh thoảng đau cho số kiếp nghèo. Chị buông tiếng thở dài
- Phải chi nhà mình có tiền thì hay biết mấy... con cái mình đâu khổ như bây giờ.
Mười bảy tuổi, ở cái tuổi bẻ gãy sừng trâu thì chị đã nghe lời cha má an bài chấp nhận đi lấy chồng. Một năm sau chị sinh ra con Chi nhưng vì sinh ra con gái chị bị gia đình chồng hất hủi. Chẳng một lời hỏi han, chị về bên nhà mẹ đẻ sống rồi đến sinh được thằng Tí như trời thương phận đời chị, bên nội con Chi xem trọng chị nhiều hơn, nhưng chị nhất quyết không dọn về bên chồng sống, bởi chữ hận trong lòng chị quá lớn. Những ngày tháng sinh ra thằng Tí, cuộc sống ngày một khó khăn. Đối với nhà giàu thì sinh hai đứa có ăn nhằm gì đâu, nhưng sống trong cái nghèo như chị thì mới thắm thía nỗi khổ thiếu ăn thiếu mặc. Cuộc vui nào rồi cũng nhanh chóng tàn thôi, anh Đời chồng chị ra đi sau cơn bạo bệnh, tiền thuốc men chạy chữa đủ khắp các nơi, cũng không cứu nổi anh cho trọn kiếp người. Chị gần như sụp đổ hoàn toàn nhưng vì con chị cắn răng chịu đựng, lây lất bươn chải lo cho hai đứa con. Từ đó, bên nội con Chi ngày càng nhìn mẹ con chị bằng ánh mắt miệt thị bởi họ nghĩ rằng cưới chị để rồi con trai họ chết. Chị bỏ ngoài tai tất cả lời nặng nhẹ từ bên nội con Chi. Lầm lũi nuôi hai đứa con khôn lớn.
Ông trời không tuyệt đường người có tâm, hai đứa con chị học rất giỏi và năm nào cũng được huyện cử đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Những lần đạt giải như an ủi phần nào phận nghèo như chị.
Chị ước nếu một ngày dài thêm một buổi chị sẽ nấu thêm chè, luộc thêm nồi khoai để bán, và nếu chị trúng số, nếu chị có thật nhiều tiền, và cuối cùng chẳng có "nếu" nào xảy ra cả. Chị ngồi trước hiên nhà cạnh dòng sông, con nước lớn rồi đến nước rồng chị vẫn ngồi đó, màu tím hoa lục bình vẫn cứ thế trôi, nó trôi một cách vô định rồi sẽ về đâu, không ai biết cả. Chợt chị giật mình nghe Chi kêu:
- Má! Con nấu cơm rồi, nhanh vô ăn cho nóng nha má!
- Ờ, má vô liền.
Vừa ăn chị vừa nghĩ nhất định sẽ làm cho con Chi một cái tiệc sinh nhật đàng hoàn vì mười tám năm qua mình chưa làm sinh nhật cho nó, một phần mừng cho con vừa trúng tuyển Đại học vào trường danh tiếng ở Sài Gòn.
Buổi tối hôm ấy, khi các con ngủ say. Chị lẩm bẩm tính toán coi giành dụm được bao nhiêu tiền. Chị mường tượng tiệc sinh nhật con Chi, ngồi cười thầm một mình.
Buổi trưa ngày hôm sau, chị bán xong, để gánh chè dưới bóng cây, vội chạy qua đường đến sạp vải ở chợ huyện, chị nhìn quanh, chị nhớ rõ con Chi nhà chị nó rất thích màu tím, tựa màu tím hoa lục bình.
- Vải ka tê màu tím này bao nhiêu một mét vậy chị? - Chị ngại ngùng hỏi.
- 80 ngàn một mét chị ơi, chị định mua bao nhiêu mét? - Bà chủ sạp vải hỏi chị.
- Chị bán cho tôi một mét tư nha chị! Tôi mua cho con gái mình.
- Vải này may áo sơ mi là đẹp hết sẩy. Giọng bà chủ sạp vải nói vui.
Chị nghĩ thầm.
- Mình cũng định may cho con một cái sơ mi màu tím như vậy.
Chị trả tiền và cầm trên tay khúc vải ka tê màu tím đem về. Trên đường về, lòng chị vui biết bao. Ban ngày chị miệt mài gánh chè, khoai đi bán, tối về chị đợi Chi và thằng Tí học bài xong chị mới lấy khúc vải ra may, chị tập trung và chăm chỉ đến cao độ, từng đường kim mũi chỉ là tình yêu thương của chị gửi gắm vào đó.
Vào đúng ngày sinh nhật Chi, chị vội về sớm chuẩn bị bánh kem, quà đã gói kĩ bên ngoài bao tờ giấy bao màu vàng hoa hướng dương, gài cái nơ cũng lại là màu tím.
Buổi chiều ấy, Chi vừa đi học về nó thấy má lom khom chuẩn bị, nó vui đến bật khóc, chạy vào ôm má nó thật chặt, nói:
- Má vẫn nhớ ngày sinh nhật của con, má đã chuẩn bị mọi thứ cho con hả má?
- Ờ, ngày sinh của con và em con má nhớ như in, không có quên đâu, má xin lỗi con, Chi à, vì mười tám năm qua má chưa một lần làm cho con một bữa sinh nhật đàng hoàng, nay má muốn tạo bất ngờ cho con. Nhà mình nghèo tiền, nghèo bạc nhưng tình yêu thương của má dành cho các con không bao giờ cạn con à!
Chi vội sà vào lòng chị Tươi, khóc nức nở rồi ba mẹ con ôm nhau khóc.
- Con cảm ơn má đã sinh con ra và nuôi dưỡng đến ngày hôm nay, con hứa với má con sẽ học thật tốt để không phụ lòng của má. Chi vừa nói vừa khóc.
Thằng Tí bỗng hô to:
- Chúc mừng sinh nhật chế Hai, chế Hai cầu nguyện rồi em cắt bánh nè.
Cả nhà phá lên cười nức nẻ. Nó chỉ giỏi cái tật ham ăn.
Và thực ra chỉ là bữa cơm chiều quê đầy đủ các món ăn Chi thích chứ nào có tiệc tùng gì đâu, đối với con nhà giàu đó là bữa cơm tầm thường nhưng ngược lại với con nhà nghèo đó là bữa cơm xa xỉ và thịnh soạn nhất.
Ngày chia tay má và em đi Sài Gòn học, Chi mặc chiếc áo sơ mi màu tím lục bình mẹ may cho nó, ba mẹ con cứ bịn rịn không muốn rời xa. Chiếc xe đò dần dần đến chỗ Chi đứng, nó bước lên xe mà lòng xót xa, nhưng chỉ có con đường đi học mới mong thoát cảnh nghèo. Ngày Chi đi, hoa lục bình tím cả dòng sông và từng đám lục bình vẫn trôi xuôi dòng nước.
D.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét