Trời về chiều, gió nhè nhẹ thổi, vờn lên cành lá. Tôi ngồi nhìn ngắm mảnh vườn trước sân nhà, vài giò rau đã bắt đầu xanh tốt. Gió nhẹ mang theo đàn bướm mùa (theo cách gọi của riêng tôi). Những cánh bướm mỏng mảnh với nhiều màu khác nhau: trắng, vàng, xanh lá mạ cứ chập chờn lên xuống trong những giò rau theo cơn gió mát. Chúng vờn với gió và lơi lả cùng cỏ cây. Dường như loài bướm kia sinh ra là để rong chơi suốt ngày, ấy vậy mà như sợ thời gian thiếu hẹp hay sợ đời bướm chẳng đủ dài để hưởng hết những vẻ đẹp của cỏ hoa nên chúng chẳng đậu lâu ở một cánh hoa nào, cứ bay – đậu, đậu – bay. Ngắm những cánh bướm nhẹ nhàng bay trong vườn nhà, tôi thích thú nhưng cũng không khỏi lo lắng cho lứa rau này, sẽ rất nhiều sâu phá hoại. Chẳng phải đơn thuần bướm thích rong ruổi cho hết tháng ngày mà chúng cũng đang đi tìm những lá hoa ưng ý để “gửi gắm” những đứa con thơ. Trung bình mỗi con bướm sẽ đẻ khoảng hơn hai chục trứng. Những quả trứng nhỏ như đầu tăm, tròn xoe; màu đen, màu xanh nhưng đa phần là màu trắng đục được bướm mẹ khéo léo “xếp” thành hai hàng đều song song dưới những chiếc lá. Trứng bám chắc trên lá, đợi đủ ngày là những chú sâu con cắn vỏ chui ra, tha hồ hò nhau đánh chén những chiếc lá non xanh cho no nê. Tốc độ tàn phá đối với hoa màu thật khủng khiếp. Biết vậy nhưng tôi chẳng nỡ đuổi những “vị khách” nhẹ nhàng kia, lâu lắm rồi tôi mới lại nhìn thấy chúng nhiều đến vậy. Chúng đến rồi đi khi đã thỏa, chẳng ồn ào nhưng cũng đủ xao động con mắt nhìn.
Tôi nhớ về mùa bươm bướm của tuổi thơ tôi – đã cho tôi bài học khi nhìn nhận cuộc đời: ngay trong những điều đẹp đẽ, dễ thương tưởng như vô hại vẫn ẩn chứa những trắc trở, hiểm nguy.
Năm đó, tôi học lớp 8, cấp 2 trường làng. Nửa buổi đi học, nửa buổi phụ giúp bố mẹ công việc. Thường thì cứ buổi chiều, tôi và em gái lại cùng nhau ra đồng cắt rau khoai về cho lợn. Ông nội làm riêng cho tôi một đôi quang gánh bằng tre, vừa nhỏ xinh để tôi gánh cho khỏi bị “vẹo xương sườn” như ông nói. Hai chị em tôi cứ ra ruộng nhà mình cắt đầy một gánh rau vừa sức tôi gánh thì về, mệt chỗ nào, nghỉ chỗ đó. Cũng có khi, chúng tôi cùng mấy đứa trạc tuổi trong xóm rủ nhau đi kiếm rau. Mỗi đứa bê một cái xảo ra đồng, qua mỗi ruộng rau đều sà xuống tìm nhổ những cây rau dại: rền cơm, rệu, vảy ốc, xương cá, thài lài, tàu bay,... hổ lốn các thứ rau. Khi băm ra, nấu lên là có nồi cám thơm phức. Bọn lợn rất ưa món cám thập cẩm này.
Một buổi chiều, như mọi ngày, gió từ ngoài sông thổi vào mát rượi, bọn trẻ con chúng tôi đang chăm chỉ nhặt những cây rau dại ở các luống rau, em gái tôi bỏ liềm, nhảy lên sung sướng: “Ôi, đẹp quá! Chị ơi, nhìn kìa, nhiều bươm bướm quá!” Bọn trẻ chúng tôi say ngẩn ngơ những cánh bướm mỏng manh, rập rờn lên xuống khắp cánh đồng mà quên cả chiều buông. Khi về rồi vẫn còn tiếc rẻ, chùng chình bước chân. Trong mâm cơm buổi tối, chị em tôi say sưa kể về những cánh bướm bay ngập đồng, bà nội khẽ chép miệng thở dài: “Gần chục năm rồi, nay chúng lại về nhiều như thế!”. Lúc đó, tôi chẳng hiểu sao bà lại buồn, lại lo lắng thở dài. Bươm bướm đẹp mà, chúng cũng không hại gì con người. Sao bà lại không thích nhỉ!? Nhưng trí trẻ thơ của tôi cũng nhanh chóng bỏ qua những thắc mắc đó để miên man theo từng cánh bướm.
Chiều nào chúng tôi cũng được ngắm những cánh bướm chập chờn cho đã đầy con mắt, bướm bay cả vào trong giấc ngủ của chị em tôi khiến trong mơ tôi cười thích thú. Cả một cánh đồng bướm sặc sỡ sắc màu. Nhưng bướm về chỉ độ mươi hôm rồi chúng lại bay đi, lặng lẽ, chẳng từ biệt làm bọn trẻ chúng tôi tiếc ngẩn ngơ. Em gái đưa mắt dáo dác tìm khắp cánh đồng. Câu chuyện về những chú bướm nhỏ xinh với đôi cánh mỏng manh cũng dần trôi theo thời gian. Nhưng rồi từ thích thú, chúng tôi chuyển sang ghét bướm. Vâng, theo đúng kiểu rất trẻ con. Bởi chỉ nửa tháng sau, khi những chùm trứng tròn xinh – do những nàng bướm sặc sỡ kia gửi lại cánh đồng – đã nở là lúc dân làng tôi phải đối mặt với mùa sâu phá hoại hoa màu. Biết được đó là con của bướm, chúng tôi chẳng tiếc lời trách rủa: bướm đẹp người sao xấu nết vậy? Bướm nhìn đáng yêu mà lại ác! “Em ghét bướm, chúng nó đẻ con ăn hết rau nhà mình”. Em gái tôi nói vậy rồi khóc tu tu, nhìn đến tội.
Nhớ lại mùa bướm đó, tôi vẫn không khỏi rùng mình. Lúc đầu, khi trứng sâu mới nở, những chú sâu con ăn nham nhở các lá rau: khoai lang, cải, rền,... lỗ chỗ. Đàn vịt được phép lên cánh đồng để bắt sâu. Tất nhiên, những chú chim sâu cũng tham gia vào chiến dịch này. Nhưng rồi, bọn sâu nhiều quá lại lớn nhanh, chẳng mấy mà con nào cũng béo núc, to bằng ngón tay út người lớn, dài hơn một ngón tay; con xanh lè, con vàng, con lốm đốm chấm đen,... Bọn vịt, chim sâu chẳng dám ăn nữa, hay chúng chán rồi? Tôi không rõ, những rõ ràng chúng không còn ăn những con sâu đó. Bọn sâu phá nhanh ghê gớm. Dân làng đổ ra đồng bắt sâu mọi lúc, tối còn mang cả đèn đi soi để bắt. Nhưng không ăn thua. Các cây rau bị ăn trụi hết lá còn trơ lại cọng. Ngày đấy, người dân không dùng thuốc trừ sâu tràn lan như bây giờ nên nhìn đàn sâu phá hoại như vậy mà đành bất lực. Chúng ăn hết rau thì bò ngang bò dọc khắp các bờ ruộng để tìm kiếm thức ăn, cả những bờ cỏ cũng còn trơ gốc, cũng không còn rau dại để bọn trẻ chúng tôi đi kiếm. Chúng tôi không dám ra đồng, sâu nhiều quá, có khi phải lựa chỗ để đặt chân, không nhanh đã có con bám bò lên chân, lên quần. Có bữa hoảng quá, tiện cái liềm cầm trên tay, tôi cứa luôn con sâu đang bò lên chân mình, rỉ máu. Nhà tôi phải hạ cả những cây chuối đang lớn cho lợn ăn. Mùa rau của dân làng thế là mất trắng. Bao nhiêu mồ hôi công sức bị bọn sâu kia cướp hết. Lúc đó, tôi đã hiểu tại sao bà nội lại thở dài lo âu khi nghe bướm bay rợp đồng. Không cứu được mùa rau, người dân chẳng buồn ra đồng. Hơn một tháng sau, người dân quê tôi mới trở lại cánh đồng hoa màu với công việc mới. Dọn những gốc rau, cỏ còn sót lại, lật tung đồng, vỡ từng nắm đất, cẩn thận nhặt bỏ vào xô, chậu những con nhộng màu đỏ gạch nung. Đó là những con sâu, khi đã đánh chén hết mùa rau, chúng chui xuống lòng đất hóa nhộng, chờ đủ ngày tháng lại chui lên, nở thành bướm bay đi. Cũng có giống sâu không chui xuống đất mà kéo kén bọc kín thân mình lại thành nhộng ngay trên cây, chúng ngủ một giấc dài chờ thay hình đổi dạng. Sau đó chúng cọ rách màng kén, xòe cánh bay khắp nơi. Cả làng tôi cày cuốc tung khắp đồng, nhặt hết những sâu nhộng đó rồi bơm, tát nước ngập đồng ngâm mấy ngày rồi lại lật tung lên phơi nắng, có như thế mới mong bọn sâu chết được.
***
Ngồi nhìn bọn bướm bay trong vườn, tôi đã chuẩn bị tâm lí để bắt những con sâu rau sắp tới. Tự thấy cuộc đời đâu có gì là toàn vẹn và toàn thiện. Ngay cả trong những cánh bướm mỏng manh đẹp đẽ sắc màu tưởng như vô hại kia lại chứa đựng một sức mạnh tàn phá ghê gớm. Đẹp mà xấu, hiền mà đáng sợ luôn tồn tại trong một cánh bướm. Tôi thích nhưng cũng sợ bướm. Và chắc chắn những người nông dân vất vả với nắng mưa, bùn đất như bố mẹ tôi sẽ chẳng bao giờ thích thú, vui sướng với vẻ đẹp mong manh của những cánh bướm bay rợp đồng.
Y.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét