Nhà thơ Cao Bá Quát
Kỳ 32:
C A O B Á Q U Á T
Cao Bá Quát sinh năm 1809 tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông có tên tự là Mẫn Hiên, bút hiệu Chu Thần, Cao Chu Thần, Cao Tử, Cúc Đường.
Theo gia phả họ Cao ở Phú Thị, thân sinh Cao Bá Quát là Cao Huy Sâm (1784 – 1850), sau đổi tên Cao Huy Tham, tên tự là Bộ Hiên, là một nhà Nho thanh liêm và nối nghiệp cha trở thành một danh y. Ông nội Cao Bá Quát là một thầy thuốc nổi tiếng thời bấy giờ, tên Cao Huy Thiềm (1761 – 1821), sau đổi là Cao Danh Thự, tên tự Ngọ Hiên. Ông có để lại cho đời sau ba cuốn Y gia toát yếu và một cuốn Bói sơ. Cao Bá Quát có người anh song sinh là Cao Bá Đạt.
Thuở nhỏ, Cao Bá Quát hay bệnh tật và hoàn cảnh gia đình khó khăn. Lớn lên, ông khỏe mạnh, thông minh và nổi tiếng văn hay chữ tốt. Năm 1821, ông đậu kỳ thi khảo hạch ở tỉnh Bắc Ninh, nhưng đi thi Hương thì bị trượt. Đến năm 1831, ông đi thi Hương lần nữa, đỗ Á nguyên ở trường thi Hà Nội, nhưng khi duyệt quyển ông bị Bộ Lễ tìm cớ xếp xuống cuối bảng, hạng thấp nhất trong số 20 người đậu cử nhân. Năm 1932, ông vào Huế dự kỳ thi Hội, nhưng bị rớt. Sau đó thi hỏng mấy lần nữa, ông bỏ mộng trường thi.
Chân dung ký họa Cao Bá Quát
Năm 1841, Cao Bá Quát được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, ông được triều đình nhà Nguyễn thời Thiệu Trị bổ nhiệm chức Hành tẩu ở Bộ Lễ. Mùa thu năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Đọc được một số bài thi hay nhưng thí sinh sơ suất để phạm quy, ông lấy làm tiếc cho người tài nhưng trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm, nên bàn với đồng sự là Phan Nhạ tìm cách sửa lại. Triều đình phát hiện, ông bị bắt giam hơn một năm, chịu nhục hình tra tấn. Khi vụ án đưa ra xét xử, vua Thiệu Trị miễn cho ông tội chết chuyển xuống “giảo giam hậu”, giam đợi lệnh. Gần ba năm sau, ông được tha nhưng bị đưa đi Đà Nẵng lao dịch, đoái công chuộc tội. Cuối năm 1843, ông bị đày đi Giang Lưu Ba (Indonesia) trên thuyền Phấn Bằng do Đào Trí Phú chỉ huy. Tháng 7 năm 1844, ông cùng đoàn từ Hạ Châu trở về nước và được phục chức ở Bộ Lễ, nhưng không lâu sau ông bị sa thải.
Trở về Thăng Long sống với vợ con, khá thư nhàn, ông thường gặp gỡ các danh sĩ Bắc thành để đàm đạo, xướng họa như Nguyễn Văn Siêu, Trần Văn Vi, Nguyễn Văn Lý, Diệp Xuân Huyên…
Năm 1847, Cao Bá Quát được lệnh trở lại Huế làm việc tại Viện Hàn lâm, chuyên lo việc sưu tầm và sắp xếp thơ, văn. Thời gian ở đây, ông kết thân với những thi nhân nổi tiếng như Đinh Nhật Thận, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Phúc Miên Thẩm, Nguyễn Phúc Miên Trinh… và được mời gia nhập Mạc Vân thi xã do hai nhà thơ hoàng thân Miên Thẩm và Miên Trinh sáng lập.
Năm 1850, Cao Bá Quát bị đưa đi làm giáo thụ ở Quốc Oai (Sơn Tây) vì làm mất lòng một số đại thần trong triều. Cuối năm ấy, ông về quê chịu tang cha, lấy cớ phải ở lại nuôi mẹ già báo hiếu, ông xin từ chức Giáo thụ phủ Quốc Oai.
Giữa năm Giáp Dần 1854, nhiều vùng ở miền Bắc gặp đại hạn cùng lúc bị nạn châu chấu nên mùa màng mất trắng, người dân lâm vào cảnh đói khổ nhưng triều không mấy quan tâm. Cao Bá Quát vận động một số sĩ phu, các thổ hào ở vùng Quốc Oai, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn… tôn Lê Duy Cự làm thủ lĩnh, Cao Bá Quát làm quốc sư, liên kết với thổ mục Sơn Tây là Đinh Công Mỹ và Bạch Công Trân, phất cờ nổi dậy ở Mỹ Lương (Sơn Tây) chống lại triều đình phong kiến. Chẳng may có kẻ phản bội tố giác nên buộc ông phải ra lệnh khởi nghĩa vào cuối năm 1854 dù lực lượng chưa đủ mạnh. Bước đầu, quân Mỹ Lương giành được một số trận thắng ở Ứng Hòa, Thanh Oai, Tam Dương, Quốc Oai, Yên Sơn. Nhưng sau đó quân triều đình tập trung phản công thì quân khởi nghĩa bị thảm bại. Đến cuối năm 1855, lực lượng Mỹ Lương được bổ sung thêm thành phần người Thái, Mường ở phía tây sông Đáy từ các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức (Hà Nội), Lương Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình), Cao Bá Quát dẫn quân tấn công huyện Yên Sơn lần thứ hai. Lần nầy Cao Bá Quát tử trận, nhiều chiến hữu bị bắt và bị xử chém. Quân Mỹ Lương chết cả trăm và khoảng 80 người bị bắt, cuộc khởi nghĩa tan rã. Dòng họ Cao bị vua Tự Đức xử án tru di.
Sau khi Cao Bá Quát qua đời, triều đình nhà Nguyễn cho thu gom và đốt tất cả tác phẩm của ông và cấm tàng trữ, phổ biến nên đã bị mất mát không ít. Tuy vậy, người đời sau cũng đã sưu tầm được nhiều tác phẩm của ông do những người mến mộ quyết tâm gìn giữ. Có hơn 1350 bài thơ và 21 bài văn xuôi của ông được tập hợp trong các tập: Cao Bá Quát thi tập, Cao Chu Thần di cảo, Cao Chu Thần thi tập, Mẫn Hiên thi tập.
Tượng Cao Bá Quát
Với tính cao ngạo từ thời đi học, Cao Bá Quát coi thường quan trường, xem trọng kẻ sĩ, gặp lúc bất phùng thời nên thơ ông đầy khí phách. Không thích lệ thuộc sự ràng buộc của cổ lễ, nên cách hành xử cũng như thơ văn ông hay đả kích những bậc trưởng giả đạo mạo nên bị nhiều người, nhất là quan lại bảo thủ căm ghét. Trong khi đó, những người tiến bộ, bị áp bức, rất quí trọng và ca ngợi thơ ông. Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất. Hát vang để gửi tấm lòng vào mây nước (Ngã dục đăng cao sầm. Hạo ca ký vân thủy) (Qua núi Dục Thúy). Trong bài Uống rượu tiêu sầu, khẩu khí của ông lộ rõ tính cách của mình: Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy. Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười. Thôi công đâu chuốc lấy sự đời. Tiêu khiển một vài chung lếu láo…
Tuy vậy, con người Cao Bá Quát rất sâu nặng tình cảm, và ông đã thể hiện trong bài thơ xúc động mà tôi xin giới thiệu sau đây.
TRỊNH BỬU HOÀI
Bút tích Cao Bá Quát
ĐI THI HỘI, RA ĐẾN CỔNG LÀNG
TỪ BIỆT CÁC HỌC TRÒ
Rầu rầu lìa chốn cũ
Man mác bước đường xa
Khỏi thành trời thấy lạnh
Lất phất hạt mưa sa
Học trò tiễn ta đi
Vương vít nặng tình xưa
Nào phải là nhi nữ
Bưng mặt khóc như mưa!
Nhớ từ chuyến đi trước
Đã bị phù danh lừa
Chuyến nầy lại lẽo đẽo
Việc cũ như còn mơ
Ở đời có văn chương
Chữ danh không lẽ ngơ
Tạ lòng các bạn trẻ
Ta có gì đáng ưa?
CAO BÁ QUÁT
(NGUYỄN VĂN TÚ dịch)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét