Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25 tháng 3 năm 1913, quê thôn Đô Đò, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, nhưng bất hạnh cho ông là cha mẹ mất sớm (mẹ mất năm ông mới 4 tuổi, cha mất khi ông 14 tuổi). Ông đang học trường Tây thì phải bỏ ngang và bà nội đón về nuôi. Từ đó, ông tự học và khi trưởng thành làm thầy giáo. Năm 1936 ông tham gia phong trào công nhân của nhà máy sợi Nam Định.
Gần nơi Đoàn Văn Cừ dạy học có cô gái rất mê thơ ông, đó là cô Nguyễn Thị Miều. Trước một thôn nữ đẹp người, đẹp nết, Đoàn Văn Cừ không thể không rung động và ông đã làm thơ tặng cô. Tuy nhiên, mối tình nầy không thành vì gia đình cô Miều chê ông mồ côi. Sau đó, hai người đều lập gia đình, nhưng chẳng bao lâu, vợ ông mất, bà Miều cũng rơi vào cảnh góa bụa. Năm 1942, hai người nối lại tình xưa. Ông bà có 5 người con, hai gái ba trai, sau nầy đều thành đạt.
Bìa tác phẩm Đoàn Văn Cừ
Sau Cách mạng tháng 8, năm 1946, ông là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định. Năm 1948 ông tham gia mặt trận Việt Minh và trong kháng chiến ông làm công tác văn nghệ, phiên dịch, rồi địch vận liên khu 3.
Từ năm 1959, ông làm biên tập Nhà xuất bản Phổ Thông thuộc Bộ Văn hóa. Năm 1971 ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh (hiện nay là ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình). Năm 1974 ông công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam Ninh.
Những năm cuối đời, ông sống ẩn dật ở quê nhà và mất ngày 27 tháng 6 năm 2004.
Đoàn Văn Cừ là một trong những nhà thơ tham gia phong trào thơ mới và thơ ông có một phong cách riêng. Ông còn ký các bút hiệu Kẻ Sỹ, Cư sỹ Nam Hà, Cư sỹ Sông Ngọc. Ngoài thơ ông còn viết văn xuôi. Trong cuộc đời làm văn chương, ông để lại gần 10 tác phẩm đã xuất bản, gồm Thôn ca I (1944), Thơ lửa (1947), Việt Nam huy hoàng (1948), Quân dân Nam Định anh dũng chiến đấu (1953), Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc (1958), Thôn ca II (1960), Dọc đường xuân (1979), Đường về quê mẹ (1987), Tuyển tập Đoàn Văn Cừ (1992). Ông có người con trai tiếp bước con đường nghệ thuật là họa sĩ Đoàn Văn Nguyên.
Thơ Đoàn Văn Cừ giản dị nhưng ngôn ngữ phong phú, giàu hình tượng, dễ hiểu và dễ cảm, nên cũng dễ đi vào lòng người. Thơ ông như một bức tranh quê sống động, được miêu tả và đặc tả rất công phu, tao nhã. Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi.
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh. Trên con đường viền trắng mép đồi xanh. Người các ấp tưng bừng ra chợ tết… (Chợ tết). Chỉ với đoạn thơ nầy, người họa sĩ có thể vẽ nên một bức tranh quê tuyệt đẹp. Đó là đặc điểm thú vị của thơ Đoàn Văn Cừ. Một nhà thơ nhưng đã để lại cho đời những bức tranh tinh tế bằng ngôn ngữ thi ca. Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu. Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau. Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa. Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa. Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh. Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh… (Chợ tết). Nhờ những vần thơ nấy, ngày nay người ta mới hình dung được cảnh đi chợ tết của thời xưa và cảnh đồng quê yên bình, nên thơ dưới ánh nắng đầu ngày. Đoàn Văn Cừ chẳng những tả cảnh rất tài, mà sự tưởng tượng cũng phong phú, tạo nên những vần thơ ẩn dụ, liên tưởng rất thanh thoát và độc đáo: Sao trời từng chiếc rơi thành lệ. Sương khói bên đồng ủ bóng mơ… (Trăng hè).
Thủ bút nhà thơ Đoàn Văn Cừ
Đọc giả biết nhiều đến nhà thơ Đoàn Văn Cừ qua bài Chợ tết in trên báo Ngày nay, nhưng tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc một bài thơ khác của ông cũng hay không kém. Dưới bầu trời trong veo không mảy bụi. Giữa cánh đồng phơn phớt tựa màu nhung. Một cụ già râu tóc trắng như bông. Mặc áo đỏ, cầm hương đi trước đám… Đó là bài Đám cưới mùa xuân dưới đây…
TRỊNH BỬU HOÀI
ĐÁM CƯỚI MÙA XUÂN
Ngày ửng hồng sau màn sương gấm mỏng,
Nắng dát vàng trên bãi cỏ non xanh.
Dịp cầu xa lồng bóng nước long lanh,
Đàn cò trắng giăng hàng bay phấp phới.
Trên cành cây, bỗng một con chim gọi
Lũ người đi lí nhí một hàng đen
Trên con đường cát trắng cỏ lam viền
Họ thong thả tiến theo chiều gió thổi,
Dưới bầu trời trong veo không mảy bụi,
Giữa cánh đồng phơn phớt tựa màu nhung.
Một cụ già râu tóc trắng như bông,
Mặc áo đỏ, cầm hương đi trước đám.
Dăm sáu cụ áo mền bông đỏ sẫm,
Quần nâu hồng, chống gậy bước theo sau.
Hàng ô đen thong thả tiến lên sau.
Kế những chiếc mâm đồng che lụa đỏ.
Bọn trai tơ mặt mày coi hớn hở,
Quần lụa chùng, nón dứa áo sa huê.
Một vài bà thanh lịch kiểu nhà quê,
Đầu nón nghệ, tay cầm khăn mặt đỏ.
Bà lão cúi lom khom bên cháu nhỏ,
Túi đựng trầu chăm chăm giữ trong tay.
Thằng bé em mẹ ẵm, má hây hây,
Đầu cạo nhẵn, áo vàng, quần nâu sẫm.
Cô bé để cút chè người xẫm mẫm,
Đi theo bà váy lĩnh, dép quai cong.
Một chị sen đầu đội chiếc khăn hồng,
Đặt trên cái hòm da đen bóng lộng.
Người cô dâu hôm nay coi choáng lộn.
Vành khuyên vàng, áo mớ, nón quai thao.
Các cô bạn bằng tuổi cũng xinh sao,
Hai má thắm, ngây thơ nhìn trời biếc.
Dăm bảy cô phủ mình trong những chiếc
Áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh.
*
Một lúc sau đi tới chỗ vòng quanh,
Nếp chùa trắng in hình trên trời thắm,
Thì cả bọn dần đần cùng khuất lẩn
Sau trái đồi lấp lánh ánh sương ngân.
Chỉ còn nghe văng vẳng tiếng chim xuân
Ca ánh ỏi trên cành xanh tắm nắng.
ĐOÀN VĂN CỪ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét