Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học
Trong đời dường như người viết nào cũng dành một khoảng nhất định cho đề tài tình yêu. Với không ít người, ngay từ khi tài năng văn chương chớm nở, thì những tác phẩm đầu tay đã khai thác cảm xúc về những mùa yêu đầu đời. Chắc chắn đó là đề tài ai cũng trải qua, tạo được sự xúc động và cảm hứng cho mỗi ngòi bút.
1.
Tôi còn nhớ rất rõ truyện ngắn đầu tay của mình đạt giải cao nhất của cuộc thi văn học ở trường phổ thông. Khi đó tình yêu đầu vừa mới chớm nở trong lòng cậu học trò khá lãng mạn là tôi, và điều đó đã thắp lên trong tôi một hy vọng là phải viết một truyện ngắn về mối tình hoa bầu hoa bí cùng những kỷ niệm đẹp của tuổi hoa niên. Lúc đó tôi đã nghĩ, viết truyện ngắn hay thơ, cứ nên bắt đầu từ những gì mình hiểu nhất, thấm thía nhất. Tình yêu nơi thôn quê, trải qua những mùa màng tốt tươi, những kỷ niệm đêm trăng bên con đê cong hình nỗi nhớ xứng đáng là một chủ đề để xây dựng cốt truyện. Truyện ngắn “Mùa hoa bí” đã chinh phục các thầy giáo là những người chấm giải. Sau này, dấn thân sâu hơn trong việc sáng tạo, ngoài chuyện ứng xử trong các gia đình, mối quan hệ và khát vọng thời sinh viên, tôi đã viết hàng chục truyện ngắn để đăng tải trên các mặt báo. Nhiều cây bút cùng thời với tôi cũng vậy. Mỗi người đều cố gắng chắt lọc những câu chuyện của đời sống học trò, sinh viên và các mối quan hệ khác ngoài xã hội. Ngay trong những ngày đầu của thời sinh viên, tôi đã bắt tay vào viết tiểu thuyết “Những cô gái bất hạnh”. Chuyện kể về bốn cô gái cùng phòng với sự quan niệm khác nhau về tình yêu, tình bạn. Từ đó đã ảnh hưởng đến lối sống của mỗi người cũng như sẽ tạo nên cá tính, số phận của các cô gái. Đó là hiện trạng mà tôi trải qua, tìm hiểu và thấu hiểu ở nơi những xóm trọ đầy cạm bẫy.
Từ năm 2003, cây bút nữ là bạn tôi - Cấn Vân Khánh cũng đã chưng cất từ những chuyện gần gũi của tuổi thanh xuân mình để làm nên những trang truyện ngắn giản dị. Khánh nói với tôi: “Mỗi người đều có một mảng đề tài riêng. Nhưng chắc chắn mảng đề tài tình yêu không ai bỏ qua cả. Nhiều người phải đi qua đề tài này với những trang văn vô cùng thấm thía, rồi mới rẽ sang các mảng đề tài đặc trưng khác để khẳng định tên tuổi”.
Nói như Cấn Vân Khánh rất đúng. Đúng ở nhiều trường hợp như các tác giả đã thành danh như Di Li, Cấn Vân Khánh, Phong Điệp, Dương Bình Nguyên, Nguyễn Đình Tú, Chu Thị Minh Huệ… Các cây bút này trưởng thành từ những truyện ngắn viết từ thời sinh viên, đa số là đề tài tình yêu. Tất nhiên, càng trưởng thành thì biên độ đề tài của các cây bút càng rộng. Đề tài tình yêu dù đối với một số tác giả không còn “chủ đạo”, nhưng ở nhiều cuốn sách đề tài tình yêu vẫn không bị bỏ qua.
2.
Với bản thân tôi, độc giả nhớ tới cái tên Nguyễn Văn Học cũng nhờ nhiều truyện ngắn ở mảng đề tài tình yêu vừa trong trẻo nhiều khát vọng, vừa đề cập nhiều vấn đề liên quan đến các vấn đề bức thiết của xã hội. Cho đến hiện tại, dù đã xuất bản hơn chục đầu sách, thì đề tài tình yêu vẫn khá chủ đạo trong mạch văn của tôi. Như thế, nhiều người đặt câu hỏi, liệu có thiên lệch không? Xin thưa là không, nếu tự biết điều tiết nó. Ví dụ tiểu thuyết “Đường dài của hạnh phúc” viết về tình yêu của những người trưởng thành, vẫn là một nhóm bạn tự đúc kết với nhau về hạnh phúc, với sự đồng hiện quá khứ và thực tại. Nhóm bạn từng trải, đã chinh phục những ước mơ, tình, tiền, danh vọng dừng lại tổng kết xem mình còn được lại gì sau suốt mấy chục năm quăng quật ngoài xã hội. Tình yêu trong “Đường dài của hạnh phúc” có sự kết nối với vấn đề bảo vệ rừng, mô tả những ước ao cống hiến cho không gian miệt rừng tươi đẹp.
Tiểu thuyết “Cao bay xa chạy” được xuất bản năm 2010 không thuần túy nói về tình yêu nữa. Mà tình yêu đã trở thành một phần nhỏ trong kiến tạo đời sống nhân vật. Chuyện tình yêu trở thành một chất xúc tác để đời sống nhân vật thêm ý nghĩa và có thêm động lực sống. Vấn đề tôi muốn nói là sự khiếm khuyết trong tinh thần và thể xác con người, khi họ chưa tự điều chỉnh được bản thân, thì họ chỉ chuốc lấy khổ đau và khiếm khuyết mãi mãi là khiếm khuyết.
Sau đó tiểu thuyết “Hỗn danh”, đề cập đến đủ loại người, là đầu têu của sự háo danh: ca sĩ, người mẫu, họa sĩ, nhà văn nhà thơ. Mọi sắc màu, mọi mánh khóe, mọi thủ đoạn, ham muốn cái danh lộ liễu được tác giả bóc tách hết ra. Này đây, từ các giảng viên mỹ thuật ăn cắp tranh để triễn lãm, một giáo sư thuê người vẽ tranh hộ mình để triễn lãm dối già, nhà văn quèn làm thuê viết thuê, đến nữ văn sĩ chíp hôi tung cú lừa tình và văn chương khỏa thân khêu gợi la hét để thu hút sự chú ý của mọi người. Thế nhưng ẩn sau bức màn đời sống nhộn nhạo ấy là tình yêu chân thành của chàng họa sĩ. Họ đã bổ trợ, nâng đỡ nhau vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác. Tình yêu của họa sĩ Bình trong “Hỗn danh” đã tỏa sáng. Mà lung linh hơn cả là cô vợ của Bình.
Chắc chắn, tôi sẽ còn viết và tiếp tục khai thác về đề tài tình yêu. Đó là đề tài vô cùng vô tận. Nhưng sẽ không lạm dụng nó. Đề tài sẽ chỉ là phương tiện để chuyển tải thông điệp, thái độ của người viết. Cái kết cuối cùng chính là giá trị của tác phẩm.
3.
Để ý một chút, chúng ta sẽ thấy đề tài tình yêu ngày càng được khai thác ở nhiều khía cạnh. Nhưng với nhiều cây bút trẻ, sự lạm dụng khá rõ. Ai cũng từng phải đi qua mảng đề tài yêu đương và nhiều người để lại dấu ấn, nhưng phải biết cách để thoát ra. Trên kệ sách của những cửa hiệu sách, nhan nhản những cuốn sách viết về tình yêu, mà đa số giới chuyên môn liệt vào “sách rẻ tiền”. Cũng bởi đa số dòng sách này kể về những câu chuyện dáng dấp ngôn tình, chuyện tình tay ba tay tư, trai đẹp yêu gái xinh… trong khi đó xã hội có quá nhiều vấn đề cần quan tâm thì bị bỏ qua. Cuộc sống đâu chỉ có mỗi tình yêu. Hiện nay chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức về vấn đề ruộng đất, nông dân, môi trường, văn hóa xã hội… những vấn đề mà những người cầm bút không thể bỏ qua. Cuộc sống đang đặt lên vai mỗi người công dân một trách nhiệm. Nhất là với người viết trẻ, không thể tự ru ngủ, trốn mãi trong những đề tài dễ dãi, nhàn nhạt, cũng dễ qua mau như những chuyện yêu đường cũ rích chóng đến và mau qua.
Chúng ta cần thấy rằng, đề tài tình yêu cần phải trở thành phương tiện, động lực để phát triển rộng các đề tài khác. Kết quả cuối cùng mà người viết có tâm hướng tới là cuốn sách hay tác phẩm ấy mang lại điều gì cho độc giả.
N.V.H (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét