Về Pleiku, tôi vẫn hay lái xe máy chạy lòng vòng. Mỗi con đường biết bao kỉ niệm. Xưa chỉ chạy hết Lê Lợi ra ngã ba Hoa Lư, vòng lên Phan Đình Phùng, gặp Lý Thái Tổ rẽ trái tới Hoàng Diệu (nối dài), rồi lại rẽ trái xuôi Hoàng Diệu về vòng xoay Diệp Kính là xem như đã đủ một vòng nội ô Phố núi! Dọc ngang dài ngắn bên trong thì thường đi lại cũng chỉ mấy đường quen: Lê Văn Duyệt (Trần Phú), Quang Trung, Hai Bà Trưng, Phan Bội Châu, Phó Đức Chính (Nguyễn Văn Trỗi), Nguyễn Thái Học và quanh khu chợ Mới (nay là Trung tâm Thương mại Pleiku)…
Với cư dân Pleiku cũ, con đường Hoàng Diệu (nay là Hùng Vương) hẳn không ai không nhớ. Con đường này chạy từ cầu Hội Phú, lên tới Lý Thái Tổ. Đó là cái xương sống của thị xã cao nguyên, cửa ngõ dẫn vào tỉnh lị. Đó cũng là con đường đến lớp của rất nhiều người, nơi tọa lạc của các trường: Tiểu học Vĩnh Hưng (tư thục), Nam Tiểu học (công lập), Tuyên Đức, Trung học Pleiku, Thánh Phao Lồ; chưa kể, học sinh các trường Bồ Đề (đường Sư Vạn Hạnh), Minh Đức (đường Lê Lợi) nhiều người đi học cũng qua đây. Thị xã nhỏ, học sinh đi bộ đến trường là chính. Trước năm 1975, đường Hoàng Diệu chỉ có đoạn giữa - khoảng từ ngã ba Diệp Kính đổ lên Bưu điện - là sầm uất, tấp nập; sự náo nhiệt đó kéo lan qua vòng cung lân cận: Phan Bội Châu – Quang Trung – Phan Châu Trinh - Lê Lợi. Thả bộ lang thang thường cũng chỉ trên mấy đường này. Nhà tôi hồi ấy nằm trong khuôn viên Ty Công chánh (nay là Sở Giao thông Vận tải), sáng sáng tôi quần xanh áo trắng đi bộ trên đường Trịnh Minh Thế (nay là Trần Hưng Đạo) dưới hai hàng cây rợp lá (có mùa, sâu lông còn rơi lộp bộp phải vừa chạy vừa huơ tập vở trên đầu) rồi rẽ phải Hoàng Diệu đi một hồi lâu mới đến trường. Còn nhớ, trong lạnh buốt ban mai, bóng chúng tôi hòa lẫn sương mù, cách nhau vài bước đã không nhìn rõ mặt.
Nhân tiện, nói về con đường Trịnh Minh Thế, nay là Trần Hưng Đạo. Đây là con đường đẹp nhất tỉnh lị, do có nhiều công sở, dinh thự và cổ thụ, lại ít xe cộ lưu thông. Sau này, khi Trường Nữ Trung học Pleime rồi đến Trường Bán công Phạm Hồng Thái ra đời, đây là con đường giờ tan trường luôn rợp trắng tà áo nữ sinh và tất nhiên cũng không thiếu bóng dáng những chàng trai si tình nối bước!
Một con đường đẹp tương tự nữa là đường Quang Trung, đường về hướng chợ Mới của học trò Trường Trung học Minh Đức. Cuối con đường ngắn giáp với Hai Bà Trưng này, hồi đó có Khu Biệt điện mát rộng tọa lạc một ngôi nhà kiểu nhà sàn bằng gỗ tuyệt đẹp, nơi thanh thiếu nhi trong thị xã – nhất là Hướng đạo sinh - thường tụ tập sinh hoạt tập thể vào mỗi cuối tuần. Trên sàn nhà gỗ nâu bóng ấy, chúng tôi cùng nhau vui chơi, ca hát. Thật uổng phí, sau 1975 ngôi Biệt điện đã bị dỡ bỏ để xây dựng mới thành cơ quan cấp tỉnh, nếu không, tại trung tâm Pleiku giờ đã có một địa điểm tham quan lí tưởng với bề dày lịch sử và kiến trúc độc đáo dành cho du khách!
Ngày nay ở trung tâm Pleiku có một con đường tập trung rất nhiều quán cà phê ấn tượng được nhiều người tìm đến là đường Wừu, chạy từ Lý Thái Tổ đến tận Nguyễn Thái Học. Cả khu vực này, xưa kia là xóm đạo Đức An với các ô nhà vườn xanh mát nằm hai bên những đường đất thẳng tắp, có phần tách biệt với phố xá náo nhiệt cách đó không xa. Bây giờ toàn bộ khu vực này đã được phố hóa cùng với sự xuất hiện của Công viên hồ Diên Hồng thơ mộng vắt qua một dòng suối. Quán cà phê phát triển ở khu Đức An này quả là một lựa chọn hợp lí. Nhưng đó là những con đường cà phê hiện tại. Còn trước 1975, in trong tâm khảm mọi người lại là một con đường yên tĩnh khác nằm gần chợ Mới: Phan Thanh Giản (nay là Lê Hồng Phong, nơi đang tọa lạc một quán cà phê được nhiều người biết: Pleiku’s Ngon) với hai quán Văn và Băng. Văn thì được những người kĩ tính ưa ngồi, không gian kín đáo và ấm cúng, khách thanh lịch, âm nhạc dịu êm. Băng thì trẻ trung hơn, gắn với một “nàng thơ” nữ sinh Minh Đức có những bài tản văn thơ mộng đăng trên Tuổi Ngọc! Ngoài ra, còn có Kim Liên trên đường Hoàng Diệu, Vị Thủy - Phó Đức Chính… Tồn tại ngắn ngủi hơn, có Thu Hà trên đường Hai Bà Trưng (không phải Thu Hà - Nguyễn Thái Học bây giờ), Thương – Lê Lợi, Tay Trái – Lê Lai… Cũng không thể không nhắc đến một quán cà phê bình dân tuy không bảng hiệu nhưng vô cùng nổi tiếng dành cho “dân nghiện” thường được gọi là cà phê Dinh Điền (do nằm trong khu dinh điền) trên đường Hai Bà Trưng, đằng sau cơ quan Thanh tra tỉnh hiện nay.
Hòa bình rồi, nhiều con đường từng bị rào chắn được khai thông; nhiều khu quân sự, khu gia binh trở thành khu dân sinh đông đúc. Đường Trần Phú – Lê Văn Duyệt xưa kia - là một bất ngờ đối với những ai lần đầu trở lại Phố núi từ sau 1975. Không còn cảnh từ Lê Văn Duyệt phải vòng ra Hoàng Diệu để vào Trịnh Minh Thế nữa, mà đã thẳng một mạch Trần Phú xuống Trần Hưng Đạo, gặp Nguyễn Văn Trỗi, chỗ Am Bà ngày trước. Thương tích chiến tranh đã được xóa mờ. “Hồi đó, bọn em chẳng bao giờ dám đi trên đường Phan Đình Phùng đâu!”, có lần cô bạn gái tôi đã bảo. Quả vậy, đó là sự thật: Đã có thời kì, Phan Đình Phùng là con đường dày đặc những quán bar dành cho lính Mĩ với đủ kiểu ăn chơi thác loạn. Mà đâu chỉ một con đường. Chính mắt tôi cũng đã từng nhìn thấy trên con đường Lý Thái Tổ mịt mù bụi đỏ rầm rập xe nhà binh do lính Mĩ cầm lái lao qua kia hình ảnh những cô gái mặt đầy son phấn tốc váy lên mời gọi sỗ sàng…
Bây giờ, phố xá Pleiku nửa quen nửa lạ. Thì phố chính vẫn là những con đường thân thiết ấy. Nhưng đại lộ Nguyễn Tất Thành cùng những con đường mới mở về hướng tây đã khiến vùng trung tâm cũ ngày càng hẹp lại. Ngày trước, ra đến Cây số 3 hay ngã ba Phù Đổng là đã xa, xa quá. Còn nay, chạy hết đường Phạm Văn Đồng ra tới Biển Hồ vẫn cảm thấy gần...
Và những vách gỗ mái tôn loang lổ đất ba zan dọc đường dẫn vào tỉnh lị thì nay chỉ thấy được trên những tấm hình.
11-3-2015
H.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét