Mang Viên Long (MVL) là bạn cố tri của Ngọc Bút (NB), thân thiết nhau từ 44 năm trước, khi MVL là một nhà-văn-trẻ- triển-vọng, còn NB vừa bắt đầu niên học cuối cùng của chương trình trung học đệ nhị cấp và tập-tành- viết. Những biến động của đất nước và cuộc đời khiến chúng tôi bặt tin nhau suốt gần 38 năm. Tất nhiên khi gặp lại có rất nhiều điều muốn biết về nhau mà chưa có dịp hỏi. NB đã được đọc hồi ký “Như Áng Mây Trôi” của MVL từ khi còn là phác thảo, cho đến bản thảo, rồi đến khi được post trên các trang mạng; đã biết kha khá về cuộc đời bạn, nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc… Bài ghi-chép này không phải là một cuộc phỏng vấn như vẫn thường thấy trên các trang báo, mà chỉ là “một cuộc trò chuyện” bình thường, thân tình, giữa hai người bạn cố tri sau nhiều năm xa cách. Như môt kỷ niệm.
***
NB: Anh nói Hồi Ký này như một lời tâm sự. Vậy anh muốn được tâm sự với ai nhiều nhất?
MVL: Có lẽ, là với “chính mình” nhiều nhất! Nói thì nghe hơi… “vô lý”, nhưng sự thật, anh muốn “tự an ủi mình” trước tiên trong lúc buồn và “ở không”! Tiếp theo, là với những người thân yêu của anh– trong đó có em. Và điều ao ước sau cùng, là mong được chia sẻ “đôi điều” với bạn Đạo, bạn đọc thân mến của anh từ bao năm qua…
NB: Em đã từng khóc khi anh kể tuổi thơ quá nghiệt ngã và bất hạnh của anh. Bây giờ vẫn không cầm được nước mắt khi đọc lại về cả cuộc đời gian truân nhẫn nhục của anh. Do đâu mà anh có được tính cam chịu đến như vậy? Giải thích giùm em chữ “NHẪN” của riêng anh (không phải chữ “NHẪN” của Phật hay ai khác).
MVL: Anh xin cảm ơn em đã đồng cảm, chân thành chia sẻ cùng anh nỗi khổ đau và bất hạnh. Dĩ nhiên, anh không phải là “giảng sư” (hay tu sĩ), mà chỉ là một Phật tử, một người đang học Phật, ngưỡng mộ Phật mà thôi! “Do đâu mà anh có được tính cam chịu đến như vậy?” Thú thật, cho đến bây giờ, anh cũng chưa hề nghĩ đến “thắc mắc” lạ như thế nầy. Anh nghĩ, chắc là do anh đã phải cam chịu sự đau khổ và bất hạnh từ khi còn quá nhỏ, thành quen! Anh chưa hề biết được niềm vui và hạnh phúc là như thế nào, bởi vì với anh - những năm sống bên Mẹ, được yên ấm, quá ít ỏi! Tiếp theo, đời anh chỉ là những tháng năm “cô độc”, “lo toan”, và “lầm lũi” sống, như một thân cây rừng!
Có lẽ sự “Nhẫn” nó đã là “máu thịt” trong anh từ bao giờ, anh không hay biết chăng? Anh không hề biết là mình đã “Nhẫn” như thế nào? Anh chỉ biết lặng lẽ sống theo dòng “nhân duyên” trôi dạt đến đời sống minh, từng ngày! Phải “như vậy” mới sống được! Điều nầy, sau có dịp ngồi nghĩ nhớ lại, anh cảm thấy dường như có “một sự dẫn dắt” (hay đưa đẩy của nhân quả?) thật mầu nhiệm, khó giải
thích em à! Với từng tuổi ấy, trong nhiều hoàn cảnh khắc nghiệt, nhưng anh đã luôn đi được “đúng hướng”! Anh không biết (hay không có) sự “chọn lựa” trong cuộc sống mình nữa - chỉ sống cho hiện tại, và chợt rút ra một kinh nghiệm: hãy cứ chân thành sống với tâm rộng mở, kham nhẫn, và lòng kiên định - thì sẽ đạt được kết quả tốt, cho dầu phải trải qua lắm gian nan! Em có thấy như vậy không? Khi có duyên lành tiếp cận với kinh sách, biết nhiều tiền kiếp của Đức Phật có vô lượng sự “kham nhẫn” thật ngoài sức tưởng tượng bình thường của mình, anh mới nhận ra, sự “nhận chịu” của đời mình cũng chỉ là một hạt cát- rất nhỏ! Phật cũng đã dạy nhiều về “lòng kham nhẫn”, gọi đó là phương cách tốt, để “chế ngự Tâm”! Anh luôn khắc ghi câu nói đơn giản nầy của Phật dạy, để giữ mình: “Sung sướng thay chúng ta sống không thù oán giữa những người thù oán; giữa những người thù oán, ta sống không thù oán!” Có lần anh đã chia sẻ trong một phần của hồi ký là rất “biết ơn” ngài Bồ Đề Đạt Ma khi đọc hết chương “Báo Oán Hạnh” trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất năm xưa… Nói tóm lại, toàn bộ triết lý sống của Phật (hay những lời Phật dạy) đều chỉ cho chúng sanh con đường “thoát khổ” để đạt đến An Vui chân thật. Anh đã rất diễm phúc nhận được nguồn pháp nhũ mầu nhiệm ấy đúng thời, đúng lúc - để tiếp tục cuộc sống đang còn rất nhiều chướng ngại của mình.
Anh nghĩ là em hiểu anh…
NB: Có lẽ em hiểu. Nhưng em không thỏa mãn với tập Hồi Ký. Xin lỗi nếu bị coi là tò mò. Có vẻ như anh còn né tránh điều gì và không nói hết về nỗi thống khổ của đời mình, đặc biệt là về cảnh ngộ riêng, sự nhẫn nhục cam chịu và sự tan vỡ của gia đình anh.
MVL: Điều em hỏi, anh cũng đã “bị” vài người bạn văn, cả bạn đọc, “chất vấn” rồi; nhưng, anh chỉ… “thưa gởi” vắn tắt, chung chung thôi! Với em, hôm nay - thì khác! Có lẽ, đây là câu hỏi “hóc búa” nhất cho anh? Anh vẫn “còn né tránh điều gì và không nói hết về nỗi thống khổ của đời mình, đặc biệt là về cảnh ngộ riêng, sự nhẫn nhục cam chịu và sự tan vỡ của gia đình anh”? Anh xin phép chia
câu hỏi này làm ba ý: 1. Nỗi thống khổ của đời mình. 2. Cảnh ngộ riêng, sự nhẫn nhục cam chịu. 3. Sự tan vỡ của gia đình. Anh lần lượt được chia sẻ cùng em như sau: (1) Như đã có “đôi điều thưa gởi” đầu trang Hồi Ký, khi khởi viết tập hồi ký nầy, anh không có “chủ đích” viết về đời riêng của mình quá nhiều! Anh nghĩ, bên cạnh, còn có nhiều đời sống bất hạnh hơn, nên chỉ “ghi lại” vài “trường hợp” để nói cho được một ý: “Dù sống trong bất kỳ nghịch cảnh khổ đau, nghèo khó, chướng ngại nào, chúng ta đều hãy nỗ lực vượt qua, vươn lên, bằng cả ý chí nghị lực và niềm tin - để đời sống trở nên có ích cho ta và có thể cho nhiều người.” Do vậy, em thấy, dù thực tế anh đã phải trải qua “gấp năm
lần” sự thống khổ từ khi 8 tuổi (cho đến khi trưởng thành), nhưng ghi lại như vậy, cũng là tạm đủ rồi! (2) Từ suy nghĩ như đã chia sẻ ở trên, phương cách tốt nhất cho anh là sự “kham nhẫn” nhận lấy tất cả mọi sự ngược đãi, thăng trầm, đã (và đang) xảy ra cho đời sống mình, để mong chuyển hóa nghiệp đã vay từ nhiều kiếp trước! Kham nhẫn nhưng với một nghị lực, một niềm tin, và sau cùng là một sự thương yêu chân thành từ đáy lòng mình. Như vậy, có lẽ, bây giờ em sẽ không còn “thắc mắc” nhiều về “sự nhẫn nhục và cam chịu” của anh nữa? (3) Trước khi tâm sự về phần 3, anh xin phép “chỉnh sửa” cụm từ em đã dùng là “sự tan vỡ của gia đình anh” cho chính xác, nhé? Anh cảm thấy, nên dùng “sự đổ vỡ tình cảm” - cụ thể là Tình Yêu, bởi gia đình anh (các con; cháu; người thân…) vẫn không có gì thay đổi. Sự “đổ vỡ tình cảm” nầy, chỉ xảy ra từ “nhân duyên” của hai người, tuy có ảnh hưởng đến tâm lý các con, nhưng hầu như những người thân và bạn bè đều không được biết rõ (hay biết thoáng qua)! Như anh đã có đôi lần tâm sự tản mát trong vài truyện ngắn: anh chưa hiểu hết “nguyên do” đưa đến sự “đổ vỡ” không hàn gắn được này, cho dầu đã hơn 20 năm anh đã làm hết mọi cách, hết sức mình - để mong tránh khỏi sự “nghịch duyên” quá lớn lao ấy đến cho cuộc đời vốn đã bất hạnh của mình! Có nhiều “nhận định, góp ý, chia sẻ” (của người thân, bạn bè) về “cuộc bể dâu” nầy, nhưng cho đến hôm nay, anh chưa thể biết rõ là vì đâu? Gần Phật - anh có niềm tin, là “nhân duyên” của anh đã đến lúc phải vậy, phải kết thúc, như bao sự “kết thúc” khác của vạn pháp hư huyễn ở cõi tạm này! Em có tin như anh không?
NB: Tất nhiên là em tin. Trong mắt nhìn của em, đây là tập hồi ký về con đường anh đến với Phật hơn là hồi ký về cuộc đời anh như trong lời tựa… Em muốn biết về đời anh như một nhà văn và như một người bình thường hơn, sau những biến động dữ dội của đất nước…
MVL: Đúng vậy, em rất nhạy cảm và tinh ý! Qua tập Hồi Ký nầy, anh muốn được chia sẻ về “con đường” đã dẫn dắt anh đến với Phật trong nhiều chục năm qua… Anh xin được lập lại điều nầy: “Nếu không gặp được Phật, có lẽ anh đã chết trong buồn thảm và khổ đau từ rất lâu rồi!” Bên cạnh đó, anh mong mỏi, tất cả hãy chân thành tìm đến với Phật, để được nhận lấy sự che chở mầu nhiệm, niềm an vui, hy vọng chính đáng - cho cuộc đời vốn là cõi tạm lắm tai ương và phiền não! Anh cũng nghĩ, việc làm nhỏ nầy, như một sự “tri ân” của anh đối với Phật, và chư vị Thiện trí thức mà anh có duyên lành được gặp, mà chính em là một! Em muốn biết thêm “về đời anh như một nhà văn và như một người bình thường hơn, sau những biến động dữ dội của đất nước” sao? Đơn giản thôi: sau biến cố 1975 - anh trở về quê nhà, không được nhận cho dạy lại; anh đã làm nhiều việc, nhiều nghề, để kiếm sống như bao người khác, như em đã biết - mà nhà báo Nguyễn Tam Phù Sa đã gọi anh là “thợ đụng”. Anh đã nghĩ, lao động chân tay cũng như lao động trí óc, không cảm thấy có gì đáng buồn, “tủi thân” (như vài người bạn “nhẹ dạ” đã nghĩ), mà đôi khi chỉ thoáng buồn, bởi anh rất yêu quý học trò và trường lớp (mà anh đã chọn từ khi còn rất trẻ). Anh sống xa rời viên phấn, bảng đen và cả cây bút để “viết văn”, xa rời bằng hữu (cả em nữa), từ dạo đó. Ở quê anh, ít ai biết anh là “nhà văn” (kể cả là “thầy giáo”), họ chỉ biết anh là “ông thợ sửa khóa - làm chìa” vui tính ở góc phố chợ mà thôi! Sau gần 20 năm không có dịp “cầm lại cây bút”, trong lúc đang có quá nhiều “biến động dữ dội” đến với đất nước, với riêng đời sống anh, gia đình, anh đã “sống” nhiều hơn “viết”! Và, như em đã “biết rồi” - sau đó, anh vẫn gắng vượt qua mọi chướng nghịch, mọi thử thách đã và đang đến, để an nhiên sống, và an nhiên “cầm lại cây bút” - như nhà báo Huỳnh Văn Mỹ đã có dịp đến thăm, và đã viết: “… Vẫn giọng văn của ngày nào, trong trẻo, nhẹ nhàng, không chỉ người đọc cũ, ngay cả người đọc mới vẫn thích văn ông, truyện ông hôm nay. Giữ liền mạch viết từ tấm lòng thiết tha với cuộc đời, hàng trăm truyện của ông là những lát cắt tươi rói từ cuộc sống với những nhân vật, những cảnh ngộ ai cũng thấy đâu đấy chung quanh mình, trong đời mình. Truyện ngắn, như nhiều người nói, tưởng dễ viết nhưng lại không phải vậy. Thế mà cây bút Mang Viên Long nay vẫn viết khỏe, vẫn không bị cái bóng hôm qua của mình phủ đè, che chắn làm mình bị ngộp, bị tắt tị trên hành trình sáng tạo. Với hàng trăm truyện đã viết, truyện nào cũng là một “phát hiện” dù ông chỉ “lấy ra” từ cuộc sống đã nói lên điều đó. “Viết là để yêu thương thêm cuộc đời”, ông nói, xòe đôi tay chai sần, trầy xướt, nhiều chiếc móng bị giũa lẹm sâu vào khi ông giũa chìa cho khách. Đồng hành với cuộc sống, không cường điệu những tiêu cực, không bi thảm hóa nỗi đau, lấy yêu thương, nhân bản làm đầu, đặt niềm tin trọn vẹn vào lẽ yêu thương, có lẽ nhờ vậy mà người thợ khóa - nhà giáo Mang Viên Long ở tuổi 70 vẫn còn viết khỏe…” (Kiến Thức Ngày Nay – số 852, tháng 4 năm 2014).
NB: Cảm ơn anh. Em sinh sau đẻ muộn, hiểu biết còn ít ỏi, không dám là một trong những thiện-trí-thức của anh đâu. Chỉ mong được là bạn cùng anh đi một đoạn đường vui thôi. Giữa đời và đạo, anh đã chọn trở về đời. Anh có thấy đời “vui” hơn đạo? Anh hãy nói cụ thể.
MVL: Trước khi trả lời câu hỏi nầy của em, anh xin nói thêm về chữ “Vui” một chút: Có hai cái “vui” trong đời người. Thứ nhất (rất phổ biến), vui khi “sáu căn chạy theo chiều thuận với sáu trần”; và thứ hai, vui khi “sáu căn đi ngược chiều lại với sáu trần”. Anh sẽ nói đến cái vui đi nghịch chiều với sáu trần nhé! Anh không rõ đã “chọn đời” từ khi nào, nhưng - có lẽ “nghiệp” đã chọn trước cho anh rồi! Nếu anh muốn “chọn ngược lại” (là Đạo) thì cũng đâu có dễ dàng? Muốn được là tu sĩ, thoát ly gia đình, mọi ràng buộc, để chỉ chuyên tâm học Đạo, tìm cái vui “nghịch lại với sáu trần”, là một điều không dễ, em à! Nhưng, chưa phải người được “chọn Đạo” (xuất gia) là… vui hơn người “chọn đời” (cư sĩ)! Em hỏi “Anh có thấy đời “vui” hơn đạo?” thì thật khó mà trả lời trong một cuộc “trò chuyện ngắn” như hôm nay! Anh nghĩ, dù ở vào hoàn cảnh nào (ở trong chùa, hay ở ngoài phố chợ), con người đều có thể theo “theo Phật” để tìm cho chính mình niềm vui, niềm an lạc vĩnh hằng được cả (Phật sẽ không từ chối, phân biệt ai); nhưng quan trọng là phải đến với tâm chí thành, luôn nghe và làm theo lời Phật dạy, tinh tấn tu rèn, theo sự hướng dẫn của Phật, thì chắc chắn sẽ nhận được Niềm Vui tối thượng - ngay bây giờ, và cả mai sau… Do đó, anh không thể đơn giản trả lời em, là sự “chọn” nào vui hơn (hay hữu ích cho mình, cho đời hơn). Hiện tại, anh nói: “Anh thấy đời rất vui!”
NB: Anh nói không nhiều về con đường văn chương của anh trong suốt một đời dài. Vì sao? Em muốn biết rõ hơn những hài lòng và thất vọng của “một trong những cây bút trẻ triển vọng” của miền Nam trước 1975. Điều kiện viết của anh hiện nay ra sao?
MVL: Nói về “chuyện văn chương” ư? Thú thật, xưa nay, anh ít muốn nói nhiều về “chuyện này” em à! Lý do? Hãy cứ sống, cứ viết, cứ trải lòng chia sẻ yêu thương (…) thì sự “góp sức” của mình cho đời, sẽ được mọi người cảm thông, đồng cảm thôi (đâu cần nói gì nhiều). Còn “những hài lòng và thất vọng của “một trong những cây bút trẻ triển vọng” của miền Nam trước 1975”? Hài lòng: Những nỗ lực trong sáng tạo của anh đã được nhìn thấy (qua hai tuyển tập chọn lọc “Những Người Viết Văn Trẻ Hôm Nay” của hai tạp chí văn học đứng đắn và uy tín trước năm 1975 là tạp chí Văn và Thời Tập), đã là một niềm vui và khích lệ lớn cho một đời cầm bút của anh! Sau đó, là nhận được sự động viên, chia sẻ, đồng cảm của nhiều bạn văn và bạn đọc trong nhiều năm qua. Ví dụ như năm 2008, nhà thơ- nhà báo Nguyễn Tam Phù Sa từ Sài Gòn đã ra An Nhơn thăm, gặp gỡ, trao đổi, để viết bài giới thiệu anh trên tạp chí Tài Hoa Trẻ – số 590, ngày 19.8.2009. Gần đây, nhà báo Huỳnh Văn Mỹ trên đường về Bình Định công tác, đã lên An Nhơn tìm đến thăm, chuyện trò rất tâm đắc hơn một buổi, dầu chỉ mới “quen nhau” lần đầu, có bài viết ghi lại trên Kiến Thức Ngày Nay – số 852, ngày 10.4.2014. Tháng 10.2014 vừa qua, tủ sách Quán Văn đã ấn hành tập sách “kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70” của anh, (Nguyễn Sông Ba và Nguyên Minh đã góp sức thực hiện) rất trang nhã, gồm bài viết của 28 bạn văn, bạn đọc góp mặt. Với anh, sự ưu ái của tất cả đã dành cho như vậy, là quá hạnh phúc rồi! Lại hỏi về sự “thất vọng” nữa sao? Buồn thì có, chứ “thất vọng” thì không: Buồn vì sự cô độc trong sáng tác và xuất bản! Buồn vì hệ thống phát hành đã “thương mại hóa”, làm hạn chế rất nhiều trong việc phổ biến, giới thiệu tác phẩm. Buồn vì viết xong “để đó” không có tiền in, cũng không đăng báo được (để có chút tiền café, cho vui), kể từ sau “sự cố” năm 2010, khi người bạn văn chủ biên tạp chí TQBT và nhà xuất bản TÂQ ở Mỹ vì cảm thông cho sự thiếu phương tiện in ấn của anh, đã in giúp cho một tác phẩm, gởi về nước vài chục cuốn; anh đã vui vẻ gởi tặng cho các bạn, nhưng vì chưa hiểu rõ quy định, chưa qua sự cho phép khi “nhập khẩu” văn hóa phẩm từ nước ngoài, nên đã “được” cơ quan Truyền Thông Thông Tin tỉnh BĐ mời đến làm việc mấy buổi, rồi “được” thông báo rộng rải trên internet – nhất là thông báo lại được chuyển đến các tuần báo, tạp chí vẫn thường đăng truyện ngắn của anh!
Xin được tâm sự một chút về “điều kiện viết” nhé. Từ ngày viết lai rai trở lại (sau năm 1993), anh đã viết trong bất cứ thời gian nào được nghỉ (nghĩa là “vắng khách” hay được “ở không”, được yên ổn), bằng cây bút bi, tập vở 100 trang, và bàn viết là… chiếc ghế đẩu! Từ sau năm 2007, được một người bạn cho lại chiếc máy vi tính cũ, anh đã dùng máy ghi lại từ vở nháp (đã viết ban ngày) trong buổi tối nào được yên tĩnh, vui vẻ! Tóm lại, anh không “để ý” gì đến điều kiện để viết, chỉ mong được “yên ổn”, có sức khỏe, để ngồi yên mà viết thôi! Sau năm 2012, khi phát hiện bị bệnh tim nặng, anh không thể ngồi lâu (và cũng chẳng biết sẽ “ra đi” bất chợt lúc nào), anh không tiếp tục “sửa khóa - làm chìa” nữa, chỉ phụ giúp việc nhà cho con cháu; lúc nào cảm thấy “quá nhớ” mà khỏe, thì viết chơi cho vui! Với anh, anh rất “mê” viết, coi đó là niềm vui và an ủi còn lại của đời mình, cho dầu… rất khổ!
NB: Nhà văn không thể không đọc. Em muốn biết hiện nay anh đọc gì? Ngoài kinh Phật, anh có quyển (hoặc những quyển) nào gọi là sách-gối- đầu-giường không?
MVL: Hiện nay, anh đọc những tác phẩm bạn văn đã gởi tặng - là những tập thơ, tập truyện, tiểu luận, nghiên cứu, biên khảo, kể cả sách dịch như em đã gởi tặng. Đọc của bạn, để có dịp hiểu thêm về họ, đồng thời biết được đời sống khắp nơi chung quanh mình… Với anh, sự theo dõi ấy cũng giúp anh “nhìn lại mình” và nhìn thấy sự tiến bộ chung của sinh hoạt văn học - nhất là của giới trẻ. Thời trung học, anh đọc các tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Lớn lên một chút, anh tìm đọc các tạp chí văn học uy tín, tác phẩm mới xuất bản của lớp đàn anh. Thời sinh viên: anh mê đọc sách dịch, nhất là mảng văn học, bên cạnh những tác phẩm có tiếng vang của các tác giả trong nước. Anh không có quyển nào là “sách gối đầu giường” cả.
NB: Anh còn mơ ước điều gì không, chung và riêng, ở tuổi này?
MVL: Mơ ước ư? Dĩ nhiên là có, bởi sống mà thiếu vắng ước mơ (và hy vọng) thì đời sống sẽ buồn thảm biết bao! Mơ ước riêng: có “điều kiện tốt hơn” để viết và có dịp giới thiệu những gì đã và đang viết. Có sức khỏe để “vui chơi” thêm cùng bằng hữu xa gần. Được tiếp tục học Phật. Mơ ước chung: cầu mong cho tất cả mọi người đều được sống an vui, hạnh phúc. Anh đã mơ ước như vậy - có nhiều
lắm không?
NB: Không nhiều. Em cảm thấy, anh hơi “khiêm tốn” trong những ao ước của mình. Dù chưa được thỏa mãn lắm với cuộc chuyện trò này, nhưng em tin là anh chân thành khi “nói ra” nhiều điều. Cảm ơn anh và mong anh luôn khỏe.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét