Hôm sau Năm Trắc đi lên Thành phố Hồ Chí Minh, ông nói với chị em trong cơ quan là ông đi để thanh toán dứt khoát với cái nhóm “liên doanh, liên kết” của thằng cha Vũ Tùng các khoản nợ để từ nay chấm dứt cái công việc đầy khó nhọc mà ông cảm thấy nhiều người đối với ông là “lúc vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai…”
Nhưng đó là cách nói của ông, chứ thật ra là ông đi đòi nợ. Như vậy là tính ra còn tất cả ba cuốn đặc san, tám tập truyện tranh, bọn họ chưa thanh toán với ông lấy một đồng một cắc. Trong khi đó lại có tin đồn bọn họ, sau khi vớ bẫm đã bảo nhau cao chạy xa bay cả rồi.
Lần đi này ông không đem theo xe du lịch của cơ quan mặc dù chẳng ai ngăn trở ông. Thực ra ông muốn tự do tuyệt đối ở cái đất Sài thành xa hoa đó. Có lái xe đi kèm chẳng có gì là thoải mái cả. Ăn gì họ cũng biết. Ngủ đâu họ cũng hay. Nói chuyện với ai họ cũng rành. Rồi cái chuyện đi về phải cho đúng giờ đứng giấc. Mệt lắm. Còn đi xe đò… Tuy có phải chở phải đợi, chen lên lấn xuống… trăm chiều khó nhọc, nhưng vẫn là hạnh phúc, là tự do hơn cả.
Năm Trắc đến bến xe Miền Tây vào khoảng 6 giờ tối. Ông xuống xe, xách cặp, ngơ ngơ ngác ngác. Phải nói rằng hơn chục năm nay ông mới đi xe đò nên không lúng túng sao được. Hôm qua ông đã điện thoại lên cho thằng Vũ Tùng để chiều nay đưa xe ra bến đón ông vậy mà sao giờ này vẫn chưa thấy nó đến? Đã vậy ông còn bị luôn quấy rầy bởi mấy mụ chợ trời, mấy cha phe phẩy: “Có gì bán không chú?” hoặc tiếng nài nỉ, kỳ kèo của cánh chạy xe lôi, xe lam. Ông bực mình mắng họ xa xả, thế mà họ cứ nhăn răng ra cười.
Lát sau chờ mãi chẳng thấy Tùng, ông nhảy lên một chiếc xích lô rồi nói như ra lệnh:
- Cho tôi đến số nhà… đường Xô Viết Nghệ Tĩnh!
Ông đếch thèm chờ thằng cha Vũ Tùng nữa. Rồi ông sẽ cho mày biết. Cho mày đón hụt về không, em ạ. Lúc sau, ngồi chễm chệ trên xe xích lô ông mới cảm thấy sợ. Xe gì mà cứ như chực đâm vào người hoặc cột đèn vậy! Cứ dâng ông như dâng vật tế thần cho các loại xe cộ ấy. Suốt quãng đường ngồi trên xe xích lô là cả một thời gian ông nín thở, hồi hộp.
Khi chiếc xe dừng trước cửa của một ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ, ông mới thực sự hoàn hồn. Ông trả tiền xe rồi uể oải vào nhà. Đây là căn nhà mà cơ quan ông thuê lại để làm trạm giao dịch. Chủ nhà là vợ chồng một ông giáo già về hưu, có con trai và con dâu công tác ở dưới tỉnh ông. Mướn căn nhà này tòa báo có hai cái lợi: Một là làm chỗ giao dịch, làm kho để giấy má, sách báo. Hai là mướn ngay ông giáo Lương, chủ căn nhà này để ông vừa coi kho vừa làm giao liên cho tòa soạn. Vì nhà cửa chật chội, Năm Trắc không cho cơ quan dùng chỗ này là nơi ngủ ngáy, ăn uống nên anh em trong tòa soạn báo Đồng Quê có lên đây thì cũng chỉ đến gặp gỡ khách khứa và giao dịch công việc. Xong rồi họ phải ra khách sạn hoặc nhà bà con bạn hữu thân quen.
Lúc này, cắp chiếc cặp da nhem nhuốc bụi đường, đứng trước chiếc cổng sắt cũ kỹ loang lổ vết sơn, nhin vào “trạm giao dịch” của mình, Năm Trắc thấy ngao ngán. Mọi khi vào giờ này, khi biết tin ông sẽ lên, bọn Vũ Tùng đã kéo nhau đến đây chờ ông đầy nhóc cả phòng mà sao hôm nay vắng vẻ thế này? Rồi trong những lần ấy, lần nào thì bản thân thằng Tùng cũng phóng chiếc sẽ cúp đỏ như lửa chạy thẳng vào sân mới dừng lại để rồi vừa chống chân xe vừa gào lên rối rít:
- Anh Năm! Khỏe chứ anh Năm! Khốn khổ, bọn em trông anh mỏi mắt đó!
Năm Trắc nhớ lại một lần gần đây nhất. Hôm ấy nó vẫn còn đon đả nắm lấy tay ông mà van nài:
- Rồi hãy tắm rửa! Đi với tụi em một chút đã!
Cái mà họ bảo một chút đó là việc họ dẫn ông ra một trong những nhà hàng sang trọng nhất thành phố (mỗi lần một nhà hàng khác nhau). Tại những chỗ đó bao giờ ông cũng gặp những cô gái ăn mặc sang trọng, diêm dúa, môi đỏ mọng như trái cà tô-mát đáng bằng tuổi con ông mà vẫn lả lơi.
- Toa-let ở chỗ kia kìa. Anh vào tắm rửa đi rồi bỏ đồ lại bọn em giặt giũ cho.
Rồi khi ở nhà tắm chui ra, khi người ông đang thơm phức mùi xà bông Ca-may thì đã thấy ở nhà ngoài, trên chiếc bàn dài dằng dặc, phủ khăn trắng muốt, bày la liệt không biết bao nhiêu là những món ăn sang trọng. Sự xuất hiện lúc ấy làm ông cảm thấy đúng như sự xuất hiện của hoàng đế Napoleong ở một quảng trường nào đó mà ông đã có lần đọc được trong sách.
Cả bàn tiệc rối rít bắt tay ông trong khi Vũ Tùng trịnh trọng giới thiệu:
- Xin được phép giới thiệu với các anh các chị: Đây là anh Năm Trắc, Phó Tổng biên tập báo Đồng Quê, một người chịu chơi số một, người đã có công lớn cùng chúng ta xuất bản những văn hóa phẩm đang được cả nước hoan nghênh chào đón hiện này… Còn xin giới thiệu với anh Năm, lần lượt theo chiều chia bài tổ tôm: Đây là anh Bùi Tỏ, giám đốc nhà máy in Vinh Quang, một chiến hữu rất thân thiết của chúng ta (Tùng chỉ tay vào người đàn ông bụng phệ, mặc chiếc sơ-mi trắng, ngắn tay) đây là chị Mùi, cán bộ công ty phát hành sách phía Nam, cũng là một chiến hữu không thể thiếu được trên mặt trân văn hóa tư tưởng của chúng ta hiện nay (người đàn bà không lấy gì làm to béo lắm đứng lên mỉm cười chào Năm Trắc). Còn đây, thôi, để tôi giới thiệu hết hãy hoan hô nhà, kẻo đồ ăn nguội hết rồi, anh Vũ Tâm, họa sĩ vẽ tranh truyện nổi tiếng của Sài Gòn, anh Hoàng Hà, người viết truyện vụ án có tiếng…
Vũ Tùng còn giới thiệu thêm một số người nữa. Cuối cùng mọi người nâng cốc chúc tụng nhau. Bấy giờ Năm Trắc mới để ý có một người đàn ông đã già, tuổi chắc cũng phải gần bảy mươi, ngồi bên cạnh ông giám đốc nhà in Bùi Tỏ, dáng vẻ cũng ra một người trí thức mà sao Vũ Tùng lại bỏ sót không giới thiệu ông ta. Không biết vì sao ông này lại lọt vào bàn tiệc này? Tỏ ra mình là con người lịch sự, Năm Trắc trỏ tay vào người đàn ông đó:
- Còn ai kia nữa, Vũ Tùng bỏ sót rồi.
Tùng vội đứng lên, vẻ xuýt xoa:
- Chết, em quên! Xin được giới thiệu đây là nhà thơ lão thành nổi tiếng của chúng ta… người đã có nhiều cống hiến cho nền văn học nước ta ngay từ trước Cách mạng Tháng 8, khi mà nhiều anh em ta ở đây chưa có mặt ở trên đời này. Chúng tôi đã nhiều lần mời nhà thơ tham gia với nhóm làm ăn của chúng ta như có thể viết cho một số truyện tranh hoặc sưu tầm một số bài thơ nhưng nhà thơ không chịu.
Biết ông nhà thơ đang rất khó chịu vì lời giới thiệu của Vũ Tùng, bằng chứng là ông đã cúi gằm mặt xuống nhưng Năm Trắc thấy vậy vẫn không thể không chạy lại bắt tay hỏi han ông được! Miễn cưỡng bắt lại tay Năm Trắc xong, ông nhà thơ liền vừa ngồi vừa nói:
- Cảm ơn anh gì đó có lời nói tốt đẹp về tôi. Bây giờ thì tôi xin phép được vắng mặt ở bữa tiệc này vì vừa rồi tới nhà in để sửa bông tập thơ tuyển của tôi, gặp anh Bùi Tỏ, anh kéo tôi tới đây bảo là gặp gỡ anh em làng báo làng văn dưới tỉnh lên chơi nên mới tới. Ngờ đâu lại có bữa tiệc này.
Thấy không thể im lặng được, Bùi Tỏ đành phải nói, giọng khề khà.
- Đúng như ông nhà thơ nói đó, tôi hoàn toàn không ngờ có buổi chiêu đãi này. Vậy xin thành thật nhận lỗi với nhà thơ và mong nhà thơ ngồi lại vui với chúng tôi.
Nhưng ông nhà thơ cứ nhất quyết ra về mặc dù mọi người năn nỉ giữ ông lại. Thấy Bùi Tỏ bước ra ngoài đưa chân nhà thơ, Vũ Tùng tưởng ông sẽ đi luôn thì mất đi cái nhân vật quan trọng số một này nên anh ta vội chạy ra nắm tay Bùi Tỏ, năn nỉ:
- Thôi, cứ để ông già lẩm cẩm ấy về trước đi, còn anh, anh phải ở lại với chúng em đấy. Anh mà về là chúng em xù bàn tiệc luôn đó!
Bữa đó ăn xong mặc dù thừa hiểu rằng toàn bộ các chi phí khổng lồ này dù có rút ở trong túi của Vũ Tùng ra thì cũng là được tính trong phết phẩy của những cuốn đặc san, những cuốn truyện tranh thượng vàng hạ cám mà Năm Trắc phải đứng tên chịu trách nhiệm, phải “ra tòa nếu một khi sai sót” nhưng Năm Trắc vẫn làm động tác “giả” hất mặt ra hiệu cho bác Mười lái xe bước đến quầy bán vé nhưng Tùng (mặc dù biết Năm Trắc giả vờ đấy) vẫn cứ phải xua xua tay:
- Các anh cứ ra bàn uống nước đi! Mặc kệ chúng em.
Sau đó cả bầu đoàn thê tử này kéo nhau về “trạm giao dịch” chỗ nhà ông nhà giáo Lương. Khi họ về tới đây đã thấy có hai ba người khác dựa xe đạp ở cửa chờ. Thấy Năm Trắc vừa mở cửa xe bước xuống họ chạy xổ ra, mừng cuống quýt. Ngày xưa các công tử Bạc Liêu lên Sài Gòn bằng bốn năm chiếc xe được các chú Ba Tàu Chợ Lớn đón tiếp có long trọng hơn thế này không, chứ bây giờ Năm Trắc cũng thấy mình oai vệ khác thường rồi. Để cho Năm Trắc khỏi bỡ ngỡ, Vũ Tùng giới thiệu luôn:
- Anh Năm, đây là cậu Việt Hùng, nhà báo muốn được gặp anh để nhờ anh đứng tên giúp cho một cuốn đặc san chuyên đề về cách trang điểm của phụ nữ. Còn đây, Tùng giới thiệu sang người thứ hai, chú Tân muốn xin với anh được đứng ra lo khâu in ấn, giấy má cho toàn bộ cuốn đặc san đó…
Cứ như thế, cứ như thế… Có thể nói những ngày vừa qua là những ngày hoàng kim có một không hai trong đời Năm Trắc, những ngày mà hễ cứ bước chân lên Sài Gòn là ông được vây kín chung quanh bằng một tấm lưới dày đặc yêu thương, nể nang, nịnh bợ…
Thế mà giờ đây… Sao mà nhà cửa, quanh cảnh lạnh ngắt thế này? Bọn họ trốn đâu cả rồi? Ông giáo Lương sớm thông cảm với trường hợp đặc biệt này của Năm Trắc nên đã chạy vội vào nhà bưng ra một ly nước lạnh mời ông. Rồi ông ái ngại nói:
- Dễ cả đến tháng này không thấy ông nào lai vãng tới đây!
Năm Trắc tưởng ông giáo không biết chuyện, liền nói đổ đi:
- Chắc là họ bận!
- Không phải thế đâu. Họ trốn ông đó. Đấy, ông cứ ở đây vài bữa mà xem. Không có người đến đòi nợ ông tôi không kể làm người.
Năm Trắc bực bội đứng lên, đi đi lại lại. Lòng trống rỗng. Quả nhiên như ông giáo Lương vừa nói, Năm Trắc vừa cởi được bộ quần áo bên ngoài bức sốt ra, đang định nằm ngả lưng ra chiếc sa-lông để đánh một giấc cho đỡ mệt thì đã thấy có tiếng chương reo. Ông giáo Lương ra mở cổng. Năm Trắc nghe thấy tiếng xì xào của ông:
- Có! Ông ấy vừa lên tới đây!
Rồi. Lại đòi nợ rồi! Năm Trắc uể oải mặc quần áo xong thì vừa lúc hai người đàn ông đã bước vào đến sân.
Nhận ra Bùi Tỏ, giám đốc nhà máy in Vinh Quang, Năm Trắc mừng rỡ bắt tay:
- Tôi vừa lên tới đây! Sao anh biết tôi lên?
Bùi Tỏ lạnh lùng:
- Biết chứ! Cậu Tùng bảo tôi.
Nghe nói đến Vũ Tùng, Năm Trắc mừng rỡ:
- Thế hả? Vậy cậu ta ở đâu?
- Nghe nói hôm nay nó đi Đà Lạt!
- Vậy sao?
Năm Trắc giận lắm. Ông tức đầy ruột về cái chuyện hôm nay lên đây cốt để đòi nợ thằng Tùng thì lại hóa ra mình thành khách nợ của Bùi Tỏ. Ông ướm hỏi thử Bùi Tỏ:
- Cậu Tùng thanh toán trả hết công in cho các anh rồi chứ?
Bùi Tỏ giật mình ngơ ngác:
- Ủa, anh hỏi chi mà kỳ vậy! Chình thằng Tùng nó bảo anh phải thanh toán với chúng tôi!
Năm Trắc bối rối:
- Sao lại tôi?
Bùi Tỏ cười:
- Không các anh thì còn ai? Anh thử giở bất cứ quyển sách nào chúng tôi in cho anh mà xem. Nào, anh đừng tên hay thằng Tùng? Tôi nói thật với anh, đừng có lơ mơ trong chuyện làm ăn. Nay mai thanh tra, ông tài chánh có gõ đến là gõ các anh, chứ đụng gì đến các thằng cha chăng chú kiết đó. Đến hộ khẩu thành phố nó chẳng có nữa là các thứ khác…
Năm Trắc sửng sốt:
- Vậy chết cha tôi rồi. Thôi được, xin anh cho khất lại vài ba hôm nữa để tôi bắt thằng Tùng phải thanh toán. Chả lẽ nó lại ăn cả ngọn lẫn gốc của tôi sao?
Biết rằng dù có ngồi thêm nữa chẳng có giải quyết được gì, Bùi Tỏ cùng người đi với ông ta mà Năm Trắc đoán là một cán bộ tài vụ gì đó, vội vã cáo lui. Tiễn họ ra về, trở vào nhà, Năm Trắc vội vã lấy chiếc cặp định bỏ ngay vì ông biết rằng ngồi thêm chừng nào thì thêm khách đòi nợ chừng ây, nhưng ông giáo Lương đã giữ tay ông lại:
- Chú ngồi chơi chút đã. Thằng cháu tôi vẽ cái cuốn truyện tranh vừa rồi cũng chưa được thanh toán một cắc bạc nào cả. Tôi có hẹn với nó tới đây gặp ông vào lúc 8 giờ 15 tối nay… Ông chờ chút đi!
- Đồ lừa lọc!
Ông dằng tay ra khỏi ông giáo Lương rồi hừng hực bước ra cửa. Chợt nhớ ra mình vừa phát ra một câu không đúng chút nào, Năm Trắc quay lại nói với ông giáo Lương trong lúc ông này cứ đứng ngây ra mà nhìn Năm Trắc như nhìn một người khùng:]
- Ấy là tôi nói cái thằng Tùng, ông giáo ạ.
Rồi ông đi. Đi bộ. Cứ dọc các hè phố mà đi. Đi như một người mộng du. Ông đi qua một đường phố vắng người. Ở một vài gốc cây, trong bóng tối lờ mờ có những đôi nam nữ đang ôm chằng chằng như những con ếch đực ếch cái cặp nhau sau trận mưa rào. Giá như mọi lần thấy thế thì thế nào nó cũng gợi trong ông một thèm muốn nhưng hôm nay lại không, ông không nghĩ gì cả, ông lại tiếp tục đi. Lát sau ông dừng lại trước một quán sách nhỏ sáng trưng ánh đèn ở bên đường. Có nhiều người đang thấp thoáng vào mua báo. Năm Trắc muốn thử xem những ấn phẩm của ông bán chác ở đây ra sao bèn rẽ vào. Chỉ nhìn thoáng qua, ông đã thấy có đến 3, 4 cuốn sách có tên cơ quan xuất bản là báo Đồng Quê của ông. Đang còn phân vân chưa biết nên hỏi cô bán hàng thế nào thì có hai ông bà, chắc là một cặp vợ chồng và một đứa con nhỏ từ trên xe honda bước xuống.
- Ông bà cần gì ạ?
Cô bán hàng niềm nở hỏi. Người đàn ông trả lời ngay khi ông vừa rút trong túi xách của bà vợ ra một cuốn sách mỏng.
- Cho tôi đổi cuốn sách này.
Cô bán hàng lạnh lùng:
- Thưa ông, sách bán ra khỏi quầy, không được phép đổi lại ạ.
Người đàn ông tức giận đập mạnh tay đánh chát xuống kệ sách:
- Đây, cô xem, cô bán loại sách này cho trẻ em đọc ư?
Năm Trắc nhìn thoáng qua thấy đúng là cuốn truyện tranh do cơ quan ông đứng tên xuất bản. Thực ra cuốn sách này ông chỉ ký tên vào tờ giấy phép chứ không đọc qua lấy một chữ và xem qua lấy một bức tranh. Ông bỗng thấy hối hận. Ông chủ quan quá. Năm Trắc hồi hộp theo dõi tiếp cuộc đối thoại giữa hai người. Cô bán sách vẫn kiên trì giữ vững lập trường của mình:
- Thì ông bà thấy đó! Có phải sách của bọn tôi in ra đâu. Đây này ông xem coi, nó cũng có cơ quan xuất bản, có người chịu trách nhiệm hẳn hoi chứ! (Cô cầm cuốn sách rồi mở ra đọc). Này đây: Báo Đồng Quê xuất bản. Này đây: Người chịu trách nhiệm: Nguyễn Trắc… Người biên tập này, giấy phép số… này… đủ cả chứ…
Năm Trắc choáng váng những vẫn cố giữ bình tĩnh không cho người ngoài biết được thần sắc của mình. Ông cầm lấy cuốn sách từ tay ông khách rồi hỏi bâng quơ:
- Nào, anh làm ơn cho tôi qua xem nó sai sót chỗ nào?
Thấy có bạn đồng minh, ông khách mừng rỡ, vội mở ra hết lượt từng trang một cho Năm Trắc coi.
- Này, ông xem họ làm ăn có bôi bác không chứ? Cả một truyện cổ tích “Tấm Cám” nổi tiếng của dân ta, họ đem viết sơ lược lại rồi chúi mũi khai thác những chỗ nào khiêu dâm được để vẽ tranh. Này cô Tấm, cô Cám tắm truồng này… Này cô Tấm mặc minigrip, trèo lên chặt cau giỗ mẹ thì phơi cả vú, cả đùi rồi cả xi líp ra này… Thế thì có giết trẻ con không? Nếu cô không cho tôi đổi thì tôi đi thưa đó.
Cô bán sách vẫn bướng bỉnh:
- Thì ông cứ việc đi thưa…
Năm Trắc nghe thấy nói đến việc đi thưa kiện thì lo quá. Không khéo lại liên lụy đến ông. Ông bén móc túi lấy tiền đưa cô bán hàng:
- Thôi, để tôi mua lại cuốn sách này cho!
Ông khách lấy làm lạ bèn mỉa mai hỏi Năm Trắc:
- Ông khoái loại tranh này lắm sao? Này tôi bảo thiệt, định chơi tranh khỏa thân thì nên bỏ tiền ra mua những bức tranh nổi tiếng của các danh họa thế giới ấy. Thừa tiền mà đi mua loại tranh nhảm nhí của mấy thằng cha cà chớn này.
Nói xong hai ông bà và đứa con nhỏ lên xe đi thẳng.
Năm Trắc dợm chân định bước đi thì lại nghe đằng sau có tiếng một anh con trai hỏi nhỏ cô bán hàng:
- Còn cuốn “Bí mật đêm tân hôn” không chị?
Năm Trắc lại giật mình. Lại đặc san! Mà sao họ phải nói nhỏ? Năm Trắc lặng im nghe câu trả lời của cô bán hàng xem sao:
- Còn một cuốn thôi… nhưng phải bí mật. Công an bảo vệ văn hóa họ bắt đó. Nghe nói thành phố đã có lệnh thu hồi cuốn sách này và truy tố những người làm sách. Này, giá cả phải gấp ba giá bìa đó nghe!
Cậu thanh niên cười:
- Chị yên chí, bao nhiêu cũng được mà!
- Vậy thì em vô trong nhà chị đi, bảo thằng em chị nó đưa cho.
Anh thanh niên vừa đi khỏi. Năm Trắc nhìn theo một quãng rồi quay lại hồi hộp vừa tò mò hỏi cô bán hàng:
- Cuốn sách gì mà ghê gớm vậy cô?
Cô bán hàng cười:
- Toàn những chuyện nhăng nhít bậy bạ trong đêm tân hôn ấy mà.
- Ai viết?
- Chả biết nữa.
- Ở đâu xuất bản?
- Thì cũng của cái báo Đồng Quê đó.
Năm Trắc choáng váng. Thằng cha Tùng lại hại ông nữa rồi. Hèn chi nó chạy trốn. Thực là “tin bợm mất bò”. Vừa qua ông quá tin nó đã đưa cho nó cả một tập giấy phép khống chỉ ông cậy cục xin được của Sở văn hóa thông tin rồi bảo với nó: “Đó, chú mày muốn in gì thì cứ việc điền vào”. Ai ngờ nó lại làm bậy. Thế này thì nó giết mình rồi. Năm Trắc sợ quá. Mồ hôi vã ra ướt đầm lưng áo. Ông phải bỏ chạy cái quán mà ông thấy nó như chiếc vành móng ngựa ấy. Phải cao chạy xa bay thôi.
Ông rảo bước như sợ có ai đang đuổi sau lưng… Mãi một lúc sau ông mới dám dừng chân dưới một vùng sáng của ngọn đèn đường vì ông vừa chợt nhớ ra cái vị thần cứu mệnh của ông đêm nay. Ông thận trọng sờ tay lên nơi túi ngực áo. Nó đây rồi. Cái tờ lịch cũ ghi số nhà của con Thúy Hường, vợ thằng Mười Khên mà hôm qua bà Ba Khắc đã cẩn thận ghi lại cho ông. Nó có thể cứu vớt linh hồn ông trong lúc sóng gió thế này…
Ôi, Hường ơi, chờ anh nghe. Anh sẽ đến với em ngay bây giờ.
Trước mắt ông hiện ra một cô Thúy Hường phây phây với hai cánh tay trần mũm mĩm mát rượi, với bộ ngực căng phồng, nở nang đang lả lơi với ông trong căn phòng vắng vẻ kín đáo, tuyệt đối an toàn.
- Cho tôi tới đường…
Ông vẫy một chiếc xích lô và nhảy lên chễm chệ ngồi.
(Hết chương 27)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét