Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Cũng vào buổi tối hôm nay, khi Năm Trắc xuống khỏi chiếc xe tài nhất thì ở bến xe Miền Tây cũng có một người xuống khỏi bến xe tài nhì. Đó là một người đàn ông chưa đầy bốn mươi tuổi, cao to, lịch lãm và tuy có bị bơ phờ, hốc hác vì vừa phải trải qua một quãng đường dài, anh vẫn còn giữ được cái phong thái ung dung đường bệ.
Người đàn ông đi tay không, không hề xách theo một hành lý cồng kềnh nào ngoài mấy tờ báo cuộn tròn cầm ở tay chắc mua được lúc chờ qua phà.
Ông ta kêu một chiếc honda ôm rồi chạy đi ngay.
Lúc đó khoảng 8 giờ tối. Chiếc xe dừng lại trước căn nhà nhỏ ở khúc đường vắng. Trả tiền xe xong, người đàn ông vừa khe khẽ gõ ngón tay vào cánh cửa vừa gọi:
- Hường… Hường… mở cửa cho anh vào với!
Đang nằm ở giường lười nhác nghe nhạc tiền chiến phát ra từ một chiếc cat-xet loại mới, Hường để nguyên cả bộ rốp hở hang ra mở cửa.
- Ủa, anh…
Hường ôm chầm lấy người đàn ông đó. Cô hôn rối rít lên mặt anh rồi kéo anh vào nhà:
- Xe riêng đâu mà anh lại về một mình vậy? Đi xe đò hả?
Đó là Mười Khên, chồng của Thúy Hường. Mặc cho vợ mừng rỡ rối rít, Mười Khên chỉ lạnh lùng và im lặng. Thấy cử chỉ khác lạ của chồng, Hường hỏi ngay:
- Ủa, anh làm sao vậy?
Mười Khên buồn rầu:
- Anh vừa bị bắt!
Thúy Hường tròn xoe mắt:
- Vì sao vậy anh?
- Vì mấy thằng ghe lưới, chủ tàu vượt biên tố giác anh ăn hối lộ…
Hường vẫn chưa hết ngạc nhiên…
- Bị bắt mà sao anh lại về được?
- Anh… trốn… trại!
- Tức là anh vượt ngục?
Mười Khên gật đầu. Còn Hường thì sợ hãi hơn.
- Bây giờ thì làm sao được hả anh?
Mười Khên cười gượng gạo:
- Còn biết làm sao được nữa. Anh tính sẽ ở lại với em đêm nay rồi mai mốt sẽ bay ra Phú Quốc để từ đó kiếm tàu… chuồn ra nước ngoài.
Thúy Hường vẫn chưa hết sợ hãi đến nỗi quên cả rót nước mời chồng hoặc hỏi xem anh đã ăn uống gì chưa?
- Thôi đừng đi anh ạ… Em sợ lắm… Có gì thì đã có anh Ba, lo gì.
Mười Khên xì lên một tiếng:
- Anh Ba với anh Tư. Em còn lạ gì anh Ba nhà ta nữa. Chưa biết chừng chính anh ấy lại là người đầu tiên đề nghị bắt anh, ấy chứ?
Sau khi nỗi hoảng sợ đi qua, nỗi đau đớn tủi thân lại xâm chiếm toàn bộ con người. Thúy Hường cảm thấy cần phải khóc. Cô chạy xộc vào trong giường, giang rộng chân tay ra trên một chiếc đệm mút trắng tinh mà khóc. Nhìn vợ khóc hay đúng hơn là nhìn vợ nằm ngồn ngộn một đống thịt, căng đầy những khối tròn, những đường cong… nỗi sợ hãi, lo âu ở trong con người Mười Khên không biết bay đâu hết, để chỉ còn nỗi đê mê khoái lạc.
Mười Khên cởi ngay quần áo rồi vất quay lơ ra giữa nhà mấy tờ báo mà không biết vì sao anh cứ cầm chằng chằng trong tay từ lúc vào nhà đến giờ…Như một con thú với bản năng hoang dã dữ dội, Mười Khên nhảy bổ vào giường ôm chầm lấy cái đống thịt ngồn ngộn đó như muốn nuốt sống lấy nó.
- Anh nhớ em quá!
- Đừng có đi đâu, anh! Chúng ta cùng chết với nhau.
Cơn bão sớm bùng lên rồi cơn bão cũng sớm tan ngay. Một lúc sau họ tỉnh táo nói chuyện với nhau:
- Có thể ngay đêm nay sẽ có người đến đây kiếm anh?
- Sao anh không trốn ở nhà anh Ba?
- Anh không muốn liên lụy đến ảnh. Và đã bảo là anh nhớ em mà… Thôi, anh mệt lắm, em cho anh ngủ đi một chút rồi hãy tính chuyện ăn uống, tắm rửa…
Hường đắp tấm mền lên người chồng. Buông mùng xong cô khẽ khàng ra chỗ sa- lông rồi bật cat-xet lên nghe. Nỗi sợ lại ở đâu ập đến với cô…
Bỗng có tiếng gõ cửa dồn dập. Tim muốn thắt lại. Hường đang định bước ra mở cửa thì người lạ đã xồng xộc bước vào làm cô chỉ kịp kéo vội tấm ri đô che kín chiếc giường chồng cô đang nằm lại.
- Ông hỏi ai?
- Tôi hỏi cô Thúy Hường, vợ anh Mười Khên.
Hường kéo cao cổ áo che kín khuôn ngực:
- Dạ, tôi là Hường đây! Còn ông?
- Tôi ở dưới tỉnh nơi anh Mười công tác…
Hường lặng người đi. Rất có thể đây là người của công an lên truy nã anh Mười? Bởi vậy có lẽ mình không nên căng thẳng với ông ta…
- Vậy anh là công an?
Người đàn ông ỡm ờ:
- Dạ,…
Hường nói giọng run run:
- Lâu nay tôi không thấy anh Mười về nhà!
Người đàn ông không hiểu ý của câu Hường vừa nói, mà lại tưởng cô chưa biết chuyện gì về chồng cô nên vội vã nói ngay:
- Anh ấy bị bắt rồi!
Hường thở phào. Như vậy ông này không phải là công an đi truy bắt chồng của Hường mà chỉ là ông khách từ dưới đó quen chồng mình tới chơi thôi. Vậy có nên gọi anh Mười dậy không? Có lẽ không nên vì như thế càng thêm lộ bí mật. Thôi, cứ để anh Mười ngủ yên, còn mình cũng cứ đối xử với người khách lạ này thật tử tế xem sao.
Hường khẽ nở nụ cười mạnh dạn hỏi:
- Vậy anh không phải là công an rồi… anh là…
Người đàn ông cướp lời ngay:
- Là Năm Trắc, nhà báo, Tổng biên tập báo Đồng Quê, đã tới nhà Hường một lần với chồng Hường, Hường quên rồi sao?
Ai mà nhớ hết được những bạn bè, những người tới lui nhờ cậy chồng mình…Nhưng thôi, lúc này là lúc cần một sự ủng hộ của những người ở dưới đó hơn bao giờ hết nên Hường ra bộ nhớ được. Cô nói lấp lửng:
- À... Em nhớ ra rồi… cái lần…
- Lần em chở honda đưa anh về khách sạn nghỉ đó.
Hường nói như reo.
- A, đúng rồi... Vậy anh lên đây có việc gì, anh Năm?
Năm Trắc nghiêm mặt lại:
- Vì chuyện của chồng em!
Hường mừng rỡ:
- Tức là anh định giúp…
- Còn sao nữa? Phải tìm cách cho chồng em ra thôi. Anh có bàn với chị Ba Khắc là làm gì cũng phải làm ngay vào thời điểm này, lúc anh Ba còn đang đi học ngoài Hà Nội, chứ nếu còn ở nhà, anh ấy không chịu cho làm đâu!
Hường ngồi sát vào bên Năm Trắc. Con cá này bắt đầu cắn câu rồi đây. Năm Trắc nghĩ thế rồi tự động xê đít, nhích người lại gần Hường hơn một chút nữa. Ông đã mơ hồ nhận ra có một luồng hơi ấm từ người đàn bà đầy căng sức sống này truyền sang.
- Vậy anh tính giúp em thế nào đây?
Năm Trắc đã thấy máu bắt đầu chảy dữ dội trong người nhưng vẫn còn nhớ ra có một chuyện còn cao hơn cái chuyện làm sao cho máu chảy mạnh này:
- Chị Ba nói với anh, chị ấy sẽ lo được nếu một khi chuyện này được giữ kín.
- Anh nói gì, em không hiểu đó.
Năm Trắc vừa định choàng tay qua người Hường thì bị cô đẩy ra nhưng anh vẫn chưa bị cụt hứng:
- Tức là phải lo sao cho báo chí trong phong trào đổi mới này khỏi làm rùm beng lên!
- Thì đã có báo nào đâu?
Năm Trắc hạ thấp giọng nói nhỏ:
- Có đấy, em chưa biết đó thôi, chứ báo Đồng Quê của bọn anh cũng sắp có bài về chuyện này rồi.
- Sao anh lại cho đăng chuyện của chồng em lên báo?
Năm Trắc cười thở dài:
- Một mình anh sao quyết định nổi. Còn có thằng cha trên anh là Tám Hữu nữa chứ.
- Vậy anh tính sao đây?
Năm Trắc nhìn xoáy vào bộ ngực của Hường làm cô ngượng ngùng lấy hai bàn tay cố che lại nhưng vẫn không làm sao cho nó bớt hở hang:
- Em có vàng không?
- Anh cứ nói đi, độ bao nhiêu, mà nói khe khẽ chứ!
Trong lòng Hường vừa lóe lên một ao ước: cô phải lén giúp chồng cho qua được cái tai họa này. Và dù có phải bỏ ra chút ít nào đó thì cũng là của anh ấy mang về. Cô hỏi thêm:
- Mà để làm gì mới được chứ?
Năm Trắc nói rành rọt:
- Anh đã tính rồi. Nếu có, em hãy đưa cho anh một lượng để anh lo lót cho tay Tám Hữu khỏi đăng bài đó và cũng để đề phòng nếu trót in rồi thì sẽ bỏ tiền ra mua toàn bộ số báo đó lại rồi cho hủy đi.
- Vậy anh cần bây giờ hay để đến mai?
Năm Trắc bỗng cất tiếng lên cười ngặt nghẽo, mắt rừng rực lửa tình:
- Hường ơi… thôi, cái ấy để sáng mai cũng được… còn cái mà anh cần bây giờ thì là cái khác kia… Nào em…
Ông ta chạy bổ lại định ôm chầm lấy Hường nhưng Hường đã kịp nhảy lên giường. Như một con mèo vồ chuột, Năm Trắc cũng nhảy phốc lên theo. Ông ta không ngờ, ngay lập tức như có quỷ nhập tràng, cái thân hình người đàn ông nãy giờ được gói kín trong chăn bỗng ngồi vụt dậy.
- Ơ… ớ… ớ…
Năm Trắc chỉ kịp kêu lên mấy tiếng rồi vừa tròn xoe mắt sợ sệt vừa giật lùi đi ra phía cửa. Mười Khên đã nhảy ra khỏi giường và nắm chặt lấy tay Trắc:
- Mày là ai? Định đến đây ve vãn và làm tiền vợ tao phải không?
Năm Trắc còn kịp nghĩ đến cái lá chắn cuối cùng:
- Chú Mười! Chị Ba kêu tôi đến nói với vợ chú lo lót cho báo chí khỏi đăng bài về chú.
Mười Khên vội vã cúi xuống nền nhà lượm lên tờ báo mà anh mua được ở bến phà lúc chiều rồi chìa ra trước mặt Năm Trắc:
- Mày đừng có gạt chị tao và vợ tao. Đây, mày coi đi. Có phải báo của mày đã đăng bài tố giác tao từ mấy hôm nay rồi không? Này, mày coi đi, coi đi, rồi cút khỏi nhà tao ngay. Tao không khiến mày phải lo cho tao, mà tự tao, tao sẽ lo lấy cho thân tao. Tao báo cho mày biết, sáng mai tao sẽ trở về dưới đó, sẽ trở lại nhà giam nhưng trước hết phải tố giác mày đã. Nào, mày là nhà báo, mày có dám đăng những bài tố cáo mày không, hả, đồ con heo, đồ sâu bọ?
Mười Khên tống cổ Năm Trắc ra khỏi nhà rồi đóng sầm cửa lại như sợ cái chướng khí kia nó quay trở lại lùa vào nhà.
(Hết chương 28)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét