Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Hào về đến nhà thì việc ấy đã xảy ra nên anh không thể nào cứu vãn nổi.
Anh đi công tác dưới huyện chỉ mới hơn một tuần nay. Anh nhớ hôm bước chân ra đi Thủy còn rất khỏe, còn dùng chiếc honda 67 “con ngựa chiến” thường dùng cho các phóng viên trong tòa soạn đi công tác để chở anh ra bến cảng. Hôm ấy Thủy phóng xe bạt mạng và ngổ ngáo chẳng kém gì đàn ông làm Hào ngồi đằng sau tim cứ thót lên đến nỗi chốc chốc phải bấm tay vào mạng sườn vợ mà rên rẩm: “Tốp tốp! Chạy vừa vừa thôi”. Nhưng hôm ấy cũng có điều hơi lạ là trước lúc lên ô tô, nghe anh ghé tai vui vẻ dặn dò: “Coi chừng sang tháng thứ tư rồi đó em ạ” thì anh lại thấy mặt cô buồn xịu xuống rồi nói lí nhí: “Mặc kệ nó chớ, nó đã không muốn ở với mình thì mình còn luyến tiếc làm gì”.
Cứ như một câu nói gở.
Những ngày ở dưới xã, Hào cứ bị ám ảnh vì câu nói này, nhưng anh vẫn không tin điều ấy có thể xảy ra nên vẫn chịu khó xách về cho Thủy ba con cá chép, giống cá miền Bắc gần đây được đưa vào nuôi ở vài nơi trong Nam, vì có người nói với anh: “Có bầu ăn cá chép sau này đứa bé sẽ rất thông minh”. Anh không tin lắm ở điều ấy nhưng lại tin điều này: “Thủy sẽ rất vui”.
Vì thế mà anh hoàn toàn bị bất ngờ đến nỗi sững người lại khi vừa bước chân vào nhà được mẹ anh báo tin:
- Con Thủy bị sẩy thai đang nằm ở nhà thương.
Anh đã tới ngay khoa sản gặp Thủy khi quần áo còn nhơ nhớp bụi đường. Thủy đã ngồi dậy được để tiếp anh nhưng da vẫn còn xanh mét, con mắt nhìn vẫn còn mỏi mệt và dáng điệu vẫn chưa hết âu sầu. Lúc đầu Thủy còn hỏi han anh mấy câu nhưng sau đó lại cứ thẫn thờ nhìn anh, nhìn như thôi miên. Từ đó về sau cô không nói nữa mà chỉ có khóc. Vùi đầu xuống gối mà khóc. Hai vai cứ rung lên từng đợt. Lúc ấy để an ủi vợ, Hào đã chủ động đem những chuyện anh thu lượm được trong chuyến đi công tác vừa qua ra kể. Hào kể về những con cá chép, về sự vất vả để giữ cho nó tươi sống đến lúc về nhà. Hào kể về tác dụng của cá chép với những phụ nữ mang thai. Anh cứ ngỡ Thủy sẽ dịu dần cơn xúc động. Ai ngờ cô càng bị sốc hơn, càng khóc dữ hơn. Có lúc cô vật vã như người bị lên cơn co giật. Hào không còn cách nào khác phải nhờ đến các thầy thuốc sử dụng cho cô một liều thuốc ngủ. Lát sau thì Thủy ngủ hẳn. Giọt nước mắt vẫn còn đọng lại trên khuôn mặt hiền lành dễ thương. Hào nhớ đến những bức tranh vẽ người đàn bà đang ngủ của các họa sĩ bậc thầy. Anh khẽ đắp tấm mền cho Thủy rồi lặng lẽ ra về. Nhưng ra đến cổng bệnh viện anh đã gặp Mạc Vận.
- Anh Hào, tôi đi kiếm anh đây!
Hào ngạc nhiên:
- Có chuyện chi vậy?
- Ban tổ chức đang cần gặp anh.
Hào đạp xe thẳng đến trụ sở Ban tổ chức. Vừa đi anh vừa dự đoán những điều mà các đồng chí trong Ban sẽ nói với anh. Vì thế mà anh đã không ngỡ ngàng khi được nghe đồng chí trưởng ban thông báo.
- Tình hình bên báo Đồng Quê gần đây rất căng. Ông Tám Hữu thì sau cái vụ đăng bài tố giác Mười Khên bị bà Ba chửi bới, hăm dọa đã bị chứng nhồi máu cơ tim quật lại phải đi nằm bệnh viện rồi. Vả lại ông ấy cũng đã gởi đến chúng tôi một lá thư xin về hưu. Còn Năm Trắc, mới hôm trước có công văn của Sở Văn hóa thành phố gửi xuống đòi truy tố ra tòa vì tội in sách khiêu dâm thì sáng nay chúng tôi lại nhận được lá thư của Mười Khên tố cáo là đêm hôm rồi Trắc đã lần tời nhà y ở Sài Gòn định đem cái vụ bài báo chống tiêu cực kia ra tán tỉnh và làm tiền vợ y, đã bị y tổng cổ ra khỏi nhà. Cái anh Năm Trắc này gần đây có nhiều chuyện bê bối lắm. Không phải chúng tôi không biết đâu.
Trước tình hình đó, Ban quyết định cử đồng chí từ nay đứng ra phụ trách tờ báo.
Hào thấy tai nóng bừng. Anh đáp mà không giấu được sự hồi hộp:
- Việc này quá lớn không biết tôi có gánh nổi. Vậy xin các anh cho tôi được suy nghĩ thêm.
Đồng chí trưởng ban cười:
- Suy nghĩ để làm tốt công việc chứ không phải để từ chối đâu nghe!
Từ trụ sở Ban tổ chức, Hào chưa về nhà ngay, anh muốn trở lại bệnh viện để được chia sẻ niềm trăn trở với Thủy. Gần đây anh thấy Thủy có nhiều quan điểm đúng đắn về công việc làm báo. Cô thường nói với anh: “Bản thảo là một pháp trường… trắng” và tờ báo là một mặt bằng không phẳng lặng, là nơi các con chữ tưởng như đứng im nhưng cựa quậy dữ dội, là nơi lòng dạ con người được bộc lộ rõ rệt nhất. Hơn lúc nào hết, lúc này Hào muốn đến với cô để được nghe thêm những tâm sự của cô về công việc đầy khó khăn mà anh sắp phải chủ lực đưa vai gánh vác.
Hào đến bệnh viện và đi thẳng đến chỗ giường Thủy vẫn nằm. Thoáng thấy chiếc giường bỏ không, anh đã giật mình nhưng khi nhìn thấy mọi đồ vật chung quanh vẫn còn y nguyên như cũ anh lại yên tâm tưởng cô đi chơi gần đâu đây. Chỉ đến khi ngồi vào giường nhìn thấy chiếc phong bì để rõ tên anh trên tấm gối, Hào mới không giấu được sự bàng hoàng. Hai tay run run anh mở phong thư ra đọc:
“Anh vô cùng kính yêu của em,
Khi anh đọc đến lá thư này chắc chắn em đã đi xa. Hẳn là anh rất ngạc nhiên về hành động này của em và cho đây là một việc làm bồng bột, nhưng không phải thế đâu anh ơi. Đây là kết quả của bao ngày dằn vặt đớn đau đấy. Em biết rồi sau đây, anh sẽ hiểu rõ tất cả và sẽ lại càng thương em, yêu em hơn. Còn em chẳng nói anh cũng đã rõ, từ lâu rồi em rất yêu anh. Nhưng càng yêu lại càng cảm thấy mình tội lỗi, càng thấy không xứng đáng được hưởng tình yêu của anh. Vì thật ra thời gian qua em đã lừa dối anh. Hình như đôi lúc anh cũng cảm thấy điều này nhưng vì cao thượng anh đã bỏ qua cho em. Ôi, giá mà những ngày sống với anh, anh cứ đành đập, cứ chửi bới em như bao kẻ vũ phu khác thì em lại càng an lòng sống với anh, hầu hạ anh và đẻ con đẻ cái cho anh. Nhưng trái lại anh cứ coi em như một thiên thần. Cái đó mới là nỗi đau đớn cho em. Cái đó mới làm khổ em nhất.
Anh thương yêu! Thế là từ nay em xa anh, xa vĩnh viễn. Chắc anh khó có cơ hội gặp lại em. Để anh tin là em sẽ không tìm đến một cách chết hoặc đi theo một cách giải thoát nhục nhã là vượt biên, trốn bỏ Tổ quốc, em xin được thành thật tiết lộ với anh: Em sẽ lên dạy học trên miền núi. Một đứa bạn em trên đó đã lo liệu cho em! Em đành chịu tội bất hiếu với má em bởi em không còn cách nào khác. Xin vĩnh biệt anh…
Ghi thêm: Anh hãy lật gối lên. Em xin được trả anh tấm ảnh này. Mong anh hiểu đây là một sự hối hận sâu sắc của em. Ngày ấy, sau lễ cưới, do không kềm được nổi một chút ghen tuông thường tình của phụ nữ, em đã xé tan bức ảnh của anh chụp chung với chị Diệp Mỹ dạo này. Gần đây em mới tìm ra được cách sửa chữa lỗi lầm này bằng việc đem hai tấm ảnh riêng biệt của anh và của chị mà em có được, đến nhờ ông thợ ảnh ghép chung lại thành một tấm. Chắc nhìn tấm ảnh này anh sẽ bật cười vì trong đó anh thì nhìn nghiêng còn chị lại nhìn thẳng. Nhưng cũng chả sao phải không anh, một khi người ta đã thật sự yêu nhau…”
Đọc xong, Hào thận trọng bỏ phong thư vào túi áo. Anh lật chiếc gối và nâng lên bức ảnh. Anh đã phải quay mặt đi vì muốn tránh cái nhìn của Diệp Mỹ. Hình như cô muốn nói với anh:
“Anh Hào! Đừng thương nhớ em nữa vì dù sao em cũng đã chết rồi. Em xin anh hãy thương yêu lấy Lệ Thủy và đừng để cô ấy tuột khỏi tay anh. Cô ấy là một cô gái xinh đẹp và cao thượng. Chỉ có những kẻ tầm thường và giả dối mới không nhận ra cô ấy thôi. Đó là một cô gái đúng nghĩa một cô gái, anh à…”
Mắt Hào nhòa đi. Trong làn nước mắt, anh nhìn thấy hai con mắt Diệp Mỹ cũng đang đẫm lệ…
Đường Phó Điều, Rạch Giá, 1987 – 1989
N. K .Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét