Nhà thơ Đoàn Phú Tứ
Kỳ 35:
Đ O À N P H Ú T Ứ
Đoàn Phú Tứ sinh ngày 10 tháng 9 năm 1910 tại Hà Nội, nhưng nguyên quán ông ở xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Thời đi học, ông từng qua các trường: Bưởi, Albert Sarraut. Ông viết văn từ khi còn ngồi ở bậc tiểu học. Năm 1925, ông đã có những bài đầu tiên đăng ở Đông Pháp thời báo.
Ông thi đậu tú tài ban triết học vào năm 1932, nhưng ông lại vào đại học Luật. Học được 2 năm, ông nghỉ đi làm báo. Lúc nầy ông viết cho các báo: Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội báo…
Từ năm 1935 đến 1945, ông viết kịch và cho xuất bản nhiều tập kịch, trong đó có vở nổi tiếng Hận Ly Tao. Ông còn thành lập ban kịch Tinh Hoa, làm đạo diễn và diễn viên trong nhiều vở.
Năm 1937, Đoàn Phú Tứ làm chủ nhiệm báo Tinh Hoa. Năm 1939, ông cùng với một số bạn bè thân thiết là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ: Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đỗ Cung thành lập nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Nhóm cho xuất bản tuyển tập lấy tên Xuân Thu Nhã Tập vào năm 1942 gồm thơ, văn, triết học, tuyên ngôn nghệ thuật… gây tiếng vang trên văn đàn. Trong thời gian nầy, Đoàn Phú Tứ cũng nổi tiếng với bài thơ Màu thời gian.
Đoàn Phú Tứ qua nét vẽ Bùi Xuân Phái
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Đoàn Phú Tứ về Thanh Hóa rồi lên Việt Bắc, tiếp tục hoạt động văn nghệ. Ông là giảng viên trường Nghệ thuật liên khu 4, liên khu 5, rồi cán bộ biên tập của báo Văn Nghệ, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Đoàn Sân khấu Việt Nam và Hội Văn hóa Việt Nam. Từ 1946 đến 1951 ông là đại biểu Quốc hội khóa I. Năm 1950, chính ông là người tố cáo tên tham nhũng Trần Dụ Châu, Cục trưởng cục Quân nhu, vừa tổ chức đám cưới linh đình cho con và còn bảo ông làm thơ ca ngợi. Ông đã đọc giữa tiệc cưới hai câu thơ: Bữa tiệc chúng ta sắp chén đẫy hôm nay. Được dọn bằng xương máu của chiến sĩ. Trần Dụ Châu quát mắng ông và tên cận vệ đã nhào đến tát tai ông. Sau đó đại tá Trần Dụ Châu bị thanh tra và xử tử hình. Đoàn Phú Tứ nổi tiếng là một nhà thơ dũng cảm.
Từ năm 1951 đến 1954, Đoàn Phú Tứ giảng dạy tại trường Đại học Văn khoa và một số trường tư thục ở Hà Nội. Sau 1954, ông tiếp tục viết và dịch sách với bút hiệu Tuấn Đô.
Đoàn Phú Tứ lâm trọng bệnh trong cảnh nghèo túng và mất ngày 20 tháng 9 năm 1989 tại khu An Dương, Ba Đình, Hà Nội. Người bạn thân là nhà văn Phùng Quán đã bạo gan viết giả thư ông đến văn phòng Quốc hội xin tiền mai táng và được trợ cấp, đồng thời văn phòng Quốc hội cử người mang vòng hoa trang trọng đến kính viếng nhà thơ. Hiện nay ở thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh có đường mang tên ông.
Đoàn Phú Tứ xuất bản gần mười tác phẩm nhưng đa số là kịch, cùng một số sách dịch là kịch và tiểu thuyết. Ông làm thơ không nhiều, chỉ vài bài nhưng hầu hết thơ ông đều gây ấn tượng cho người đọc. Mải miết đường đời đã bấy lâu. Biếng nhìn trăng cũ muốn quên sầu. Đêm nay bỗng thấy bên song ngõ. Một ánh xanh mờ thoáng tự đâu (Ánh trăng). Một chút cổ phong lồng trong những vần điệu mới làm cho thơ ông đậm chất thi vị và lãng mạn trong giai đoạn giao thoa giữa thơ cũ và thơ mới thời bấy giờ. Thơ ông giản dị, đôi chỗ dùng điển tích, tạo nên sự sâu lắng thâm trầm khiến người đọc phải suy gẫm và vụt cảm một cách thích thú. Tóc mây một món chiếc dao vàng. Nghìn trùng e lệ phụng quân vương. Trăm năm tình cũ lìa không hận. Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng… (Màu thời gian).
Bài thơ Màu thời gian được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc năm 1942 và Phạm Duy phổ thành ca khúc năm 1971, đến nay vẫn được nhiều người yêu thích. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
TRỊNH BỬU HOÀI
Thủ bút Đoàn Phú Tứ
M À U T H Ờ I G I A N
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình muôn thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát…
ĐOÀN PHÚ TỨ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét