Lê Đình Danh
Cậy thế Tiêm La, Chu Văn Tiếp báo thù mà bỏ mạng.
Mượn oai Long Nhương, Đặng Văn Long dọa giặc để cứu dân.
* * *
Nói về Nguyễn Phúc Ánh nhờ bão chạy thoát tay tướng Tây Sơn là Trương Văn Đa ở đảo Côn Lôn. Đang lênh đênh giữa biển bỗng thấy một chiếc tàu lớn tiến lại gần. Hóa ra đó là thuyền của giáo sĩ Bá Đa Lộc. Bá Đa Lộc đem chúa tôi Nguyễn Phúc Ánh lên tàu xong, nói:
- Từ ngày thóat khỏi tay con nữ Tây tặc Bùi Thị Xuân ở Thất Kỳ Giang, thấy quân Tây Sơn mạnh quá tôi bèn chạy về nước cầu cứu vua nước tôi giúp chúa khôi phục cơ đồ. Xin chúa hãy về đất liền ta sẽ bàn kỹ việc này.
Phúc Ánh bảo:
- Từ ngày chia tay với giáo sĩ tôi phải chạy trốn ra đảo Côn Lôn gian nan cực khổ trăm bề. Sau Nguyễn Huệ rút binh về Quy Nhơn, nhờ các tướng dấy binh lấy lại đất Gia Định. Nào ngờ Nguyễn Huệ lại đem đại binh vào đánh quân ta tan tác cả. Nay ta không còn một mảnh đất dung thân biết phải về đâu?
Mạc Thiên Tứ nói:
- Trương Văn Đa vừa vây ta ở đảo Côn Lôn bị bão đánh đắm thuyền. Đa tìm ta không thấy, ắt đã rút quân rồi. Vậy ta quay lại đảo Côn Lôn tất an toàn.
Bá Đa Lộc khen phải cho tàu cập bến đảo Côn Lôn. Đến nơi tìm hang đá trạm trú xong, Ánh hỏi Bá Đa Lộc:
- Giáo sĩ cầu cứu vua nước ngài thế nào? Xin ngaì mau phân tỏ.
Bá Đa Lộc đáp:
- Vua nước tôi đồng ý giúp chúa tàu đồng, súng ống, lương thực và binh sĩ . Nhưng khi lấy được nước rồi chúa phải để phố Hội An, cửa Đà Nẵng và đảo Côn Lôn được thuộc quyền cai trị của nước tôi, và chỉ cho người của nước tôi được độc quyền buôn bán và truyền đạo trên đất An Nam. Chẳng hay ý chúa thế nào?
Phúc Ánh cả mừng đáp:
- Nếu lấy lại được nước đã mất, bấy nhiêu ấy nào có nghĩa gì? Tôi xin viết giấy làm bằng nhờ giáo sĩ về tâu cùng vua của ngài mau đem binh sang giúp.
Phúc Ánh viết xong trao cho Bá Đa Lộc. Lộc lại nói:
- Đành rằng lòng chúa ngay thực, nhưng e vua tôi ngại rằng khi lấy lại nước rồi chúa nuốt lời thì làm thế nào?
Ánh suy nghĩ giây lâu rồi đáp:
- Nay ta đã mất tất cả lấy gì cho vua của ngài làm tin được! Họa chăng ta chỉ có cách là cho một đứa con trai sang ở với vua nước ngài để làm con tin. Vậy có được chăng?
Bá Đa Lộc cả mừng nói:
- Nếu được vậy vua tôi nhất định cho quân sang giúp.
Ánh nắm tay Lộc bảo:
- Vậy ông hãy ra tàu nghỉ ngơi rồi định ngày về nước, tâu cùng vua nước ngài. Ta sẽ sửa soạn đưa con trai theo ngài sang nước Pháp Lang Sa.
Bá Đa Lộc đi rồi Lê Văn Quân quì tâu:
- Thần xem Bá Đa Lộc không phải là người tốt. Chúa thượng nên khá đề phòng!
Ánh phật ý hỏi:
- Giáo sĩ Bá Đa Lộc sang nước ta giảng truyền đạo giáo vì thương ta bị giặc Tây Sơn cướp nước, nên mới lặn lội thỉnh cầu vua nước Pháp Lang Sa sang giúp, sao ngươi lại bảo ông ấy không phải là người tốt?
Lê Văn Quân đáp:
- Thần thấy có hai điều đáng ngờ. Một là nếu Bá Đa Lộc không có lệnh của vua nước Pháp Lang Sa sao dám tự quyền đặt điều kiện trao đổi đất đai với ta? Hai là nếu Bá Đa Lộc chỉ vào Gia Định giảng truyền đạo giáo sao biết được phố Hội An và Đà Nẵng là nơi giàu có sầm uất nhất ở Đàng Trong mà đặt điều đánh đổi. Chính vì vậy mà thần mới ngờ rằng Bá Đa Lộc được lệnh vua nước Pháp Lang Sa có ý đồ dòm ngó nước ta.
Ánh nghiêm giọng hỏi:
- Nếu vậy thật thì sao?
Lê Văn Quân đáp:
- Xin chúa nói với Bá Đa Lộc rằng sau khi lấy lại nước, ta sẽ trả bằng vàng ngọc châu báu chứ đừng đánh đổi đất đai.
Ánh nén giận hỏi:
- Ngộ nhỡ họ không chấp thuận thì sao?
Văn Quân vẫn nhẫn nại:
- Thì ta tự lo lấy việc nước không cần phải nhận viện binh của họ.
Ánh gằn giọng rằng:
- Tự lo lấy làm sao! Nguyễn Huệ đã ba lần vào đánh Gia Định, hai chúa Thái thượng vương và Tân chính vương phải bắt. Ta ba lần trốn chui trốn nhủi hết nơi này sang nơi khác, còn các tướng phải bỏ thành mà chạy thoát thân. Văn thì Ngô Tùng Châu và Gia Định tam gia còn lẩn trốn ở Hà Tiên. Võ thì Nguyễn Huỳnh Đức là một trong Gia Định tam hùng bị Tây Sơn bắt sống. Ta thì cơm không có ăn, nước không có uống may nhờ bão đánh đắm thuyền giặc hai lần mà thoát chết. Còn ngươi đã có kế sách gì phá giặc hay chưa mà bảo rằng tự lo lấy?
Lê Văn Quân thấy chúa giận nhưng gắng gượng quỳ tâu:
- Thưa, chúa thượng có chân mệnh đế vương. Ở đảo Côn Lôn không có nước uống chúa cầu nước trời liền cho nước, ấy là điềm được nước. Giặc đến đánh, trời làm bão nhận chìm thuyền. Lòng trời đã giúp chúa như thế, trước sau gì cũng lấy lại nước. Nếu bây giờ đổi đất viện binh Pháp Lang Sa, e người sau đàm tiếu rằng chúa tôi ta bán nước cầu vinh. Xin chúa thượng xét lại.
Phúc Ánh xua tay bảo:
- Ngươi hãy ra ngoài cho ta suy nghĩ lại.
Lê Văn Quân đi rồi, Ánh nói cùng hai người vợ của mình rằng:
-Tên tướng già này lúc ta đặt tên trái bần là trái thủy liễu, thì bảo ta là tham sang phụ khó. Giờ lại bảo ta là bán nước cầu vinh, thật là quá quắt. Nếu ta không đang cần người phò tá, nhất định giết chết không tha!
Một người vợ của chúa là bà Hoàng phi Yến tên tục là Lê Thị Răm. Hoàng phi Yến nhỏ nhẹ thưa:
- Tâu chúa thượng, hiện người đang có hai con trai. Một là hoàng tử Cảnh con của hoàng hậu. Một là hoàng tử Cải con của thiếp. Vậy chúa thượng định cho hoàng tử nào sang Pháp Lang Sa làm con tin?
Phúc Ánh suy nghĩ hồi lâu rồi đáp:
- Ta sẽ cho hoàng tử Cải, con của nàng đó!
Hoàng phi Yến cố nén nỗi đau trong lòng và vẫn nhỏ nhẹ ôn tồn:
- Tâu chúa thượng, thần thiếp thấy lời Lê lão tướng quân chẳng phải là không hợp lý…
Đang giận Lê Văn Quân giờ nghe vợ định bênh vực Quân; ngắt lời Hoàng phi Yến, Phúc Ánh gắt gỏng:
- Thế nào là hợp lý?
- Tâu, thiếp nghĩ chắc chúa cũng thừa biết người Pháp Lang Sa đang có âm mưu chứ chẳng thương tiếc gì ta mà đem quân đến giúp. Sao chúa còn cầu viện binh của họ, e rằng về sau nhà ta phải mang tiếng là người bán nước…
- Thế không cầu viện họ thì làm sao đánh được giặc Tây Sơn báo thù cho tổ tông đây? Ngươi lại theo hùa về phe của Lê Văn Quân mà bảo ta là người bán nước chăng?
Ngắt lời Hoàng phi Yến, Phúc Ánh quát lên. Hoàng phi Yến dẫu sợ, nhưng xót tình mẫu tử nên gắng gượng nói:
- Nguyễn Nhạc chỉ là một tên nông dân cùng đinh nổi dậy mà vẫn đựơc lòng người, huống hồ chúa thượng là dòng dõi đế vương muôn dân đều biết, thì ta không có cách thu phục lòng người để tuyển nghĩa binh trong nước được sao?
Đang cơn giận, Ánh lại quát lớn:
- A! Nay ngươi còn dám bênh vực cho thằng buôn trầu ấy nữa ư? Rõ ràng ngươi thông đồng với giặc Tây Sơn cản trở kế hoạch của ta đây mà. Ý ta đã quyết nếu còn nhiều lời ta nhất định trị tội không tha!
Hoàng phi Yến sợ xanh mặt, nhưng nghĩ đến lúc phải xa con nên quên cả sợ, nói liều:
- Thế ông đành cam tâm chia rẽ mẹ con tôi. Nó cũng là con ông, sao nỡ đem hài nhi hai tuổi sang đất người làm con tin như thế? Ông xem loài lang sói nó còn biết bảo vệ con mình…
“Bốp”! Phúc Ánh ngắt lời Hoàng phi Yến bằng một cái tát rồi trợn mắt hét lên:
- Ngươi nghĩ chỉ mình ngươi là biết thương con sao, mà dám buông lời khi quân phạm thượng? Khi rời khỏi đảo ta nhất định nhốt ngươi ở lại hang đá này cho chết mới thôi…
Phúc Ánh nén giận dừng câu khi thấy một tên quân bước vào tâu:
- Thưa chúa thượng, nguyên soái Chu Văn Tiếp sau khi thua trận ở Thất Kỳ Giang chạy sang nước Tiêm La, nay Chu nguyên soái sai người về nước tìm chúa thượng dâng mật thư.
Phúc Ánh tiếp thư, xem xong bảo quân:
- Hãy mau đi mời Bá Đa Lộc đến cho ta bàn việc.
Bá Đa Lộc đến, Ánh hỏi:
- Nay một viên tướng của tôi là Chu Văn Tiếp chạy sang Tiêm La cầu viện. Vua Tiêm La đã đồng ý cho quân sang giúp. Tôi nghĩ, đường về nước ngài xa xôi cách trở, mà nước Tiêm La lại ở gần bên, nên tôi định sang gặp vua Tiêm La cầu viện trước để sớm dẹp giặc Tây Sơn khôi phục cơ đồ. Nếu việc không thành sẽ nhờ đến ngài. Chẳng hay ý ngài thế nào?
Bá Đa Lộc đáp:
- Vậy xin chúa thượng hãy kíp đi ngay. Tôi cũng theo chúa sang Tiêm La, xin vua Tiêm La cho lập giáo sở để truyền đạo. Một là vì đất Gia Định đã bị quân Tây Sơn chiếm tôi vì giúp chúa nên có thù với họ không thể đến nơi ấy được. Hai là được ở gần chúa, nếu việc cầu viện vua Tiêm không thành, tôi sẽ lên đường về Pháp quốc cầu viện vua tôi.
Nguyễn Phúc Ánh bèn cùng Bá Đa Lộc và các tướng đem gia quyến lên thuyền sang Tiêm Quốc. Trong đoàn người lưu vong rời khỏi đảo Côn Lôn lại không có bà hoàng phi Yến! Thượng vương Nguyễn Phúc Ánh đã nhốt hoàng phi Yến trong hang đá trên đảo Côn Lôn. Hoàng phi Yến kêu gào thảm thiết:
- Chúa nhốt tôi trên đảo cũng được, nhưng hãy trả con cho tôi. Tôi không cần làm hoàng phi, con tôi cũng không cần làm hoàng tử. Hãy trả con cho tôi! Trời ơi là trời ơi !
Phúc Ánh bảo người hầu bế hoàng tử Cải lên thuyền và nói vọng lại:
- Ta phải đem con ta theo, để khi cầu viện quân Pháp Lang Sa cần có con tin. Chính vì lẽ đó nên ta mới tạm nhốt nàng trên đảo. Nếu chẳng như thế, ngộ nhỡ nàng không cho con ta đi làm con tin thì sao?
Đoạn Nguyễn vương mặc hoàng phi Yến kêu khóc, người bước lên thuyền, lệnh quân nhổ neo.
Thuyền Nguyễn vương đi gần đến đất liền, bỗng hoàng tử Cải ở trong nhà thuyền khóc ré lên gọi: “Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi”!
Nguyễn vương nghe con khóc liền vào trong nhà thuyền bồng hoàng tử Cải ra ngoài khoan thuyền vỗ về rằng:
- Con nín, nín đi con! Cha mẹ nào lại chẳng thương con! Cha vì cơ nghiệp của nhà Nguyễn ta nên bất đắc dĩ phải cho con đi làm con tin. Nếu cho mẹ con theo thì khó lòng mà dứt ra cho được…
Nguyễn vương nói chưa dứt lời, hoàng tử Cải lại khóc thét lên gọi mẹ và vùng vẫy dữ dội. Đang ôm con mình vào lòng nhẹ nhàng dỗ dành, nào hay hoàng tử Cải bất ngờ quẫy đạp làm Nguyễn vương tuột tay rơi hoàng tử Cải rơi xuống sàn thuyền. Vừa lúc ấy, một con sóng to ập đến khiến thuyền tròng trành rất mạnh, cậu bé Cải vừa tròn hai tuổi văng luôn xuống biển! Nguyễn vương toan lao theo con mình, nhưng các tướng ôm vương lại và xúm vào can ngăn. Lê Văn Quân nói:
- Xin thượng vương chớ nên liều lĩnh! Nếu người có mệnh hệ nào thì xã tắc sẽ ra sao?
Nguyễn vương khóc than rằng:
- Ôi con ta! Nếu con ta có mệnh hệ nào thì việc viện binh phải tính thế nào đây?
Bỗng tên người hầu của hoàng tử Cải, khóc tâu rằng:
- Thượng vương vì đại cuộc, xin hãy đi trước! Xin người để lại cho thần một chiếc thuyền, may ra trời chưa đem hoàng tử đi, thì thần sẽ đưa hoàng tử về với chúa thượng. Còn nếu hoàng tử trở thành thiên thần, thì hạ thần tin chắc hoàng tử sẽ chỉ xác cho thần để đem vào đất liền mai táng. Xin chúa thượng thuận cho.
Nguyễn vương đành theo lời người hầu và tiếp tục lên đường sang Tiêm La quốc.
Thuyền Nguyễn vương đi rồi, quả nhiên người hầu vớt được xác hoàng tử Cải, liền đem vào đất liền bên bờ sông Hậu Giang mai táng. Xong việc, tên người hầu lên thuyền ngược sông Hậu, toan đi về hướng tây theo Nguyễn vương sang Tiêm quốc. Lạ lùng thay, con thuyền như có người điều khiển đi ngược về hướng đông ra ngoài cửa biển. Tên người hầu hoảng sợ đứng trên mũi thuyền chắp tay khấn rằng:
- Thần chỉ có một thân một mình nên không thể ra đảo Côn Lôn mà báo cho Hoàng phi được. Nếu hoàng tử có thiêng thì xin dắt thuyền đi cho.
Tên hầu vừa dứt lời, bỗng một luồng gió mát lạnh nổi lên đẩy con thuyền theo hướng đông trực chỉ ra đảo Côn Lôn. Lên đảo gặp hoàng phi Yến, tên hầu vừa khóc vừa kể lại sự tình. Hoàng phi Yến cố nén niềm đau, theo tên hầu lên thuyền. Lạ lùng thay khi lên thuyền rồi thì một luồng gió đông đưa con thuyền vào đất liền bên bờ sông Hậu. Đến trước mộ hoàng tử Cải; hoàng phi Yến vật vã khóc than, kêu gào thảm thiết. Tên hầu không dám can ngăn, cứ ngồi lặng lẽ nghe hoàng phi gào khóc. Bỗng thấy nước mắt của Hoàng phi chảy ra hai dòng màu hồng trên đôi má, tên hầu hoảng hốt nói:
- Xin hoàng phi đừng khóc nữa, máu đã tuôn ra theo nước mắt kia kìa!
Hoàng phi Yến vụt nín khóc; vóc dáng tiều tụy, mặt mũi bơ phờ, tóc tai rũ rượi bà lấy tay chấm vào nước mắt có hòa lẫn máu của mình rồi viết lên bia mộ hoàng tử Cải:
Đốt nén hương thề lạy hóa công
Vì can mắc tiếng tội thông đồng
Ngai vàng một thuở ngồi chưa vững
Hang đá ngàn năm lệ nhỏ hồng
Máu chảy ruột mềm đau phận thiếp
Nồi da xáo thịt thỏa tình ông
Sầu sông thảm núi hờn hoa cỏ
Con hỡi hồn con! Chồng hỡi chồng!
Viết rồi hoàng phi Yến lại kêu lên ai oán:
- Con hỡi hồn con! Chồng hỡi chồng!Con hỡi hồn con! Chồng hỡi chồng!
… Từ ấy về sau bà Hoàng phi Yến tên tục là Lê Thị Răm, cải trang thành dân thường làm chòi tranh sống bên cạnh mộ con mình là hoàng tử Cải. Từ đó, trên vùng đất ấy người ta thường thấy một người đàn bà, bất kể ở đâu cũng thường lẩm bẩm ca rằng:
- Gió đưa cây “cải” về trời
Rau “răm” ở lại chịu đời đắng cay!
* * *
Nhắc lại chúa tôi Nguyễn Phúc Ánh và giáo sĩ Bá Đa Lộc xuống thuyền sang nước Tiêm La đến kinh đô Vọng Các (Băng Cốc). Tiêm vương được tin sai người đi đón, rồi mời Phúc Ánh vào nội điện bày yến tiệc khoản đãi. Bỗng Chu Văn Tiếp ở ngoài chạy vào ôm chân Phúc Ánh mà khóc. Ánh động lòng ứa nước mắt, Tiếp vừa khóc vừa nói:
- Thần được chúa thượng trọng dụng phong làm Bình Tây đại nguyên soái lại không chống nổi giặc, đến nỗi chúa tôi mỗi người thất lạc một nơi, ấy là tội của thần. Nhà thần có bốn anh em theo phò tá chúa. Nay ba người đều bị giặc Tây Sơn đánh chết, chúa thượng hãy cầu viện binh của Tiêm vương, thần xin đem tàn quân đi trước. Trước là trả nợ nước sau là báo thù nhà cho rõ chí khí của người trung nghĩa trượng phu.
Phúc Ánh đỡ Văn Tiếp dậy nói:
- Ta nhận được mật thư của khanh sang đây cũng vì việc ấy.
Tiêm vương thấy chúa tôi Phúc Ánh ôm nhau khóc động lòng liền thuận ý viện binh.
Tiêm vương sai Chiêu Tăng làm đại tướng quân, Chiêu Sương làm tiên phong thống lĩnh ba vạn thủy quân và ba trăm đại chiến thuyền. Đạo quân này do Nguyễn Phúc Ánh và Chu Văn Tiếp đem một ngàn quân đích thân dẫn đường. Tiêm vương lại sai Sa Uyển và Lục Côn đem hai vạn bộ binh thẳng đường sang Chân Lạp hợp với tướng Chân Lạp là Chiêu Thùy Biện rồi cùng tiến sang đường Châu Đốc đánh nước An Nam.
Mùa hạ năm Giáp Thìn (1784) niên hiệu Thái Đức thứ bảy, quân Tiêm La thủy bộ gồm năm vạn rầm rộ tiến sang làm cỏ đất Gia Định.
* * *
Lúc ấy ở thành Sài Côn, Trương Văn Đa nhận được tin cấp báo liền hỏi Đặng Văn Long:
- Nay quân Tiêm La năm vạn do Phúc Ánh dẫn đường hùng hổ tiến sang xâm lược nước ta. Theo ý tướng quân nên tiến thủ thế nào?
Long đáp:
- Hiện thành Sài Côn ta có năm ngàn quân, còn lại đều chia nhau giữ các nơi hiểm yếu ở Trường Đồn, Hà Tiên, Châu Đốc. Tính cả thảy không đầy một vạn, e không thể nào chận giặc ở biên cương được.
Trương Văn Đa hỏi:
- Trước khi về Quy Nhơn, thúc phụ có dặn dò rằng: “Sông Tiền Giang là ranh giới, thành Trường Đồn là cửa ngõ của hai dinh Long Hồ và Phiên Trấn”. Ý tướng quân muốn bảo rằng nên bỏ dinh Long Hồ hợp binh về cố thủ Trường Đồn để giữ Phiên Trấn Sài Côn chăng?
Đặng Văn Long đáp:
- Trương tướng quân thật là tuổi trẻ tài cao. Ý của tôi chính là như vậy.
Nói rồi Đặng Văn Long và Trương Văn Đa vào Trường Đồn lập đồn lũy canh phòng cẩn mật, đồng thời sai quân mang lệnh cho quân các trấn Châu Đốc, Hà Tiên, Trấn Giang (Cần Thơ), Ba Thắt kíp bảo tòan lực lượng đem quân về hội ở Trường Đồn (Mỹ Tho) Nói về thủy quân Tiêm La tiến đến đâu, quân Tây Sơn lui đến đấy. Tiến một mạch đến Đông khẩu gặp lúc trời tối liền dừng quân đóng trại. Trong đại bản doanh Chiêu Tăng tự đắc nói với chúa tôi Nguyễn Phúc Ánh:
- Tôi nghe chúa Nguyễn vương nói rằng quân Tây Sơn rất mạnh, thế mà quân ta tiến sang giặc chỉ lui mà không dám đánh, chẳng mấy chốc đã chiếm hết cả một vùng đất rộng lớn từ sông Tiền Giang trở vào. Chẳng qua là do chúa tôi Nguyễn vương không có người tài mà thôi, chứ quân Tây Sơn đối với quân Tiêm ta thật là hữu danh vô thực.
Nói xong cả cười. Phúc Ánh can:
- Xin tướng quân đừng nên khinh địch. Nguyễn Huệ đã đem đại binh về Quy Nhơn, chỉ để Trương Văn Đa và Đặng Văn Long trấn thủ đất Gia Định. Quân chưa đầy một vạn, nên Đa và Long mới dồn quân cố thủ Trường Đồn chặn đường tiến quân của ta về Sài Côn. Ấy là quân Tây Sơn đã có kế sách phòng thủ để chờ Nguyễn Huệ đem đại binh vào rồi phản công lại ta. Vậy tướng quân nên kíp phá giặc ở Trường Đồn. Ta chiếm được Trường Đồn coi như đã chiếm xong tòan cõi Gia Định. Xin tướng quân hãy khá tiến binh.
Chiêu Tăng cười lớn nói:
- Nguyễn Huệ tài cán gì mà xem ra chúa sợ Huệ đến thế, hãy thư thả cho quân ta nghỉ ngơi dưỡng sức. Chờ Nguyễn Huệ từ Quy Nhơn kéo vào, bấy giờ ta mới tiến đánh bắt hết cả, khỏi phải nhiều lần nhọc sức thế chẳng hơn sao?
Chúa tôi Phúc Ánh thấy Chiêu Tăng không nghe lời mình, đành về doanh trại chờ quân Tiêm La muốn đánh lúc nào thì đánh chớ chẳng biết phải làm sao. Chiêu Tăng, Chiêu Sương thả quân hãm hiếp đàn bà con gái, cướp bóc vơ vét của cải dân lành. Dân chúng phải bỏ làng mạc trốn vào bưng biền rừng rậm, tiếng oán than vang dậy đất trời. Nguyễn Phúc Ánh nghe tin ấy liền sang doanh trại Chiêu Tăng nói:
- Thưa tướng quân, lẽ được thua là cốt ở lòng dân. Quân ta chỉ tiến một mạch chiếm được nữa đất Gia Định. Quân Tây Sơn chỉ lui mà không dám phục binh chặn đường tiến binh của ta, vì sợ rằng nếu phục binh sẽ bị nhân dân tố giác. Nay tướng quân thả binh sĩ cướp bóc của dân, trong thì quân khinh nhờn binh pháp, ngoài thì trăm họ oán ghét làm sao mà thắng giặc cho được. Xin tướng quân xét lại.
Vẻ không hài lòng hiện ra nét mặt, Chiêu Tăng bảo:
- Vậy tôi hỏi chúa, vua tôi sai tôi kéo năm vạn binh sang đây biết bao nhiêu là nhân mã, khí giới quân lương để được cái gì? Nếu chỉ để đưa chúa lên ngai vàng mà thôi, thì ai làm vua ở nước Nam này chẳng được, việc gì mà nước tôi phải nhọc sức? Binh pháp có nói làm tướng giỏi thưởng phạt phải nghiêm minh. Nay binh sĩ có công mà không thưởng thì sao cho họ hết lòng đánh giặc. Nếu không để quân ta cướp của dân, vậy nhà chúa lấy gì để nuôi quân và thưởng cho binh sĩ của ta đây?
Phúc Ánh nghe Chiêu Tăng nói càn như thế, đành bấm bụng ra về than cùng các tướng:
- Quân Tiêm La ngày càng tàn ác, e rằng mất lòng dân thật bất lợi cho ta!
Lúc Nguyễn Phúc Ánh dẫn quân Tiên La về nước, Ngô Tùng Châu và Gia Định tam gia là Ngô Nhơn Tĩnh, Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định kéo đến theo phò. Nghe Phúc Ánh than thở Ngô Tùng Châu bước ra thưa rằng:
- Nhân dân Gia Định vẫn một lòng chung với chúa. Cướp bóc của nhân dân là tội của quân Tiêm La, trăm họ có oán là oán quân Tiêm La, cớ gì oán chúa được.
Lê Văn Quân bàn:
- Nếu ta cứ lệ thuộc quân Tiêm mãi ắt họ muốn làm gì thì làm. Nay quân của ta mộ được đã đến hai ngàn người, vậy thần xin đem thủy binh tiến đánh Trường Đồn. Ắt Chiêu Tăng sẽ cho quân theo giúp, nhờ vậy mà quân Tiêm sẽ không đựơc rảnh rang cướp bóc của nhân dân.
Ngô Tùng Châu hỏi:
- Hiện quân Tiêm La đang ham lợi mà quên nghĩa vụ lân bang. Vậy lấy gì làm chắc rằng họ sẽ cho quân theo giúp? Nếu họ không giúp thì hai ngàn quân của ta đi đánh Trường Đồn khác gì lấy trứng mà chọi đá. Nếu họ không giúp, ta lại không dám tiến quân e Chiêu Tăng lại cười ta là nói khoác mà thôi.
Lê Văn Quân ung dung nói:
- Xin chúa thượng hãy sai người sang nói với Chiêu Tăng rằng ngày mai quân ta sẽ tiến về Trường Đồn đánh Tây Sơn. Nếu Chiêu Tăng không cử tưởng theo giúp, Lê Văn Quân thần xin dâng đầu trước án.
Nguyễn Phúc Ánh ngẫm nghĩ thầm rằng: “Lê Văn Quân một lần bảo ta tham sang phụ khó, một lần bảo ta bán nước cầu vinh, ta đang muốn giết đi mà không có cớ gì. Nay ta cứ theo kế của nó, nếu đúng như thế thì ta đỡ mang tiếng với dân. Nhược bằng không thì ta đã giết được nó vậy”. Nghĩ xong Ánh cả mừng nói:
- Được! Cứ y theo lời Văn Quân mà làm. Nếu Chiêu Tăng không giúp, ta tất không thể tiến binh, thì ta kể tội ngươi tự ý làm để quân Tiêm không cười ta được. Khi ấy ngươi có chết cũng đừng oán ta đấy nhé.
Lê Văn Quân đáp:
- Phận làm tôi tận trung vì chúa, chẳng dám oán hờn.
Nguyễn Phúc Ánh liền viết thư sai người sang doanh trại quân Tiêm báo cho Chiêu Tăng biết ngày mai sẽ xuất binh. Chiêu Sương bàn với Chiêu Tăng:
- Nay chúa tôi Nguyễn vương nóng lòng xuất binh, ngày mai họ tiến đánh Trường Đồn. Nguyễn vương chỉ có hai ngàn quân trong tay nếu để họ thua quân Tây Sơn mà chết hết thì lấy ai làm hướng đạo cho ta. Sau đó nếu quân Tây Sơn lại tiến đánh ta, ta không rành địa hình thì biết tiến thủ thế nào?
Chiêu Tăng cười bảo:
- Phúc Ánh chỉ giả vờ làm thế để buộc ta phải tiến đánh mà thôi, chứ làm gì dám mạo muội xuất quân. Ta cứ án binh bất động cướp của chở về nước, xem thử ngày mai Phúc Ánh có dám tiến quân chăng?
Chiêu Sương nói:
- Hiện vùng đất từ sông Tiền Giang trở vào quân ta vơ vét của cải chở về nước cũng đã hết. Vả lại Phúc Ánh vì sợ mang tiếng với dân e cùng đường liều lĩnh. Nếu chúa tôi Phúc Ánh chết cả thì ta không người hướng đạo cũng thật bất lợi. Vậy ngày mai tôi xin đem quân giúp Nguyễn vương tiến đánh Tây Sơn. Chiếm được đất mới ta có lợi mới, lại có ơn với chúa tôi họ. Chẳng phải là nhất cử, lưỡng tiện hay sao?
Chiêu Tăng khen phải, liền sai người sang báo cho Phúc Ánh ngày mai hội quân tiến đánh Tây Sơn. Được tin, Phúc Ánh liền tự tay rót rượu thưởng Lê Văn Quân, Ánh nói:
- Lê tướng quân dám lấy cái chết bảo đảm bày kế hay cho chúa. Ly rượu này thưởng cho lòng trung của tướng quân.
Lê Văn Quân bưng rượu uống cạn. Ánh rót ly thứ hai nói:
- Ly rượu này thưởng cho tướng quân bày diệu kế khiến Chiêu Tăng phải chịu xuất binh đánh Tây Sơn.
Lê Văn Quân liền uống cạn. Ánh rót ly thứ ba:
- Nhờ kế của tướng quân nên muôn dân thoát cảnh bị quân Tiêm cướp bóc. Ly rượu này ta thay mặt bá tánh cảm tạ Lê tướng quân.
Lê Văn Quân cạn nốt ly thứ ba. Ánh lại truyền:
- Nay ta phong Chu Văn Tiếp làm Binh Tây đại đô đốc, Lê Văn Quân làm phó tướng chuẩn bị ngày mai hợp quân cùng Chiêu Tăng phá giặc.
* * *
Lúc bấy giờ có một tên quân Nguyễn quê quán ở Hà Tiên bị quân Tiêm La hãm hiếp vợ mình đến chết nên đem lòng oán hận. Nhận biết được việc liên minh Tiêm, Nguyễn dự trù đánh Tây Sơn, trong đêm ấy tên quân bèn trốn sang doanh trại Tây Sơn ở đồn Trà Tân cách thành Trường Đồn hai mươi dặm bẩm báo.
Lúc ấy Đặng Văn Long và Trương Văn Đa đang thị sát đồn Trà Tân. Hay tin ấy Đặng Văn Long nói với Văn Đa:
- Tướng quân hãy sai Đô úy Đặng Văn Trấn về Quy Nhơn cấp báo cùng hoàng thượng xin viện binh. Tôi và ông đem quân mai phục ở rạch Mân Thít chờ giặc đến đổ ra mà đánh để làm tiêu hao lực lượng và chặn đường tiến quân của địch.
Trương Văn Đa liền viết mật thư sai Đô úy Đặng Văn Trấn về Quy Nhơn cấp báo. Đặng Văn Trấn nói:
- Tôi thân làm tướng ngoài biên ải giặc đến chưa kịp đánh đã được lệnh tướng quân rút một mạnh về đây. Nay hai tướng đã đến những tưởng được ra trận đánh giặc cứu dân báo quốc, nào ngờ lại bị sai về Quy Nhơn đưa thư. Việc đưa thư thì thiếu chi người sao lại sai tôi?
Văn Đa an ủi Đặng Văn Trấn rằng:
- Ta thừa biết lòng trung dũng của Đô úy cũng như tòan quân ta trước cảnh non sông đang bị giặc xâm lăng tàn phá. Nhưng ngoài việc đưa thư Đô úy còn phải trình bày tình hình chiến sự của quân ta và quân địch ở Gia Định. Nếu không phải Đô úy thì ai làm được việc này? Đợi Long Nhương tướng quân kéo đại binh vào đây, ông đi theo đánh giặc Tiêm nào đã muộn gì?
Đặng Văn Trấn nghe xong vỡ lẽ liền lãnh thư đi ngay. Trong đêm ấy Đặng Văn Long và Trương Văn Đa đem chiến thuyền mai phục ở các rạch nhỏ trên sông Mân Thít chờ quân Tiêm Nguyễn.
Nói về quân Nguyễn do Chu Văn Tiếp và Lê Văn Quân thống lãnh, được tướng Tiêm là Thát Si Đa đem năm ngàn quân và năm mươi chiến thuyền đi sau phô trương thanh thế, liên quân Tiêm Nguyễn ào ạt theo sông Tiền Giang tiến xuống. Vừa đến sông Mân Thít bỗng nghe pháo lệnh nổ vang, quân Tây Sơn dùng thuyền nhỏ xông ra. Bên phải Trương Văn Đa thống lĩnh, bên trái Đặng Văn Long chỉ huy đổ ra đánh rất hăng. Tướng Tiêm La là Thát Si Đa trông thấy liền nói với tả hữu:
- Cứ để hai bên đánh nhau, đợi Tây Sơn đem thuyền lớn xung trận bấy giờ ta sẽ tiến binh.
Nói xong Thát Si đa truyền quân dừng thuyền ở ngoài xa thị chiến. Khi ấy tướng Nguyễn là Chu Văn Tiếp nói với Lê Văn Quân:
- Ta đã lọt vào trận mai phục của giặc Tây Sơn, tôi và ông chia quân làm hai cánh chống đỡ. Lát nữa quân Tiêm trợ chiến ắt giặc phải tan.
Nói rồi Lê Văn Quân đón đánh Đặng Văn Long, Chu Văn Tiếp chận Trương Văn Đa cự chiến. Hai bên đánh nhau dữ dội. Quân Nguyễn thúc quân khua chiêng, quân Tây Sơn đốc binh nổi trống tiếng hò reo rền trời. Chu Văn Tiếp thấy tướng Tây Sơn là phò mã Trương Văn Đa tuổi còn rất trẻ mặt trắng môi son nghĩ thầm rằng: “Thằng con nít này thúc quân đánh hăng quá, nếu ta không giết nó e binh ta phải bại trận.”. Nghĩ xong bèn tiến lên áp sát thuyền Trương Văn Đa. Trương Văn Đa trông thấy thuyền quân Nguyễn cờ đề bốn chữ “Lương sơn tá quốc” lại có đại kỳ đề “Bình Tây đại Đô đốc”, Đa nghĩ thầm rằng: “Ta nghe nói Chu Văn Tiếp khởi binh ở núi Trà Lương nên trương cờ Lương sơn tá quốc. Tá quốc sao còn rước giặc Tiêm La về dày xéo non sông? Quân Tiêm La sang tàn hại dân ta, cũng do thằng bất tài tham công này gây ra. Phen này ta quyết giết chết nó trừ hại cho dân”. Nghĩ xong chờ thuyền Chu Văn Tiếp đến gần, Đa quát hỏi:
- Thằng giặc kia, mày có phải là Chu Văn Tiếp đó chăng?
Tiếp trợn mắt hét:
- Thằng con nít kia đã biết oai ta sao không xưng danh rồi chịu chết?
Đa nạt:
- Xưng danh với thằng cầu viện ngoại bang buôn dân bán nước như ngươi ta thật lấy làm xấu hổ. Nhưng ta e rằng lát nữa chết đi xuống âm phủ gặp ba anh em ngươi hỏi ngươi bị ai giết lại không biết đường trả lời thì cũng tội cho ngươi. Hãy lắng tai mà nghe cho ro, ta là Tây Sơn phò mã Trương Văn Đa quyết giết loài chó săn như ngươi đây.
Chu Văn Tiếp nghe lời nhục mạ khí uất xông lên. Lại nghe danh xưng là phò mã Trương Văn Đa, Tiếp chợt nhớ đến mùa xuân năm trước dùng hỏa công bị gió thổi ngược, em mình là Chu Đoan Chân cũng bị người xưng phò mã Trương Văn đa giết chết. Không dằn được lửa hận, Tiếp hét vang vung đao nhảy qua thuyền địch. Văn Đa chờ Tiếp vừa đáp xuống sàn thuyền liền đâm một thương nhằm giữa bụng. Đa rút thương, Tiếp té nhào xuống nước. Bộ tướng của Tiếp là Phạm Văn Sĩ nghĩ thầm: “Tướng Tây Sơn thằng nào cũng giỏi võ. Đến thằng con nít này cũng múa thương như rồng bay phượng múa. Năm trước quân Pháp Lang Sa là Mạn Hòe bị Nguyễn Huệ đánh chết ở Thất Kỳ Giang ta có lấy được một cây súng dài. Để ta bắn xem nó có đỡ gạt được không?”
Nói rồi lấy súng nạp đạn mà bắn. Trương Văn Đa trúng đạn bị thương, liền hối quân đánh trống thu binh.
Nhờ vậy Phạm Văn Sĩ sai quân vớt được Chu Văn Tiếp lên thuyền. Khi ấy bên trái Đặng Văn Long thúc quân đánh rát quá, quân Nguyễn chết rất nhiều. Lê Văn Quân chống không nổi lại chẳng thấy quân Tiêm La trợ chiến bèn truyền lui quân. Thát Si Đa đang ở xa thị chiến, thấy thuyền Tây Sơn toàn là thuyền nhỏ mới truyền lệnh tiến quân cứu quân Nguyễn. Đặng Văn Long thấy tướng kỳ trên thuyền quân Tiêm, lại thấy một viên tướng đứng trên thuyền ấy, cạnh những thùng gỗ lớn. Đăng Văn Long nghĩ thầm: “Mấy thùng gỗ kia chắc là thùng thuốc súng chăng?”. Nghĩ rồi rút tên lửa nhắm vào thùng ấy mà bắn. Tên lửa bắt thuốc súng cháy bùng lên. Thát Si Đa đứng gần đó bị lửa táp cháy áo phồng mình liền nhảy xuống sông. Chiếc soái thuyền của Thát Si Đa cháy rụi. Quân Tiêm La vớt Thất Si Đa lên thuyền, mình mẩy đều phồng hết cả đau đớn rên la. Hai bên đều đánh trống thu binh.
Nhắc lại Phạm Văn Sĩ vớt Chu Văn Tiếp lên thuyền thấy máu loang đỏ cả vạt áo. Văn Sĩ liền cởi áo Chu Văn Tiếp băng bó vết thương ở bụng Tiếp. Văn Sĩ lo lắng hỏi:
- Đại đô đốc thấy trong người thế nào?
Chu Văn Tiếp ngồi bật dậy hét lên:
- Trời chưa cho ta bình Tây tặc hay sao?
Văn Tiếp hét to quá đến nỗi ruột lòi ra ngoài vết thương nơi bụng mà chết. Phạm Văn Sĩ ôm thây khóc mãi không thôi, rồi cùng Lê Văn Quân và Thát Si Đa lui binh về đại bản doanh ở Đông khẩu (Sa Đéc).
* * *
Nói về tướng Tây Sơn là Trương Văn Đa bị thương cùng Đặng Văn Long thu binh về đồn Trà Tân.
Đặng Văn Long bàn với Trương Văn Đa:
- Nay quân Tiêm Nguyễn cả thủy lẫn bộ hùng binh năm vạn, quân ta ở đồn Trà Tân này có mấy ngàn người. Vả lại tướng quân bị thương. Theo tôi ta nên bỏ đồn Trà Tân lui về cố thủ Trường Đồn mới là thượng sách.
Trương Văn Đa vung tay hỏi:
- Tôi chỉ bị thương ở vai nào có hề hấn gì mà Đặng tướng quân phòng ngại. Vả chăng giặc tiến ta lại lui. Nếu bỏ đồn Trà Tân, giặc lại tiến đánh Trường Đồn ta lui nữa hay sao?
Long ôn tồn nói:
- Trường Đồn thành cao hào sâu. Quân Tiêm Nguyễn muốn đánh chỉ có hai con đường độc đạo mà thôi. Một là đường bộ từ Trà Tân tiến xuống, hai là đường thủy theo sông Tiền Giang đánh tới. Trương tướng quân lãnh bộ binh về giữ Trường Đồn, tôi đem thủy binh án ngữ sông Tiền Giang, thì giặc không dễ gì đánh được. Nếu chúng đến đánh, ta chỉ có chết chẳng có lùi. Nếu Trường Đồn mà mất, thành Sài Côn dinh Phiên Trấn không thể nào giữ nổi.
Bàn bạc xong Đặng Văn Long và Trương Văn Đa lệnh quân chuẩn bị quân trang để ngày mai bỏ đồn Trà Tân lui về cố thủ Trường Đồn. Chẳng ngờ dân chúng trong vùng hay tin đó, trong đêm ấy rủ nhau kéo đến đồn Trà Tân xin gặp quan trấn thủ. Đặng Văn Long và Trương Văn Đa nghe báo liền ra trước dân hỏi:
- Đang đêm các người kéo đến đây có việc gì?
Một cụ già bước ra đáp:
- Quân Tiêm La đi đến đâu cũng tàn sát người già, con nít, hãm hiếp đàn bà con gái, cướp bóc của cải dân lành. Nay tướng quân định bỏ đồn mà đi, thì quân Tiêm kéo đến chúng tôi ắt là phải chết. Xin tướng quân hãy ở lại đánh giặc. Nhân dân chúng tôi già trẻ lớn bé xin tình nguyện làm lính đánh quân Tiêm La.
Dân chúng đồng thanh hô vang:
- Xin tướng quân ở lại đánh giặc! Xin tướng quân ở lại đánh giặc!
Chờ dân chúng lặng im, Đặng Văn Long ứa nước mắt nói:
- Nguyễn Phúc Ánh rước giặc Tiêm La về tàn hại dân ta. Hiện binh của chúng đông hơn ta gấp bội, đồn Trà Tân lại trống trải không thể giữ được lâu dài, nên tôi định lui về cố thủ Trường Đồn, chờ Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đem đại binh vào sẽ đánh đuổi chúng đi. Xin bá tánh hiểu cho, chúng tôi không phải là sợ giặc, chỉ tránh thế mạnh giặc lúc đầu để bảo toàn lực lượng mà thôi.
Dân cùng nói:
- Nếu tướng rút quân về Trường Đồn, dân chúng tôi đành phải bỏ xóm làng theo về thành Trường Đồn lánh nạn vậy.
Nói rồi dân chúng chạy về nhà thu dọn hành lý, già trẻ lớn bé gồng gánh dắt dìu nhau chạy về thành Trường Đồn. Trương Văn Đa nói với Đặng Văn Long rằng:
- Nay dân chúng bỏ làng mạc theo quân ta. Vậy tôi và ông phải tạm thời ở lại trấn thủ Trà Tân chờ khi dân chúng đến nơi rồi ta sẽ rút binh sau.
Đặng Văn Long gật đầu bảo:
- Sáng ngày mai quân Tiêm Nguyễn sẽ tiến đánh ta. Ắt đêm nay chúng sẽ cho quân do thám đến gần đồn dò xét. Vậy ta dùng kế nghi binh, giặc tạm thời sẽ không dám tiến quân.
Trương Văn Đa hỏi:
- Sao tướng quân dám chắc rằng ngày mai chúng sẽ tiến đánh ta?
Văn Long trầm ngâm đáp:
- Chu Văn Tiếp bị tướng quân đâm chết. Thát Si Đa bị tôi đốt cháy khắp mình. Chiêu Tăng tất nổi giận mà đánh báo thù. Ngặt vì đêm nay nước thủy triều đang lớn, chúng tiến xuống sẽ ngược dòng nước chảy. Rạng sáng ngày mai nhân lúc nước rút chúng sẽ xuôi dòng tiến đánh quân ta. Ngay bây giờ ta cứ làm như vầy… như vầy… Nguyễn Phúc Ánh ắt sợ mà khuyên Chiêu Tăng án binh bất động dò xét thực hư. Khi ấy nhân dân quanh vùng đã về đến Trường Đồn rồi. Bấy giờ ta có rút binh cũng chẳng muộn gì.
Trương Văn Đa khen:
- Long Nhương tướng quân thật là sáng suốt mới để Đặng tướng quân ở lại cùng tôi trấn đất Gia Định.
Nói xong Trương Văn Đa đến các doanh trại bộ binh. Đặng Văn Long xuống nơi thủy trại. Hai người bảo quân sĩ đồng thanh hô lớn:
- “Long Nhương tướng quân đã đến. Quân Tiêm Nguyễn ắt phải tan. Long Nhương tướng quân đã đến. Quân Tiêm Nguyễn ắt phải tan”.
Trong đêm tĩnh mịch tiến hô vang dội xa hàng mấy dặm.
* * *
Nói về Nguyễn Phúc Ánh ở Đông khẩu nghe tin quân bại trận, Đô đốc Chu Văn Tiếp bỏ mạng, Thát Si Đa bị thương bỏng nặng. Phúc Ánh ôm thây Tiếp khóc rằng:
- Thương thay Chu Văn Tiếp, khi thì từ Phú Yên vào Gia Định giúp chúa, khi thì lặn lội sang Tiêm Quốc viện binh. Nhà có bốn anh em đều vì ta mà chết cả. Ôi thương thay Chu Văn Tiếp!
Khóc rồi sai quân mai táng trọng thể. Chiêu Tăng thấy Thát Si Đa bị bỏng khắp mình nổi giận quát rằng:
- Lũ giặc cỏ Tây Sơn dám đốt tướng của ta. Nay ta sai Chiêu Sương đem một vạn thủy binh tiến đánh thủy trại của giặc, và Lục Côn, Sa Uyển đem một vạn bộ binh tiến đánh đồn Trà Tân. Vậy phiền chúa hãy cho tướng theo dẫn đường.
Phúc Ánh mừng rỡ nói:
- Tướng quân tiến đánh Tây Sơn là may cho tôi lắm, việc dẫn đường nào có khó gì.
Nói xong Ánh bảo tướng của mình rằng:
- Nay ta phong Lê Văn Quân thay Chu Văn Tiếp làm Bình Tây đại đô đốc, dẫn đường binh thủy đánh Tây Sơn. Phong Lê Văn Duyệt làm tả quân đô đốc dẫn đường binh bộ đánh Trà Tân.
Phúc Ánh và Chiêu Tăng phân công đâu đó xong xuôi chờ ngày mai xuất kích.
Rạng sáng hôm sau quân Tiêm Nguyễn, thủy bộ hai đạo hàng ngũ chỉnh tề chờ nước xuống sẽ xuất quân. Bỗng quân do thám hớt hải về báo rằng:
- Thưa chúa thượng, quân Tây Sơn trong đồn Trà Tân và thủy trại trên sông Tiền Giang đồng hô vang rằng: “Long Nhương tướng quân đã đến, quân Tiêm Nguyễn ắt phải tan”. Chúng tôi nghe thấy vội về báo cùng chúa thượng được rõ.
Phúc Ánh giật mình nói với Chiêu Tăng:
- Nay Nguyễn Huệ đã đem đại binh vào đến Trà Tân ắt là đã có phòng bị. Theo ý tôi, ta nên dồn binh dò xem thực lực của Huệ thế nào rồi xuất binh tiến đánh.
Chiêu Tăng cau mày bảo:
- Lúc ta chưa muốn tiến binh thì chúa hối thúc để đến nỗi tướng của ta bị cháy bỏng khắp mình. Nay ta muốn đánh báo thù thì chúa lại ngăn trở là ý làm sao? Thì ra là chúa sợ Nguyễn Huệ đến thế ư?
Ánh chống chế:
- Chẳng phải là tôi sợ Nguyễn Huệ không dám tiến binh. Nhưng binh pháp có câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng.”. Quân Tây Sơn có Nguyễn Huệ thật là kiệt hiệt đa mưu túc trí, dùng binh rất lạ không ai có thể lường trước được. Nhớ năm xưa ở sông Lại Dương hắn bày mưu đốt lửa ngăn sông, chỉ dùng có năm ngàn quân tiêu diệt ba vạn quân ta do Tôn Thất Hương thống lĩnh. Rồi ở thành Phú Yên, hắn cũng chỉ dùng năm ngàn binh lập kế nghi binh đánh tan hai vạn quân ta do Tống Phước Hiệp chỉ huy. Sau đó hắn ba lần đem quân vào Gia Định, lần đầu bắt sống hai chúa Thái thượng vương và Tân chính vương. Lần thứ hai đốt cháy tàu quân Pháp Lang Sa sang cứu viện cho ta. Lần thứ ba đốt thuyền Chu Văn Tiếp ở Thất Kỳ Giang. Hắn lại biết trước tôi thế nào cũng chạy ra Phú Quốc mới sai tướng phục sẵn nơi đảo này, tôi chạy thoát sang đảo Côn Lôn, tướng của hắn là Trương Văn Đa, đem chiến thuyền vây đảo. May nhờ trời giúp cho tôi, nổi gió đánh đắm gần hết thuyền giặc nên tôi mới thoát chết sang cầu viện Tiêm vương. Nay hắn lại kéo đại binh vào đây, ta không thể không đề phòng. Xin tướng quân nghĩ lại.
Chiêu Tăng nghe Ánh nói xong bực mình bảo:
- Truyền lệnh ta bãi binh. Sai quân do thám tình hình quân địch xem sao rồi sẽ liệu.
Nói xong Chiêu Tăng quày quả ra về đại bản doanh. Bên doanh trại Tây Sơn, Trương Văn Đa nghe tin ấy khen Đặng Văn Long:
- Quả đúng như tướng quân dự đoán. Quân Tiêm Nguyễn không dám tiến binh. Đặng tướng quân thật liệu việc hơn người.
Văn Long nhún nhường nói:
- Trương tướng quân khen quá lời, tôi nào có tài cán gì. Chẳng qua ấy là nhờ uy danh của Long Nhương tướng quân mà thôi.
Nói xong Trương Văn Đa và Đặng Văn Long bỏ đồn Trà Tân đem binh lui về giữ Trường Đồn.
(Hết chương 31)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét