Nguyễn Thị Xuân Hương
Hình ảnh bà in đậm mãi trong tâm khảm tôi với chiếc váy đụp vải thâm đen, chiếc yếm nâu như một tấm vải hình quả trám che trước ngực. Cổ yếm khoét tròn rất khéo, vừa khít với vòng cổ và được may vào đó hai dải yếm buộc sau gáy và hai sợi buộc ngang lưng…
Bà tôi, một cụ già có mái tóc bạc phơ, khuôn mặt hiền từ phúc hậu. Bà có một cái quán nhỏ dưới gốc đa gần ngay cổng chợ Làng bên dòng sông Lô nước trong xanh hiền hòa bốn mùa phẳng lặng. Người dân ở đây ai cũng biết khi xưa bà là một cô gái Hà Nội đã cùng chồng về nơi đây lập nghiệp.
Tôi sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và ông bà nội. Bà nâng niu, bồng bế, chiều chuộng chăm chút tôi như chăm chút một đóa sen non mảnh mai, yếu ớt. Tôi được sinh ra ở vùng quê này, miền đất trung du nơi rừng cọ đồi chè bát ngát cùng tiếng sóng vỗ dịu êm của bến nước Lô Giang.
Từ nhỏ bà và người thân trong gia đình đều yêu chiều cưng nựng gọi tôi bằng cách gọi con của nhà giàu nơi thành phố: “Tiểu thư”. “Tiểu thư”, tôi chả hiểu gì cả? Chỉ biết lúc tuổi thơ da tôi đen nhẻm, tóc khét nắng vì suốt ngày đầu trần chân đất chạy long nhong theo các bạn chăn trâu trong làng rong thả trâu ngoài bãi bồi ven sông và chạy theo cánh diều lửng lơ trên triền đê cả chiều mà không biết mệt.
Tôi không hiểu “Tiểu thư”có ý nghĩa gì trong cách gọi thân mật của mọi người trong nhà, nó khác với cách gọi của người dân trong làng với lũ trẻ như con Na, con Mận, con Bống, con Hồng… Nên tôi không lấy làm thích lắm. Tôi ngang bướng và nghịch ngợm, nhiều hôm khiến mẹ rất giận, mẹ mắng và dọa mách bố đánh đòn. Ngược lại, mỗi lần như vậy bà lại ôm tôi vào lòng thủ thỉ: “Tiểu thư của bà là một cô bé nết na, dịu dàng, ngoan ngoãn đúng không”? Hai hàng nước mắt nóng hổi lăn dài trên má, tôi vừa nức nở vừa gật đầu như công nhận lời bà nói “Tiểu thư là cô bé dịu dàng, nết na, ngoan ngoãn”…
Buổi tối, vòm trời tím sẫm, nhấp nháy ngàn vạn ánh sao chảy hiền hòa trên dải ngân hà. Rồi những đêm trăng thanh gió mát, hai bà cháu kê chiếc chõng tre bố tôi làm ra ngoài hiên nhà nằm hóng mát. Tôi co ro nằm gọn trong lòng bà như chú mèo con cuộn tròn trong đống tro bếp. Bà nội phe phẩy chiếc quạt làm bằng lá cọ bánh tẻ của vùng đất trung du được phơi nắng sớm mai và ép bằng viên gạch chỉ. Tay bà đưa đều đều, đều đều theo lời hát câu ca dao quen thuộc:
Cô về Yên Phụ hôm rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua.
Bà tôi, thời xưa là một cô gái xinh đẹp nết na của làng Yên Hoa (Yên Phụ) huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (Nay là phường Yên Phụ thuộc quận Tây Hồ - Hà Nội) nơi có làng nghề trồng hoa và làm hương nổi tiếng. Nghe bà kể về làng hoa nhiều lần nhưng sao tôi vẫn không thể hình dung hết được các loại hoa bà thích. Có lẽ tôi chỉ nhận ra một điều bà tôi rất yêu quý hoa sen. Từ khi tôi nhận biết, gọi tên được các sự vật xung quanh, tôi đã thấy ngay trong khoảng sân nhà được đặt một chậu hoa rất lớn. Chậu chứa bùn ao và lúc nào cũng ăm ắp nước, ông tôi trồng vào đó vài chục khóm sen đem từ Hồ Tây về. Ông tôi bảo đó là hoa của bà, đến mùa hạ, sen nở rộ để bà vui, bà đỡ nhớ Hồ Tây.
Hình ảnh bà in đậm mãi trong tâm khảm tôi với chiếc váy đụp vải thâm đen, chiếc yếm nâu như một tấm vải hình quả trám che trước ngực. Cổ yếm khoét tròn rất khéo, vừa khít với vòng cổ và được may vào đó hai dải yếm buộc sau gáy và hai sợi buộc ngang lưng. Buổi tối, bà nội thường chỉ mặc mỗi cái yếm để hở trần bờ vai ngồi xay bột nước bên cái cối xay bắng đá có hai tầng, bà ngâm bột làm bún cả đêm để có hàng bán vào sáng hôm sau. Tôi thường được bà cho ngồi cạnh cầm cái gáo nhỏ múc từng gáo nước mưa trong veo đổ vào cối gạo bà đang xay quay tít. Vừa làm bà vừa dạy tôi hát, sau này lớn lên tôi mới biết đó là lúc bà nhớ về Hồ Tây.
Chỗ quang chẳng mọc, mọc vào đám mây
Nước Hồ Tây biết bao giờ cạn
Nhị vườn đào biết vạn nào hoa
Đưa nhau một quãng đường xa
Hỏi thăm anh Tú có nhà Cửa Nam…
Bà tôi, người sống trong xã hội phong kiến quá nửa đời nên cách nói năng, ăn mặc, cử chỉ vẫn theo lối người xưa. Khi ra ngoài, đi chơi, đi chợ bao giờ bên ngoài chiếc yếm nâu cũng là chiếc áo cánh rồi áo tứ thân. Bà có một cái váy vải láng đen, chiếc áo lụa chồi và chiếc yếm màu mỡ gà rất đẹp, có lẽ đó là bộ xiêm y được may từ thời còn trẻ nhưng tôi không thấy bà mặc mấy lần. Có lần tôi hỏi, sao không thấy bà mặc bộ đó thì bà cười nói: “Bao giờ đến mùng 10 tháng 2 âm lịch bà về thăm chùa Trấn Quốc và dự lễ hội đình Yên Phụ, khi đó bà mới mặc”. Nghe bà nói mà lòng tôi ngậm ngùi, sống mũi cay cay… Giờ đã sang tháng 4 âm lịch rồi bà ơi!
Mười bảy tuổi, tôi rời xa bà và bố mẹ về Hà Nội học Đại học, vì không có khiếu văn chương nên tôi chọn thi vào khoa Toán của trường Sư phạm. Ngày đi nhập học, tôi chào bà, bà vui lắm nhưng bà không nói gì chỉ nắm chặt tay tôi. Biết bà thích hoa nên mỗi khi về thăm nhà tôi đều mua hoa từ Hà Nội đem về tặng bà. Tôi còn mua nhiều hạt giống hoa và cây con đem về trồng cho bà thích. Lòng yêu thích hoa của bà đã truyền sang tôi từ khi nào cũng không biết nữa, chỉ biết rằng, mỗi khi ở nhà, ngày nào thức dậy tôi cũng phải chạy ngay ra vườn để ngắm hoa. Ngắm mãi mà không biết chán.
Năm đó, trời tháng bảy mưa ngâu dầm dề. Mưa rả rích đêm ngày… Chậu sen trước sân nhà đã tàn lụi, mặt nước xanh đặc những bèo tấm. Bà ốm nặng, bố gọi điện báo tin. Tôi về thăm bà, đem theo một bó hoa sen thật to, những bông hoa sen cuối mùa của Tây Hồ mà bà hằng yêu thích. Bà đưa đôi bàn tay gầy guộc chai sạn, cả đời cần mẫn làm ăn và chăm sóc con cháu, nâng niu đóa hoa sen. Bà nắm chặt tay tôi mỉm cười sung sướng… Đêm đó bà đã ra đi trong hương thơm ngan ngát của sen Tây Hồ.
Nhanh quá, vậy mà đã 30 năm bà rời xa con cháu. Hôm nay, trước sân nhà, chậu sen Tây Hồ vẫn đơm bông và tỏa ngát hương thơm. 30 năm qua cảnh vật trong ngôi nhà vẫn không có gì thay đổi. Chậu sen và vườn hoa của bà vẫn được chăm sóc hàng ngày, hoa vẫn nở thắm tươi như ngày bà còn sống.
Ngày giỗ bà, cháu về và đem theo bó hoa sen thơm ngát của Hồ Tây. Mọi người đều nói cháu giống bà lắm, khuôn mặt hiền từ phúc hậu, dịu dàng nết na. Bà ơi! Trong lòng bà và mọi người, cháu luôn là cô tiểu thư dịu dàng, nết na, thùy mị… Trên thiên đàng chắc bà đang mỉm cười vui với cháu phải không?
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét