Cây bút trẻ Hoàng Khánh Duy
Bà nằm trên giường, ho sặc sụa. Mấy hôm rày trời trở lạnh nên cơn ho cứ tái đi tái lại, dai dẳng và khan. Cơn ho như muốn xé toạc mảnh phổi và đẩy vỡ lồng ngực lép kẹp chỉ còn miếng da mỏng bọc lấy khung xương của bà lão. Dứt cơn, bà thổn thức gọi “Miền ơi…”
Con Miền nghe ngoại gọi, hí ha hí hửng đi vào trong buồng, dụi đầu vào tay bà cụ. Nó chồm tay vuốt lại mớ tóc trắng sợi nọ xọ sợi kia, rối nanh rối bù của ngoại. Nó thích được ngoại dỗ dành, bồng bế như lúc còn tấm bé. Bây giờ ngoại già rồi, tay chân yếu ớt run rẩy, cầm cây củi mục còn rớt lên rớt xuống, huống gì ẵm một con bé đang lớn ngày ăn cả bát cơm đầy.
Ngày trước ngoại cũng qua bao lần sinh nở, cũng mấy mặt con. Lớn lên, đám con ngoại tứ tán đâu hết, bỏ ngoại. Họ còn sống hay đã chết ngoại cũng không rõ.
Ngoại đi bán vé số nhặt được con Miền ngoài đầu ngõ. Nó nằm lăn lóc trong sọt rác, mình mẩy ướt đẫm sương đêm. Thấy tội, ai bỏ thì ngoại ẵm về tắm rửa sạch sẽ, quấn khăn cho ấm, mua sữa bò cho con nhỏ uống. Ngoại nuôi nó từ đó, đặt tên cho con bé là Miền.
Mỗi ngày, trước khi ra quầy lấy vé số bán, ngoại tắm rửa sạch sẽ cho Miền, để nó ở nhà trông nhà. Thức ăn nước uống ngoại để sẵn trên bàn, đói thì ăn, khát thì uống, no nê thì nằm lăn ra sàn mà chơi. Chiều ngoại về ngoại lại bồng nó ra cái lu nước mát sau nhà tắm táp, xối lên mình nó từng gáo nước lạnh khoan khoái. Con Miền thích chí ngoe ngoe cái mông tận hưởng sự mát mẻ của nước.
Ngoại ăn gì, Miền ăn nấy. Có hôm ngoại đi bán về trễ, Miền ngồi trước cửa đợi ngoại. Thấy dáng ngoại thập thững ngoài ngõ, nó mừng húm, chạy ra quấn quít vào đôi chân run run của ngoại. Trời trở gió nên ngoại đau nhức triền miên, hôm nào về cũng nằm cả buổi mới lê chân xuống góc bếp nấu cơm.
Bây giờ ngoại bệnh, con Miền buồn lắm. Nó cứ nằm cạnh ngoại suốt, ngoại ho thì nó bật dậy dụi dụi vào cổ, vào ngực ngoại rồi nằm xuống gối đầu lên tay ngoại mà đánh một giấc pho pho. Ngoại bệnh, nó không đòi ăn. Đói nó tự chạy ra đầu ngõ tìm thức ăn, ở đó có mấy người hàng xóm tốt bụng quen mặt, thấy hai bà cháu con Miền tội nghiệp, có gì cũng mang qua cho ăn.
Ngoại vuốt vuốt Miền, nói khẽ:
- Tội nghiệp cháu tui, mai mốt ngoại chết bỏ con lại sao đành hả Miền?
Con Miền ư ư trong miệng, không nói. Con bé đâu biết nó, cứ im im suốt ngày. Vui thì “ư ư”, buồn thì “ư ử”, đói thì quấn riết vào ngoại.
Ngoại ngừng lại, ho một tràng rồi chép miệng, cổ họng ngoại đang rát bỏng đến chảy nước mắt.
- Tụi nó có ở đây, tao chết cũng ấm cúng. Ngặt nỗi tụi nó biệt tích, sống chết không biết. Tới nó về không biết còn thấy mặt ngoại không. Miền, mày nghe ngoại nói không, sao im lặng vậy?
Nó rên khẽ trong ngực như tiếng máy chạy. Rồi lấy tay nó khều khều tay bà cụ, trìu mến. Nhớ ngày nó còn nhỏ, ban đêm nó nằm lên tay nghe ngoại kể chuyện cổ tích Thạch Sanh chém chằn, chuyện cô bé “cột” khăn màu đỏ. Hứng chí ngoại nằm hát cải lương, cái tuồng “Tiếng trống Mê Linh” hồi còn trẻ ông ngoại hát cho ngoại nghe mấy lần mà ngoại “ưng cái bụng”, nên vợ nên chồng, đẻ mấy mụn con thì ông mất. Mấy đoạn vào vọng cổ, ngoại phải lấy sức co gân cổ lên mà hát, con Miền khoái nên “ư ử” theo. Ngoại vỗ đùi bộp bộp mỗi lúc xuống câu. Có hôm nửa đêm mà ngoại hát, bài nào cũng hát, có khi ngoại tự nghĩ ra lời rồi hát một mình, con Miền thức giấc, dụi mắt rồi cũng ư ư phụ họa cho ngoại. Hàng xóm ngủ không được chạy qua vỗ cửa réo ngoại: “Tối rồi không để ai ngủ nghê hết hả gì?”…
Người già khó ngủ.
Có đêm ngoại nằm trằn trọc mãi, cái bụng đói ran, kêu rột rột mà ngoại đâu có chịu ăn. Tự dưng ngoại chảy nước mắt, người già giọt lệ như sương mà sao mắt ngoại cứ rỉ hoài giọt nước, ướt gối. Ngoại nằm đó lòng bộn bề niềm riêng, ngoại nhớ ông, nhớ đám con của ngoại. Trời ơi, tụi nó giờ ở đâu mà biệt xứ, không biên cho ngoại lá thư để ngoại biết nó còn sống trên cõi đời này hay không. Hồi nó còn ở nhà, thằng con thì phá làng phá xóm, ngày nào người ta cũng gọi tên ngoại mà chửi mà nhiếc riết rồi quen, bây giờ vắng nó ngoại buồn chết đi được. Đứa con gái của ngoại – con Tuyền – hồi đó ốm tong ốm teo, ăn mãi không mập, đùng một cái bỏ ngoại đi tu ở tỉnh dưới, rồi cũng bặt tăm. “Con ơi là con!” – ngoại thổn thức trong lòng. Ngoại nhớ đứa con gái bất hạnh, về với đất sau một trận đậu mùa hoành hành. Tội nghiệp, nó chết trong đớn đau, mặt mày tay chân đầy mụn mủ vỡ nước lở ra từng quần đỏ hỏn. Ngoại phải lặn lội làm giấy tờ, xin đất trong khu nghĩa địa dành cho người nghèo để chôn cất con bé. Có lần ngoại ngồi tâm sự với Miền: “Tội con bé út lắm con, hồi nó còn sống ca hát om sòm, ngoại la hoài. Vậy mà mấy bữa sau nằm dưới nấm đất lạnh ngắt…” Nói đến đó, mắt ngoại tràn nước. Ngoại ngồi bật dậy, lấy tay vỗ bụp bụp vỗ cái lưng đau nhức mấy hôm nay. Già rồi, mấy chốc lại về với đất! Ngoại lay lay con Miền dậy, con Miền chồm dậy, cái mặt còn say ngủ, hai mắt nhiu nhíu nhưng cũng gáng.
- Ngủ không được con ơi, già rồi. Con cứ im lặng quài vậy Miền, nói gì với ngoại đi. À mà quên, mày đâu có biết nói. Tao khùng rồi, khùng rồi…
Ngoại ngồi ngáp dài ngáp vắn, ngủ gật xuống manh chiếu lúc nào cũng không hay. Còn con Miền đã say giấc tự bao giờ.
Trời trở lạnh, gió từng cơn rít mạnh lay mấy sợi dây leo ngoài gờ tường. Dây leo yếu ớt, bám trụ không nổi rồi cũng đứt rụng tơi bời. Gió thốc mạnh vào trong nhà qua mấy cái lỗ hổng, ngoại đã lấy giẻ rách che chắn mà gió vẫn len lỏi vào bên trong, lạnh tái tê…
Mấy hôm nay ngoại bệnh nên không ra quầy lấy vé số bán. Thấy vắng bà cụ, người chủ quầy gọi mấy đứa nhóc lại hỏi. Bà ngoại nằm thiêm thiếp trên giường, đắp ngang mình tấm mền cũng rách tươm đi theo thời gian. Con Miền ngồi kế bên, người nó run bật lên mỗi lần ngoại ho, tiếng ho khan khản khô khốc như cánh đồng mùa hạn, dội ngược vào lồng ngực. Cơn ho muốn xé nát cái tấm da mỏng tang bọc lấy khung xương ngực của bà.
Ngoại vỗ vỗ con Miền, nói khẽ:
- Hết chịu nổi rồi con ạ…
Con Miền hiểu ý, nó nép cái thân thể của mình vào cơ thể gầy còm của ngoại mà “ư ử”. Nó buồn, buồn hơn cả những lần ăn vụn con cá kho trên bàn bị bà ngoại quất mấy roi vào mông đau điếng làm nó giận ngoảnh cả buổi trời, ngoại phải ôm nó dỗ dành. Hồi đó bị đòn đau gần chết, còn bây giờ nó lại muốn bị đòn, muốn ngoại cầm roi đánh nó như cái ngày bà cụ còn khỏe mạnh, còn cầm nổi cây roi vắt lên vách nhà. Ngoại nằm một chỗ, cái bếp mấy hôm rày không nấu cũng lạnh tanh đi khiến con Miền chẳng buồn chui vào nằm co ro mà ngủ. Nó đi chơi nhặt được mẩu bánh mì, hộp cơm người ta ăn dở còn gói lại cẩn thận trong túi nilon, nó mang về cho ngoại. Mà ngoại có ăn được gì đâu, nằm trên manh chiếu, mắt ngoại lim dim. Thi thoảng ngoại hé hé đôi mắt kèm nhèm của mình nhìn sợi dây leo yếu ớt đang bám rễ ngoài gờ tường.
Cây dây leo mạnh mẽ qua bao ngày nắng nóng như lửa xối, vậy mà dập nát rồi rũ mình xuống dưới sau một đêm mưa gió.
Sáng nay, ngoại không còn ho nữa. Ngoại ngồi trên giường – chỗ ngoại vẫn thường hay ngồi nựng nịu con Miền mỗi lúc đi bán vé số về, chỗ hai bà cháu ngồi ăn bữa cơm rau cá đạm bạc. Hết bệnh, ngoại sẽ lại ẳm con Miền ra lu nước sau nhà tắm táp, rửa mặt, rửa tay chân cho sạch sẽ, gửi bác hàng xóm mua dùm con cá về kho tiêu thơm lựng cho con Miền bồi bổ.
- Miền ơi, lại ngoại ẵm nè con.
Ngoại gọi con Miền hai ba lần mà nó vẫn nằm im thin thít. “Con này hôm nay lạ” – Ngoại tự nhủ. Con Miền không còn nhìn thấy bà ngoại đang ngồi, không nghe được tiếng ngoại gọi, vĩnh viễn không thể nào nhìn thấy được, ngoại chạm vào nó, vuốt ve nó nó cũng không hay không biết gì. Ánh sáng mặt trời rọi vào trong gian nhà u tối qua mấy cái lỗ hổng mùa mưa ngoại thường nhét giẻ chằng chịt để chắn nước tạt vào.
Ngồi cạnh bên nhau mà tựa hồ như có một dòng sông xẻ đôi hai bờ thế giới.
Ngoại muôn đời nằm im. Bên cạnh một- con- mèo…
Ngoài kia, nắng vàng đã hửng. Vọng lại tiếng kẽo kẹt của những xe đẩy hàng, tiếng rao và khói nướng thịt xông vào bên trong thơm bát ngát. Ngoại không còn trên cõi đời này nữa. Trong giấc mơ ngoại bơi chiếc xuồng nhỏ, mái dầm khõa nước chở con Miền về bên kia dòng sông. Ở đó có hạnh phúc, có nói nói cười cười. Ở đó, ngoại không phải cực nhọc dầm mưa dãi nắng bán từng tờ vé số nuôi thân, không phải chịu những cơn ho sặc sụa rát bỏng như xé nát cổ họng. Đâu ai còn nhìn thấy hai bà cháu trong hình hài của khói sương bảng lảng mơ hồ. Ngoại ngồi dưới cội cây già xác lá tả tơi, vuốt bộ lông mềm mại của Miền. Bên kia bờ sông, ngoại và con Miền đang chuẩn bị cho một chuyến đi dài. Tìm…
H.K.D
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét