Sơn Trần
Cạnh quán nước bà Tư có mấy cây trứng cá mọc sát nhau, rợp mát cả khoảng đất rộng. Bà Tư kê vài bộ bàn thấp, cũ kĩ, mắc mấy chiếc võng làm nơi ngã lưng cho bọn công nhân hết ca chưa chịu về nhà hay mấy gã xe ôm nằm ngáp vặt đợi khách. Thỉnh thoảng cũng có mấy gã trai làng chài xả hơi giữa hai chuyến đi biển tụ tập uống rượu hay sát phạt nhau bằng mấy ván bài. Hàng ngày, đi làm chị đều ngang qua, và bao giờ cũng thế, chị không thoát khỏi ánh mắt đuổi theo kèm sau mấy câu chọc ghẹo của bọn họ. Chị cứ coi như không nghe thấy gì. Có hôm chị phải gồng mình ghé vô quán mua vài thứ lặt vặt, mặc kệ bọn họ nói này nói nọ.
Chị về làm ở công ti may đến nay đã hơn năm năm. Khoảng thời gian đủ để chị chôn đi những kỉ niệm buồn, cay đắng, để chị đủ niềm tin mà bảo bọc và yêu thương giọt máu của cuộc tình đầy ngang trái ấy. Chị trốn chạy tình yêu, đúng hơn là trốn chạy khỏi vùng đen sâu hoắm mà chị dần chìm vào. Tình yêu không có lỗi, chỉ có những con người dung dưỡng nó mới biết đúng hay sai mà thôi. Một cô gái nông thôn mới lớn, vô thành phố tìm kiếm vận may bằng công việc bình thường như bao công nhân khác, đã choáng ngợp trước người đàn ông từng trải, có địa vị. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười nhưng nào ngờ người đàn bà là vợ ông ta đứng trước phòng trọ chị một buổi sáng chủ nhật đã làm quả bóng tin yêu và chân thành trong chị xẹp xuống. Chị như bị ai hút hết hơi, khụỵ xuống, khóc lóc như một người điên. Người đàn bà ấy có học, lại yêu chồng rất mực, đối xử với chị như thể một người em gái vụng dại, mắc sai lầm. Nhẹ nhàng, từ tốn đến nỗi chị nghĩ mình đang mơ. Không một lời chửi bới, không một sự giành giật, không một tiếng van xin. Người đàn bà ấy giúp chị hiểu và ra đi trong sự hụt hẫng, chán chường nhưng êm đẹp. Đến nỗi, chị nghĩ rằng, nếu ông ta có đến tìm chị, thấy cửa phòng ỉm đóng, gọi điện không liên lạc được chắc cũng sẽ cho rằng chị đã phản bội, lìa xa không một lời từ biệt. Và chị đã trôi dạt về vùng đất này, không người thân thích, không bạn bè với cái bụng ngày càng nhô cao sau làn áo. Chị đã phải chật vật lắm mới xin được vào làm công nhân. Chị ở trong căn phòng trọ gần khu công nghiệp, nằm sâu trong con hẻm nhỏ, đường cát bỏng chân, bụi tung mù mịt. Chị đã nhiều đêm nằm khóc, nước mắt đã giúp chị phần nào rửa trôi muộn phiền. Mầm sống dần tượng hình trong bụng đã tiếp thêm sức mạnh giúp chị phải đứng dậy, sống tiếp…
Tiếng khóc nũng, đòi mẹ của cu Nam kéo chị về thực tại. Chị vụng về lau vội mấy giọt nước mắt đang lã chã rơi xuống, rồi chạy tới giường nằm xuống cạnh con. Thằng bé rúc vào nách mẹ, thiêm thiếp ngủ. Gió đêm cồn cào, thổi dạt trên mái tôn. Ánh trăng cuối tháng nhạt nhòa qua khe cửa lách vào soi rõ gương mặt bầu bĩnh của nó. Chị thấy chạnh lòng vì gương mặt ấy thân quen đến lạ. Chị biết rằng, nghĩ đến người đàn ông đó là nghĩ đến một quá khứ không êm đềm, đôi khi thấy mình có lỗi nữa. Nhưng hàng ngày nhìn con, nhìn những gì của ông ta hiện về qua dáng dấp, gương mặt của con thì tâm hồn chị ít nhiều xáo trộn. Chị từng nhủ lòng hãy xếp gọn quá khứ để sống với hiện tại và hướng đến tương lai. Nhiều lần chị nghĩ thế nhưng rồi những đêm buồn như đêm nay quá khứ lại hiện hình, đành hanh cõi lòng chị, khiến chị trào nước mắt.
Chị trở dậy khi trời còn mờ mờ đất. Hôm nay nghỉ, chị sẽ ra bến sớm tranh thủ mua ít cá tươi về bồi dưỡng cho con. Chị nhẹ nhàng khép cửa và nách cái rổ con bên mình. Ngang qua quán, thấy bà Tư đang lúi húi quạt than nướng bánh, chị hỏi vài câu lấy lệ. Bà Tư sốt sắng, bảo chị lát về ghé quán mang ít bánh về cho cu Nam. Chị gật đầu, cảm ơn rồi quày quả bước.
Bến lúc này đã đông đúc. Người mua kẻ bán chen chúc, xô đẩy. Có cả tiếng chửi rủa, sự giành giật. Chị đứng trên bậc đá cao nhìn với ra xa. Chiếc áo thun màu xám tro ôm sát người làm lộ đường cong duyên dáng. Gió sớm từng đợt thổi tung mái tóc chị, bay lòa xòa trước trán. Chị vẫn thản nhiên nhìn những chiếc thuyền neo đậu trên bến, đang dập dềnh theo sóng. Trên đấy là những ngọn đèn cũng lay động, chao qua chao lại theo sự lắc lư của con thuyền. Chợt, chị giật mình khi bóng người lướt qua và dừng trước mặt chị. Định thần lại, qua màn sương mỏng chị nhận ra anh- người đàn ông ít nói hay ngồi ở quán bà Tư vào buổi chiều với xị rượu và vài con khô. Chị chưa kịp cất lời, mà cũng không biết nói gì bởi sự xuất hiện đường đột của anh thì anh đã giật chiếc rổ từ tay chị:
- Đưa đây cho tôi. Cô muốn mua mực hay cá?
Nói xong, anh đã nhảy mấy bậc xuống bãi cát và tiến đến đám người đang chèo kéo, mua bán xôn xao.
Anh tên Tính, nhà trong xóm Mới định cư. Anh đã có vợ và một đứa con. Từ ngày dời nhà vô xóm Mới, trả đất cho khu công nghiệp, anh không còn đi biển nữa và vợ anh thì mất việc ở cơ sở chế biến mực. Tiền đền bù nhiều nhưng miệng ăn núi lở lại mua sắm xe, tivi và những vật dụng đắt tiền nên chẳng mấy chốc trắng tay. Anh ngồi ngã ba, cạnh quán bà Tư chạy xe ôm, còn vợ anh thì phụ quán cà phê- karaoke. Cái quán ấy đèn mờ, nhạc mở xình xịch suốt ngày đêm, nhân viên áo quần ngắn cũn cỡn, khách khứa đến đông lắm, nhiều lần vợ anh phải ở qua đêm. Anh đã bóng gió rằng không nên thế, hư thân, nhà lại còn con bé nữa. Đêm không có mẹ nó cứ khóc suốt. Nhưng thay vì nghe lời anh, hay ít ra phân trần hơn thiệt để vợ chồng hiểu nhau, đằng này vợ anh đã phớt lờ còn nanh nọc rằng kiếm tiền để anh và con khỏi đói nhăn răng, rằng để có tiền nếu phải chung chạ với ai đó cũng còn hơn kẻ suốt ngày uống rượu, không kiếm nổi một đồng. Anh thấy đau thì ít mà nhục thì nhiều. Thì ra vợ anh đã thay đổi, vì tiền. Anh hực lên tát vợ một cái rõ đau. Vợ anh ngã xuống đất, một lát sau, bật dậy tru tréo rằng anh là đồ vũ phu, thế này thì li dị cho rồi. Thế rồi vợ anh đã đi theo gã đàn ông trên phố hay xuống thu mua thủy sản.
Buồn, tuyệt vọng nên anh thường tìm đến quán bà Tư. Tiếng nhạc từ quán cà phê nhiều lần khiên anh điên tiết, muốn đập phá tan tành. Nhưng anh lại là người ít nói, chỉ lầm lì uống từng ngụm rượu, để nghe vị đời đắng chát len vào từng ngóc ngách của tâm hồn. Và dĩ nhiên trong những lần ấy, anh đều thấy chị đi làm về ngang. Mấy lần chị ghé vô quán mua hàng, bị bọn con trai đàn ông buông lời cợt nhã, có kẻ dung tục còn sờ mó này kia, anh muốn đấm vào mặt bọn họ một phát nhưng lại thôi, chỉ ngoảnh mặt chỗ khác. Dần dà, qua bà Tư anh cũng biết nhiều về chị, muốn tiếp xúc, chuyện trò với chị. Hôm nay, ra đợi khách sớm, bà Tư nhanh miệng rằng chị ra bến mua cá thế là anh chạy theo.
Vừa tan ca, chị lật đật chạy ra nhà xe lấy xe và đạp lấy đạp để nhưng cảm thấy chiếc xe như cứ ì ra, mà chị như thể hụt hơi. Chi đang nóng lòng về nhanh vì cu Nam sáng nay có triệu chứng sốt. Chị đang lo không biết con sẽ như thế nào, dù gửi cho cô giáo gần nhà, có chuyện gì thì gọi điện báo nhưng chị làm sao yên tâm được. Chị rướn cong người đạp nhưng những vòng xe cứ nặng trịch dưới đôi chân thô ráp, mỏi nhừ của chị. Chị như phát khóc vì mệt, vì đói, nhất là lo lắng cho con. Đến nhà, chị ném chiếc xe ngã đánh rầm ở góc sân rồi xô cửa. Không có con ở nhà, chắc con đang ở bên nhà cô giáo rồi. Chị hớt hải chạy sang, cô giáo đang ngồi nhặt rau cạnh giếng, mỉm cười thân thiện: Có anh Tính xe ôm đưa cu Nam đi chơi cùng với con anh ấy rồi!
Chị không nói gì, chỉ gật đầu chào rồi lại chạy ra bãi đất trống nằm sát biển. Cu Nam đang được anh hướng dẫn thả diều. Bọn trẻ con chiều nào cũng ra đây chơi cả. Cu Nam cũng từng phụng phịu bắt chị đưa đi chơi nhưng chị đi làm từ sáng đến chiều mới về, rồi giặt giũ cơm nước nữa thì đâu còn thời gian.
Trông thấy chị, cu Nam kéo tay anh: Kìa, mẹ Thùy cũng ra chơi đấy! Anh cười, chị tiến lại gần anh, dạn dĩ:
- Con không được hư, bác Tính quở mắng đấy nha!
Cu Nam liếc chị rồi nhắm tịt mắt lại, điệu bộ trông rất đáng yêu rồi dắt tay con bé chạy đuổi theo mấy con cào cào đang bay xập xòe trong đám cỏ.
- Thùy đừng trách tui vì tự nhiên đưa cu Nam đi chơi nhé!
Chị chưa nói gì thì anh đã tiếp:
- Thực ra, bác cháu tui đã quen nhau lâu rồi, mỗi lần cu Nam ra quán bà Tư mua hàng. Thằng bé thật dễ thương!
Thì ra là vậy. Và chị lại biết anh hay mua cho cu Nam khi thì túi kẹo, khi thì món đồ chơi. Vậy mà con chị lại kín tiếng, cứ bảo là bà Tư cho. Nghĩ rằng, bà Tư thương phận đời côi cút của chị nên thương tình, chị cũng chưa có dịp đền trả hay ít ra ngồi tâm sự với bà nhiều hơn.
- Ấy chết, tối rồi, kêu bọn nhỏ về đi anh! Chị nói để xua tan đi bối rối đang làm chị lúng túng, chân tay trở nên thừa thãi. Anh gọi hai đứa nhỏ rồi thu dây diều lại. Màn đêm cũng buông choàng khắp nẻo. Tiếng sóng biển vỗ vào bờ nghe dịu êm và xa xăm hơn.
Chị vừa nghe điện thoại và phải sắp xếp để trở vô nơi đã phải chạy trốn với nhiều mất mát. Người đàn bà, vợ của bố cu Nam đã tìm chị suốt một năm nay. Thì ra người đàn ông đầu tiên của đời chị đang bệnh nặng và muốn tìm gặp chị. Cách đây mấy hôm, đang trong giờ làm thì chị được quản đốc mời lên phòng giám đốc. Chị sợ gặp chuyện chẳng lành nên hỏi đi hỏi lại quản đốc, ông ta chỉ lắc đầu, bảo lên phòng giám đốc sẽ rõ. Chị líu ríu theo chân, giám đốc niềm nở mời nước chị và vào ngay lí do mời chị lên gặp. Số là cách đó một tuần, trong chương trình truyền hình khu vực có phát buổi tuyên dương công nhân viên điển hình xuất sắc, mà chị là một trong số đó. Hôm ấy, quay ban đêm nên chị đưa cu Nam đi cùng và hai mẹ con đều xuất hiện trên truyền hình. Buổi ghi hình được phát trong chừng ba mươi phút cũng đủ người vợ của bố cu Nam nhở tên công ty và liên lạc, muốn gặp chị vì ước nguyện cuối đời của chồng bà là được gặp đứa con riêng lưu lạc từ lúc mới hoài thai.
Anh động viên chị, đó là việc nên làm, cốt ở cái tình thôi. Anh cũng đã đau, nên hiểu nỗi đau người khác. Nhưng rồi anh đã tìm được sự bằng an trong tâm hồn mình khi hiểu và tha thứ cho vợ anh. Xét cho cùng, việc ra đi của cô ấy anh cũng có phần lỗi. Nếu anh cứng rắn và biết dung hòa một chút sẽ tốt hơn cho cuộc hôn nhân mà cái nghèo, sự thiếu thốn làm cho chao đảo. Vợ anh khổ lại gặp kẻ trăng hoa lắm tiền nên đã choáng ngợp. Tiền thì ai không muốn nhưng phải biết sử dụng nó. Anh cũng đã có nhiều tiền nhưng rồi vì một bước lên tiên đã khiến anh và nhiều người nhận tiền đền bù như anh khốn đốn. Ăn tiêu, mua sắm, chơi bời, hát hỏng… và hết. Anh buồn lắm và buồn hơn khi biết vợ anh đã bị một đòn ghen thừa chết thiếu sống và bỏ đi biệt. Còn chị thì may mắn hơn nhiều. Chị yêu bằng trái tim trong trắng. Một mối tình dù không được chấp nhận nhưng những người trong cuộc có đủ vị tha để nhìn nhận, tha thứ. Chị nên làm điều mà trái tim một lần rớm máu nhưng mạnh mẽ, đôi chút kiêu hãnh mách bảo và vì cuộc sống sau này của con chị nữa.
Anh đưa chị ra ga. Sân ga chiều thưa vắng người. Lại mưa nữa nên buồn hiu hắt. Cu Nam mặc bộ đồng phục, gọn gàng. Đầu đội chiếc mũ màu mận chín anh mới mua cho nó hôm qua. Nó cầm tay anh lắc lắc:
- Bác đợi con về rồi thả diều nữa nghen .Con không thích đi xa đâu!
Anh xoa đầu thằng bé, niềm xúc động đang dâng ngập trong lòng khiến giọng nói run rẩy khác thường:
- Bác sẽ làm những gì con muốn, miễn con được hạnh phúc!
Nói câu này, anh ý tứ nhìn chị. Chị cũng đã nghe không sót lời nào nhưng giả vờ nhìn quanh quất khi một hồi còi báo hiệu tàu sắp vào ga:
- Thôi, chuẩn bị đi nào. Nay mai rồi trở về, có gì đâu mà khóc vậy!
Chị đang nói với lòng mình hay nói với anh và cu Nam khi mà cả hai đang ôm nhau, xúc động!
S.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét