Nhà văn trẻ Vũ Thị Huyền Trang
Túc ngồi trước cửa, đầu mới gội, chân tóc còn rỏ nước tong tỏng ướt sũng một bãi nhỏ dưới nền bê tông nóng bỏng. Túc vừa hong tóc vừa đang mải xem người ta đốt rác thì Hiên gọi đến. Giọng nàng khàn đục và ho khan từng cơn. Hiên nói đang trông con chơi và nhìn xuống đường thấy lố nhố phận người mưu sinh trong ngõ chợ. Vừa có một cuộc ẩu đả vì tranh nhau khách, đứng từ tầng năm Hiên vẫn nhìn thấy máu bắn trên xấp vải lụa trắng người ta treo làm mẫu trước cửa hàng. Thành phố của Hiên cách thành phố của Túc hơn hai ngàn cây số. Đúng lúc ở xứ của Túc anh công nhân môi trường quẳng mồi lửa vào bãi rác thì ở phía bên kia cuộc gọi vang tiếng trẻ con cười.
Thóc nhà tớ miệng rộng cười đã đời. Chồng tớ bảo con gái mà miệng rộng như hoa loa kèn. Xấu.
Miệng rộng sau này làm hoa hậu. Có hoa hậu nào miệng tin hin đâu. Lo gì.
Hiên cười rinh rích. Giọng cười hồn nhiên quá. Người có giọng cươi như thế làm sao mà khổ được. Yên tâm đi. Túc đã nói với bạn như vậy rất nhiều lần.
Bãi rác bẩn thỉu nằm phơi nắng cả tuần nay như chỉ chờ ngoặm một mồi lửa là điên cuồng hóa kiếp. Túc chiêm ngưỡng vũ điệu của lửa không rời mắt. Phừng phừng nhảy nhót thiêu đốt cơ man những rác. Túi ni lông vừa nãy còn bay phấp phới mà giờ đã rúm ró cháy lèo xèo khét lẹt. Những cuỗng rau còn tươi chết tức tưởi không vì lửa cũng vì khói độc. Lửa bập vào đống đồ ăn thừa mứa mốc xanh mốc đỏ rồi tắt lịm. Như một kẻ độn thổ lửa lại bùng lên chỗ khác tinh nghịch và ma mị. Từ khi chuyển về đây Túc có thói quen nghiêng đầu nhìn lửa. Chăm chú mê đắm như kẻ ngộ đạo. Nhìn từ khi đống rác thải ngồn ngộn sự hôi thối, bẩn thỉu cho đến khi ngọn lửa hóa tro tàn nằm im lìm thiêm thiếp sau cuộc hóa kiếp kiệt cùng. Tàn tro kia rồi sẽ bay lên trời kiếm tìm một sự hồi sinh mới bên cây cỏ. Bỏ lại cái màu buồn xám xịt, nhộn nhạo trong mắt Túc. Cũng có hôm bão đến cả khu trọ như bị quần thảo trong tro rác. Túc đóng chặt cửa nhìn thành phố qua cửa kính bụi mù.
Thóc đang bò theo một con kiến lửa miệng cười thích chí. Tớ đang dõi theo con sợ nó bị kiến đốt. Loại kiến này mà đốt thì đau lắm. Nhưng tớ không muốn cản con khám phá. Đang nghĩ, sau này thế giới rộng ngoài kia còn biết bao nhiêu thứ đáng sợ hơn kiến lửa. Mình làm cách nào để dõi theo con?
Khéo chừng phải cất chúng trong tủ kính.
Túc nói vậy khi đang vô thức miết tay trên cửa kính, bụi tro bám ở bên ngoài nhợt nhạt. Đến độ tuổi như Túc người ta thích nói về những đứa con. Cuộc điện thoại nào của Hiên cũng ngập tràn thương yêu bé bỏng. Tưởng như cái thiên chức làm mẹ biến bao cô gái bồng bột, si mê, nông nổi thành những con người khác. Huống hồ Hiên vốn là người luôn biết lo xa. Lo từ lúc thấy hai vạch đỏ trên que thử thai đến khi thấy con đạp máy trong cung lòng mình. Lo từ khi con cất tiếng khóc chào đời cho đến những bước chân lẫm chẫm đầu tiên. Và bây giờ bạn càng thêm lo khi con bắt đầu biết hỏi “tại sao?”.
Hôm bữa dắt Thóc đi chợ, con hỏi sao mẹ không mua mớ rau tươi xanh mà lại chọn mớ toàn sâu bọ? Tớ bảo rau tươi non họ phun nhiều thuốc ăn độc lắm. Con lại hỏi rau có độc sao họ còn mang bán? Tớ trả lời vì họ tham tiền. Con ngấp ngứ định hỏi gì lại thôi. Cũng thật may con không dồn đuổi đến tận cùng “tại sao?” Chứ không nhẽ cũng trả lời con đến tận cùng đều là vì tham vọng con người. Mà đâu chỉ có chuyện mớ rau trái táo. Những đứa con của tụi mình bị đầu độc từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
Cái câu “những đứa con của tụi mình” găm vào ý nghĩ của Túc đúng lúc xe rác lầm lũi như con bọ hung gục gặc cõng núi rác đổ vào giữa bãi. Loay hoay thế nào xe mắc kẹt trong rác gầm gừ xoay xở một hồi lại lầm lũi bỏ đi. Để lại góc hoàng hôn nhờ nhợ mùi xú uế. Túc rất hay mường tượng. Biết đâu lẫn trong đống rác thải sinh hoạt kia là thi thể một ai đó được băm ra nhiều khúc, buộc trong túi ni lông đen và đang bắt đầu phân hủy. Nỗi đau bị vùi lấp ở đâu đó còn cái ác nhởn nhơ như lũ ruồi nhặng. Mỗi đêm tiếng kêu cứu cố len lỏi qua giấy lộn, thức ăn thừa, phấn son hết hạn, thực phẩm chức năng, vỏ thuốc gom thành từng túi. Tiếng kêu như tiếng gió hú vấn vít trong đêm rồi tắt lịm khi thành phố thức giấc, công nghệ kêu ro ro và con người thở phì phì. “Những đứa con của tụi mình” sợ hãi nấp vào đâu đó nên tới tận bây giờ Văn vẫn chưa được gặp mặt con.
Văn chờ đợi con đã lâu, muốn con tìm đến bên mình như những đứa trẻ khác. Nhưng cuối cùng chỉ còn duy nhất hy vọng có thể gặp được con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Văn luôn thấy bất an vì ý nghĩ những thứ mình nuốt qua cổ họng mỗi ngày rất có thể sẽ giết chết con. Nhiều năm trời ngồi chờ đợi mỏi mòn ở khoa hiếm muộn, Văn thấy ngày càng nhiều người mắc chứng vô sinh. Những đứa trẻ không chịu sinh ra có phải vì chúng sợ phải sống trong thế giới đầy bất ổn và đang dần bị hủy hoại này. “Những đứa con của tụi mình” biến mất ngay trong trí óc Túc lúc đang xem bản tin hỏa hoạn. Lại là những đám cháy. Chúng chơi trò ảo thuật, cứ tắt ở chỗ này lại bùng cháy chỗ khác. Thiêu rụi từng phần nhỏ của thành phố hiện đại. Những con ma nơ canh. Giấc mơ còn dang dở. Những đứa trẻ còn chưa kịp mười sáu trăng tròn.
Sau này chẳng biết con chúng mình sẽ sống ra sao?
Hiên đã rất nhiều lần buột miệng hỏi Túc như thế ở giữa chừng câu chuyện. Túc ngóng về núi rác, chúng sẽ chất cao vươn đuổi theo những tòa nhà cao tầng. Ngọn lửa cũng bất lực, chỉ liếm chiếc lưỡi dài hời hợt phía bên ngoài. Núi rác như núi lửa, ngấm ngầm thứ nham thạch của dịch bệnh, ôi nhiễm và biết bao nhiêu hiểm họa đủ sức hủy hoại “con của chúng mình”. Làm thế nào để thoát khỏi tầm mắt những núi rác? Chẳng còn cách nào ngoài mọc thêm đôi cánh để bay.
Con tụi mình sau này cho đi du học hết. Tớ mong sao chúng sẽ tìm thấy chân trời khác. Sống một cuộc đời khác. Tại sao chúng lại phải trả những khoản nợ chất chồng của thế hệ trước để lại? Nợ tiền bạc. Nợ tài nguyên. Nợ đạo đức. Chúng sẽ khát khô bởi chúng ta đã ăn mặn và uống cạn những giọt nước trong lành.
Túc khép mi. Đọc câu thần chú “con của tụi mình” đến lần thứ năm mươi thì ngủ. Mụ mị trong vũ điệu của rác chập chờn.
* * *
Văn đã sảy thai cả thảy ba lần trước khi quyết định thụ tinh bằng ống nghiệm. Lần thứ nhất do tai nạn, một thằng ôn đả nào đó luồn lách phóng như rồ giữa phố. Nó hất văng Văn ngã giữa đường bên vũng máu, đứa trẻ trong hình hài thai nhi có lẽ vì quá sợ hãi mà đã tìm nơi ẩn nấp đâu đó ở thiên đường. Lần thứ hai do Văn bị cướp. Một tên cướp tráo trở lao lên lề đường giựt sợi dây chuyền trên cổ Văn. Sợi dây không mất nhưng Văn lại mất con. Sau đó Văn khó có con hơn, suốt bốn năm đi lại giữa các bệnh viện chạy chữa cuối cùng cũng có tin vui. Dù trai hay gái Văn cũng đã đặt tên cho con là bé Kẹo. Cái tên vừa nghe đã thấy ngọt ngào. Nhưng đứa trẻ vẫn chơi trò ẩn nấp, phôi thai có mà tim thai không thấy. Hôm Túc đang ngồi ngắm mưa rơi ngoài bãi rác thì Văn gọi.
Tớ đang ngồi ăn rau ngót luộc. Lần nào ăn cũng muốn ói vì cảm giác ghê sợ chính cung lòng mình. Từng đứa trẻ khước từ lời thỉnh cầu làm mẹ của tớ. Lá ngót như lá ngón, âm ỉ đau trong suốt cuộc nạo vét cung lòng. Rồi mọi thứ sạch trơn, con biến mất như chưa từng xuất hiện.
Túc chỉ còn nghe thấy tiếng bạn nhai rệu rã, tiếng nuốt rau nghèn nghẹn. Giơ ống nhòm qua cửa sổ Túc lia về phía bãi rác. Để xem Túc tìm thấy những gì, rác thải thực chất là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Vỏ hộp các loại thuốc giảm cân chứa đựng một thế hệ béo phì, lười vận động, cơ thể nuôi mầm mống nhiều căn bệnh. Những chiếc bao cao su nằm quằn quại bên vỉ thuốc tránh thai đã ố màu có lẽ được vứt ra từ nhà nghỉ nào đó. Phơi bày một lối sống buông thả, dễ dãi, ẩn chứa những căn bệnh xã hội đang ngấm ngầm lây truyền trong dục vọng của con người. Đống đồ hộp mốc meo cho thấy thói quen lạm dụng thức ăn đóng hộp với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn có hại cho sức khỏe. Những quả cam còn tươi nguyên vứt giữa một đống vỉ thuốc khiến Túc nghĩ đến hóa chất ngâm tẩm thực phẩm đang đầu độc từng bữa ăn gia đình. Bàn thờ và bát hương vứt chỏng chơ lẫn trong mớ quần áo rách, tổ tiên thánh thần cũng chẳng còn cơ hội để linh thiêng. Cuốn tiểu thuyết lừng danh nhem nhuốc trang bìa, rách nát lôm nhôm chúi đầu xuống đám bông gòn. Mắt Túc dừng lại bên một con dao dính máu khô. Đơn giản chỉ là một con dao vừa giết mổ gia cầm nhưng cũng có thể đó là vật chứng của một vụ án mạng nào đó. Xã hội đầy bất ổn này người ta có thể giết nhau vì một cái nhìn, vài chục tiền lẻ, cái dây chuyền vàng giả… thì có gì là khó hiểu đâu. Nhưng làm sao Túc đưa được tất cả sự hỗn độn đáng sợ này vào tranh? Bức tranh “rác thành phố”.
Khi Túc bắt đầu những nét vẽ đầu tiên thì nhận được cuộc gọi của Hiên.
Cậu lấy chồng đi thôi, già mất rồi. Đừng để con chờ đợi nữa.
Đẻ chúng ra rồi chẳng biết phải cất chúng ở đâu.
Ừ nhỉ.
Túc yêu những đứa con trong mường tượng của mình. Để rồi đau đớn trong hình dung mất mát. Con của Túc có thể sẽ mắc phải những căn bệnh không cách nào chữa khỏi. Sẽ nổi loạn trong cô đơn đồng loại. Cũng có thể sẽ bị cướp đi trên một chuyến bay mất tích, một chiếc xe đâm nhào xuống vực, một cơn bão từ biển ập vào. Hoặc biết đâu sẽ mắc kẹt trong hỏa hoạn và biết bao cuộc chiến từ tham vọng con người. Chẳng phải người mẹ nào cũng bao bọc được con mình. Nên biết đâu con sẽ oán trách chính người sinh ra nó. Biết đâu con cũng sẽ tìm cách khước từ sự sống như biết bao người trẻ. Nên Túc cất con trong mường tượng của mình. Như là cách Văn cất con trên thiên đường. Còn Hiên mong con mình cứ bé bỏng ngây thơ mãi để bạn còn cất con trong căn phòng vẻn vẹn sáu mét vuông. Như một bà mẹ trẻ nào đó lúc ôm bụng bầu mắt rơm rớm ước ao “giá như con cứ nằm trong bụng mẹ. Cuộc sống ngoài này đầy rẫy những bất an”.
Bức tranh đã vẽ xong. Những nét vẽ mơ hồ. Túc mang tranh đặt giữa sân chói nắng. Rồi nàng mang kính lúp soi vào tranh, miệng đọc câu thần chú “con của chúng mình”. Túc đọc cho đến khi ánh sáng mặt trời hội tụ tại một điểm tạo thành đám cháy đang ngoặm dần bức tranh “rác thành phố”. Từng miếng một.
V.T.H.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét