Tôi nhận được Khúc Hát Yêu Thương của Tiểu Nguyệt từ đầu tháng 5 .2017. Một cuộc điện thoại hẹn hò sẽ đối thoại… nhưng rồi lần lữa ngày qua ngày. Khúc hát yêu thương gồm mười tùy bút và mười truyện ngắn!
Rải rác trong hai mươi bài viết ngắn tác giả trải lòng với cố hương yêu dấu, với gia đình, với bạn bè và không thiếu những mối tình mơ mộng lãng mạn nhiều nghịch cảnh. Đặc biệt tác giả đã vẽ nên bức tranh chấm phá những nét đặc thù của xã hội trong những thập niên 80, 90 đầy bão dông, khốn khó.
Với “Mảnh Trăng Xưa”, người đọc khó cầm được nước mắt khi nghe giấc mơ tức tửi, nghẹn lòng với người bạn thân thuở thiếu thời đã về cõi nào xa: “Kiều ơi!Gió lên làm xoài rụng nhiều kìa, hãy chạy lượm đi, tớ nhường cho cậu đó”. “Từ nay tớ biết cậu giận, cậu bỏ đi thật rồi, lúc nào mình cũng nhớ cậu Kiều ơi!”. Tình cảm chân thành, nhân hậu còn phủ sóng với “Còn Mãi Nỗi Tiếc Thương” ghi lại kỷ niệm cùng nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh. Rồi gặp lại thầy Trần Huiền Ân sau 40 năm lưu lạc. Học trò thơ trẻ ngày ấy trở về tổ chức mừng thượng thọ tám mươi cho thầy. Ra về nhớ đứt ruột lời tâm sự của thầy: “Thầy đã từng đứng trước bao diễn giả, không là gì, hôm nay thầy thấy run khi đứng ở đây.”
Với ngôn ngữ chân thực phản ảnh trung thực hiện thực xã hội, nhiều chi tiết rất đắc được thể hiện qua “Một Chuyến Thăm Nuôi”. Với bao nhọc nhằn, sợ hãi sau khi xuống tàu hai mẹ con chia nhau, người mẹ mang giỏ bánh tráng , cô con gái gánh hai chiếc gióng lên vai bắt đầu đi trong nắng chiều hanh vàng hai bên đường, nắng chiều bắt đầu rớt xuống. Họ lo âu thắc thỏm, không dám nói một lời, sợ tiếng động làm mặt trời bỏ trốn. Họ im lặng chạy, khát khô cổ họng không dám uống nước, không dám dừng chân. Tiếng chim rừng từng hồi vang lên càng làm tăng lên nỗi sợ hãi. Tới được nhà ga Gia Ray nhưng không được nghỉ ngơi chờ sáng, lại phải tập trung về ủy ban để họ quản lý vì hôm nay là ngày 2/9. Sáng sớm hôm sau lại gồng gánh lên đướng, té lên té xuống rồi cũng đến traị thăm nuôi. Thật may mắn, họ cho cha con chồng vợ được đoàn tụ một đêm. Một đêm biết bao điều dâu bể kể nhau nghe để rồi bước chân người ra đi và người ở lại đều bị vướng víu với bao thương tiếc, muộn phiền!
Có lẽ cũng có những tình cờ như phép nhiệm mầu đưa Tiểu Nguyệt đến với bến bờ văn chương khi cô có được một tình thân ấm áp làm em-văn-nghệ với nhà văn Mang Viên Long. Anh tỉ mẩn chỉ dạy, hướng dẫn với nụ cười luôn nở trên môi: “Người đi trước giúp giùm người đi sau là cảm thấy vui rồi”. Tác giả đã trải lòng ngưỡng mộ nhà văn: “Anh luôn chia sẻ tình yêu thương với tất cả mọi người. Trong lòng tôi anh luôn là vị thầy mà tôi kính yêu.”.
“Lớp Học Của Tôi”- Không lương hướng, không thù lao, tấm lòng một cô gái làm nên lớp học.
Mười tám tuổi cô gái ấy tốt nghiệp phổ thông nhưng vì cha đi học tập cải tạo nên cô không được thi vào đại học. Sau bao năm kềm nén ước mơ trong lòng, cuối cùng cô cũng được thỏa nguyện – làm cô giáo lớp học tình thương, dạy cho các em nhỏ ở xóm không thù lao, thỉnh thoảng còn lo tập vở bút viết cho các em. Thế nhưng cô lại nói: “Tôi biết ơn các em học trò nhỏ của tôi, nhờ các em mà tôi mới thực hiện phần nào niềm đam mê, hoài bão mà tôi hằng ấp ủ.”.
Nhà có ”Ba Chị Em”, những ngày gian khổ, tủi nhục, thiếu thốn khi ba đi học tập cải tạo rồi cũng qua đi nhưng hằn trong vết nhớ là chú láng giềng một thời trốn lính nhờ cậy ba trở mặt hiếp đáp: ”Hôm nay tao đập chị em mày nè giỏi kêu cha mày về bênh!”. Nhưng rồi máu mủ ruột rà cũng bị chia cắt khi đứa em tôi thương nhất lâm trọng bệnh qua đời mà chỉ trong cái chớp mắt sau tiếng còi xe lửa tôi không đựơc thấy mặt đứa em tội nghiệp lần cuối.
“Hoa Muống Biển”, kỷ niệm mối tình học trò giữa Hùng và Thủy, hai bạn học chung một lớp, nhờ rau muống biển chứng giám cho mối tình học trò thơ ngây trong một lần trường tổ chức dã ngoại ở Đại Lãnh. Dù đậu vào đại học y như ước nguyện nhưng cuối cùng Hùng đành phải bảo lưu kết quả đi thi hành nghĩa vụ quân sự và bỏ mình trong cuộc chiến ở rừng núi Campuchia xa xôi để lại nỗi đau cho người ở lại.
Một đời hoa muống biển
Vẫn trổ hoài ước mơ
Chàng xa xôi có biết
Rằng nơi đây em chờ
Bao cuộc đổi dời cũng đưa nhiều phận người vào “Ngõ Cụt.”
Bà Hai có tới sáu người con. Một cô con gái đầu lòng và năm cậu con trai mà người đời gọi là ngũ quỷ thường là loại phá gia chi tử. Bà tự an ủi chúng nó là nợ kiếp trước mà bà phải trả nên vất vả, tần tảo nuôi con. Nhưng bước vào tuổi bốn mươi, chồng bà bỏ nhà theo một người phụ nữ khác. Bà khóc đến mờ mắt, ở vậy nhẫn nhục nuôi con chờ chồng. Năm đứa con trai của bà không học hành, đứa thì ham mê cờ bạc, đứa làm bạn với lưu linh. Cuối cùng bà phải bán nhà trả nợ cho thằng anh, những đứa em dè bỉu không ai thèm nuôi mẹ. Bà sống vất vơ vất vưởng đói khát nghẹn lòng nhờ sự cưu mang dù nghèo khổ của cô con dâu út trong tức tưởi nghẹn ngào.
“Hoa Học Trò” vẫn đỏ thắm những ngày vào hạ.
Bốn mươi năm nhớ cành phượng năm nào người trao vẫn lan man trong dòng suy nghĩ của Nghĩa và biết bao mối tình học trò trôi qua trong thầm lặng như Nghĩa và Vân. Mới đó mà đã bốn mươi năm sau ngày dâu bể. Vân Nghĩa và bạn bè gặp lại nhau. Họp lớp mà! Họ nhớ lại kỷ niệm một thời học chung dưới mái trường và kể nhau nghe bao buồn vui trăn trở sau bốn mươi năm cách xa lận đận. Nghĩa đọc bài thơ đã neo giữ trong lòng bốn mươi năm.
… Mới đó mà đã bốn mươi năm
Cánh phượng trong tôi vẫn gọi thầm
Hỡi màu áo trắng xa xưa ấy
Và những bâng khuâng sắc phượng hồng.
“Nhớ Mùa Noel Cũ” là một mối tình lãng mạn có cái kết thật đẹp. Một gia đình hạnh phúc. Dòng ký ức tuôn tràn bao kỷ niệm giữa Quỳnh và Nhật trong mùa Noel kỷ niệm năm nào. Nét bút hồn nhiên dí dỏm trong đối thoại, đẹp trong miêu tả hình ảnh.
“Bà Bốn Quẹo.”
Tên có từ thuở nhỏ vì tay bà có tật khi mới sinh.Cuộc đời bà cũng đặc biệt như tên gọi. Có khác chăng đó là phẩm hạnh tuyệt vời của bà. Bà gá nghĩa với ông khi ông vừa mãn tang vợ. Một nách ba đứa con trai nhỏ, năm năm sau ông bỏ bà ra đi bà lầm lũi nuôi ba đứa con chồng, cưới vợ cho chúng nó. Trong một trận càn vợ chồng thằng con giữa ra đi, bà lại nuôi ba đứa cháu nội côi cút. Mà nào đã yên, vì Lân, người yêu chết thảm do vướng mìn trên đường về nhà; Huyền, đứa cháu nội gái của bà đã hóa điên và bỏ nhà ra đi. Rồi dông bão cũng tan, bà ngủ một giấc ngàn thu không bao giờ trở dậy trong một sáng rằm tháng bảy. Đức Phật từ bi đã đón bà về trong vòng tay yêu thương.
Tình yêu thường được ví như hoa hồng đẹp rực rỡ thơm nồng hương. Nhưng những bất trắc trong cuộc đời, lý lẽ con tim không nói trước được điều gì. Tình yêu như trái phá như “Cơn Lũ” đời.
Quang chịu nhiều bất hạnh, ba bỏ đi theo người phụ nữ khác, mẹ đau đớn sinh bệnh liên miên khi Quang lên mười và em gái lên sáu. Quang thành trụ cột gia đình, ngoài giờ học làm thuê làm mướn nhưng Quang vẫn học rất giỏi. Thời sinh viên Quang trọ học, quen và yêu Thúy nhưng Thúy vì chữ hiếu phải lấy chồng trả nợ cho gia đình nên họ chia tay nhau trong đớn đau nghẹn ngào. Cô em gái học lớp mười hai thương anh đan chiếc áo len cho anh mặc mùa mưa. Trao áo cho anh, trên đường về bị tai nạn giao thông qua đời. Mẹ như điên dại. Quang lạnh lùng chịu đựng. Dòng đời vẫn trôi, Quang ra trường đi dạy, chăm sóc mẹ và dành tình yêu thương cho học trò. Nỗi đau dần nguôi ngoai. Nhưng không ai biết trước chữ ngờ. Nghiệm, một người bạn đồng nghiệp rủ Quang đến thăm người mình yêu đã hai năm và chuẩn bị cưới. Tiếng sét ái tình đã buông trúng Hân và Quang. Dằn vặt và đau đớn với mối tình trái lẽ, Quang xin chuyển trường. Liệu cơn lũ đời có cuốn trôi bao đau đớn mà anh đang chịu đựng?!
“Thất Hứa.” Ai thất hứa ai, đời ko thể chỉ màu hồng!
Đôi vợ chồng làm ăn thất bại phải neo mình trong rừng sâu mười mấy năm trời chịu bao cực nhọc gian khó vừa trở về miền biển gầy dựng lại nhà cửa. Được bạn bè và nhất là Nguyên, người em kết nghĩa tận tình giúp đặt cho một cái rớ trên sông trước mặt nhà làm kế sinh nhai. Yên ắng rồi mới có thời gian tâm sự, Vy cứ miệt mài đòi chết trước chồng: “Mai mốt em chết trước đó nhé! Anh không được bỏ em lại đâu, vì em không thể sống nếu không có anh.”. Nhuận thương vợ trả lời cho nàng yên lòng: “Anh chết sau để còn lo cho em an nghỉ, lo cho con cháu. Em yên tâm nhé!”. Nhưng trớ trêu thay một ngày mới bắt đầu anh vẫn ngủ say, giấc ngủ nghìn thu trong an bình. Cố kềm nén lo cho anh chu tất nhưng khi tiếng trống hạ huyệt vang lên, sự dồn nén nổ tung, Vy bất thần hét lên anh thất hứa, anh thất hứa rồi bất tỉnh!
Đời người ai cũng có mùa xuân mà “Mùa Xuân Của Đời Người” thì không ai giống ai.
Cô nữ sinh lớp mười yêu ông thầy giáo trẻ. Biển dâu năm 1975 làm họ mất tin nhau. Mỗi người đều có gia đình riêng. Chồng Diễm mất sớm nàng trở thành góa phụ. Năm 1978 Thiện vượt biên tị nạn ở Úc và lập gia đình với Hương, người cùng quê nhưng sau bảy năm chung sống họ chia tay. Tình cờ Diễm và Thiện gặp nhau trong một buổi xem triển lãm tranh trên công viên Trần Phú – Nha Trang. Tình yêu đã trở lại. Mùa xuân lại về. Mùa xuân chim én bay.
Hạnh phúc và bất hạnh cách nhau một bước chân như thiện và ác lằn ranh chỉ là một sợi tóc. Nhưng buồn thay có quá nhiều “Bóng Ma Của Đời Sống.” Nhã học sư phạm và về dạy gần nhà. Sau năm 1975, bị sa thải, ông vất vả trên đồng ruộng. Cha làm thầy con đốt sách. Đám con ông bỏ học nữa chừng, khi ông khuyên nhủ thì chúng trả lời liền miệng: “Học như ông không khổ chắc, học với hành.”. Không dạy dỗ nỗi con, ông buồn bực trong lòng đâm ra rượu chè bê tha. Đám con ông lêu lỏng, làm ít chơi nhiều, đứa nào cũng cờ bạc thêm nghiện ngập ma túy. Phải chăng họ là những bóng ma trong cuộc đời.
Đọc xong Khúc Hát Yêu Thương, lòng tôi tràn ngập niềm cảm thông với Diễm, với Hân, với Thủy, với Thúy, với Vy… và nhất là những người Mẹ trong Nhớ Một Chuyến Thăm Nuôi, Bà Hai trong Ngõ Cụt, Bà Bốn Quẹo, Má Tôi. Thương sao những thân phận phụ nữ chìm nổi theo dòng đời mà buồn nhiều hơn vui. Khổ tận cam lai bà Bốn Quẹo vẫn thầm lặng gánh vác giang san tơi tả nhà chồng, người mẹ mảnh mai kia vẫn vừa làm cha vừa làm mẹ, thân cò lặn lội nuôi con, oằn vai thăm nuôi chồng mà vẫn bao dung chia cho những người bạn tù cùng ăn kẻo tội! Tôi thật sư kính trọng, ngưỡng mộ họ. Chính những người phụ nữ ấy đã cất lên khúc hát yêu thương cho đời. Không thể là ai khác .
Bình Tân, 27.6.2017
H.H.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét