Nó bị H. từ trong bụng mẹ. Mà thật sự ngay cả mẹ nó cũng không biết mình bị H. bởi anh chồng làm culi của những công trình xa, thiếu vắng hơi ấm đàn bà nên một lần trót lỡ. Về nhà thì vợ hoài thai, anh cũng không biết cơ thể mình đã mang chứng bệnh quái ác ấy. Lao tâm, lao lực cực nhọc anh đã ‘về núi” khi cái bầu của vợ vào tháng thứ tám.
Sắp sinh con, người mẹ trẻ ấy phải qua quá trình xét nghiệm máu và đã khóc không thành tiếng khi câu nói lấp lửng của bác sĩ “Em phải bình tĩnh nhé… thật sự bình tĩnh nhé”. Làm sao mà bình tĩnh cho được khi linh cảm phụ nữ đã mách bảo chị điều chẳng lành đang treo trên đầu?
Cơ thể yếu ớt ấy đã kiệt sức khi quyết định đưa nó tới thế gian này, lại càng mất hết niềm tin khi biết mình mang căn bệnh thế kỷ. Sinh nó chưa đầy tháng, người mẹ trẻ cũng ra đi.
Nó được bà nội già sáu lăm tuổi nuôi dưỡng. Cả đời bà là chuỗi ngày cơ cực. Có hai thằng con, một mất vì tai nạn giao thông, một bỏ bà ra đi vì một lần dại dột. Căn nhà bé nhỏ duy nhất đã bán để lo cho con những ngày nó nằm viện vì tai nạn. Con mất, nhà tan nhưng bà chưa chết được. Vậy là phải dọn ra cạnh bãi rác chợ cất cái lều, ngày ngày nhặt rác mưu sinh.
Giờ ẵm đứa cháu đỏ hỏn với căn bệnh chỉ biết tên chứ không biết mặt. Ừ thì “H”, chắc cũng như sốt xuất huyết, H5N1, nhức đầu sổ mũi… gì đó thôi mà, nay mai sẽ hết. Bà nuôi có bằng ly sữa thừa, chén cháo dư của người ta. Lúc không sữa, không cháo thì chắt nước cơm cho nó uống. Ngày ngày nó nằm đó, trong cái "chuồng” tre của trẻ em, ị tè mặc tình vung vãi. Bà phải đi nhặt rác, kiếm vài chục ngàn để nhét vào cái miệng u ơ há ra đó.
Chợ qui hoạch xây đạt chuẩn, đoàn khảo sát về, trong đó có nhà báo, họ phát hiện ra một "ngôi nhà lạ” trong khu vực bãi rác sau chợ. Nơi đó, thứ đáng giá nhất là đôi mắt tròn to của đứa bé 4 tuổi mà chưa biết đi, chưa biết nói. Bài báo đăng lên, mạnh thường quân tìm về.
***
Cô tre trẻ lại tìm tới. Bây giờ thì cô đã vuốt đầu nó được rồi. Nó cũng không nép vào lòng bà nội nữa, bởi bà đã đi bán vé số chứ có nhà đâu mà nép. Nó thích nghi nhanh, chịu ăn những muỗng cháo của người mới quen đút, chịu giơ tay ra cho người ta dắt tập đi.
Cái nhà, mà không- phải gọi là cái ổ mới đúng – với chằm khíu những mê bồ, tăng bạt, vạt giường, giấy báo… của nó trong một phút ba mươi giây đã được ông ốm ốm râu xồm nổi lửa đốt sạch. Rồi xe dừng lại, cái xe tải lớn quá, cái này gọi là xe à? Sao bự như ông kẹ vậy? Tiếng kèn ping… ping… điếc cả tai. Nó đang chập chững đi, phải bấu chặt vào chân cô tre trẻ. Cô dịu dàng bảo nhỏ “Con đừng sợ, cái xe bóp kèn đó mà… xe tới chơi với con”.
Xe tới chơi với nó thật, vì mấy chú cứ khiêng nào cửa gỗ, nào tôn sáng choang, nào bàn ghế, xi măng, đá, gạch… có cả cái xe đạp nhỏ màu đỏ nữa, một con gấu bông màu vàng to đùng nữa… mấy chú bảo, là quà cho bé Ti đấy, con có thích con gấu bông này không? Nó không biết gật đầu hay lắc đầu, vì con gấu bông đẹp quá, nhưng mà to quá, nó sợ con gấu cắn nó.
Cái nhà mười sáu mét vuông của bà cháu nó trong ba ngày đã được dựng xong. Có bàn ăn, giường ngủ, bếp gas nữa… Nó được ngồi bàn ăn đàng hoàng chứ không phải chỉ là bưng một tôi rồi bà nội nách nó, vừa nách vừa đút nữa rồi. Giường nó ngủ thật chắc, thật êm, chứ không phải rập rình kê bốn góc là bốn trụ gạch, rồi lót cái vạt giường lên như hồi trước. Cô tre trẻ bảo bà nội nó nghỉ bán vé số, nghỉ nhặt rác luôn, gạo, mì, nước tương… đã có mạnh thường quân cho, rau cải, cá mắm có mấy bà bạn hàng ở chợ tặng. Bà chỉ ở nhà nấu ăn và tập đi cho nó thôi.
Nó lớn nhanh như thổi nhờ “cơm bá tánh”. Cái cơ thể “con nòng nọc” đã biến đâu mất sau sáu tháng kể từ ngày nó gặp cô. Bởi bây giờ nó đã được uống sữa, mỗi ngày tới 3 hộp lận í. Nó cũng không biết trong sữa của cô có cái gì mà ngon vậy. Hồi đó cũng màu nước đục đục nội nó chắt từ nồi cơm ra cho nó, bà cũng gọi là sữa, mà không ngon như sữa bây giờ.
Cô tre trẻ nói cô “mắc nợ’ nó, mắc nợ đôi mắt ngơ ngác nhìn nhân gian đó, mắc nợ cái trán vồ đầy thông minh đó, mắc nợ luôn tiếng “cảm ơn mẹ” mỗi khi cô cho nó uống sữa, uống thuốc, tắm táp, tô màu...
Hai năm qua, không đếm hết bao nhiêu lần cô đến nhà nó với lốc sữa, bộ áo quần, mớ thuốc uống, mớ lá tắm… Từ ngày có cô, nó đã được đi Sài Gòn khám về chứng bệnh “suy giảm miễn dịch” để nhận thuốc “tiêu chuẩn”. Từ ngày có cô, nó đã biết món ngon món dở. Đôi chân ngày nào tưởng liệt, giờ đã tung tăng chạy khắp nơi, nét mặt lấm lét nhìn khách giờ đã hân hoan chạy ra chào hỏi khi khách tới. Chiếc miệng ngày nào chỉ u ơ nói độc tiếng “bà”, "ăn” giờ đã hát Con cò bé bé lảnh lót, kể chuyện cổ tích vang nhà.
Người ta gọi là điều kỳ diệu được mang đến từ “cô tiên” tre trẻ ấy. Nhưng cô bảo, đó không phải là công của cô, mà tất cả là sự chung lòng của bè bạn trong nhóm, là ông trời công bằng, nó đã chịu mất mát, khổ cực từ trong bụng mẹ, thì giờ nó phải được đền đáp xứng đáng.
Nhưng chồng cô ái ngại… nó bệnh vậy, y văn thế giới đã chứng minh rồi, cũng không quá mười năm đâu… hơi nào mà cực khổ như vậy. Ngộ nhỡ lây nhiễm từ những bất ngờ nào đó, có phải khổ chồng khổ con không? Cô bảo, nếu chồng con còn không mở lòng ra được với mảnh đời bất hạnh như vậy, thì lỡ có khổ, cũng hãy để một mình cô gánh chịu.
Vậy rồi trời cao thấu được lòng người. Nó bây giờ mũm mĩm như gấu con, nếu không được nói trước sẽ không ai biết nó là đứa bé bệnh tật với thời gian hiện hữu ở cõi đời đã được tính bằng năm tháng. Chồng cô đã không còn cau mày mỗi lần cô bảo “Em xuống bé Ti” nữa, anh sốt sắng chở cô đi, mua thêm cho nó cái bong bóng, món đồ chơi mà anh thấy trẻ trang lứa cũng chơi. Cuối tuần nhà nấu món ngon ngon, anh còn đích thân xuống chở nó lên nhà.
Nó lảnh lót gọi cô tre trẻ là “mẹ”, chồng cô là “ba” mà không cần biết người đối diện có đồng ý hay không. Rồi nó “tự giải trình” lý do kêu ba gọi mẹ rằng “Nội con nói, ở đời không có ai thương con ngoài cha mẹ. Mà ba Sang và mẹ Nguyên thương con nhứt, thì ba mẹ là ba mẹ của con rồi, đúng hôn ba?”.
Ba nó cọ cọ chiếc cằm vào mớ tóc như tơ của nó, còn mẹ của nó nghe xúc động dâng ngập buồng tim.
Chiều cuối năm nay vẫn xơ xác gió. Gió của yêu thương, gió của ngọt ngào bởi bao điều kỳ diệu đã hiện ra không chỉ cho nó.
Nó đi chợ hoa cùng ba mẹ. Nó đòi mua cây chanh (thật ra là cây tắc) có nhiều trái vàng ươm “Để ba đi làm mệt về vắt nước chanh uống cho hết mệt”. Nó đòi mua chậu cúc bự nhất “Để mỗi lần mẹ cần chưng bông, khỏi đi chợ mua”.
Chợ nhà nó đã bắt đầu đặt móng xây mô hình chợ đạt chuẩn. Chính quyền địa phương nói, nhà bà nội bé Ti bắt buộc phải di dời, nếu chị Nguyên có thể tìm cho bà Ti một phần đất, thì Ủy ban xã sẽ hỗ trợ một căn nhà tình thương. Ba Sang của nó nói, để anh xem xem, đất hẻm hẻm chắc tầm mười triệu/mét, bốn mét cũng không nhiều. Mà này, em nhớ ăn tết xong coi tranh thủ gửi con nhỏ vào trường mẫu giáo Thanh Trúc chỗ bạn anh nhé, anh nói với cô ấy rồi. Ai đâu con cái gì sáu tuổi đầu mà còn bám váy mẹ.
Lời càu nhàu của chồng, sao mẹ Nguyên của nó nghe đáng yêu đến lạ.
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét