Vậy là con tàu mấy mươi năm đi về với những ga xép, chuyến tàu chở bao niềm hy vọng đến ngôi làng xa xôi hẻo lánh quê tôi chỉ còn trong hoài niệm...
Mùng bốn Tết về quê. Dừng xe nơi con dốc cũ. Đi bộ qua khu chợ nhỏ vắng hoe lụp xụp mái tôn, tôi cầm máy ảnh đứng trước sân ga, ga xép của tôi đây, im vắng không một bóng người...
Có thể vì nhiều lý do mà người dân quê tôi không biết hết, có thể tương lai không xa sẽ có những đổi thay cho ngành đường sắt để có những chuyến tàu nhanh và tiện nghi đẹp đẽ đến với những vùng quê. Nhưng những ngày này quê tôi buồn vắng hẳn.
Hàng năm vào dip Tết, ngoại lại tất tả gói bánh chưng, làm bánh thuẫn, thịt heo nhà nuôi bằng rau cám, gà kiến thả trong vườn... củ gừng tươi, những nắm rau còn đọng sương trên lá... Gói ghém rồi ra ga đợi tàu gửi cho các cháu. Người làng qua vụ gieo cấy rủ nhau một buổi đi sắm tết chỉ cần ra ga đón tàu. Chiều về là có đủ thức dùng cho một cái Tết tươm tất. Mùa này những người con đi xa cũng chờ đợi một chuyến tàu trở về nơi ga xép thân thương. Họ phải về ga lớn cách 40 - 50 cây số, có thể ngủ lại đêm hoặc tìm đón xe đò, xe ôm. Mất cả buổi nữa mới về đến nhà. Bà ngoại thương cháu muốn gửi quà cũng phải chạy xe mấy chục cây sô mới đến đường Quốc lộ. Quà vô thành phố rau héo thịt ươn.
Mấy đêm rồi khó ngủ. Nằm nhớ tiếng còi tàu mà thương quê, thương mẹ. Nhớ con tàu trong kí ức tuổi thơ. Nhớ màu cờ hoa phấp phới trên chuyến tàu từ Bắc vô Nam ngày đất nước thống nhất. Tiếng còi tàu dộị vào vách núi vọng đến những ngôi làng bao năm nương bên thung lũng im vắng. Ngoại làm vườn chống cuốc gật gù. Con gà mái nhảy ổ đứng im ngơ ngác. Bầy trẻ con hớn hở chạy dọc sân ga vẫy tay cho đến toa tàu cuối. Nhớ, tôi gầy gò tóc ngắn áo hoa lẽo đẽo theo các dì cậu dọc đường tàu bán từng nải chuối chín. Chỉ đươc mấy đồng nhưng háo hức suốt một ngày. Nào phải quét nhà thật sạch, học bài thật kĩ, phải thật chăm ngoan và sẽ đươc mẹ cho ra ga đón tàu chợ mua quà... Nhiều người thích tàu nhanh vì đi đường dài và rất tiện nghi với tivi, điều hòa... Nhưng có lẽ mãi sau này nữa tôi vẫn không bao giờ quên những toa tàu chợ. Những cánh cửa mở đón gió. Bạn có thể ngắm bốn mùa trên những vùng quê thân thương như trong một cuốn phim chậm. Nghển cổ ra cửa là mùi hương của cánh đồng lúa vừa ngậm sữa, là mùi rơm và khói đốt đồng khi vừa qua vụ gặt, là tiếng kêu thảng thốt của bầy chim khuya và một bầu trời đầy sao mùa hạ. Người đi tàu thường rất gần gũi. Vài ba câu chào là có thể trò chuyên cùng nhau từ những hàng ghế gỗ rắt gần. Và những món ăn đươc nấu trên con tàu này cũng mang một hương vị thật đặc biệt. Các con tôi mê món cơm gà dưa muối của tàu từ lúc lên 3. Bao nhiêu năm rồi vẫn nhớ. Tàu đi qua mỗi ga xép, mùa nào thức đó đặc sản mỗi vùng đều được rao bán cho dù tàu chỉ dừng mươi phút. Kẹo mè xửng của Huế, bánh lọc cơm gà Mỹ Chánh, chuối mít ở ga Quảng Trị, măng khô măng tươi sim mua tiêu ớt ở ga Thượng Lâm, mực khô cá khô ga Đồng Hới... Đi tàu chợ mua gì cũng rẻ, ăn món gì cũng thấy ngon.
Tôi đã từng đi những con tàu chỉ có mấy toa, dài bằng năm sáu chiếc xe buýt ghép lai ở nước Đức. Họ có những tuyến đường tàu đi từ các thành phố lớn về tận những ngôi làng nhỏ heo hút, thưa thớt người. Tôi nói với mẹ nước mình còn nghèo lắm... Trong chiến tranh bà con quê mình chịu cực cũng quen rôi, đội bom đạn sống dưới hầm chỉ mong cắt cơn mưa bom để ngoi đầu ra ngoài ngắm trời mà thở. Trẻ con phải thức dậy từ 4 giờ sáng đi bộ dưới đêm 15 cây số đến trường học... Rồi cũng sẽ quen thôi mẹ ạ.
Cũng có vài bà con hùn nhau mua chiếc ô tô cho con học lái để chạy lên thành phố mua hàng hóa hay chở người đi bệnh viện lớn khám chữa bệnh. Có nhà xoay xở mua chiếc xe máy để lúc cần đi tàu có thể chạy ra đường quốc lộ đón xe đón tàu. Rồi cũng sẽ quen thôi. Mẹ cũng đã nói thế...
Nói vậy để mắt mẹ thôi rớm nước nhưng sao lòng buồn thế. Mỗi buổi sáng thiếu tiếng còi tàu vọng vào vách núi, người làm đồng đứng ngẩn ngơ. Trưa lũ trẻ học về không còn tíu tít ra ga đón mẹ đòi quà văt. Chợ cạnh ga thưa vắng, hàng quán liêu xiêu. Mùa này mưa nhiều quá... Xóm núi buồn, vắng tiếng còi tàu lại buồn thêm. Bên đồi vắng, ga xép lặng lẽ trong mưa... Những chuyến tàu nhanh lướt qua, lướt qua, xa lạ...
B.D (Huế)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét