Nhà thơ Xuân Tâm
Kỳ 37:
X U Â N T Â M
Xuân Tâm tên thật là Phan Hạp, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1916 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống hiếu học, con của cụ Phan Diêu, người có uy tín trong làng. Cụ Phan Diêu có ba con trai là Phan Lai, Phan Hạp, Phan Viên và một gái là Phan Thị Hồng Hạnh. Lo cho các con ăn học, cụ phải bán căn nhà và sào đất vườn ở Bảo An, Quảng Nam để đưa cả gia đình ra Huế, cất một ngôi nhà tranh bên vệ đường gần trường Quốc học và lãnh nấu cơm tháng cho học trò. Tiếc thay, vì hoàn cảnh nghèo nên sau khi học ở trường Chaigneau, Xuân Tâm được ra Quốc học Huế và đỗ bằng thành chung, nhưng vẫn phải nghỉ và tìm việc làm.
Ông xin làm thông phán ở Kho bạc Tourane tại Đà Nẵng. Trong thời kỳ nầy, ông có nhiều thơ đăng trên các báo, tạp chí như: Tân văn, Sông Hương, Bạn đường, Thanh niên, Phụ nữ Việt Nam, Văn, Đại đoàn kết…
Ông xuất bản tập thơ gây được tiếng vang trên văn đàn là Lời tim non, phát hành năm 1941, gồm những bài thơ ông viết từ khi chưa đầy 20 tuổi cho đến lúc in. Trong đó, có bài Nghỉ hè, đoạt giải nhất cuộc thi thơ của báo Bạn đường và được đưa vào sách giáo khoa tiểu học.
Nhà thơ Xuân Tâm thời trẻ
Tháng tám năm 1945, Xuân Tâm tham gia quân đội Cách mạng. Do có nghiệp vụ, một năm sau ông chuyển sang Ngân khố tỉnh Quảng Nam, rồi lên Giám đốc Sở Ngân khố Liên khu 5. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm việc ở Ban Kinh tế Chính phủ rồi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cho đến ngày nghỉ hưu.
Về hưu, ông có thời gian rảnh rỗi, thường họp mặt với các văn thi hữu, làm thơ và dịch thơ cộng tác với các báo ở Hà Nội. Cuối đời, ông sống ở phố Thụy Khê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Do tuổi cao sức yếu, ông mất ngày 4 tháng 2 năm 2012.
Người ta biết đến Xuân Tâm chủ yếu qua tập thơ Lời tim non và các bài đăng trên báo, chưa rõ ông còn xuất bản tập nào nữa không. Thơ ông giản dị, hồn nhiên, gần gũi với tình cảm của thanh thiếu niên thời bấy giờ nên rất được giới trẻ yêu thích. Tả cảnh cũng như tả tình, những vần thơ nhẹ nhàng như ru của ông đã lay động biết bao tâm hồn đa cảm: Ánh nắng ngày thu đã tắt dần. Hàng tùng không bóng, rụng ngoài sân. Hồn đêm nhè nhẹ rung đôi cánh. Bao phủ làng xa đến xóm gần... (Chiều về).
Thơ tình của ông giản dị và thú vị, đúng với tâm trạng người đang nếm hương vị của tình yêu, sự truyền cảm và đồng cảm ấy giúp người ta dễ nhớ và yêu thích: Tôi đổi hai mai lấy một chiều. Để tìm trong ấy ít lời yêu. Ban ngày sáng quá, ban đêm tối. Tôi sợ, không mơ tưởng được nhiều (Lời tim non). Cho đến khi tan vỡ và buồn đau, thơ ông cũng len lỏi vào tận đáy lòng người đọc: Đêm nay trông thấy giường bên vắng.
Có kẻ cô đơn khẽ gục đầu (Tiễn đưa).
Vợ chồng nhà thơ Xuân Tâm
Tôi xin giới thiệu một bài thơ quen thuộc với người yêu thơ của Xuân Tâm, bài thơ hồn nhiên và tự nhiên nhưng luôn làm xao xuyến tâm hồn ta. Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết. Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về. Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê. Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!... Sau gần 80 năm ra đời, bài thơ vẫn nói lên tâm trạng của người hôm nay…
TRỊNH BỬU HOÀI
N G H Ỉ H È
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ!
Một tiếng nói, trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi, chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.
Trong khoảnh khắc, sách bài là giấy cũ.
Nhớ làm chi, thầy mẹ đợi, em trông.
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.
Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót,
Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.
Tay bắt tay, hồn không chút bùi ngùi,
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
XUÂN TÂM
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét