Nhà văn Trần Tâm
Bàn chân ấy toè ra như cái chổi rơm dùng dở, chiều ngang gần bằng chiều dài. Ngồi nghỉ trong những lần lên rừng xuống biển có đứa đã vạch theo thành một hình gần như tam giác đều. Đã thế lại xù xì, chen chúc sẹo nông sẹo sâu, sẹo mới sẹo cũ. Những vết thương tích còn nhiều hơn phần da thịt nguyên lành. Năm ngón hình bình hành suýt soát bằng nhau, nham nhở nốt cào cấu. Móng chân không còn hình dáng cũ. Sứt sát, gồ ghề, lồm cồm, xây xước, đen đúa và đóng thành cục, cái dài cái ngắn, cái đang thay, cái cụt. Cả hai bàn chân cóc cáy, to thô và cằn cỗi không mấy lúc không có chỗ đau, ứa nước vàng ra, hôi rinh rích.
Chủ đôi bàn chân đó là Ích. Ích có thể dằng dai suốt buổi lai lịch từng vết sẹo hằn sâu. Có điều nó ít rất thời gian để kể.
Bố mẹ mất sớm. Nó ở với bà. Một người già vừa nghễnh ngãng vừa chậm chạp, suốt ngày lẩm bẩm những điều mình bà hiểu. Chả biết Ích thừa hưởng tính cách của ai. Trong cái dáng cục mịnh, vụng về, nó nhanh nhẹn, khéo tay không ngờ mỗi khi vào việc.
Nó đâu được học hành đến nơi đến chốn, nói năng khó khăn như người dầy lưỡi. Công việc hàng ngày đầy ắp vai nó. Lấy rừng biển làm nhà, Ích ít khi chơi bời lung tung như bọn chúng tôi. Vác gỗ, bẻ quả, xiên mực, đào ngao, thả lờ, giăng câu… ở tuổi thơ, thực sự nhiều nghề nó thông thạo, sành sỏi.
Chúng tôi làm việc lặt vặt giúp đỡ gia đình mỗi khi thích thú hoặc cần thiết. Nó lại khác, công việc là nhiệm vụ, là miếng cơm manh áo hàng ngày. Vì thế, nó làm bằng dăm bảy đứa chúng tôi.
Những ngày mưa mới, đồng trắng nước. Chạch chửa cuộn từng vầng trên ruộng vừa gặt xong. Tay rổ, tay nơm, nó mò mẫm trong mưa đan mù mịt. Ích móc đất, xẻ bờ cho nước từ ruộng cao ào xuống ruộng trũng. Nó chắn đó rồi cầm rổ vục nơi những con chạch mừng nước vàng ươm. Mưa cứ ào ào từng đợt, từng đợt dội lên vai nó. Tạnh mưa, chúng tôi ra. Nó đã lùi lũi mang về từng giỏ chạch. Con nào con nấy bụng căng trứng, vàng khè. Những đợt mưa sau, chạch thôi không cuộn nữa. Nó lần theo những vệt nước chảy rí rách, bắt cá rô ngược dòng đến miền đất mới. Da mặt tái vì mưa, vì lạnh, nó đeo ngọc (một loại giỏ to, đáy hình chữ nhật) giơ ra khoe khi chúng tôi tới. Lưng một ngọc chen chúc những con rô giãy đành đạch.
Tôi đã cùng nó đi lấy huyết giác, chân chim… về bán cho cửa hàng dược liệu. Những cây chân chim cao to, thẳng đứng, sống ở đất núi, chúng tôi chặt xuống, lột lấy vỏ. Chịu cực nhọc cả buổi, tôi cũng bóc được hơn chục cân mang về phơi. Nó đẵn cây, chặt từng khúc ngắn, bỏ vương vãi ở đấy, đi lấy loại khác hoặc về không. Ba bốn hôm sau, nó lên, xiết mũi dao vào ngập vỏ, miết thẳng một đường, tách ra dễ dàng. Chỉ hai buổi đi, nó làm bằng chục thằng chúng tôi làm cả tuần. Khi chúng tôi học được cách của nó thì cửa hàng dược liệu lại ngừng, không mua nữa.
Chúng tôi chèo mủng (một loại thuyền nan sơ sài và nhỏ) ra các núi đá ngoài khơi lấy phong lan. Nó đi theo. Khi về, chúng tôi mỗi đứa dăm ba cuộn dây cầm cù, vài cụm phi điệp kép và những củ bình vôi to bằng cái chậu thau. Nó vứt lên mủng những vác lõi không mục màu nâu đỏ của loài huyết giác. Kết quả, nó có tiền còn chúng tôi tay không. Cây lấy về lại cho hoặc để dần mòn chết hết.
Rồi tôi theo nó đi lấy huyết giác. Những cây huyết giác cao cao, dáng đẹp, chỉ có túm lá xanh trên ngọn, mọc dày khắp núi đá. Chọn những cây to như bắp chân dài thượt, thân mục, vỏ còn nguyên nhưng khi cầm lên, giũ ra, óp òm ọp toàn mùn gỗ. Bao giờ Ích cũng lấy được nhiều hơn chúng tôi mặc dù nó đã dặn kỹ càng phải chọn chỗ cheo leo, chênh vênh phía đông bắc núi, khí hậu khắc nghiệt vì gió quất mạnh hơn. Thân huyết giác sẽ sắt lại, ngoan cường chống đỡ để tồn tại, khi chết dễ trở thành trầm. Vậy mà nó vẫn lấy nhanh, nhiều và buộc gọn ghẽ thành bó lớn. Thì ra, chủ yếu nhờ vào đôi chân nó.
Trên núi đá tai mèo, chúng tôi đi giày, rón ra rón rén, chỉ sợ ngã. Mỗi khi va vào cạnh đá nghe âm thanh từ đó phát ra mà hãi. Cạnh đá sắc xẻ giầy, tướp chân chúng tôi. Còn nó bạt tử. Chân dẫm trên đá tai mèo như người đi trên đá sỏi. Những thân cây huyết giác mục, nó dùng chân đá. Biết cây nào lõi hoá trầm nó mới dùng tay. Nhiều lúc nhìn nó nhún, bíu như vượn càng thấy mình kém cỏi.
Ra bãi biển bắt bề bề, móc ngao, dận lỗ ruốc… chân không lùa trong bùn loãng. Những tiếng ối, á phát ra thường xuyên. Đứa bị gầu đánh, đứa bị sụa đâm. Ích cứ đi phăm phăm. Sụa, hà không cắm xẻ được vào chân nó. Có lần tôi phát hoảng. Nó giơ chân lên. Con gầu đen chửa còn giẫy giẫy trên gan bàn chân nó một lát mới rơi xuống. Nó đập chết cho vào giỏ, tiếp tục đi. Bọn tôi bị vậy chỉ còn cách hất nó ra, ngồi bệt xuống, nhanh chóng vẽ vòng chỗ nó đâm, cố nặn ra ít máu rồi đái vào. Chả biết làm thế có đỡ đau không nhưng buốt mãi. Có đứa phát khóc, bỏ về. Có đứa sốt mấy ngày.
Nó chạy trên bãi hà như chúng tôi chạy trên sỏi cát. Tôi khâm phục đôi bàn chân ấy dù không muốn có. Nhìn to bè bè, nhiều lúc tôi nghĩ không biết ra sao. Không có dép dầy nào cho bàn chân ấy. Nó gần như hình tam giác đều mà dày đặc u cục, gồ ghề, sù mốc với những vết sẹo chằng chịt, dài ngắn, lồi lõm.
Tối tới nhà nó, tôi mới ái ngại. Gan bàn chân xơ tướp những vết cứa chi chít. Tay cầm gai bòng nhọn, tay kia bóp dọc từng vết cứa cho chiều ngang mở ra. Nó dùng gai gẩy nhẹ bùn cát trong từng vết ấy. Không thấy xuýt xoa nhưng nhìn bàn chân ấy, tôi cứ thương thương mặc dù nó vẫn coi là bình thường, cười cười hỏi tôi ngày mai lên rừng hay xuống biển.
T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét