Lê Thị Xuyên
Vừa bước chân đến cổng ngõ, chợt vang lên bên tai tôi tiếng chuông đồng, tiếng mõ lốc cốc. Tôi biết đã đến giờ bà tụng kinh. Tôi ngồi ngoài sân chờ bà gần một tiếng đồng hồ. Mùi hương trầm thơm phức hòa với mùi huệ ngạt ngào nơi bờ giếng không thể lẫn với bất kì loài hoa nào khác như đưa tôi về với những năm tháng tuổi thơ bên bà.
Bà tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhà có hai anh em, ông ngoại tôi và bà. Trước khi ông ngoại mất, có trao lại cho bà sợi dây chuyền bằng bạc mà cố tôi gửi lại để sau này, bà lấy chồng, lấy đó làm của hồi môn. Sợi dây chuyền có mặt in hình Bồ Tát. Bà đeo vào cổ, giữ nó như vật báu, thi thoảng lại đưa tay lên kiểm tra vì sợ nó mất. Rồi bà tham gia vào đội thanh niên xung phong của xã suốt mấy năm liền. Trở về, mặc cho mọi người thúc giục, gán ghép, bà vẫn lặng thinh, không lập gia đình. Bà xin chị dâu (tức bà ngoại tôi) cho sang căn nhà giáp núi (mảnh đất của hai cố tôi gây dựng nên) và cứ ở vậy một mình cho đến nay.
Sợi dây chuyền bạc được bà cất kĩ trong chiếc hộp nhỏ xinh xắn, đặt trong cái tráp để trên bàn thờ. Mẹ tôi nói, một lần sang thăm bà, thấy bà đặt sợi dây chuyền lên bàn thờ rồi cứ quỳ thế suốt cả mấy tiếng đồng hồ. Mẹ hỏi thì bà nói, giờ bà đã là người nhà Phật rồi. Có hôm, sáng sớm có người đến chơi mới hay bà mệt, nằm một mình trên giường, không ai lo cơm cháo. Nhắc lại những câu chuyện đó, bà chỉ cười và nói: bà thờ Phật thì bà sẽ được Phật chở che. Bà tôi thường tụng kinh, gõ mõ vào những ngày mùng một và ngày rằm. Những khi rảnh rang, tôi thấy bà lấy ra bao nhiêu là sách về kinh Phật đọc và nghiền ngẫm say sưa, có khi như quên đi những thứ xung quanh mình.
Cuộc sống của bà cứ thế trôi đi, với đồng lương hưu tằn tiện, với sào ruộng cấy lúa theo mùa, với những rau cỏ mùa nào thức nấy trong vườn. Ngày tôi còn học cấp một, những buổi chăn bò giúp gia đình, tôi lại quanh quẩn bên bà, thu hoạch củ từ, dong riềng. Trước ra khi về, tôi lại có cả một bì chiến lợi phẩm, những thứ mà ở nhà mấy đứa em tôi luôn ngóng đợi mỗi khi chúng biết tôi được sang nhà bà. Tôi thích nhất vẫn là những cành huê trắng bà trồng nơi bờ giếng. Tôi xin bà một cành có những búp đã căng tròn, gần nở đem về cắm trong chai cổ lọ, đặt lên mặt tủ chè, cạnh bàn thờ ông nội tôi. Tối đến, mùi huệ thơm lắm. Ngồi học bài, tôi cứ thế mà hít hà.
Niềm vui lớn nhất của bà tôi là được đi thăm nhiều đền chùa. Xa thì chùa Bái Đính rồi chùa Hương, gần thì đi lễ đền Hàn... Bà sống một mình, thế nhưng bà không đơn độc. Bà tu tại gia, tâm luôn hướng về Đức Phật, cầu phúc cho con cháu. Mỗi lần sang nhà bà, chúng tôi lại được nghe bà kể những câu chuyện Phật giáo, những triết lí nhân quả ở đời. Có lẽ vì thế mà những năm tôi học đại học xa nhà, cũng những ngày rằm hay mùng một, tôi thường đi lễ chùa để tìm cho mình một không gian yên tĩnh, tạm bỏ lại sau lưng những xô bồ, toan lo mệt nhọc của cuộc sống thường ngày. Đến chùa, tôi ngỡ như mình đang được ở bên bà, nhẹ nhàng, tĩnh tâm. Và tôi lại cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, cho bà.
Người nhà Phật phải chăng ai cũng vậy, hoan hỉ, an lạc. Ở cái tuổi ngoài 70, bà vẫn nhanh nhẹn, nét cười luôn hiện hữu trên gương mặt điềm đạm, đầy lạc quan. Ẩn sau nụ cười là hàm răng nhai trầu đen nhánh. Bà tôi rất thích ăn trầu. Đó là lí do bà trồng đến hai giàn trầu không, phần vì hái lên cúng Phật, phần vì cho hàng xóm mỗi khi đến ngày lễ tết, phần vì để bà ăn. Tôi vui và thầm cảm ơn đức Phật đã luôn che chở cho bà.
Nhớ lại những năm dạy học tại Ninh Thuận, khi một mình đối diện với những trận ốm đau thập tử nhất sinh, tôi đều vượt qua. Tôi biết, bà luôn cầu khấn cho tôi, hơn thế, tôi cũng luôn tin vào đức Phật. Và rồi tôi nhận ra rằng, chính niềm tin và tình thương yêu sẽ giúp con người ta vượt qua tất cả.
L.T.X
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét