Nguyễn Hữu Chỉnh thêm một lần bị đuổi khỏi nước
Nguyễn Long Nhương phải hai phen kháng lệnh vua anh.
* * *
Nói về vua Thái Đức nhà Tây Sơn ở Hoàng đế thành (thành Quy Nhơn) nghe quân vào báo:
- Tâu bệ hạ Long Nhương tướng quân đã chiếm xong đất Thuận Hóa. Long Nhương sai quân mang thư báo tin thắng trận.
Vua Thái Đức mừng rỡ mở thư ra đọc. Đọc xong vua sa sầm nét mặt đập tay xuống ngai quát:
- Nguyễn Huệ thật to gan!
Quan ngự sử Nguyễn Thung ngạc nhiên hỏi:
- Long Nhương tướng quân báo tin thắng trận vì sao bệ hạ lại giận dữ như vậy?
Vua Thái Đức gằn giọng:
- Ta lệnh cho Nguyễn Huệ đánh Thuận Hóa xong phải kéo quân về. Vậy mà Huệ sai người báo tin thắng trận lại báo luôn tin sẽ đem quân đi đánh Bắc Hà. Ấy chẳng phải là Nguyễn Huệ lộng quyền dám khinh thường ta kháng mệnh hay sao?
Nguyễn Thung tâu:
- Long Nhương tướng quân xưa nay phàm làm việc gì cũng đặt quốc gia đại sự làm đầu, không kể về danh lợi, bản thân. Nay Long Nhương đem quân ra Bắc ắt không là ngoại lệ. Xin bệ hạ bình tâm suy xét lại.
Nghe Nguyễn Thung nói vua càng giận quát:
- Ngươi bao giờ cũng bênh vực cho Nguyễn Huệ cả. Ngươi tưởng rằng chức quan ngự sử có thể can vua là ta không giết được ngươi sao?
Thấy vua Thái Đức quá giận, Nguyễn Thung qùy mọp dưới thềm không dám ngước lên. Vua gọi thái giám Vũ Tâm Can bảo:
- Ngươi hãy mau mang chiếu chỉ của ta ngày đêm ra thành Phú Xuân gọi Nguyễn Huệ về đây cho ta.
Vũ Tâm Can vâng lệnh đi ngay. Bỏ mặc Nguyễn Thung qùy dưới thềm. Vua Thái Đức đứng lên lui vào hậu cung. Vũ Tâm Can đi rồi, tháng sau quay về báo:
- Tâu bệ hạ, Long Nhương tướng quân và các tướng đã đem binh đánh Bắc Hà. Chỉ còn một mình tiết chế Nguyễn Lữ ở lại trấn thủ Thuận Hóa mà thôi.
Vua Thái Đức hậm hực:
- Huệ đem binh đi vào lúc nào?
Vũ Tâm Can đáp:
- Ngày trước Long Nhương sai người về kinh báo tin, ngày sau Long Nhương vội kéo quân đi.
Vua Thái Đức giận lắm gằn giọng rằng:
- Nguyễn Huệ biết nếu xin lệnh của ta ắt ta sẽ không cho đi, nên nó chuẩn bị xuất binh trước rồi mới báo ta hay. Đã đến nước này đành chờ nó kéo binh về rồi sẽ hay. Lần này nếu ta không dùng phép nước mà trị tội nó thì còn gì là kỷ cương phép tắc.
Nghe vua Thái Đức nói, Vũ Tâm Can mừng lắm nhưng làm ra vẻ buồn rầu rồi xin phép cáo lui.
Ít hôm sau quân lại vào dâng thư của Nguyễn Huệ và tâu với vua Thái Đức rằng:
- Tâu bệ hạ, Long Nhương tướng quân đem binh vào Thăng Long đánh tan quân Trịnh, giết chúa Trịnh Khải. Long Nhương tướng quân sai người mang thư về xin chúa thượng duyệt lãm.
Tiếp thư đọc xong, vua Thái Đức nói:
- Nguyễn Huệ mượn tiếng phò Lê diệt Trịnh đem quân ra Bắc. Nay đã đánh đến kinh thành Thăng Long. Huệ mượn cớ giúp vua Lê chỉnh đốn cõi Bắc mà đóng quân ở nơi ấy ít lâu rồi sẽ kéo quân về phục mệnh. Vậy ta phải viết chiếu sai người ra Bắc Hà gọi nó về ngay mới được.
Vũ Tâm Can tâu:
- Long Nhương tướng quân chỉ trong một tháng mà lật đổ họ Trịnh làm chúa ở Đàng Ngoài suốt hai trăm năm. Long Nhương hiện giờ vang danh khắp thiên hạ, trong tay nắm binh hùng tướng mạnh nên mới dám kháng mệnh của bệ hạ. Long Nhương là người quyết đoán, nếu bệ hạ không đích thân ra Bắc mà chỉ sai sứ giả đem chiếu đi triệu Long Nhương thì hạ thần e rằng chưa hẳn ông ấy đã vâng lời.
Vua Thái Đức nói:
- Lời ngươi thật là hữu lý ta phải thân hành ra Bắc mới yên.
Nói rồi vua thiết triều giao quyền cho con là thái tử Nguyễn Bảo trông coi chính sự. Việc binh nhung giao cho đại tướng Lê Trung. Vua lại tuyển hai ngàn quân cấm vệ định ngày ra Thăng Long.
Quan ngự sử Nguyễn Thung biết việc ấy nghĩ thầm rằng: “Càng ngày vua càng tin chắc rằng Long Nhương cậy công lấn quyền, phen này e Long Nhương nguy mất!”
Nghĩ rồi bèn về nhà viết thư sai người tâm phúc ngày đêm đi gấp ra Thăng Long báo trước cho Nguyễn Huệ.
* * *
Nhắc lại ở thành Thăng Long, Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa thành thân được ít hôm thì vua Lê Hiển Tông lâm trọng bệnh. Vua cho vời Nguyễn Huệ và Ngọc Hân đến trăng trối:
- Nay ta biết mình không còn sống được nữa. Vậy sau khi ta mất đi, phò mã hãy đưa Hoàng tự tôn Lê Duy Kỳ là con trai thái tử Lê Duy Vỹ lên kế vị. Duy Kỳ mới mười tám tuổi hãy còn nhỏ dại, nhờ phò mã hết lòng phò tá cho.
Nói xong vua băng hà. Nguyễn Huệ đứng ra lo hậu sự cho vua rất trọng thể. Sau đó đưa Hoàng tôn Lê Duy Kỳ lên ngôi. Lê Duy Kỳ lên làm vua lấy hiệu là Chiêu thống (Năm Bính Ngọ 1786)
Việc vừa xong Nguyễn Huệ nghe quân vào báo:
- Thưa Long Nhương có người tâm phúc của quan ngự sử Nguyễn Thung xin vào ra mắt!
Nguyễn Huệ giật mình nói:
- Nguyễn Thung sai người ra gặp ta tất có điều cơ mật! Mau cho vào!
Người nhà Nguyễn Thung vào dâng thư cho Nguyễn Huệ. Đọc xong, Nguyễn Huệ ưu tư:
- Thật không ngoài dự liệu của ta. Nguyễn Thung mật báo cho ta hay, Hoàng Huynh ngự giá ra Bắc triệu ta về kinh thành Quy Nhơn trị tội kháng mệnh. Ít hôm nữa Hoàng huynh sẽ đến đây…
Trần Văn Kỷ cũng lo lắng không kém:
- Vậy chúa công liệu tính thế nào?
Nguyễn Huệ đáp:
- Cứ để Hoàng huynh ta đến đây, rồi tùy theo thái độ của người thế nào ta sẽ liệu mà xử sự.
Vài hôm sau vua Thái Đức và hai ngàn quân cận vệ đến Thăng Long, Nguyễn Huệ dẫn các tướng ra cổng nam thành nghênh đoán. Các tướng cùng qùy tung hô vạn tuế. Nguyễn Huệ kính cẩn thưa rằng:
- Tâu Hoàng huynh, em chưa được lệnh của Hoàng huynh mà đã đem quân ra Bắc, khiến Hoàng huynh phải nhọc sức ngự giá đến đây. Em thật là đắc tội, xin Hoàng huynh lượng thứ.
Vua Thái Đức an ủi rằng:
- Ta ở Hoàng đế thành nghe báo tin em chiếm Thuận Hóa xong liền đem quân ra đánh Bắc. Em đem binh đi đánh Thuận Hóa chỉ có hai vạn quân, trong khi đó Bắc Hà đất rộng dân đông, binh họ Trịnh có hơn mười vạn, anh sợ em có điều sơ sẩy là anh đã phụ lời di huấn của phụ thân, nên anh chẳng quản ngày đêm ra đến đây gọi em về đó.
Nói xong vua Thái Đức liền theo Nguyễn Huệ vào nơi Trịnh phủ. Đêm ấy vua Thái Đức cho gọi đông đủ các tướng rồi bảo Nguyễn Huệ rằng:
- Em nhân danh Tây Sơn ta ra đây diệt Trịnh phò Lê. Nay họ Trịnh đã diệt, vậy em hãy lệnh cho ba quân tướng sĩ chuẩn bị quân trang ít hôm nữa thì kéo quân về.
Nguyễn Huệ khúm núm tâu:
- Thưa Hoàng huynh, chúa Trịnh tuy đã diệt nhưng dư đảng hãy còn có Trịnh Lệ, Trịnh Bồng. Vả lại ngoài chúng dân loạn lạc, cướp bóc nổi dậy khắp nơi, nhân tình thật là thống khổ. Nay nước chưa yên mà ta đã vội kéo quân về thì đối với thiên hạ thật không đúng nghĩa tôn phò, e người đời dị nghị là Tây Sơn ta thất tín.
Nghe Nguyễn Huệ luận hợp lý, vua Thái Đức bèn vỗ án quát:
- Nguyễn Huệ thật to gan! Ngươi có hai tội đáng chết ta nghĩ tình không bắt tội thì thôi, lại còn dám cãi nữa hay sao?
Huệ run run hỏi:
- Xin hỏi Hoàng huynh, em có hai tội gì gọi là đáng chết?
Vua cười gằn đáp:
- Ngươi còn giả vờ chưa biết thì hãy nghe ta kể tội đây! Ta lệnh cho ngươi đem binh đánh Thuận Hóa dùng sông Linh Giang làm ranh giới chia đôi thiên hạ với họ Trịnh ở Bắc Hà. Ngươi lại dám cãi lời vua đem quân Bắc tiến. Tội thứ nhất là kháng mệnh bất trung! Phàm làm con việc hôn nhân là do mẹ cha định đoạt. Mẹ cha mất phải hỏi ý của anh. Nay mẹ vẫn còn đó, anh vẫn còn đây, ngươi dám qua quyền mà tự tiện lấy vợ. Tội thứ hai là luân thường bất hiếu! Ta hỏi ngươi bất trung bất hiếu phải xử thế nào?
Nguyễn Huệ dập đầu thưa:
- Muôn tâu, Hoàng huynh là người nhân đức, thích cảnh thái bình, ghét việc binh đao nên Hoàng huynh không muốn đem quân đánh Phú Xuân, Thuận Hóa. Đến lúc thấy nhân dân Thuận Hóa bị quân Trịnh áp bức không sống nổi phải trốn vào nước ta nương nhờ thánh đức, Hoàng huynh liền xuống lệnh xuất quân. Ấy bởi Hoàng huynh không phải vì đất Thuận Hóa mà vì lòng nhân đức ra tay tế độ chúng dân. Khi em đánh chiếm Thuận Hóa xong rồi, đưa mắt nhìn ra ngoài cõi Bắc, thấy muôn dân cũng thống khổ lầm than, nên mới đem binh dẹp loạn. Xét về lý tội là kháng mệnh, xét về tình là thi hành đức lớn của Hoàng huynh. Ấy là một lẽ!
Đi đánh Trịnh cứu dân phải mượn tiếng phò Lê. Vua Lê khăng khăng đòi nhận em làm phò mã để danh chánh ngôn thuận mà vực nước cứu dân. Vua Lê lúc ấy đã lâm trọng bệnh chưa biết sống chết thế nào. Nếu nhà vua chẳng may khuất núi, việc hôn nhân ắt phải bất thành, thì còn đâu nghĩa cả giúp dân. Nếu em về Quy Nhơn xin phép mẹ và Hoàng huynh rồi lại trở ra, đường xá xa xôi núi sông cách trở mà vua Lê không cầm cự được lâu ngày, thành ra lỡ việc lớn, nên em buộc lòng phải tự quyết lấy. Quả nhiên, sau hôn lễ mấy ngày vua Lê đã băng hà. Sự thực là như thế, em nào dám gian dối. Xét theo lý là qua quyền bất hiếu với mẹ cha. Xét theo tình là hiếu với dân với nước. Ấy là hai lẽ! Xin Hoàng huynh hãy vì hai tình ấy mà giảm cho hai tội chết kia.
Vua Thái Đức đã dịu giọng:
- Ngươi khá già mồm, giỏi biện luận. Ta vì tình cốt nhục mà tha cho tội chết chứ không phải vì những lời ngụy biện ấy đâu.
Nguyễn Huệ thấy anh đã bớt giận bèn cố xin thêm:
- Hoàng huynh đã rõ em vì hai tình lớn mà phạm vào hai lỗi nhỏ, vậy xin Hoàng Huynh cho đóng quân ở lại ít lâu giúp vua Lê cho vẹn tình trọn nghĩa tôn phò.
Vua Thái Đức gạt đi bảo:
- Ta tha cho ngươi tội chết, tội sống khó tha phải theo ta về Quy Nhơn phục mệnh.
Nguyễn Huệ thấy ý anh đã quyết không dám mở miệng. Nguyễn Hữu Chỉnh xen vào thưa:
- Long Nhương tuớng quân theo bệ hạ về Quy Nhơn, cũng xin bệ hạ hãy cử tướng ở lại Bắc Hà phò giúp vua Lê lấy lòng dân xứ Bắc cũng chưa phải là không có lợi về sau.
Vua Thái Đức cười bảo:
- Hữu Chỉnh là tôi thần của vua Lê. Việc này ngoài ngươi ra còn ai có thể thuận lý hơn được nữa. Sau khi ta về Quy Nhơn sẽ để Hữu Chỉnh ở lại xứ Bắc giúp vua Lê đó.
Nguyễn Hữu Chỉnh mừng thầm lạy tạ lui ra.
Bỗng nghe quân vào báo rằng:
- Tâu bệ hạ có vua Lê Chiêu Thống đến xin cầu kiến.
Vua Thái Đức hỏi Nguyễn Huệ:
- Ta định thu xếp việc trong nhà rồi sẽ sang bái yết vua Lê. Nay vua Lê lại đến đây trước vậy phải làm thế nào cho phải?
Nguyễn Huệ đáp:
- Vua Lê hiện đang nhờ vả Tây Sơn ta, nay lại nghe tin Hoàng huynh đến đây nên vua Lê mới đến cầu kiến trước. Ấy là việc phải làm của người thất thế. Nhưng theo nghĩa ta lấy tiếng tôn phò để diệt Trịnh cứu dân, nếu để người ta cầu lụy mình e rằng mất nghĩa. Xin Hoàng huynh xét lại.
Vua Thái Đức cười bảo:
- Ý em ta đã hiểu! Theo em là ta phải có bổn phận sang cầu kiến vua Lê cho đúng nghĩa tôn phò chứ gì?
Nguyễn Huệ vội vàng đáp:
- Ý em không phải là như vậy.
Vua Thái Đức hỏi:
- Vua Lê sang cầu kiến ta thì ngươi bảo là e mất nghĩa. Vậy nếu ta không cầu kiến vua Lê thì là thế nào?
Huệ đáp:
- Vua Lê ở cung vua, Hoàng huynh ở phủ Trịnh. Vậy hai vua nên gặp nhau tại chính điện Kính Thiên là nơi dùng để thiết triều, thì không bên nào thất lễ với nhau. Hoàng huynh xem thế có tiện chăng?
Vua Thái Đức vừa ngáp vừa nói:
- Ta cũng gắng chìu ý ngươi cho trọn nghĩa tôn phò. Vậy hãy mau ra hẹn với vua Lê định ngày gặp nhau nơi chính điện.
Đến ngày hẹn, vua Thái Đức nhà Tây Sơn và vua Chiêu Thống nhà Lê gặp nhau tại chính điện Kính Thiên. Bên vua Lê chỉ toàn quan văn. Bên Tây Sơn tinh là võ tướng. Sau khi thi lễ và phân ngôi chủ khách xong, vua Chiêu Thống kính cẩn nói:
- Bệ hạ từ Nam Hà lặn lội ra đến đây, tôi mới lên ngôi việc nước còn rối ren không hay biết ra ngoài thành tiếp đón thật là thất lễ.
Vua Thái Đức khiêm tốn nói:
- Anh em tôi vì nghĩa tôn phò. Đối với Bắc Hà là nước lớn, đối với bệ hạ là kẻ bề trên. Tôi có bổn phận phải xin diện kiến với bệ hạ, nếu để bệ hạ tiếp đón e rằng không phải đạo.
Bỗng vua Chiêu Thống đứng dậy chấp tay nói:
- Được bệ hạ ngự giá thân chinh đến tận nước tôi đem nghĩa tôn phò bố cáo cùng thiên hạ, ấy thật là hồng phúc của nước tôi vậy. Nay tôi có hai điều thỉnh cầu xin bệ hạ thuận cho!
Vua Thái Đức hỏi:
- Hai điều ấy là hai điều gì?
Vua Chiêu Thống đáp:
- Điều thứ nhất là: Tôi còn nhỏ tuổi lại mới lên ngôi, thêm binh quyền không có, trong nước rối ren. Xin bệ hạ cử tướng ở lại giúp tôi định quốc an dân rồi hãy quay về. Điều thứ hai là: Nhà Lê tôi tiếng là làm vua, nhưng quyền hành đều trong tay họ Trịnh cảnh nhà thanh bạch không có gì để khao thưởng tướng sĩ. Vậy khi xong việc rút quân về tôi xin dâng đất Nghệ An là nơi giáp giới với nước của bệ hạ để làm lễ khao quân. Chẳng hay ý bệ hạ thế nào?
Vua Thái Đức cười đáp:
- Nguyễn Phúc Ánh vẫn ngấp nghé dấy loạn ở đất Gia Định, nên nay tôi phải kéo quân về phòng khi có biến. Tôi sẽ để Hữu Chỉnh ở lại Bắc Hà giúp vua. Điều thứ nhất chắc chắn làm được. Quân Tây Sơn tôi ra đây vì nghĩa phò Lê diệt Trịnh, không vì lợi. Nếu là đất họ Trịnh một tấc cũng không để. Đất nhà Lê một tấc cũng không lấy. Xin bệ hạ chớ nói điều cắt đất khao quân, tôi thật áy náy lắm!
Vua Chiêu Thống cả mừng nói:
- Ngày xưa Trịnh Sâm giết chết cha tôi. Nay bệ hạ sai Nguyên Soái kéo quân ra diệt Trịnh là đã trả giùm thù cha cho tôi rồi. Nhà Lê tôi bị họ Trịnh đè nén suốt hai trăm năm, nay được nắm giữ lấy vận mệnh nước nhà là bệ hạ đã tái tạo cho nhà Lê tôi. Hai ơn ấy thật là ví như trời biển, nếu bệ hạ không nhận đất Nghệ An thì tôi biết lấy gì báo đáp đây?
Vua Thái Đức xua tay:
- Tôi ra đây vì nghĩa thì sao dám kể ơn. Xin bệ hạ hãy giữ lấy kỷ cương, lập lại giềng mối nối nghiệp tiên đế để hai nước đời đời giao hảo là tôi đã thoả nguyện lắm rồi.
Nói xong vua Thái Đức cáo biệt vua Chiêu Thống cùng các tướng quay về phủ chúa Trịnh.
* * *
Hôm sau vua Thái Đức gọi Nguyễn Huệ đến bảo:
- Em hãy lệnh cho các tướng, bảo quân chuẩn bị quân trang, nửa đêm nay sẽ rút đại binh về nước.
Nguyễn Huệ hỏi:
- Nếu Hoàng huynh kéo binh về nước bỏ mặc vua Lê thì còn đâu là nghĩa tôn phò, e rằng thất tín với thiên hạ. Xin Hoàng huynh xét lại.
Vua Thái Đức gạt đi bảo:
- Nguyễn Hữu Chỉnh muốn mượn tay Tây Sơn ta đưa hắn về nước nên mới xúi ngươi mượn tiếng phò Lê đánh Trịnh. Ngươi không rõ bụng hắn vội nghe lời hắn kháng lệnh ta kéo quân ra Bắc. Nay ta lệnh cho ngươi lập tức kéo quân về. Có thất tín là thất tín với vua Lê và dân xứ Bắc chứ có thất tín với dân nước ta đâu mà ngại. Vả lại, ta hứa với vua Lê rằng sẽ để Hữu Chỉnh ở lại Bắc Hà giúp vua Lê thì ta vẫn để Hữu Chỉnh lại đấy thôi. Sao bảo rằng ta thất tín?
Nguyễn Huệ biết anh đã quả quyết thế, không dám van nài bèn hỏi:
- Em vẫn biết Chỉnh muốn mượn quân Tây Sơn ta làm bá vương nơi cõi Bắc. Nhưng em kéo binh ra đây là diệt Trịnh cứu dân không phải vì chẳng hiểu bụng Chỉnh. Chính vì vậy nên em định để tướng của ta ở lại Bắc Hà giúp vua Lê, chứ không phải là Hữu Chỉnh. Đã biết bụng Chỉnh sao Hoàng huynh còn cho hắn mượn binh ở lại Bắc Hà?
Vua Thái Đức đáp:
- Lệnh rút quân không được để lộ cho Hữu Chỉnh biết. Ta nào cho hắn mượn binh. Người Thăng Long oán Chỉnh đến xương tủy. Ta chỉ muốn để hắn lại một mình không quân, không tướng mượn tay người Bắc Hà giết hắn mà thôi!
Nguyễn Huệ hỏi:
- Vậy là Hoàng huynh không cho người ở lại giúp vua Lê?
Vua Thái Đức nghiêm mặt bảo:
- Ý ta đã quyết em chớ nhiều lời!
Nguyễn Huệ không dám cãi lời, lặng lẽ lui ra. Vua Thái Đức lại sai quân gọi Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh đến, vua cười nói:
- Ngọc Hân công chúa thật là xinh đẹp. Nguyễn Huệ mới ra đã được ngươi làm mối cho một cô vợ đẹp đến thế. Nay ta đã đến đây ngươi có thể làm mối cho ta được chăng?
Hữu Chỉnh thấy vua Thái Đức vui vẻ, mạnh dạn thưa rằng:
- Nếu bệ hạ không chê gái Bắc Hà thì thần sao dám tiếc công làm mối.
Vua Thái Đức vờ mừng rỡ bảo:
- Vậy ngày nay ngươi phải ở lại đây với trẫm tâm sự hàn huyên. Ngày mai ngươi phải khéo tìm cho ta một cô vợ nhé.
Nói rồi sai quân bày yến tiệc cùng Nguyễn Hữu Chỉnh chén tạc chén thù. Nguyễn Hữu Chỉnh ngỡ vua lấy lòng mình để nhờ mình tìm vợ nên chẳng nghi ngờ gì cả, cứ thật lòng ăn uống no say. Đến nửa đêm Nguyễn Hữu Chỉnh đã ngà ngà say. Vua Thái Đức nói:
- Trẫm sẽ sai người đưa ngươi về đến tận bản doanh, ngươi muốn ở lại Bắc Hà, trẫm sẽ cho ngươi được toại nguyện. Nhưng nhớ rằng ngày mai hãy tìm cho trẫm một cô vợ đấy nhé.
Nguyễn Hữu Chỉnh mừng rỡ lạy tạ ơn rồi cáo biệt ra về. Đến nhà, Nguyễn Hữu Chỉnh nói với thủ hạ là Nguyễn Viết Tuyển rằng:
- Nguyễn Huệ phen này phải theo vua Thái Đức về Quy Nhơn thọ tội kháng lệnh. Vua Thái Đức sẽ cho ta cầm binh ở lại định yên cõi Bắc, chí của ta phen này đã thành. Nguyễn Huệ bị tước quyền rồi hỏi trong thiên hạ còn ai anh hùng hơn ta được. Khi ở Phú Xuân ta xui Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc ấy là kế “nhất tiễn diệt song điêu” của ta đấy.
Nói rồi thích thú trong lòng nằm lăn ra mà ngủ.
Mấy tên quân đưa Hữu Chỉnh về rồi quay lại báo cùng vua Thái Đức:
- Nguyễn Hữu Chỉnh về đến nhà liền ngủ say không hay biết gì cả.
Vua Thái Đức bảo:
- Truyền lệnh ta lập tức rút quân về nước.
Nửa đêm hôm ấy quân Tây Sơn theo hai đường thủy bộ lặng lẽ rút binh. Mờ sáng hôm sau Nguyễn Hữu Chỉnh còn đang mơ màng với giấc mộng bá vương, bỗng có người lay mình dậy và gọi lớn:
- Tướng quân dậy mau! Tướng quân dậy mau!
Chỉnh giật mình thức giấc, thấy người gọi mình là Nguyễn Viết Tuyển,bèn hỏi:
- Việc gì mà ngươi hốt hoảng thế?
Nguyễn Viết Tuyển lo lắng thầm thì:
- Quân Tây Sơn đã rút toàn quân về nước mất rồi.
Chỉnh giật mình, nhưng cố trấn tĩnh Tuyển rằng:
- Làm gì có việc ấy! Ta vừa cùng vua Thái Đức uống rượu đến nửa đêm có nghe động tĩnh gì đâu?
Nguyễn Viết Tuyển thưa:
- Dân chúng trong thành đều truyền miệng nhau như vậy, ngoài kia đang náo động cả lên. Hạ chức vừa cho mấy tên quân do thám đến trại quân Tây Sơn xem thế nào, chắc gần về tới.
Tuyển vừa dứt lời mấy tên quân do thám chạy vào báo rằng:
- Thưa tướng quân, người ngựa thuyền bè của quân Tây Sơn không còn một ai cả.
Lần này Hữu Chỉnh thất kinh than:
- Nguyễn Nhạc lừa ta! Nguyễn Nhạc lừa ta! Hắn bỏ ta ở lại Bắc Hà không quân, không tướng để mượn tay người Bắc Hà giết ta đây mà!
Vừa than dứt lời đã nghe ngoài cổng tiếng người giục nhau rằng:
- Quân Tây Sơn đã đi rồi, ta mau giết Hữu Chỉnh đi để làm gương cho những kẻ dẫn giặc về phá nhà.
Hữu Chỉnh liền cùng Viết Tuyển và mấy tên quân đem gia quyến đi ngõ sau trốn ra phía bờ sông. Đến bến sông Nguyễn Viết Tuyển cướp được một chiếc thuyền lớn bèn đưa gia quyến xuống thuyền. Vừa lúc ấy có vài mươi người cầm vũ khí đuổi đến nơi, bị Nguyễn Hữu Chỉnh đứng trên bờ vung gươm giết sạch. Lên thuyền rồi Chỉnh sai quân giong buồm ra cửa bể. Nguyễn Viết Tuyển hỏi:
- Giờ tướng quân định đi đâu?
Chỉnh đáp:
- Đi theo quân Tây Sơn chứ còn đi đâu nữa.
Tuyển lấy làm lạ hỏi:
- Nguyễn Nhạc định mượn tay người Bắc Hà giết ta. Nay ta lại theo Nhạc, chắc gì Nhạc đã dung?
Chỉnh thở dài một tiếng rồi trả lời Tuyển bằng câu hỏi:
- Nếu Nhạc đan tâm giết ta cần gì phải mượn tay người? Vả lại không theo Nhạc còn biết phải đi đâu?
Nói rồi truyền quân cứ cho thuyền thẳng hướng nam mà chạy theo thủy quân Tây Sơn.
* * *
Về phần vua Lê Chiêu Thống nghe quân báo rằng quân Tây Sơn đã rút cả về Nam, thất kinh nói:
- Nguyễn Nhạc thật là xảo ngôn thất tín! Hắn vừa hứa với ta sẽ cho tướng ở lại trợ giúp ta. Nay lặng lẽ bỏ đi, lại lấy hết cả vàng bạc châu báu trong kho chúa Trịnh. Giờ trong nước trống rỗng ngộ nhỡ sinh ra biến loạn thì lấy gì mà trị?
Trần Công Xán bàn rằng:
- Trước tiên đế chưa băng hà, tôi đã biết rằng quân Tây Sơn mượn tiếng tôn phò để mưu đồ tư lợi. Hạng người ấy còn kể gì đến tín nghĩa. Ấy bởi do ta cả tin mà thôi. Việc đã lỡ trách họ cũng chẳng ích gì. Nay bệ hạ nên hạ chiếu cần vương đem đi các trấn triệu các tướng về bảo vệ kinh thành đề phòng sinh biến loạn.
Vua Chiêu Thống khen phải bèn y theo kế của Trần Công Xán mà làm. Quan các trấn nhận được chiếu cần vương của vua Chiêu Thống bèn vin vào cớ ấy chiêu binh mãi mã, mỗi người hùng cứ một phương đánh giết lẫn nhau. Quân lính lại được dịp kết bè lập đảng cướp bóc của dân. Than ôi! Trăm họ thêm lầm than, sinh linh càng điêu đứng! Nhân dân Bắc Hà vì lẽ ấy lại đâm oán Tây Sơn. Họ truyền với nhau rằng:
- Ở dưới ách chúa Trịnh đành rằng là sưu cao thuế nặng, nhưng vẫn còn chút pháp luật kỷ cương. Quân Tây Sơn mượn tiếng phò Lê, diệt Trịnh rồi lấy của cải kéo binh về để nước ta loạn lạc là do anh em Nhạc, Huệ vậy!
* * *
Nhắc lại anh em vua Thái Đức và Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ theo đường bộ vào đến Nghệ An trời vừa sẩm tối. Vua liền truyền lệnh nghỉ đêm nơi thành Nghệ An, lại nghe quân vào báo:
- Tâu bệ hạ, Nguyễn Hữu Chỉnh đem gia quyến theo ta xin được vào ra mắt.
Vua Thái Đức giật mình nói:
- Khá khen Hữu Chỉnh quyền biến. Ta bỏ hắn cho người Bắc Hà giết hắn, vậy mà hắn lại thoát chết chạy theo ta. Hữu Chỉnh tuy là người giảo quyệt nhưng chưa từng ra mặt phản ta, nay vô cớ giết đi thì không nỡ. Vậy theo Huệ phải làm thế nào?
Nguyễn Huệ nhíu mày suy nghĩ giây lâu rồi đáp:
- Chỉnh vì bất đắc dĩ mới ở dưới trướng của ta. Nguyễn Duy vừa theo hàng ta. Hai người này trước sau gì mà chẳng phản ta. Nay Hoàng huynh nên lựa chừng một ngàn quân vừa mới tuyển được ở Bắc Hà cấp cho Hữu Chỉnh, Nguyễn Duy ở lại trấn thủ đất Nghệ An. Nếu họ không phản thì ta có được đất Nghệ An. Nếu họ phản thì ta cũng chẳng mất gì vì Nghệ An là đất của nhà Lê.
Vua Thái Đức hỏi:
- Lời em rất phải. Nhưng em một dạ phò Lê nay lại lấy đất của nhà Lê là thế nào?
Huệ cười đáp:
- Em phò Lê không phải vì nhà Lê, mà vì dân đó, tâu Hoàng huynh.
Vua Thái Đức lại bảo:
- Vậy em hãy thay ta mà nói chuyện cùng Hữu Chỉnh. Ta không muốn gặp mặt Chỉnh!
Nguyễn Huệ vâng lời bái tạ đi ra ngoài. Gặp Nguyễn Hữu Chỉnh, Huệ thở dài não nuột nói:
- Phen này ông đã hại ta rồi! Đã hại ta rồi!
Chưa biết số phận mình sẽ ra sao, lại nghe Huệ than thở thế, Chỉnh lo âu hỏi:
- Tôi với tướng quân là chỗ thâm giao, nhưng hoàng thượng bắt tội tôi xui tướng quân ra Bắc, có phải hoàng thượng định hại tôi rồi liên lụy đến tướng quân chăng?
Nguyễn Huệ làm ra vẻ ảo não đáp:
- Lúc ở Phú Xuân tôi đã sợ tội kháng mệnh không dám đem quân Bắc tiến, chỉ do ông vì muốn về Bắc Hà mới xui đánh ra Thăng Long. Giờ quả nhiên là thực. Hoàng huynh tôi bất ngờ ra Bắc đem tôi về trị tội kháng lệnh. Hoàng huynh tôi lại không cử tướng ở lại giúp vua Lê khiến cho tôi phải thất tín với thiên hạ. Còn ông vì tội khuyên tôi đi đánh Bắc Hà nên Hoàng huynh tôi mới để ông ở lại nơi cõi Bắc mà không muốn cho theo.
Nguyễn Hữu Chỉnh cười buồn nói:
- Tướng quân bảo tôi vì muốn về Bắc mới xui tướng quân đem binh ra Bắc Hà; nếu đã biết bụng của Chỉnh này sao tướng quân còn làm theo? Tướng quân đem binh ra Bắc là có dụng ý riêng, chứ Chỉnh này sao có thể xúi giục được tướng quân. Nay hoàng thượng bỏ về Nam, không cử tướng giúp vua Lê khiến Bắc Hà loạn lạc. Lòng người xứ Bắc lại đổ tội cho tôi rước gấu về phá tổ ong! Nếu Hoàng thượng không cho theo mà để tôi ở lại xứ Bắc không quân không tướng thì tôi chỉ có chết mà thôi. Tướng quân có cách gì cứu tôi chăng?
Nguyễn Huệ không đáp mà hỏi lại Chỉnh rằng:
- Tôi nghĩ rằng đã đến lúc tôi và ông nên thẳng thắn với nhau. Ông có biết vì sao tôi đem quân ra đánh Bắc Hà không?
Chỉnh đáp ngay:
- Chí của tướng quân là thống nhất giang san.
Huệ cười bảo:
- Khá khen ông biết chí của tôi.Vậy ông có nghĩ rằng tôi cũng biết chí của ông chăng?
Chỉnh vẫn đáp không hề do dự:
- Tôi hiểu tướng quân thừa biết chí của tôi!
Huệ cười bảo:
- Tôi cố van nài Hoàng huynh tôi đã bằng lòng cấp cho ông một ngàn quân mã ở lại trấn thủ Nghệ An. Ý ông thế nào?
Chỉnh dè dặt hỏi:
- Tôi chỉ mong rằng tướng quân xin vua cho tôi được dung thân, trong lúc người Bắc Hà muốn giết tôi mà thôi, rồi sau đó sẽ liệu bề tiến thủ. Đã biết chí tôi là muốn xưng hùng đất Bắc, sao tướng quân còn cấp binh mã cho tôi trấn thủ Nghệ An?
Huệ trầm ngâm đáp:
- Sau khi tôi bỏ vua Lê mà đi, Bắc Hà tất loạn. Nhân tài xứ Bắc chỉ mỗi mình ông. Tôi vì bất đắc dĩ mới xin Hoàng huynh cấp binh cho ông trấn thủ Nghệ An. Bởi chẳng bao lâu sau Bắc Hà ắt loạn, vua Lê chiêu Thống sẽ gọi ông đem quân về cứu giá. Khi ấy tất ông sẽ được toại chí. Nhưng nếu bạc đãi vua Lê bức bách hoàng gia, thì tôi sẽ đem quân Tây Sơn ra Bắc lần nữa để trừ ông đó!
Hữu Chỉnh cả mừng đáp:
- Được vậy thì còn gì bằng. Ấy là nhờ ơn tái tạo của tướng quân. Chỉnh tôi xin tạc dạ ghi lòng. Chỉnh tôi muốn xưng hùng đất Bắc cũng chỉ vì muốn bình yên đất nước mà thôi. Xin tướng quân chớ nghi ngờ.
Nguyễn Huệ cười bảo:
- Biết lòng thành của ông, tôi còn xin cho tướng theo giúp việc cho ông. Ông mà biết được còn vui mừng nhiều đấy.
Hữu Chỉnh lo Nguyễn Huệ cho tướng theo giám sát mình, dè dặt hỏi:
- Tướng ấy là ai?
Nguyễn Huệ đáp:
- Là huynh đệ đồng môn với ông, Nguyễn Duy tướng quân đó!
Nguyễn Hữu Chỉnh vờ khen Nguyễn Huệ rằng:
- Tướng quân thật sáng suốt. Nguyễn Duy trước cũng là tướng Trịnh. Nay tướng quân để anh em tôi trấn đất Nghệ An thì mặt Bắc Hà không phải lo gì nữa. Tạ ơn tướng quân đã thương tình giúp đỡ.
Huệ cười bảo:
- Ta nhắc lại, ta vì vua Lê và trăm họ ở Bắc Hà nên mới phải làm như thế. Ông không cần phải tạ ơn. Nhưng nếu bạc đãi vua Lê, bức bách hoàng gia, ta sẽ đem quân ra Bắc lần nữa để trừ ông đó.
Huệ đi rồi, Chỉnh sung sướng nói lớn cùng Nguyễn Viết Tuyển rằng:
- Lần này nhất định Nhạc sẽ đem Huệ về Quy Nhơn thọ tội kháng mệnh. Nhạc chỉ có chỉ có chí làm vua cõi Đàng Trong thì Huệ sao có thể đem quân ra Bắc được nữa kia chứ?
Sáng sớm hôm sau vua Thái Đức lại truyền quân lên đường về nam. Nguyễn Hữu Chỉnh và Nguyễn Duy ra cổng nam thành Nghệ An đưa tiễn. Đi được một đoạn, Nguyễn Huỳnh Đức giục ngựa theo xe vua tâu:
- Tâu bệ hạ, đành rằng Nguyễn Hữu Chỉnh chưa ra mặt phản ta, nhưng Chỉnh là người xảo trá không thể tin được. Nay cấp quân cho hắn ở lại Nghệ An khác nào thả hổ về rừng.
Vua Thái Đức nói:
- Ta vẫn biết thế nhưng người ta chưa phản giết đi thì không nỡ. Vả lại đất Nghệ An là của Lê Trịnh; Chỉnh có phản ta, ta cũng chẳng mất gì.
Huỳnh Đức lại thưa:
- Tôi đội ơn tha mạng của bệ hạ chưa lập được công gì trả đặng. Xin bệ hạ cho tôi ở lại trấn Nghệ An cùng Nguyễn Hữu Chỉnh và Nguyễn Duy để thăm dò động tĩnh và có cách kiềm chế họ.
Vua Thái Đức khen phải rồi bảo Nguyễn Huệ đưa Nguyễn Huỳnh Đức quay lại cùng Nguyễn Hữu Chỉnh. Dọc đường Nguyễn Huệ bảo Huỳnh Đức:
- Hoàng huynh ta để Huỳnh Đức ở lại trấn Nghệ An cùng Nguyễn Hữu Chỉnh mới là thả hổ về rừng đó.
Huỳnh Đức giật mình hỏi:
- Long Nhương nói vậy là ý thế nào?
Huệ cười đáp:
- Đức gạt Hoàng huynh ta, chứ gạt ta sao được. Phen này ngươi đã bỏ ta mà đi rồi đó.
Nguyễn Huỳnh Đức ngồi trên ngựa vái Nguyễn Huệ rồi nói:
- Ngày trước tôi bằng lòng hàng tướng quân là có điều giao ước. Nay tôi nghe chúa tôi đang ẩn náu tại Tiêm La Quốc, nên xin ở lại trấn thủ Nghệ An để tìm đường theo chúa. Xin Long Nhương chớ quên lời giao ước năm xưa.
Huệ cười bảo:
- Người quân tử nói phải giữ lời, ta quên sao được. Nhưng vì đâu ngươi không xin ta thả cho ngươi đi mà kiếm cớ ở lại Nghệ An?
Nguyễn Huỳnh Đức không nói cười lớn lên mấy hồi. Nguyễn Huệ hỏi:
- Huỳnh Đức cười gì mãi thế?
Bấy giờ Nguyễn Huỳnh Đức mới đáp:
- Nếu tôi theo Long Nhương về Quy Nhơn, vua Thái Đức bắt tội kháng lệnh của Long Nhương rồi vậy còn ai có thể thả cho tôi theo chúa được? Phen này Long Nhương không bị tội chết cũng bị tước mất binh quyền thì còn ai là đối thủ của Nguyễn Vương? Tôi cười là do thế.
Nghe Huỳnh Đức nói xong, Nguyễn Huệ cũng ngửa mặt lên trời cười lớn mấy hồi. Đức ngạc nhiên hỏi:
- Tôi nói không đúng sao mà Long Nhương cười mãi thế?
Nguyễn Huệ nín cười đáp:
- Tuy không có ta, nhưng ngươi quên mất một người là đối thủ của Nguyễn Phúc Ánh!
Đức hỏi:
- Người ấy là ai?
Huệ đáp:
- Người này đang trấn thủ đất Gia Định, ngày trước đã bắt sống ngươi tại cửa Hàm Luông. Ấy chính là Thiết thủ đại đô đốc Đặng Văn Long.
Nguyễn Huệ nói xong cũng vừa đến nơi. Huệ bèn giao Huỳnh Đức cho Nguyễn Hữu Chỉnh, rồi quay ngựa chạy theo vua Thái Đức.
Khi đại binh Tây Sơn về đến Động Hải (Đồng Hới, Quảng Bình ngày nay), vua Thái Đức gọi Vũ Văn Nhậm đến bảo:
- Nay ta cho con năm ngàn binh mã trấn thủ Động Hải và lũy Trường Dục. Nếu Nguyễn Hữu Chỉnh phản ta thì con hãy dùng sông Linh Giang làm ranh giới chia đôi thiên hạ với nhà Lê, và làm thế môi răng cùng Nguyễn Lữ ở Phú Xuân. Khi chưa có lệnh không được đem quân ra khỏi sông Linh Giang. Con nên cố gắng chớ phụ lòng ta.
Vũ Văn Nhậm hỏi:
- Con ở tiền biên trấn thủ Động Hải, Trường Dục. Tiết Chế hoàng thúc trấn thủ thành Phú Xuân. Vậy còn Long Nhương hoàng thúc thì thế nào?
Vua Thái Đức đáp:
- Ta phải đem Nguyễn Huệ về Quy Nhơn thọ tội kháng mệnh.
Nói rồi vua Thái Đức đem đại binh về Phú Xuân. Vũ Văn Nhậm trấn thủ Động Hải vui mừng nghĩ thầm rằng:
- Trong các tướng, tài của ta chỉ kém Long Nhương hoàng thúc. Nay Long Nhương theo phụ hoàng về Quy Nhơn thọ tội, để Tiết Chế hoàng thúc trấn thủ Phú Xuân. Tiết Chế là người thật thà nhu nhược vậy binh quyền ở đất Thuận Hóa này không về tay ta thì còn ai vào đây nữa.
* * *
Quân Tây Sơn về đến Phú Xuân thì trời vừa sập tối. Vua Thái Đức truyền quân nghĩ đêm tại thành Phú Xuân. Đêm ấy Nguyễn Huệ đi đi lại lại trong phòng hết ngồi rồi đứng không sao ngủ được. Trần Văn Kỷ hỏi:
- Nguyễn Hữu Chỉnh nuôi mộng bá vương. Nguyễn Duy là người phản phúc. Nguyễn Duy trước bỏ Nguyễn hàng Trịnh, sau bỏ Trịnh hàng ta đều do Nguyễn Hữu Chỉnh lấy tình huynh đệ đồng sư môn mà thuyết cả. Nay Long Nhương lại cấp quân cho họ trấn đất Nghệ An khác nào xúi họ làm phản ta sao?
Nguyễn Huệ đáp:
- Nhà Lê đã đến hồi mạc vận, không người tài giữ lấy kỷ cương. Tướng lĩnh Bắc Hà ai cũng muốn mượn tiếng phò Lê, mưu đồ danh lợi. Ta rút binh về, Bắc Hà ắt loạn. Vậy nên tôi mới xin Hoàng huynh cho Hữu Chỉnh trấn đất Nghệ An được gần Thăng Long. Sớm muộn gì vua Chiêu Thống lại chẳng mật chiếu với Hữu Chỉnh về kinh giúp vua. Nhân tài Bắc Hà chỉ có Hữu Chỉnh là trội hơn cả, Chỉnh nắm quyền phò vua, may ra có thể tạm yên phần nào đất Bắc, trong khi ta còn bận đối phó với Hoàng huynh ở mặt nam.
Trần Văn Kỷ e dè hỏi:
- Long Nhương nói vậy nghĩa là…
Huệ tiếp lời:
- Vì muôn dân đại nghĩa ta không thể nào theo Hoàng huynh về Quy Nhơn thọ tội. Tánh Hoàng huynh ta đã biết, rất thương kẻ cùng đường nhưng không muốn ai hơn mình. Khi ta lần thứ hai kháng mệnh ai dám chắc rằng Hoàng huynh không dấy động can qua?
Sáng hôm sau Nguyễn Huệ dẫn các tướng đến gặp vua Thái Đức. Huệ tâu:
- Thưa Hoàng huynh, đất Thuận Hóa chưa yên lòng dân còn ly tán, xin Hoàng huynh cho em ở lại trấn thủ Phú Xuân, Thuận Hóa lập lại kỷ cương…
Huệ chưa dứt lời, vua Thái Đức vỗ án quát:
- Nguyễn Huệ to gan! Tội khi quân kháng lệnh của ngươi, ta không giết thì thôi. Ta lệnh cho ngươi về Quy Nhơn thọ tội, ngươi lại xin ở lại Phú Xuân là ý thế nào?
Nguyễn Huệ khóc nói:
- Xin Hoàng huynh bớt giận mà bỏ lỗi cho, lần này em không thể nghe lệnh Hoàng huynh!
Vua Thái Đức hét lớn rằng:
- Quân bay mau bắt Nguyễn Huệ lại cho ta!
Nguyễn Huệ khóc lớn nói:
- Hoàng huynh nghĩ rằng lệnh của Hoàng huynh có thể bắt được em sao?
Lúc bấy giờ các tướng Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Tuyết, Võ Đình Tú, Vũ Văn Dũng, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân đều là tay chân của Nguyễn Huệ cả. Bọn họ đều lặng lẽ cúi đầu. Vua Thái Đức biết các tướng nghe lời Nguyễn Huệ mà không nghe lệnh mình nhưng cũng gắng nạt thị oai:
- Các ngươi không nghe lệnh của ta ư? Muốn làm phản hay sao?
Các tướng vẫn lặng thinh. Nguyễn Lữ bước ra khóc hỏi:
- Long Nhương huynh vì Hoàng huynh và nhà Tây Sơn đánh nam dẹp bắc có tội gì mà Hoàng huynh bắt tội?
Rồi quay sang Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ thật thà khóc hỏi:
- Xưa nay Hoàng huynh chỉ lấy đạo nhà mà dạy, có bao giờ dùng phép nước trị tội anh đâu? Sao anh không theo Hoàng huynh về Quy Nhơn thọ tội? Để nên cảnh huynh đệ bất hoà như thế này?
Bỗng Nguyễn Văn Tuyết bước ra hỏi lớn:
- Xin hỏi bệ hạ, Long Nhương tướng quân có tội gì?... Kể từ khi Tây Sơn thượng dấy binh đến nay ai đã vì bệ hạ ra Bắc vào Nam dựng nên nghiệp lớn? Đánh thành Qui Nhơn xong bệ hạ lại mượn lời di huấn của phụ thân không để Long Nhương xông pha nơi hiểm nghèo mà chẳng cho cầm quân Bắc tiến! Vậy tại sao gặp quân Tôn Thất Hương kéo binh ba vạn vào sông Lại Dương Giang bệ ha lại gọi Long Nhương đem quân làm tiên phong đánh giặc mà quên lời di huấn của phụ thân? Rồi ai đã đánh tan hai vạn quân Tống Phước Hiệp ở Phú Yên cứu Tây Sơn ta thoát khỏi thế lưỡng đầu thọ địch của hai nhà Trịnh Nguyễn? Lại không phải vào chốn hiểm nghèo hay sao? Kế đến Long Nhương khuyên bệ hạ vào Gia Định đánh Nguyễn Phúc Thuần, bệ hạ hẹn lần hẹn lữa chẳng chịu xuất quân để khi Long Nhương phải giả du xuân ngã ngựa bệ hạ liền sai Nguyễn Lữ đem binh Nam tiến. Ấy chẳng phải là bệ hạ đố tài kiềm chế Long Nhương sao? Hỏi vì đâu khi vào Gia Định tiêu diệt năm vạn quân Tiêm La hùm cọp, Long Nhương vội vã kéo quân về để cho anh khỏi sinh lòng ngờ vực. Nay ra Bắc Hà cũng một lòng vì dân vì nước, công không kể thì thôi, xin hỏi bệ hạ Long Nhương tướng quân có tội gì mà phải bắt?
Nguyễn Văn Tuyết nói một hơi, vua Thái Đức không biết trả lời thế nào, bèn vỗ án quát:
- Nguyễn Văn Tuyết! Ngày ngươi thích khách chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát không thành cướp ngựa Xích kỳ mà trốn, ai đã cứu ngươi thoát chết khỏi tay giặc dữ? Nay ngươi đủ lông đủ cánh lại hùa theo Nguyễn Huệ mà phản ta sao?
Nguyễn Văn Tuyết khẳng khái đáp:
- Ơn bệ hạ cứu mạng Tuyết tôi sao dám quên. Nhưng ơn ấy là tình riêng, việc quốc dân là nghĩa chung, thần không thể vì tình riêng mà bỏ nghĩa chung được. Hẹn khi nào non nước bình yên thần sẽ đem mạng mình về Quy Nhơn trả cho bệ hạ.
Vua Thái Đức đưa mắt nhìn các tướng rồi chậm rãi nói:
- Vậy là các ngươi đều một lòng ở lại đất Thuận Hóa phò Nguyễn Huệ phản lại ta. Nguyễn Lữ! Mau theo ta về Quy Nhơn.
Nói xong vua Thái Đức liền bước ra ngoài chính điện đem hai ngàn quân cận vệ thẳng đường về nam. Nguyễn Lữ vừa khóc vừa bái biệt Nguyễn Huệ và các tướng rồi lên ngựa chạy theo vua Thái Đức. Nguyễn Huệ nhìn theo anh và em mỗi lúc một xa, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Các tướng đều cúi đầu ứa lệ.
(Hết chương 39)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét